Vẻ đẹp hung bạo và trữ tình của sông Đà (Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân)

Ngày 30/05/2023 10:05:08, lượt xem: 16368

Đề bài: Trong tác phẩm “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân xây dựng lên hai mặt đối lập thú vị cho Đà giang:

(1) Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền.

(2) Thuyền tôi trôi trên Sông Đà. Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi. Thuyền tôi trôi qua một nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa. Mà tinh không một bóng người. Cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp. Một đàn hươu cúi đầu ngốn búp cỏ gianh đẫm sương đêm. Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa. Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu. Con hươu thơ ngộ ngẩng đầu nhung khỏi áng cỏ sương, chăm chăm nhìn tôi không chớp mắt lừ lừ trôi trên một mũi đò. Hưu vểnh tai, nhìn tôi không chớp mắt mà như hỏi tôi bằng các tiếng nói riêng của con vật lành: “Hỡi ông khách Sông Đà, có phải ông cũng vừa nghe thấy một tiếng còi sương?

Phân tích vẻ đẹp hung bạo và trữ tình của sông Đà trong hai đoạn trích trên. Từ đó nhận xét về cách Nguyễn Tuân xây dựng lên vẻ đẹp độc đáo của sông Đà.

 



Bài làm tham khảo Vẻ đẹp hung bạo và trữ tình của sông Đà:
 

Tôi vốn tự thấy mình là người lạ lùng trong thưởng thức văn học. Tôi yêu những cái nhè nhẹ như làn gió vương vấn vào tâm hồn. Tôi cứ nhớ mãi những câu văn của Thạch Lam: “Chiều. Chiều rồi. Một chiều êm ả như ru, văng vẳng tiếng ếch nhái kêu ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào.” Mối tình đầu của tôi với văn chương êm dịu là thế cho đến khi tôi gặp Nguyễn Tuân - một tác giả cá tính. Trong trang viết của mình, ông làm con sông Đà sống dậy, “làm mình làm mẩy” trên từng dòng miêu tả nhưng cũng rất đỗi tình. Vẻ đẹp hung bạo và trữ tình của Đà giang từ trang tùy bút “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân, nhất là hai đoạn: “Còn xa lắm…vồ lấy thuyền” và “Thuyền tôi trôi trên Sông Đà…một tiếng còi sương?” đã cho tâm hồn tôi thêm một nơi neo đậu trên hành trình kiếm tìm những miền đất văn học mới, cho bạn đọc thấy rõ cách Nguyễn Tuân xây dựng lên vẻ đẹp độc đáo của sông Đà.


Có lẽ để nhắc đến một tác giả có nhiều “danh hiệu” về chữ nghĩa nhất trong làng văn xuôi hiện đại thì không thể không kể đến Nguyễn Tuân. Ông là bậc thầy ngôn từ, phù thuỷ con chữ, "chuyện viên cao cấp tiếng Việt”, "người thợ kim hoàn của chữ" (Ý của Tố Hữu). Với chất “ngông” và niềm đam mê khám phá, Nguyễn Tuân tự tạo cho mình một phong cách nghệ thuật đậm đặc sự uyên bác, tài hoa, không quản nhọc nhằn để cố gắng khai thác kho cảm giác và liên tưởng phong phủ, bộn bé, nhằm tìm cho ra những chủ nghĩa xác đáng nhất, có khả năng làm lay động người đọc nhiều nhất. “Người lái đò sông Đà” là bài tuỳ bút được in trong tập Sông Đà (1960) của Nguyễn Tuân. “Sông Đà” vốn là thành quả nghệ thuật đẹp để mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ và hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi, không chỉ để thoả mãn cái thú tìm đến những miền đất lạ cho thỏa niềm khát khao “xê dịch”, mà chủ yếu để tìm kiếm chất vàng của thiên nhiên cùng “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở tâm hồn của những con người lao động và chiến đấu trên miền núi sông hùng vĩ và thơ mộng đó. Vì thế, Sông Đà nói chung và bài tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà” nói riêng cho ta nhận ra diện mạo của một nhà văn Nguyễn Tuân mới mẻ, khát khao được hoà nhịp với đất nước và cuộc đời này, không giống với Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám, con người chỉ muốn xê dịch cho khuây cảm giác “thiếu quê hương".


