Tuyển tập nhận định về 5 tác phẩm văn xuôi và kí lớp 12

Ngày 17/05/2023 17:29:23, lượt xem: 2646

​Các bạn nhỏ thân mến, để có một bài viết hay, một bài viết ấn tượng thì chỉ diễn xuôi kiến thức cơ bản thôi là chưa đủ. Vì vậy, phần liên hệ mở rộng sẽ như một "điểm nhấn" giúp bài viết của chúng ta đạt điểm số cao hơn.

 

 

  • “Vợ nhặt” - Kim Lân

1.  Với "Vợ nhặt", Kim Lân từng tâm sự: "Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn sống, sống cho ra con người".

2.  "Nhà văn dùng Vợ Nhặt là cái đòn bẩy để nâng con người lên tình nhân ái. Câu chuyện Vợ Nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng". - Trần Đồng Minh

3.  Kim Lân là nhà văn một lòng đi về với “đất” với “người” với “thuần hậu nguyên thuỷ” của cuộc sống nông thôn. - Nguyên Hồng

4.  “Dùng lý lẽ để thuyết phục trong văn chương cũng là một thứ cưỡng chế. Những lý lẽ ma giáo ấy nhiều khi nó làm cho người ta không giữ được chính mình. Nói một cách khác hết sức mềm mại thì người cầm bút phải viết như chơi, viết thoải mái bằng tấm lòng của mình, hướng vào cái thật, cái đẹp, giúp cho con người sống thật, sống đẹp với nhau. Và khi nhà văn gặp cái gì trái với cái thật, cái đẹp thì phải biết bất bình, phải dám lên tiếng nữa”. - Kim Lân

5.  Kim Lân chọn bối cảnh ấy (nạn đói năm 1945) cho truyện Vợ nhặt không nhiều dòng miêu tả trực tiếp nhưng là những dòng rất hiếm trong văn chương từ đó đến nay. Cái nghèo ở Ngô Tất Tố, cái đói ở Nam Cao khiến ta thương cảm muốn rơi nước mắt. Cái đói và cái chết ở Kim Lân khiến ta khiếp sợ, rụng rời. - Trần Đồng Minh

6.  “Vợ nhặt” dường như đã mang nét mới của thời đại, vượt lên trên chủ nghĩa nhân văn trong dòng văn học hiện thực trước Cách mạng Tháng Tám 1945 - Vũ Dương Quỹ

7.  Đó là thần viết, thần mượn tay người để viết nên những trang sách bất hủ - Nguyễn Khải

8.  Tuy tầm vóc, vị trí mỗi nhà văn một khác nhưng Kim Lân cũng là một nhà văn thường đến với ta trong những khoảng chợt nhớ của đời người khó mà diễn đạt thành lời...Mỗi lần mở những trang viết ít ỏi ấy ta lại cảm thấy không một bước ngoặt, một chặng đường nào của con người Việt Nam trong gần nửa thế kỉ qua mà Kim Lân không đả động tới dẫu chỉ bằng sự chạm trổ hết sức khiêm tốn: truyện ngắn. - Trần Ninh Hồ

9. Cái đói là nỗi lo lắng của con người ở tất cả mọi dân tộc và thời đại. Cho nên đó là một đề tài cũng thuộc về bản chất của đời sống. Các nhà văn viết về cái đói ở khía cạnh tối tăm và bất lực của con người trước đó. Con người phạm tội và làm đủ mọi chuyện dại dột khác chỉ vì đói. Khi tôi viết, ý tưởng thường trực trong tôi là những người đói dù thế nào đi nữa vẫn luôn khao khát cuộc sống tốt hơn, vẫn tin tưởng một cách mơ hồ vào cuộc sống tương lai. - Kim Lân

10.  "Mỗi khi chợt nghĩ lại, tôi vẫn bàng hoàng về những năm khủng khiếp ấy" – Tô Hoài

11.  “Đói, nó vừa đắng cay, vừa đau đớn, đồng thời một mặt nào đó nó lại lóe lên một tia sáng về đạo đức, danh dự" – Kim Lân

12. “Nạn đói năm 1945 thật khủng khiếp. Nhiều gia đình vừa có người chết đói vừa có người bỏ đi, dần dần mất hẳn. Tôi tận mắt chứng kiến người chết đói nằm rải rác khắp nơi. Khi con người bị đẩy đến bờ vực cuối cùng của cuộc sống thì toàn bộ số phận và tính cách con người họ sẽ biểu lộ ra hết. Chết đói là một thực tế khốc liệt. Đó là cái chết từ từ, hao mòn dần, quằn quại dần. Tôi được biết nhiều chuyện qua năm tháng đó. Cái đói hành hạ tất cả mọi người nhưng không át được sức sống đơn sơ của tâm hồn họ. Nó vừa đắng cay vừa đớn đau, đồng thời lóe lên những tia sáng về đạo đức và danh dự” (Sách tìm hiểu một số tác giả và tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại, NXB Giáo Dục, 2001)

