CÔNG THỨC VIẾT PHẦN GIỚI THIỆU TÁC GIẢ, TÁC PHẨM ẤN TƯỢNG NHẤT

Ngày 27/11/2024 09:04:44, lượt xem: 289

 

1. Công thức 1: Đi từ tác giả đến tác phẩm

Tác giả A tên thật là, là một nhà văn/ nhà thơ (một câu nêu đặc điểm sáng tác của tác giả)… Trong suốt hành trình “gọt chữ thành văn”, tác giả đã để lại cho văn đàn một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Có thể kể đến như (liệt kê một số tác phẩm tiêu biểu), nhưng nổi bật nhất phải nhắc đến tác phẩm B. Trang văn/trang thơ của tác giả đã khắc họa đặc điểm C…

VD: Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen, là một nhà văn có sức sáng tạo dồi dào. Trong suốt hành trình “gọt chữ thành văn”, ông đã để lại cho văn đàn một kho tàng tác phẩm đồ sộ. Có thể kể đến “Dế mèn phiêu lưu kí” gắn với bao thế hệ trẻ thơ hay “Quê người”, “Cát bụi chân ai”,... Nhưng nổi bật nhất phải là truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, trích từ tập “Truyện Tây Bắc”. Trang văn của tác giả đã khắc họa cuộc sống, số phận của người dân miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn chúa đất - thực dân và sự phản kháng để đòi lại quyền sống, quyền hạnh phúc chính đáng của họ.

 

2. Công thức 2: Đi từ tác phẩm đến tác giả

Tác phẩm là linh hồn của tác giả, là những yêu thương, những “ước mong nhức nhối” mà tác giả gửi gắm, từ con chữ, ta thấy được cả con người nhà văn. Tên tác phẩm A cũng là một tác phẩm như thế. Qua nội dung tác phẩm, ta thấy bóng dáng của tác giả B…(nêu đặc điểm sáng tác của tác giả). 

VD: Tác phẩm là linh hồn của tác giả, là những yêu thương, những “ước mong nhức nhối” mà tác giả gửi gắm, từ con chữ, ta thấy được cả con người nhà văn. “Nắng mới” cũng là một bài thơ như thế. Qua bức tranh “nắng mới”, qua nỗi nhớ não nùng về hình ảnh người mẹ đã khuất xa trong kí ức, ta thấy bóng dáng của hồn thơ Lưu Trọng Lư, mơ màng, rạo rực, u buồn mà mãnh liệt. 

 

ĐỌC THÊM: CÔNG THỨC CHUYỂN ĐOẠN ÁP DỤNG CHO BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC VỀ TÁC PHẨM VĂN XUÔI

 

3. Công thức 3: Đi từ lí luận văn học

“Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà), người sáng tác là người “phụng sự cho nỗi thống khổ và quyền tự do của con người” (Albert Camus). Do đó, nhà văn phải gửi được vào trong trang văn mình những tâm tư, xúc cảm, những suy ngẫm sâu sắc và hiện thực độc đáo. Tác giả A là một ngòi bút tài năng như thế. Được biết đến như (đặc điểm sáng tác của tác giả), tác giả đã cống hiến cho văn đàn những tác phẩm đặc sắc. Trong đó phải kể đến tác phẩm B. Qua tác phẩm, nhà văn/ nhà thơ đã khắc họa… (nội dung tác phẩm).

VD: “Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư” (Lê Ngọc Trà), người sáng tác là người “phụng sự cho nỗi thống khổ và quyền tự do của con người” (Albert Camus). Do đó, nhà văn phải gửi được vào trong trang văn mình những tâm tư, xúc cảm, suy ngẫm sâu sắc và hiện thực độc đáo. Huy Cận là một ngòi bút tài năng như thế. Trước Cách mạng, hồn thơ ông đậm nét ảo não, buồn thương, trong đó phải kể đến bài thơ “Tràng giang”. Qua bài thơ, nhà thơ đã khắc họa nỗi cô đơn, nỗi đau của một kẻ “tha hương” ngay trên chính quê hương mình. 

 

4. Công thức 4 (đối với dạng bài so sánh hai tác phẩm)

“Nghệ thuật như một dàn giao hưởng, mà trong đó, mỗi nhà văn chơi một nhạc cụ riêng, rung lên một âm thanh riêng để tạo thành bản nhạc”, không có hai nhà văn hoàn toàn giống nhau trên hành trình sáng tạo. Vậy nên, nếu nhà văn A mang đến tác phẩm B với nội dung C; thì nhà văn X lại làm độc giả ấn tượng bởi nội dung Y tác phẩm Z.

VD: “Nghệ thuật như một dàn giao hưởng, mà trong đó, mỗi nhà văn chơi một nhạc cụ riêng, rung lên một âm thanh riêng để tạo thành bản nhạc”, không có hai nhà văn hoàn toàn giống nhau trên hành trình sáng tạo. Vậy nên, nếu Tô Hoài mang đến một “Vợ chồng A Phủ” với cuộc sống khổ cực của cư dân miền núi Tây Bắc dưới ách thống trị của bọn chúa đất - thực dân và khát vọng phản kháng mãnh liệt; thì Kim Lân lại làm độc giả nhớ về cuộc sống của cư dân đồng bằng Bắc bộ những ngày đói qua sự kiện Tràng “nhặt vợ”; cũng từ đó, nhà văn mở ra cho họ một con đường để giải phóng chính mình.

 

ĐỌC THÊM: CÔNG THỨC CHUYỂN ĐOẠN ÁP DỤNG CHO BÀI NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM THƠ HAY NHẤT

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học KỸ NĂNG VIẾT VĂN NGHỊ LUẬN CHUYÊN SÂU

Tin liên quan