Nguyễn Tuân luôn quan niệm trong hành trình đi và viết của mình đó là phải biết khám phá cái đẹp bằng “con mắt xanh” và “tấm lòng vàng”. Văn học nghệ thuật có nhiệm vụ hướng dẫn con người trên con đường khám phá cái đẹp. Nhà văn và nghệ sĩ là người khám phá và sáng tạo cái đẹp trong tác phẩm của mình và người nghệ sĩ ấy đã trở thành người đã thực hiện một cách xuất sắc và độc đáo thiên chức này. Con sông này được tái hiện trong những trang viết của Nguyễn Tuân đã không còn là một sinh thể vô tri, nó có khai sinh ở huyện Cảnh Đông tình Vân Nam của Trung Quốc, khi đi qua một vùng núi ác xin nhập quốc tịch Việt Nam, trưởng thành mãi đến ngã ba Trung Hà thì chan hoà vào dòng sông Hồng. Sông Đà đặc biệt nhất là ở chỗ, nếu như mọi dòng sông đều chảy theo hướng Đông thì duy chỉ có con sông này chảy theo hướng Bắc. Điều độc đáo ấy quả rất phù hợp với sự độc đáo nơ Nguyễn Tuân. Hành trình Nguyễn Tuân tìm đến với sông Đà chính là hành trình của “độc đáo tìm độc đáo”. Qua những lời văn của Nguyễn Tuân, ban đầu ta được chiêm ngưỡng con sông Đà hùng vĩ, hung bạo và nham hiểm: “Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên”. Khoảng cách “xa lắm” gợi cho người đọc tưởng tượng đến độ vang của âm thanh thác nước được khuếch đại khắp núi rừng. Cách viết điệp tăng dần cấp độ “réo gần mãi lại réo to mãi lên” càng tô đậm sức mạnh âm thanh ghê gớm tác động vào người cảm nhận. Không chỉ dùng lại ở sự hung, dòng sông Đà bây giờ hiện lên như một con thuỷ quái. Tiếng thác nước là tiếng gầm dữ tợn, hiểm ác. Với nghệ thuật so sánh, nhân hóa tài ba cùng những liên tưởng “rất đắt”, Nguyễn Tuân đã cho thấy một cảnh tượng thác nước hùng vĩ, nguy hiểm tận độ. Tiếng thác nước được miêu tả nghe vừa ghê sợ, vừa hùng tráng: “Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo”. Các động từ đặc biệt thể hiện hành động như “oán trách”, “ van xin”, “khiêu khích”, “chế nhạo” được Nguyễn Tuân sử dụng liên tục, khắc hoạ sinh động hình tượng sông Đà. Con sông có tính cách, âm thanh ấy như sự hứa hẹn về một trận cuồng phong phía trước.

 

ĐỌC THÊM PHÂN TÍCH CẢNH VƯỢT THÁC TRONG "NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ" (NGUYỄN TUÂN)


Nếu ở những quãng sông trước, sông Đà dữ dội theo bản năng thì đến thác nước, con thuỷ quái đã lộ rõ bộ mặt tàn ác của nó. Trong các tứ thơ cổ, các thi sĩ thường lấy động tả tĩnh, lấy nhỏ gợi lớn nhưng với văn xuôi hiện đại Việt Nam, có lẽ đây là lần đầu tiên trong có người lại dùng lửa để miêu tả nước: “Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. Nước và lửa đều là hai nguyên tố có sức hủy diệt rất lớn. Chúng luôn tương khắc với nhau, có nước thì không có lửa, ngược lại, có lửa thì không có nước. Vậy mà Nguyễn Tuân đã làm được điều không tưởng. Tiếng thác được đẩy đến cực độ với sự so sánh liên tưởng với tiếng của cả một rừng vầu, tre nứa hàng ngàn cây đang bị đốt cháy và phát ra tiếng nổ. Nhưng chưa hết, trong khu rừng vầu, rừng tre đang cháy ấy lại được thả vào đó hàng ngàn con trâu mộng to khỏe, nên khi da của chúng bị đốt cháy và nóng thì chúng sẽ lồng lộn mà phá tan rồi tìm đường thoát thân. Khi chạy nó va đập mạnh vào những cây tre, cây nứa tạo nên những tiếng nổ lớn, liên hoàn như âm thanh vang la não bạt, kinh thiên động địa. Sự phong phú nối tiếp liên hoàn của ngôn từ tạo ra chuổi âm thanh giả tưởng chân thực trong cảm nhận, tác động mạnh mẽ lên hệ thần kinh của người đọc. Thác nước sông Đà được Nguyễn Tuân miêu tả không khác gì âm thanh của một trận động rừng, động đất hay nạn núi lửa thời tiền sử. Lấy lửa để tả nước, lấy rừng để tả sông. Nguyễn Tuân quả là đã chơi “ngông” lắm trong nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Hình ảnh của Nguyễn người đọc để mang đến cảm giác chân thực và sống động nhất.