 

  • “Vợ chồng A Phủ” - Tô Hoài

1. "Nhưng điều kì diệu là dẫu trong cùng cực đến thế mọi thế lực của tội ác cũng không giết được sức sống con người. Lay lắt, đói khổ, nhục nhã, Mị vẫn sống, âm thầm, tiềm tàng mãnh liệt". (Tô Hoài, “Tác phẩm văn học 1930 - 1945” trang 71).

2. “Ở "Vợ chồng A Phủ" nhà văn đã có sử dụng công và thành công trong miêu tả,trong dựng cảnh. Nói cách khác, ông đã dựng lên cho bạn đọc thấy được diễn biến tâm lí cùng đời sống nội tâm của nhân vật qua hàng loạt chi tiết bên ngoài như một dáng ngồi, một cách ăn mặc, một vài câu hỏi, một cái nhìn, một bước đi đến một tảng đá hay một ô cửa sổ khi miêu tả như thế, do đã được nhập vào với số phận của nhân vật, thuộc được hoàn cảnh sống đầy biến động và đổi thay của nhân vật, nhà văn đã định ra được một cách tự nhiên một mạch lời kể chuyện vừa phù hợp với tâm lý riêng của họ,vừa mang sự gãy gọn của ngôn ngữ văn xuôi hiện đại”. Nguyễn Quốc Luân

3. Bàn về kết thúc đoạn trích Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài, có ý kiến cho rằng: “ Hành động cắt đứt dây mây cởi trói cứu A Phủ rồi chạy theo A Phủ của nhân vật Mị thật bất ngờ, đột ngột, không thể dự đoán trước.”, lại có người khẳng định: “Đó là một kết thúc tự nhiên, tất yếu.”

4. Nhận xét về nhân vật Mị trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, tác giả Đỗ Kim Hoài khẳng định: “ Tấm lòng yêu thương của nhà văn vẫn nhận ra: bên trong hình ảnh của một con rùa nuôi trong xó cửa kia, đang còn một người.”

5. Nhận xét về nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài có ý kiến cho rằng: “Mị là một cô gái hội tụ đầy đủ phẩm chất tốt đẹp của người con gái Việt Nam nhưng lại có một số phận bất hạnh.”

6. Bàn về tác phẩm “Vợ chồng A Phủ, có ý kiến cho rằng: “ Thắp sáng ngọn lửa của khát vọng sống, Tô Hoài cũng làm bừng sáng giá trị nhân van cao cả của tác phẩm.”

7. Tô Hoài như một từ điển sống, một pho sách sống. Ông như cuốn Bách khoa Toàn thư mà không Viện sĩ nào, không Học giả nào có thể sánh được. Tôi đã có dịp tò mò hỏi ông về Hà Nội và rất ngạc nhiên. Tôi không ngò ông hiểu Hà Nội sâu sắc đến thế. Tôi gọi ông là nhà Hà Nội học, dù ông không nghiên cứu.” (Trần Đăng Khoa)

 

ĐỌC THÊM Cách trích dẫn nhận định khéo léo và mượt mà hơn

 

  • “Chiếc thuyền ngoài xa” - Nguyễn Minh Châu

1. Mỗi con người đều chứa đựng trong lòng những nét đẹp đẽ kì diệu đến nỗi cả một đời người cũng chưa đủ để nhận thức khám phá tất cả những cái đó. (Nguyễn Minh Châu)

2. Trên con đường đi tới chủ nghĩa hiện thực, đôi khi chúng ta phải khai chiến cả với những quan niệm tốt đẹp và lâu dài của chính mình. (Nguyễn Minh Châu)

3. Cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật, và rằng con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời (Lê Ngọc Chương - “Chiếc thuyền ngoài xa”, một ẩn dụ của Nguyễn Minh Châu)

4. Nhân quyền “giống như món trang sức đắt tiền trong tủ kính mà những đôi bàn tay lam lũ không thể chạm vào”. (Trích bài viết “Chiếc thuyền ngoài xa: sự xa xỉ quyền của con người)

