Đăng Ký Học
Ngày 27/12/2024 17:33:34, lượt xem: 332
Đề thi học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ Văn được đánh giá là đề có độ khó tương đối, có mức độ phân tầng học sinh cao. Cùng tham khảo phần hướng dẫn viết câu Nghị luận văn học do Học Văn Chị Hiên biên soạn ở bài viết dưới đây.
Đề bài (Câu 2):
Trong diễn văn đọc tại lễ bế mạc các hoạt động vinh danh giải Nobel ngày 10 tháng 12 năm 1957 ở Stockholm, A. Camus cho rằng: “Người nghệ sĩ tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác, tại quãng đường giữa cái đẹp không thể bỏ qua và cộng đồng không thể tách khỏi”.
Bằng trải nghiệm văn học, anh/ chị hãy bàn luận ý kiến trên.
Bài làm
Ánh sáng của nhà văn chỉ huy hoàng một phút rồi chợt tắt, nhưng còn lại gì sau cái bóng ấy của anh để người ta vẫn nhận ra anh, biết đến tên anh, ca vang tác phẩm của anh sau cả vạn năm? Nhà thơ Trần Dần có đôi lời:
“Tôi vẫn đóng những câu thơ
như người thợ
đóng tàu
chở khách
đi về phía trước,
nơi
loài người
đã biết sống chung nhau”
Nhà văn không quan tâm cái gì khác hơn là con người ở thời đại mà anh đang sống, anh không tôn thờ cái gì vĩ đại hơn cộng đồng người quanh anh, và còn cả cái đẹp cao cả mà cả đời anh khao khát. Như A. Camus chia sẻ trong diễn từ nhận giải Nobel Văn học 1987: “Người nghệ sĩ tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác, tại quãng đường giữa cái đẹp không thể bỏ qua và cộng đồng không thể tách khỏi”.
Nổi lên như một hiện tượng cho “sự phi lý”, Albert Camus là triết gia, là nhà văn đại diện cho chủ nghĩa hiện sinh - chủ nghĩa hiện đại nổi tiếng ở xã hội Tây Âu đầu thế kỉ XX. Ông thổi một làn gió mới vào nền văn học Pháp nói riêng và thế giới nói chung với những quan niệm, trăn trở hết sức sâu sắc về con người và vẻ đẹp sức mạnh của con người. Với giải thưởng cao quý ấy, Camus được ghi nhận là một người “đã soi sáng những vấn đề lương tri của con người bằng sự nghiêm cẩn và sáng rõ.” Bản thân ông cũng là một người nghệ sĩ, ông định nghĩa một người được gọi với hai tiếng “nghệ sĩ” cao cả là người phải biết “tôi luyện bản thân”. Hơn cả rèn luyện, anh phải miệt mài tôi rèn bản thân trở nên sắt đá, vững vàng cả về ý chí lẫn tinh thần, anh phải không ngại xông pha những vùng đất mới, không sợ vấp ngã để một ngày ngòi bút của anh cũng như đầu súng, mũi giáo, sẵn sàng nghênh chiến với mọi thách thức của đời. Nói như P. Povlenko, nhà văn phải như “con ong hút mật, một con ong phải bay một đoạn đường bằng 6 lần xích đạo trong 1 năm 3 tháng và đậu trên 7 triệu bông hoa để làm nên 1 gam mật”. Sự trui rèn ấy không phải hành trình đơn phương độc mã mà là “trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác”. Một lời khẳng định mang tính lí luận về mối liên hệ biện chứng giữa người nghệ sĩ và những con người sống trong thời đại đó hay chính là độc giả muôn thời. Nghệ sĩ không chỉ sống cho bản thân mà còn là cho “cộng đồng không thể tách khỏi”. Sau đó là cho “cái đẹp không thể bỏ qua”, đẹp là năng lực phát hiện ra những vì sao khi nhìn xuống để phân biệt người nghệ sĩ với những người khác, đẹp là tiêu chuẩn chân lý hoàn hảo trên cả phương diện nghệ thuật và nội dung, đẹp là cách anh khám phá sự lí thú nơi câu chữ, khơi nguồn cảm hứng trên tất cả giá trị lý tưởng trên đời, hướng đến những giá trị bất diệt cho con người. Ấy là sức mạnh cao cả của nghệ thuật chân chính, là sứ mệnh thiêng liêng của “người vẫn còn mang vết thương đã toan đi chữa vết thương cho người khác” (Nguyễn Ngọc Tư). Lời trích diễn từ của Albert Camus vang vọng như một tuyên ngôn về nghệ thuật, vừa sâu sắc vừa đầy cảm xúc, khơi gợi những suy tư không chỉ về người nghệ sĩ trong mối tương quan với cộng đồng mà còn khẳng định cộng đồng là nơi anh tìm thấy ý nghĩa cho văn chương. Còn cái đẹp là sự níu giữ, sự hướng về của anh trên con đường hoàn thiện ấy.