Con thuỷ quái đâu chỉ dừng ở việc khiêu khích người lái đò bằng tiếng gầm của thác. Con sông Đà ấy lắm mưu, nhiều kế hơn thế. Nó hiện lên như kẻ thù số một của con người. Khi thác đá hiện ra, sau câu văn ngắn như một tiếng reo ngỡ ngàng, thích thú: “Tới cái thác rồi”, nhà văn đã đồng thời tả cả đá, cả nước với “sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá”. Tính từ “trắng xóa” lặp lại nhiều lần gây ấn tượng về sóng, về gió, về bọt nước trào sôi dữ dội, lại gợi tả làn hơi nước như mờ đi trên một diện rộng mênh mông của mặt sông; cùng với hình ảnh “chân trời đá”, câu văn miêu tả của Nguyễn Tuân đã làm hiện ra sự hùng vĩ tới choáng ngợp của thác đá sông Đà. Đá sông Đà cùng với nước với sóng với gió sông Đà được miêu tả qua một hình ảnh nhân hóa đặc sắc: “Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền”. Sử dụng thuật ngữ của quân sự, Nguyễn Tuân đã gợi dậy cái sự bí ẩn và hiểm ác của đá sông Đà trong sự vĩnh hằng của thiên nhiên. Hành trình khám phá những nét tính cách của sông Đà còn chưa dừng lại, hình ảnh đá trên sông Đà còn mở ra trùng vi thạch trận hiểm ác, đòi hỏi người lái đò qua đây phải thật vững tay chèo. Chỉ với hai chi tiết thôi là âm thanh của thác nước và thạch trận sắp sửa dàn bày, Nguyễn Tuân đã giúp người đọc mường tượng được ra sự dữ dội của con sông này, chữ nghĩa đập vào mọi giác quan, tự nhiên người đọc thu mình lại, tưởng như đang ở giữa một không gian sông nước mênh mông, đang bị nước và đá bao vây chặn lại. Vậy mới thấy cách dùng ngôn từ, xây dựng hình ảnh của Nguyễn Tuân lạ lắm, hay lắm.