5. Truyện mang lại nhiều dư âm trong lòng độc giả, khắc khoải về số phận một người đàn bà như thế, thật mỏng manh, xa vời, chấp chới như “chiếc thuyền ngoài xa” không biết đâu là bến bờ hạnh phúc. (Ngọc Huy)

6. Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này. (Nhà văn Nguyễn Khải)

7. Những cái tưởng như bình thường, lặt vặt trong cuộc sống hàng ngày, dưới con mắt và ngòi bút Nguyễn Minh Châu đều trở thành những gợi ý đáng suy nghĩ và có tầm triết lý. (Nhà văn Tô Hoài)

 

  • “Người lái đò sông Đà” - Nguyễn Tuân

1. Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải thứ văn để người nông nổi thưởng thức.Một ngày không xa, khi mà văn chương Việt Nam được người Việt Nam ham chuộng hơn bây giờ, tôi dám chắc những văn phẩm của Nguyễn Tuân sẽ còn có một địa vị xứng đáng hơn nữa. (Vũ Ngọc Phan)

2. "Khi thì trang nghiêm cổ kính, khi thì đùa cợt bông phèng, khi thì thánh thót trầm bổng, khi thì xô bồ bừa bãi như là ném ra trong một cơn say chếnh choáng, khinh bạc đấy, nhưng bao giờ cũng rất đỗi tài hoa"(Nguyễn Ðăng Mạnh)

3. Nguyễn Tuân là một nhà văn cả đời đi tìm kiếm cái thực và cái đẹp. Thực ra, sự thực và cái đẹp của cuộc sống là hai cái đích mà dường như bất kì ngòi bút chân chính nào cũng hướng tới nhưng không dễ chiếm lĩnh và chạm vào được. Nguyễn Tuân cũng trên hành trình tìm kiếm nhưng tác phẩm của ông đã chạm được đến cái đẹp, nhất là cái đẹp truyền thống và cái thực phồn hoa chốn thành thị. Nguyễn Tuân là người thưởng thức cái đẹp với tư cách người có văn hóa, có vốn tri thức, biết giá trị của đối tượng mình chiêm ngưỡng. (Nguyễn Đình Thi)

 

4. Giáo sư Nguyễn Ðăng Mạnh có nhận định: "Hạt nhân của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể gói gọn trong một chữ ngông. Cái ngông vừa có màu sắc cổ điển, kế thừa truyền thống tài hoa bất đắc chí của những Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Ðà,... và trực tiếp hơn là cụ Tú Lan, thân sinh nhà văn; vừa mang dáng vẻ hiện đại, ảnh hưởng từ các hệ thống triết lý nổi loạn của xã hội tư sản phương Tây như triết lý siêu nhân, quan niệm về con người cao đẳng, thuyết hiện sinh...”

5. Ông xứng đáng được mệnh danh là "chuyên viên cao cấp tiếng Việt", là "người thợ kim hoàn của chữ" (Ý của Tố Hữu), Tinh thần tự nguyện dấn thân, bám trụ ở thành trì cái Ðẹp là biểu hiện sinh động của một nhân cách văn hóa lớn. Nhà văn Nguyễn Tuân "đặc Việt Nam" (chữ dùng của Vũ Ngọ)

6 …Đọc Người lái đò sông Đà, ta có ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, của một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ… Khi gân guốc, khi mềm mại, khi nghiêm nghị như một nhà bác học, khi hồn nhiên như một đứa trẻ thơ, những trang viết, những câu văn của Nguyễn Tuân mang hơi thở ấm nóng của cuộc đời phức tạp, phong phú, đa dạng. Sự tự ý thức sâu sắc về tài năng của mình không phải là một biểu hiện tiêu cực, trái lại, nó tạo nên sự giải phóng năng lượng rất cần thiết để nhà văn có thể sáng tạo nên những tác phẩm kì vĩ…”. (Phan Huy Đông, in trong Vẻ đẹp văn học cách mạng).

7.“… Nguyễn Tuân đã sáng tạo ra một con Sông Đà không phải là thiên nhiên vô tri, vô giác, mà là một sinh thể có hoạt động, có tính cách, cá tính, có tâm trạng hẳn hoi và khá phức tạp. Nó có hai nét tính cách cơ bản đối lập nhau như tác giả nói- “hung bạo và trữ tình…” .( Nguyễn Đăng Mạnh).

8. “… Nguyễn Tuân- một cây bút vốn luôn khao khát những cảm giác, cảm xúc mới lạ, nồng nàn, say đắm…”. (Nguyễn Đăng Mạnh).