ĐỌC THÊM: BÀI VIẾT NGHỊ LUẬN XÃ HỘI MẪU - ĐỀ THI OLYMPIC BẬC THPT ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
Câu hỏi đặt ra là: Tại sao người nghệ sĩ phải tôi luyện bản thân? Và tại sao đặt trong mối tương quan liên tục giữa mình với người khác? Có những ý kiến cho rằng hành trình sáng tác của người nghệ sĩ:
“Đó là nỗi cô đơn làm nên những thiên tài
Nỗi cô đơn của một người
và hàng ngàn người khác…”
(“Về nỗi cô đơn của người nghệ sĩ” - Giang Nam)
Hay như Marguerite Duras chiêm nghiệm: “Nỗi cô đơn của người viết là nỗi cô đơn mà không có nó sẽ không có tác phẩm”. Phải chăng nó đối lập với sứ mệnh người cầm bút của Albert Camus? Bản chất của nghệ thuật là sự sáng tạo cô độc trên hành trình xây dựng tác phẩm, nghĩa là anh không làm theo khuôn mẫu đưa cho, không đi theo đường mòn lối cũ để viết một tác phẩm “sao chép”, không có sự sáng tạo. Nguyễn Tuân khẳng định: “Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của người nông dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo. Không nên ăn bám vào ngôn ngữ của người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay. Cũng cùng một vốn ngôn ngữ ấy nhưng sử dụng nó sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước.”
Trong “Biển của mỗi người”, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết: “Càng ồn ào lễ hội người ta càng cô đơn, càng đông đúc chung quanh ta càng đơn độc, bởi có những tâm hồn không ai chạm thấu được.” Nhà văn cũng mang tâm hồn như vậy, anh nhìn đời bằng lăng kính chủ quan, ngẫm đời bằng tư tưởng riêng anh, anh mở lòng hòa với, đón bắt mọi âm thanh của cuộc sống để rồi “thai nghén” thành đứa con tinh túy nhất. Anh không thể tách rời khỏi cộng đồng, vì “Văn học thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu). Trong buổi chia sẻ với “Từ Tốn Học”, Tiến sĩ Trần Ngọc Hiếu có tâm tình: “Học văn không phải là học làm người. Học văn là học để giúp ta thấy làm người rất khó, rất khổ”. Ngoài bản thân ra, lịch sử xã hội đã, đang và vẫn sẽ còn tồn tại vô số mảnh đời, số phận khác. Văn chương là “nghệ thuật làm cho những người không quen biết nhau hiểu được lẫn nhau.” (Andre Gide) Người bắc nhịp cầu ấy không ai khác chính là người nghệ sĩ. Có đau nỗi đau đời, nhìn thấy những sự thống khổ, bi ai của loài người, anh mới có thể cầm bút mà viết thay cho họ. Sống giữa cuộc đời chung, tác phẩm của anh được chắp vá từ những gì mắt anh thấy, những thứ tai anh nghe, những điều anh trông được và làm được với người khác.
“Hãy biết rằng chính trái tim bạn đang lên tiếng và rên rỉ khi tay bạn viết” (Alfret de Musse), Victor Hugo đã lên tiếng cho “những người khốn khổ” (Những người khốn khổ). Rên rỉ cho một xã hội tư sản Pháp nơi con người bị đầu độc, nơi vẻ phồn hoa tươi đẹp bị thay bằng màn đêm u tối lạnh giá của nhà tù, nơi đại diện cho bốn chữ “Đêm trường Trung cổ”. Những em bé như Côdét phải chịu đọa đày từ trong bụng mẹ. Những người xinh đẹp như Phăngtin phải lìa bỏ cuộc đời giữa tuổi trẻ trung. Còn những người tốt bụng, chính trực như Giăng Văn Giăng trở thành con người khốn khổ giữa biết bao “những người khốn khổ”. Tầm mắt ta lại hướng sang Mỹ, dưới bầu không khí nặng nề của bất công và phân biệt chủng tộc trong thập kỷ 1930, Harper Lee xuất hiện như một ngọn đuốc thắp sáng ngày tháng tăm tối của những người da màu. Bà không chỉ là một nhà văn mà còn là một tiếng nói dũng cảm trong việc đấu tranh vì công lý và nhân quyền. “Giết con chim nhại” là thành quả tôi luyện bản thân trong mối tương quan liên tục giữa bà và những người dân da màu ấy. Không chỉ dừng lại ở phân biệt chủng tộc, Harper Lee còn khắc họa sự bất công xã hội trong các mối quan hệ giai cấp tại Maycomb: “… Họ có quyền nhận được sự tôn trọng dành cho những ý kiến của họ. Nhưng trước khi bố sống được với người khác, bố phải sống với chính mình. Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người.” Với văn học, ta có điều kiện ngoảnh lại nhìn quá khứ, “trực tiếp” chứng kiến số phận con người. Ta như được hòa mình với bầu không khí thần tiên, tươi mát của đỉnh Olempơ và nhìn thấy đâu đây hình ảnh kiên cường của Prômêtê bị xiềng, chàng trai quả cảm đã dám đấu với thần Zớt mang lửa xuống cho loài người (Thần thoại Hi Lạp).
ĐỌC THÊM:
Vẫn trên hướng chủ đạo của nhà văn và mọi người, ngòi bút của Albert Camus nhấn mạnh tới quan điểm: cộng đồng là mảnh đất phát huy tài năng của nghệ sĩ nhưng chính cộng đồng cũng là nơi văn học tìm thấy ý nghĩa. Văn học không thể tồn tại nếu thiếu đi cộng đồng. Như một ngọn đèn soi sáng trong bóng tối, văn học hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ, kết nối những trái tim cô đơn và xây dựng những nhịp cầu đoàn kết: “Tôi bắt đầu tin văn chương kì diệu khi gắn kết những con người xa xôi ở những vùng đất xa xôi xích lại gần nhau. Tôi bắt đầu tin văn chương cũng có lửa, làm tan chảy những bức tường thép mà mỗi người tự dựng lên; văn chương cũng là băng, gắn kết những ốc - đảo - người thành một khối...” (Nguyễn Ngọc Tư). Trong “Dịch hạch”, Camus không chỉ miêu tả nỗi sợ hãi và sự mất mát mà còn tôn vinh tinh thần đoàn kết giữa con người. Bác sĩ Rieux – nhân vật trung tâm – không hề tìm kiếm vinh quang cá nhân, mà chấp nhận hy sinh để bảo vệ cộng đồng. Điều này thể hiện sâu sắc quan điểm của Camus rằng chỉ có sự gắn bó và tình yêu thương mới giúp con người vượt qua bi kịch.
“Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời
Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ
Không áo cơm, cù bất cù bơ…”
Trong văn học Việt Nam, nhà thơ Tố Hữu cũng là một minh chứng cho sức mạnh gắn kết của nghệ thuật. Thơ ca của ông không chỉ là tiếng lòng của cá nhân mà còn là tiếng nói chung của cả một dân tộc. Qua từng câu thơ, ông đã khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và ý chí vượt qua mọi gian khổ. Cộng đồng không chỉ là nguồn cảm hứng, mà còn là mục tiêu để nghệ thuật vươn tới.
Chales Dubos nói rằng: “Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng”. Nam Cao trong suốt đời mình, với những trước tác đồ sộ đã dành hẳn một khoảng lớn cho “Chí Phèo”. Vũ Trọng Phụng sống giữa phố thị Hà Thành tăm tối những năm đầu thế kỉ XX, ông nhìn đâu cũng là mặt trái, thói tật của con người để viết nên thiên tiểu thuyết đầy châm biếm “Số đỏ”, truyện ngắn đầy bàn cãi: “Làm đĩ”. Chính ông cũng chia sẻ: “Riêng tôi, xã hội này tôi chỉ thấy là khốn nạn: quan tham lại nhũng, đàn bà hư hỏng, đàn ông dâm bôn. Một tụi văn sĩ đầu cơ xảo quyệt, mà cái xa hoa chơi bời của bọn giàu thì thật là những câu chửi rủa vào cái xã hội dân quê, thợ thuyền lầm than bị bóc lột”. Vậy đâu là ánh sáng nơi những tác phẩm ấy ? Đâu là cái đẹp trong những câu chuyện ấy ? Có một thời “Chí Phèo” đã từng bị “xóa sổ” khỏi Sách Giáo Khoa do người ta nhìn nhận đây là tác phẩm “cổ vũ bạo lực”, ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ. Có nhiều giai đoạn “Làm đĩ” bị mang ra bàn tán như một thứ “thô tục”, người ta ven vào mà chê trách Vũ Trọng Phụng. Phải chăng những “ấn phẩm” ấy không mang cái đẹp?
Văn chương đâu phải thứ “ánh trăng lừa dối”, văn chương đơn thuần chỉ là “tiếng đau khổ kia thoát ra từ kiếp lầm than” (Nam Cao). Phàm là văn học nghệ thuật chân chính thì đều mang cái đẹp, đều hướng con người ta đến cái đẹp. Nguyễn Đình Thi đã khẳng định: “Nói nghệ thuật tức là nói đến sự cao cả của tâm hồn, đẹp tức là một cái gì cao cả, đã nói đẹp là nói cao cả. Có khi nhà văn miêu tả một cái nhìn rất xấu, một tội ác, một tên giết người nhưng cách nhìn, cách miêu tả phải cao cả”. Cái đẹp bắt nguồn từ đời sống, nhưng quan trọng và trực tiếp hơn cả là cái đẹp trong chính người nghệ sĩ. Cái đẹp của nghệ thuật được chắt lọc, kết tinh và kết cấu lại, Camus đã gọi cái đẹp là thứ “không thể bỏ qua”. Đó không phải chỉ là cái đẹp thuần túy của hình thức, mà là cái đẹp của sự thật, của tình yêu, của khát khao vươn tới những giá trị cao cả. Vincent van Gogh đã dành cả cuộc đời mình để theo đuổi và tái hiện cái đẹp trong những bức tranh đầy màu sắc và cảm xúc.
Quay trở lại với Chí Phèo (Chí Phèo) – kẻ bị tha hóa đến mức mất hết nhân tính, Nam Cao đi sâu vào phơi bày hiện thực đau đớn, đẩy bi kịch con người lên tột cùng. Nhưng đâu chỉ dừng lại ở đó, ông còn gieo hy vọng về một tình yêu, một lẽ sống chân chính, ông thắp lên niềm tin vào bản tính lương thiện, phần người trong con người. Chí Phèo đến cuối cùng đã dùng cái chết để chứng minh sự tìm về bản ngã của mình, lời cầu cứu “- Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không? Chỉ có một cách... biết không! Chỉ có một cách là... cái này biết không?” sẽ còn ám ảnh chúng ta đến về sau. Chí Phèo chết không chỉ “giết” đi “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại, mà còn “giết” kẻ tạo ra con quỷ ấy, chính là Bá Kiến. Chí Phèo là hiện thân cho những người nông dân có khát khao vươn tới cái đẹp trong đời, khao khát làm người chân chính, những người bị chế độ xã hội phong kiến đẩy vào bước đường đánh mất “cái đẹp” trong tâm hồn mình. Cái đẹp trong văn chương của Nam Cao là sự hòa quyện giữa đau thương và nhân bản, khiến người đọc không thể quay lưng.
Những anh Xuân Tóc Đỏ, bà Phó Đoan, cô Tuyết, vợ chồng ông bà Văn Minh,... được Vũ Trọng Phụng tả trân táo bạo đến sỗ sàng, ông lồng vào đó những trò đời trớ trêu, thói đời đầy châm biếm, để rồi qua đó ông cũng thể hiện cái nhìn cao cả, đẹp đẽ của mình. Vũ Trọng Phụng đã khắc họa thành công một xã hội “lố lăng, toàn những chuyện ối a ba phèng” trong cái buổi Ta-Tây-Tàu lẫn lộn ấy bằng một tổ hợp vô cùng đông vui những nhân cách mà nhà văn giễu cợt gọi tên là “khốn nạn và chó đểu”. Chỉ khi “vạch trần” được những ung nhọt của xã hội, chỉ khi con người thực sự nhìn ra được cái lớp son lòe loẹt bên ngoài, giả dối, bịp bợm, chỉ khi độc giả phân biệt được đâu là cái ác và xấu xa, thì ta mới biết tìm cách, tìm lối đi diệt trừ cái ác, cái xấu xa, rồi hướng đến một xã hội tốt đẹp hơn. Cái đẹp luôn là mục tiêu cao nhất mà người nghệ sĩ hướng tới. Đối với họ, cái đẹp không chỉ là một chuẩn mực thẩm mỹ mà còn là nguồn cảm hứng vô tận.
ĐỌC THÊM: HƯỚNG DẪN VẾT BÀI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI: ĐỀ THI CHỌN ĐỘI TUYỂN HSG TỈNH CÀ MAU (THI NGÀY 29/9/2024)
Nghệ thuật – hành trình không ngừng nghỉ. Người nghệ sĩ, như Camus đã nói, luôn ở giữa con đường “cái đẹp” và “cộng đồng”. Đó là hành trình không ngừng nghỉ, đầy những thách thức nhưng cũng tràn ngập niềm vui và ý nghĩa. Họ phải đối mặt với những bi kịch của cuộc sống, nhưng đồng thời, cũng chính họ là người mang đến ánh sáng, gieo mầm hy vọng và lòng tin yêu cuộc đời. Nghệ thuật chính là sự kết nối giữa cái đẹp và cộng đồng. Thạch Lam tin vào sự bất diệt của cái đẹp: “Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật tầm thường. Công việc của nhà văn là phát hiện cái đẹp chỉnh ở chẽ mà không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”, từ ấy ông cũng hiểu rằng sứ mệnh, công việc của nhà văn chính là cầu nối giữa “cái đẹp” và “cộng đồng”, hơn cả còn là quá khứ, hiện tại và tương lai.
Song có lẽ điều thú vị và sâu xa trong nhận định của A. Camus là ở chỗ ông biết người nghệ sĩ thường phải đối mặt với những xung đột nội tại và ngoại tại trong quá trình sáng tạo. Họ phải đấu tranh giữa cái tôi cá nhân và trách nhiệm xã hội, giữa sự tự do sáng tạo và những ràng buộc của hiện thực,“phải định nghĩa về vai trò nhà văn, ngày nay anh ta không thể là kẻ phục vụ những con người làm nên lịch sử, mà anh ta phải phục vụ những con người tuân thủ lịch sử. Nếu không, anh ta sẽ bị cô độc và bị tước mất nghệ thuật.” Albert Camus không chỉ là một nhà văn, ông là tiếng nói của nhân loại, kêu gọi con người tìm thấy hy vọng và tình yêu ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất.
Chế Lan Viên xưa đã viết về thơ ca:
“Làm thơ có lúc như lấy người điếc lác ù tai làm bạn tri âm,
Cứ phải hét vào tai những tiếng nói thầm.
Làm thơ có lúc là thi sĩ câm
Ra hiệu bằng tay, bằng mắt, bằng toàn thân,
Đóng kịch để nói điều rất thật”
(Tri âm – Chế Lan Viên)
Như ánh lửa soi sáng đêm tối, nghệ thuật và người nghệ sĩ đóng vai trò không thể thiếu trong hành trình của nhân loại. Lời nói của Albert Camus không chỉ là triết lý mà còn là kim chỉ nam cho những ai bước chân vào con đường sáng tạo. Giữa cái đẹp không thể bỏ qua và cộng đồng không thể tách rời, người nghệ sĩ phải trở thành cầu nối, mang đến những giá trị chân thật và cao đẹp nhất. Chính sự dấn thân ấy làm nên sức sống mãnh liệt và ý nghĩa sâu sắc của nghệ thuật, giúp con người vươn tới những giá trị nhân văn trường tồn.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học KỸ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU
- Khóa học PHƯƠNG PHÁP & LUYỆN ĐỀ LỚP 12 - 2K7
Tin liên quan