Cảm quan thiên nhiên, đất nước thiết tha, mạnh mẽ hiếm có đã giúp Nguyễn Tuân vẽ nên một sông Đà bên cạnh vẻ đẹp hùng vĩ, hung bạo còn là một dòng sông thơ mộng, trữ tình. Trong không gian bát ngát của thiên nhiên Tây Bắc, sông Đà được nhìn từ trên cao với hình dung về một sợi dây thừng ngoằn ngoèo rồi như một áng tóc trữ tình tuôn dài, tuôi dài giữa mênh mang mây trời. Thế nhưng, ở một điểm nhìn khác từ người nghệ sĩ, ta nhận ra thêm những vẻ đẹp mới của con sông này, vẫn là nét thơ mộng, trữ tình ấy nhưng bây giờ là vẻ đẹp của hai bên bờ sông. Có thể thấy, trong trích đoạn tiếp theo này này, tư thế ngắm nhìn vẻ đẹp con sông Tây Bắc của Nguyễn Tuân đã thay đổi, tác giả đang ngồi trên thuyền, con thuyền trôi chầm chậm trên sông, đủ thời gian để người nghệ ngắm nhìn những gì thân thương nhất nơi bờ , bãi ven sông Đà. Nguyễn Tuân viết và lặp đi lặp lại nhiều lần hình ảnh “Thuyền tôi trôi trên sông Đà” gợi cho ta cảm giác về tâm thế của người viết: giống như một vị khách du lịch đang dùng tấm lòng trong ngần nhất, tâm thế thư thái nhất của mình để cảm nhận, để ôm trọn vào lòng những vẻ đẹp nơi đây. Khung cảnh sông Đà được nhìn nhận trên diện không gian hẹp với hình ảnh nương ngô, cỏ giang, con hươu. Có thể thấy, nhà văn đã tập trung quan sát và lựa chọn những hình ảnh non tơ, tươi tắn, tinh khiết và thơ mộng nhất, cũng là những hình ảnh giàu sức sống nhất đặc trưng cho khung cảnh nơi đây. Đó là hình ảnh của “nương ngô nhú lên mấy lá ngô non đầu mùa”, là “búp cỏ gianh đồi núi đang ra những nõn búp”, là “đàn hươu đang ngốn búp cỏ gianh ướt đẫm sương đêm”. Những hình ảnh ấy được đặt trong không khí yên lặng, tịch mịch – “lặng tờ” thật phù hợp, vừa gợi ra được khung cảnh giàu sức sống, vừa gợi vẻ tươi tắn nhưng cũng rất hoang sơ. Tác giả đã tinh tế lựa chọn và đưa vào những hình ảnh hài hoà trong cùng một hệ thống: con hươu thơ ngộ - áng cỏ đẫm sương - tiếng còi sương cho thấy sự cẩn trọng trong dùng từ, chọn chi tiết, tạo không khí bởi lẽ chỉ cần 1 từ dùng sai, 1 chi tiết lạc điệu là sẽ phá vỡ bầu không khí thơ mộng, huyền ảo như một miền cổ tích đang được người nghệ sĩ vẽ ra trong đôi mắt bạn đọc. Từ những hình ảnh ấy, sống trong lòng bạn đọc là vẻ hồn nhiên của bờ bãi sông Đà thuở hồn hoang chưa bị can thiệp bởi bàn tay con người. Đó là vẻ bình lặng êm đềm trong nhịp vận động của con người để hòa mình với thiên nhiên thơ mộng “con sông trôi những con đò”, “thuyền tôi trôi trên sông Đà”.


Bên cạnh đó, nhà văn còn tập trung quan sát khung cảnh trên mặt sông Đà với hình ảnh của “Đàn cá dầm xanh quẫy vọt lên mặt sông bung trắng như bạc rơi thoi.” với âm thanh của “ Tiếng cá đập nước sông đuổi mất đàn hươu vụt biến.” Vẫn là Nguyễn Tuân với những liên tưởng thú vị, nhà văn đã quan sát mặt nước sông Đà quãng ấy bằng cả thị giác, thính giác và cả tâm hồn của mình để khung cảnh về con sông Đà vừa yên bình, vừa nên thơ, những âm thanh không cần phải lắng tai nghe, cảm giác chợt bình yên đến lạ! Thế nhưng dòng sông Đà ấy cũng đa cảm, mơ mộng lắm! Cũng rung động, nhớ thương những gì bỏ lại phía sau là những thác đã xa xôi nơi thượng nguồn Tây Bắc. Có thể thấy chỉ bằng vài nét chấm phá, bờ sông Đà, bãi sông Đà, mặt nước sông Đà đã hiện ra trước mắt người đọc vừa chân thực, cụ thể trong màu sắc, hình ảnh, vừa đầy chất mộng, chất thơ trong từng sắc thái của cảnh và từng nét cảm xúc mà nó gợi ra. Nhà văn không chỉ dựng lại được cảnh mà còn tạo được không khí cho cảnh: thiên nhiên và con người tương thông với nhau trong cùng một xúc cảm khi Nguyễn Tuân tưởng tượng ra tiếng nói của con hươu thơ ngộ về tiếng còi sương đang vang ngân trong không gian. Ở đây, nhà văn đã đưa ta về với vẻ đẹp nguyên thủy, sơ khai, hồn nhiên hoang dã mà cũng tuyệt vời thơ mộng của thiên nhiên sông Đà để người đọc có thể cảm xúc sâu xa với từng nét vẽ trong bức tranh hoàn mĩ ấy.


Và trong không gian mơ màng, tuyệt diệu ấy, dường như trong người nghệ sĩ đang xuất hiện dòng cảm xúc, suy tưởng không chỉ được khơi lên từ hiện tại mà còn hướng về quá khứ và tương lai. Điều này được thể hiện qua lời văn: “Cảnh ven sông ở đây lặng tờ. Hình như từ đời Trần đời Lê, quãng sông này cũng lặng tờ đến thế mà thôi.” Xuôi theo dòng chảy sông Đà, nhà văn hướng tâm hồn mình về quá khứ, nhìn thấy được vẻ đẹp của dòng sông này dường như đã trường tồn cùng lịch sử. Một vẻ đẹp “lặng tờ” của con sông được tái hiện trên trang văn – đó là vẻ đẹp hài hoà, bình yên, hoang sơ, cổ kính. Đặt trong liên tưởng độc đáo của Nguyễn Tuân “Bờ sông hoang dại như một bờ tiền sử. Bờ sông hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi xưa.” khiến bạn đọc có hình dung sâu sắc về vẻ đẹp của khung cảnh này. Lấy cái hữu hình đem so sánh với cái vô hình, đưa bạn đọc về bờ tiền sử, về miền cổ tích, về với những điều luôn là mãi mãi ngầm khẳng định vẻ đẹp ấy tồn tại như một sự vĩnh hằng của tự nhiên. Đồng thời, đó cũng là cách Nguyễn Tuân thể hiện sự hàm ơn sâu xa đối với cổ nhân, với thế hệ cha ông đã gìn giữ vẻ đẹp của dòng sông muôn đời cho thế hệ sau. Ta nhìn thấy trên những trang hoa ấy là cảm quan mỹ học hoài cựu - một nét đặc sắc trong những sáng tác của Nguyễn Tuân. Đó là cách mà người nghệ sĩ ấy tìm về những vẻ đẹp thời xưa còn vương sót lại thế nhưng, Nguyễn Tuân của hiện tại đã lột xác hoàn toàn so với Nguyễn của những năm tháng trước cách mạng. Vẫn là khuynh hướng tìm về với vẻ đẹp của một thời vang bóng ấy nhưng tìm về quá khứ không phải để đối lập với hiện tại, tìm về quá khứ để thấy rõ hơn những giá trị, những vẻ đẹp thiêng liêng của sông núi quê hương từ đó thêm trân trọng những gì mình đang được nhìn ngắm, thương yêu những nơi mình đi qua trên dải đất hình chữ S. Cũng vẫn trong dòng suy tưởng ấy, Nguyễn Tuân có mượn lời thơ của Tản Đà – thi nhân ông vô cùng yêu kính để viết về con sông Đà - một con sông vừa đẹp cảnh , vừa nặng tình. Cơ vì sao lại là Tản Đà mà không phải tiếng thơ của ai khác, có lẽ chính bởi Tản Đà cũng là người nghệ sĩ nặng tình với con sông này vì phía hữu ngạn sông Đà chính là nơi ông sinh ra. Nguyễn Tuân đương thời trân trọng viết về bậc đàn anh: “Trong chốn tao đàn Tản Đà xứng đáng ngôi chủ suý, trong hội tài tình Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ, mà làng văn làng báo xứ này ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?”.
“Sông Đà núi Tản đúc nên ai,
Trần thế xưa nay được mấy người?
Trung hiếu vẹn tròn hai khối ngọc,
Thanh cao phô trắng một nhành mai.
Bạc tiền gió thoảng thơ đầy túi,
Danh lợi bèo trôi rượu nặng vai.”
Trong gần 5000 trang viết thân thương của người nghệ sĩ tài hoa này, đất nước như trải dài theo mỗi bước chân của nhà văn. Từ Mũi Lũng Cú tột Bắc tới Huyện đảo nơi biển khơi. Nghe Gió Than Uyên và Vẫn nghe tiếng dội Cà Mau ấy. Có Nhật ký lên Mèo, lại có trang viết Về thăm đất lửa Quảng Trị. Cảnh vật hiện ra với vẻ đẹp hiền hoà, thơ mộng, cùng với vẻ khắc nghiệt, dữ dội, có những nét hiện thực trần trụi và cả những nét mơ màng, hư ảo. Và thêm một lần nữa, ta được khám phá khung cảnh thơ mộng hư ảo ấy nơi hình tượng sông Đà. Cảm xúc của tác giả khi quay về với những miền nhớ xa thẳm này có dịp trở về với hiện tại thân thương. Nguyễn Tuân chợt thấy lâng lâng xúc động, thấy âm ấm, đằm đằm như gặp lại cố nhân, gặp lại một người tình nhân chưa quen biết. Đó là cảm giác hạnh phúc khi được đón nhận vẻ đẹp yên bình, hoang sơ và cảm thấy rất thú vị khi chính mình đang được tự do đón nhận vẻ đẹp ấy ở nhiều góc độ khác nhau. Nhà văn ở thời điểm hiện tại đang thực sự có những giây phút thả hồn mình vào dòng sông, không khí của khung cảnh ven sông, cảm nhận vẻ đẹp nên thơ ấy bằng thị giác, bằng cảm giác, bằng xúc giác và cả linh cảm nữa để thấy yêu hơn, gắn bó hơn với từng nét sống Đà. Để rồi, trong một phút giây hạnh phúc nào đó, tác giả thấy con sông giống như một sinh thể có linh hồn, trở thành người tình nhân chưa quen biết và con sông đang lắng nghe giọng nói êm êm của người xuôi. Thủ pháp nhân hoá được sử dụng đắc địa, ta thấy sông Đà không còn vẻ gì là “làm mình, làm mẩy”, hung bạo, dữ dội như chỉ vài phút giây trước đó. Hình ảnh bây giờ của sông Đà là một con sông hiền hoà, biết lắng nghe, đang hoà mình giao cảm cùng cuộc sống con người. Từ quá khứ, đến hiện tại, Nguyễn Tuân thẳng tiếng về tương lai bằng liên tưởng độc đáo của mình. “Chao ôi, thấy thèm được giật mình vì một tiếng còi xúp-lê của một chuyến xe lửa đầu tiên đường sắt Phú Thọ - Yên Bái - Lai Châu.” Đặt trong hoàn cảnh ra đời của tác phẩm vào những năm 60 của thế kỷ XX, lúc đó chưa có đường sắt lên Tây Bắc. Đường sắt chính là dấu hiệu của cuộc sống đã phát triển, hiện đại. Ở thời kì này, đất nước mới giành được những thắng lợi đầu tiên ở miền Bắc mà nhà văn đã mơ ước tới 1 cuộc sống hiện đại trong tương lai cho miền đất sông Đà. Có thể thấy, Nguyễn Tuân đang mang trong mình tâm thế của một người trí thức mới, khao khát đem ánh sáng cuộc sống hiện đại toả chiếu đến chốn sơn cùng, thuỷ tận. Có thể thấy, dòng suy tưởng về quá khứ - hiện tại – tương lai đã hội tụ những phẩm chất cũ và mới của ngòi bút Nguyễn Tuân, hòa cảm quan mỹ học hoài cựu với tư duy hiện đại, chất lãng mạn của một tâm hồn nghệ sĩ với cảm xúc, ước mơ của một người công dân mới thế nhưng mạch nguồn xuyên suốt trong những thay đổi ấy nơi người nghệ sĩ này vẫn là tình yêu quê hương đất nước thiết tha.

Không phải tự nhiên mà người ta nói rằng sau Nguyễn Tuân không ai có thể viết về sông Đà hay hơn nữa. Cách Nguyễn Tuân xây dựng lên hình tượng sông Đà với những mặt vừa đối lập, vừa thống nhất chính là sự độc đáo không thể thay thế. Khi khắc hoạ vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, sông Đà hiện liên không đơn thuần với đá, với thác, với nước mà còn có tính cách, hành động của một con thuỷ quá nham hiểm, độc ác. Nhưng ngược lại khi xuôi về những đồng bằng, gò bãi, hai bên bờ sông lại thơ mộng, tĩnh lặng như chốn bồng lai tiên cảnh. các mặt đối lập tạo cho sông đà vẻ đẹp toàn diện gần như hoàn mỹ. Hơn nữa dưới ngòi bút điêu luyện của mình, Nguyễn Tuân sắp xếp, tuyển chọn, trưng dụng những từ ngữ miêu tả sắc sảo từng khía cạnh, từng vẻ đẹp của Đà giang. Kết hợp với việc sử dụng những biện pháp tu từ: so sánh, nhân hoá đặc biệt là những liên tưởng độc đáo, thú vị, Nguyễn Tuân đã thực sự thành công khi để cho bạn đọc được cảm nhận sông Đà từ nhiều giác quan, chỉ nhờ vào trang văn mà tưởng như đang được ở giữa không gian sông nước ấy. Khai thác sông Đà, Nguyễn Tuân chú trọng xây dựng hình tượng này giữa trên hai mặt: cái thực và cái đẹp – chính cách xây dựng hình tượng theo hướng này vừa đảm bảo được thông tin chính xác cung cấp trong thể tuỳ bút nhưng cũng đồng thời để bạn đọc cảm nhận được vẻ đẹp thẩm mỹ của con sông qua góc độ văn học, tất cả những điều ấy đều bắt nguồn từ tình cảm mà nhà văn dành cho con sông nói riêng và mảnh đất Tây Bắc nói chung. Cách xây dựng vẻ đẹp sông Đà cũng chính là sự thể hiện cho cái hồn cốt trong phong cách sáng tác của Nguyễn Tuân, ngòi bút đã đạt đến “độ chín mới về tư tưởng và nghệ thuật”.
Với cách sử dụng những thủ pháp so sánh, nhân hoá đặc sắc, kết hợp cùng với ngôn từ uyển chuyển, Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công vẻ đẹp vừa hung bạo vừa trữ tình của sông Đà. Trong “Người lái đò sông Đà” , Nguyễn Tuân có một ý viết rằng: “Một người thợ lặn lành nghề lặn sâu vào đại dương cuộc sống, không phải để nhặt nhạnh mảnh san hô tầm thường mà để tìm những viên ngọc trai lấp lánh, những “khối tình con” kết từ máu huyết của loài trai nhẫn nại, cần cù.” Quả thật là vậy, đã bao người nghệ sĩ rung động trước cái đẹp của sông Đà nhưng chỉ đến Nguyễn Tuân, ông mới dấn thân đủ sâu, mới tìm đúng được “những viên ngọc trai lấp lánh” trong vẻ đẹp của dòng sông miền núi rừng hùng vĩ.
Đọc tuỳ bút, tôi chợt nghĩ về mối quan hệ giữa sông Đà và Nguyễn Tuân rồi tự hỏi chính mình: “Người nghệ sĩ ấy đã khám phá và chọn viết về sông Đà hay chính sông Đà đã chờ đợi và nhắm trúng người nghệ sĩ này” Phải thừa nhận một điều rằng, những thứ đặc biệt luôn tỏa ra sức hút khó cưỡng với mọi người nhưng cũng chỉ những thứ đặc biệt phù hợp mới tìm được tần số để kết nối với nhau. Tôi cũng không biết phải trả lời nghi hoặc của mình như thế nào chỉ biết rằng nhờ có Nguyễn Tuân mà trong mảnh đất văn học đã có thêm một dòng sông sống động tuyệt đẹp. Càng đọc “Người lái đò sông Đà”, tôi càng thấy yêu thêm vẻ đẹp của đất nước tươi đẹp mình, tự hào thêm những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời văn học nước nhà. Nhờ ánh sáng từ ngôi sao ấy, tâm hồn tôi dường như cũng đang được sáng soi, lấp lánh!

 

Đồng hành cùng chị trong KHÓA HỌC 10 NGÀY "CHẠY" VĂN để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

 

Tin liên quan