9. Lật mở từng trang viết của nhà văn Nguyễn Tuân, không khó để nhận thấy những con người phi thường, những cảm xúc dữ dội, mãnh liệt, những khung cảnh ấn tượng nơi thác ghềnh, rừng thiêng, núi cao, bão, gió - Tất cả được thâu tóm qua lăng kính 'vạn hoa' của nhiều ngành nghệ thuật và diễn tả bằng ngòi bút sắc bén, ngang tàng. Dường như, cá tính không thể trộn lẫn ấy nảy sinh từ cẩn tắc, từ trăn trở khôn nguôi trên hành trình đi tìm cái đẹp của một con người rất mực tài hoa mà cuộc sống trong đời thực cũng rất lạ lùng… ( Trích Bài đăng trên báo giấy Đời sống & Pháp luật số 71)

10. “Và từ ấy đến nay, cho dù đã có biết bao người khác, vẽ và kể chuyện về sông Đà, làm thơ và ca hát với sông Đà thì có lẽ vẫn chưa ai vượt hơn được Nguyễn Tuân trong việc biến vùng sông nước ấy thành nghệ thuật, thành một gợi cảm mênh mông” (Đỗ Kim Hồi).

11. “Qua bài tùy bút, đặc biệt là qua đoạn tả cuộc vượt thác của ông lái đò, Nguyễn Tuân muốn nói với ta rằng: Chủ nghĩa anh hùng đâu chỉ có ở nơi chiến trường. Nó ở ngay trong cuộc sống của nhân dân ta hằng ngày phải vật lộn với thiên nhiên vì miếng cơm manh áo. Và trí dũng tài ba không phải tìm ở đâu đâu, mà ở ngay những người dân lao động bình thường kia. Cuộc đời ông lái đò vô danh nơi ngọn thác hoang vu khuất nẻo kia là cả một thiên anh hùng ca, là cả một pho nghệ thuật tuyệt vời” (Nguyễn Đăng Mạnh).

12. Trong cái vội vàng, cái cẩu thả của những tác phẩm xuất bản gần đây, những sản phẩm đã hạ thấp văn chương xuống mực giá trị của một sự đua đòi, người ta lấy làm sung sướng khi thấy một nhà văn kính trọng và yêu mến cái đẹp, coi công việc sáng tạo là công việc quý báu và thiêng liêng. (Nhà văn Thạch Lam)

 

ĐỌC THÊM Nhận định liên hệ mở rộng "Người lái đò sông Đà" hay nhất

 

  • “Ai đã đặt tên cho dòng sông” - Hoàng Phủ Ngọc Tường

1. “Như một người đã chiêm nghiệm trong im lặng và trong sương khói chỉ để giữ lại những nét đẹp sâu thẳm của thiên nhiên, từ dưới đáy kinh nghiệm của một đời cầm bút, tôi đã không ngần ngại gửi tâm hồn mình vào tác phẩm, vẽ lại đời mình bằng màu nước của dòng sông, nó xanh biếc và yên tĩnh như một lẻ vĩnh hằng trong cảnh vật cố đô.” (Hoàng Phủ Ngọc Tường - “Lời tạ từ gửi một dòng sông”) (“Lời tạ từ gửi một dòng sông” là tập bút kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường, được tác giả xem như là lời tạ từ gửi dòng sông Hương)

2. “Đất nước có nhiều dòng sông, nhưng chỉ có một dòng sông để thương để nhớ, như cuộc đời có nhiều cuộc tình nhưng chỉ có một cuộc tình để mang theo”. (Khuyết danh)

3. “Ôi dòng sông Đời Người, ôi con sông Huế, nó đã chở đầy phận người từ thuở từng giọt địa chất sinh ra.” (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

4. “Chảy suốt đời văn và đời người của Hoàng Phủ Ngọc Tường có lẽ là dòng sông Hương, mà nếu không có những trang văn của ông, nó đã không long lanh đến thế trong lòng bao nhiêu người đọc, dù đến hay chưa đến Huế.” (Lê Đức Dục)

5. “… Nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đến với Huế và đã bị con Sông Hương mê hoặc. Nhiều tác phẩm văn học đã đưa con sông này đến với người đọc để từ đó đem lòng yêu Huế, dù chưa một lần đặt chân đến nơi này. Nhưng với Hoàng Phủ Ngọc Tường, người một đời gắn bó với Huế, bằng tình cảm tha thiết, bằng tiềm năng văn hóa đã khám phá vẻ đẹp của Hương Giang một cách toàn diện, đưa Sông Hương trở thành biểu tượng của đất cố đô…” (Bùi Thị Hải Hạnh).

 

Đồng hành cùng chị trong KHÓA HỌC 10 NGÀY "CHẠY" VĂN để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan