Đăng Ký Học
Ngày 23/05/2023 15:34:28, lượt xem: 19216
Đề bài:
Trong bút kí Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân từng viết:
(1) Tới cái thác rồi. (2) Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung rít lên như tuyếc-bin thuỷ điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chắn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn. Hàng tiền vệ, có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở nhưng chính hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa, vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng với đánh khuỷu quật vu hồi lại Nếu lọt vào đây rồi mà cái thuyền du kích ấy vẫn chọc thủng được tuyến hai, thì nhiệm vụ của những boongke chìm và pháo đài đá nổi ở tuyến ba phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên, phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng thuỷ thủ ngay ở chân thác. Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn bệ vệ oai phong lẫm liệt. Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào. Ông đò hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình. Mặt nước hò la vang dậy quanh mình, ùa vào mà bẻ gãy cán chèo võ khí trên cánh tay mình. Sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái mà thúc gối vào bụng và hông thuyền. Có lúc chúng đội cả thuyền lên. Nước bám lấy thuyền như đổ vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra giữa trận nước vang trời thanh la não bạt. Sóng thác đã đánh đến miếng đòn hiểm độc nhất, cả cái luồng nước vô sở bất chí ấy bóp chặt lấy hạ bộ người lái đò […]. Mặt sông trong tích tắc lòe sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng. Nhưng ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lung, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm. Tăng thêm mãi lên tiếng hỗn chiến của nước của đá thác. Nhưng trên cái thuyền sáu bơi chèo, vẫn nghe rõ tiếng chỉ huy ngắn gọn tỉnh táo của người cầm lái. Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận vòng thứ nhất.
(Trích Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.187, 188)
Cảm nhận về cuộc vượt thác được miêu tả trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về vẻ đẹp ngôn ngữ của Nguyễn Tuân thể hiện qua đoạn trích.
Bài làm
Mở bài:
Nhà thơ Chế Lan Viên từng thiết tha bày tỏ:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn”
Trong quá trình sáng tác, mỗi người nghệ sĩ đều có một không gian nghệ thuật để đi về. Ấy vậy mà đến với Nguyễn Tuân, ta dường như có cả một tấm bản đồ của Việt Nam trong những chuyến hành trình không mỏi. Trên hành trình khám phá thẩm mỹ ấy, cảm quan thiên nhiên, đất nước thiết tha, mạnh mẽ hiếm có đã giúp Nguyễn Tuân vẽ nên một “bản đồ Việt Nam” bằng ngôn từ thật đặc sắc. Đất nước như trải dài theo mỗi bước chân của nhà văn. Từ Mũi Lũng Cú tột Bắc tới Huyện đảo nơi biển khơi. Nghe Gió Than Uyên và Vẫn nghe tiếng dội Cà Mau ấy. Có Nhật ký lên Mèo, lại có trang viết Về thăm đất lửa Quảng Trị. Cảnh vật hiện ra với vẻ đẹp hiền hoà, thơ mộng, cùng với vẻ khắc nghiệt, dữ dội, có những nét hiện thực trần trụi và cả những nét mơ màng, hư ảo. Ấn tượng nhất với bạn đọc có lẽ chính là mảnh đất Tây Bắc được tái hiệu qua tuỳ bút “Người lái đò sông Đà”. Đặc biệt, cuộc vượt thác đã được Nguyễn Tuân tái hiện sinh động quan trích đoạn: “Tới cái thác rồi… Vậy là phá xong cái trùng vi thạch trận vòng thứ nhất.” Qua đó, ta thấy được vẻ đẹp ngôn ngữ của Nguyễn Tuân được thể hiện qua trích đoạn.
Thân bài:
Luận điểm 1: Tác giả, tác phẩm
Ðời viết văn hơn nửa thế kỷ của Nguyễn Tuân là một quá trình lao động nghệ thuật thật sự nghiêm túc. Về sau, khi đã ở đỉnh cao nghề nghiệp, ông vẫn không bao giờ tỏ ra lơi lỏng, hời hợt; mà ngược lại, luôn nghiêm khắc với chính mình. Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã trở thành “trục bản lề” lịch sử để Nguyễn Tuân trở thành sự lột xác kỳ diệu của bản thân. Sau cách mạng Nguyễn Tuân được thăng hoa bởi chất men lãng mạn cách mạng, một nguồn cảm hứng sáng tạo mới, say mê và mãnh liệt. Đầu năm 1958, Nguyễn Tuân đi thực tế - một chuyến đi dài hạn lên Tây Bắc. Chính cuộc sống thực tế nơi đây đã trở thành nguồn sáng tác say mê, mãnh liệt khiến Nguyễn Tuân viết tập tùy bút “Sông Đà” (1960) – “Người lái đò sông Đà” là một trong số 15 bài tuỳ bút của tác phẩm này - một bản anh hùng ca bất hủ. Đoạn trích tái hiện vẻ đẹp hung bạo của con sông Đà với trùng vi thạch trận thứ nhất. Tuy nhiên, sự nguy hiểm, dữ dội của con sông đã ko thể chiến thắng nổi sự mưu lược, tài trí của người lái đò.
Luận điểm 2: Phân tích vấn đề nghị luận
Cá tính và mạnh mẽ, lối tự do phóng túng và sự ý thức sâu sắc về “cái tôi” cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến nghệ thuật tùy bút như một điều tất yếu. Các sáng tác giai đoạn sau cách mạng, Nguyễn Tuân chú ý nhiều đến khách quan, cái tôi đã hòa nhập với cái ta, với nhân dân và chiến sĩ. Tác phẩm của ông đã phục vụ kịp thời công cuộc chiến đấu và xây dựng Tổ quốc. Hình tượng sông Đà và người lái đò sông Đà chính là minh chứng rõ nét cho sự thay đổi ấy.Với trích đoạn tái hiện về cuộc vượt thác trên sông Đà cụ thể khi con thuyền và người lái đò đối mặt với trùng vi thứ nhất. Người đọc hình dung ra một tương quan lực lượng đối lập giữa thiên nhiên và con người. Một bên là thiên nhiên với con sông Đà hung bạo, mang trong mình sức mạnh ghê gớm của đá, nước cùng gào réo, lồng lộn nơi thác dữ. Nó có mục đích tàn bạo rằng nhất định phải ăn chết cái thuyền, hạ gục người lái đò. Và con thuỷ quái ấy đã thể hiện ra tính tính cách hiểm độc của mình bằng cách bày thạch trận với sự biến ảo khôn lường của cách bố trí cửa sinh, cửa tử. Đối lập với thiên nhiên hũng vĩ, dữ tợn là một người lái đò bình thường, không có phép màu hay sức mạnh phi thường trong tay. Chỉ có con thuyền là chiến mã, mái chèo là thanh gươm, cùng với những người đồng hành trên chuyến đò lao thẳng vào trận địa. [Nhận xét] Tương quan vốn dĩ không cân sức để thấy rằng nếu đem sức lực mà đấu chọi thì phần thua chắc chắn sẽ về phía người lái đò. Qua tương quan đó để khẳng định với bạn đọc về chiến thắng của người lái đò không phải chỉ do sức mạnh thể chất mà còn do sức mạnh của trí tuệ và tâm hồn con người. Từ đó khiến bạn đọc thấy được hình ảnh con người lao động đẹp lồng lộng giữa trang viết tài hoa của Nguyễn Tuân.
Hình tượng sông Đà được xây dựng trên trang văn với bộ mặt của một loài thuỷ quái, vừa hung dữ, tâm địa lại hiểm độc. Nơi thác nước hiểm nguy, dữ dội, sông Đà đã bày binh, bố trận với mục đích chính nhằm dụ con thuyền vào, ăn chết con thuyền và người lái đò đi ngang qua đây. Thạch trận được dàn bày với lực lượng tham gia chủ yếu là đá và nước trên sông Đà. Đá trên sông không phải sự xuất hiện ngẫu nhiên, cũng không còn là thiên nhiên vô tri mà được mô tả như những chiến binh hung tợn và thiện chiến. Với diện mạo: cổ quái, “nhăn nhúm, méo mó”. Hành động của chúng thể hiện sự ngỗ ngược, ra oai, liều lĩnh, hung hăng: “hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến”, “lùi lại thách thức cái thuyền”, “nhổm cả dậy” sẵn sàng lôi thuyền vào tập đoàn cửa tử. Viết về đá trên sông Đà, ngôn ngữ của Nguyễn Tuân linh hoạt vô cùng, ông thổi hồn cho những hòn đá vô tri, bất động để rồi ta thấy dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân, những hòn đá lại sống động như có một linh hồn, một khả năng và sức mạnh của con người. Xem cách đá trên sông dàn bày thạch trận có thể thấy vị trí của từng hòn đá giống như cá thể trong đội quân có kỉ luật. Mỗi hòn đã có vai trò, nhiệm vụ riêng, những hòn đá tiền vệ - hậu vệ, có những hòn đá trấn cửa sinh – giữ cửa tử, chia thành tướng đá, quân đá. Không thể phủ nhận sức mạnh cũng như sự linh hoạt trong khả năng của những đá hòn, đá tảng nơi đây. Đó là khả năng quân sự tuyệt vời: biết dàn thạch trận với sự bố trí đầy ảo diệu của cửa sinh và cửa tử. Có thể thấy, cách mà Nguyễn Tuân miêu tả về những hòn đá trên sông Đà chính là cách nhìn sự vật ở con người nghệ sĩ: Những hòn đá bây giờ không chỉ là chính nó mà biến nó thành 1 hình tượng mới mẻ để kí thác cảm xúc, tư tưởng, quan niệm.
Sức mạnh của đá – cách sông Đà nghênh đón ông lái đó bắt đầu cuộc chiến: Ở trùng vi thạch trận thứ nhất, đá được chi viện, cổ vũ bởi âm thanh của nước thác “reo hò làm thanh viện”, đá và nước thác đã có sự phối hợp hết sức nhịp nhàng, ăn ý. Ở chi tiết này, phép nhân hóa được sử dụng đắc địa để tạo nên cảm nhận hết sức sinh động về cặp đôi đá – thác nước từ đó tạo ra ấn tượng về không khí, âm thanh náo động mở màn cho cuộc chiến. Đá được miêu tả ở nhiều hình dáng và góc nhìn khác nhau: Hòn thì trông bệ vệ, oai phong, lẫm liệt thể hiện thái độ hống hách, tự tin, thị uy khi nghênh đón con thuyền bước vào cuộc chiến. Nguyễn Tuân đã tả chi tiết hình ảnh của hai hòn đá được giao nhiệm vụ dụ con thuyền vào rất sinh động. Hòn trông nghiêng, hất hàm hỏi con thuyền, đòi xưng tên tuổi giao chiến. Vẫn là biện pháp tu từ nhân hóa kết hợp sinh động với nghệ thuật so sánh cho người đọc hình dung ra sự kiêu ngạo, coi thường, xấc xược, thách thức, kẻ cả của đội quân đá nơi đây. Một hòn đá khác lùi lại một chút có vẻ đề phòng, cẩn trọng, soi xét đối thủ sau đó thách thức cái thuyền tiến gần. Có thể thấy, đá đang dùng chiêu khiêu khích, dụ con thuyền tiến sâu vào một trận địa đã được bố trí sẵn. Chúng đã làm rất tốt nhiệm vụ được sông Đà đã giao cho. Dựa vào các chi tiết, người cảm nhận sự chuẩn bị công phu, có thống nhất, đầy mưu mẹo, gian xảo của đá. Với những câu văn ngắn, ngắt nhịp linh hoạt kết hợp với so sánh, nhân hoá đã làm nên thứ ngôn ngữ giàu chất tạo hình khiến cho độc giả hình dung một cách sinh động màn khởi đầu của cuộc chiến với những chi tiết sắc nét, chân thực, thú vị trong hình ảnh, thái độ của đá đón ông lái đò. Chỉ bằng những câu chữ được đặt để trên trang giấy, Nguyễn Tuân đã giúp người đọc có thể tưởng tượng hình ảnh cuộc chiến như đang diễn ra trước mắt mình.
ĐỌC THÊM Nhận định liên hệ mở rộng "Người lái đò sông Đà" hay nhất
Sức mạnh của sóng nước: Không chỉ nhìn thấy, bạn đọc còn được nghe thấy âm thanh của sóng nước đang hò la vang dậy, vang trời thanh la não bạt. Tác giả đã sử dụng nghệ thuật nhân hóa để tái hiện âm thanh của trận chiến. Đó là âm thanh nước cổ vũ cho đá với mục đích uy hiếp tinh thần của người lái đò, cũng đồng thời là một đòn tấn công trong bài binh bố trận của sông Đà. Sự xuất hiện của âm thanh làm tăng thêm sự hung hãn, dữ dội của dòng nước. Sự kết hợp giữa sức mạnh của đá, nước càng gây nên thách thức, khó khăn của ông lái đò.
Miêu tả những đòn đánh linh hoạt, biến hóa, đa dạng của nước kết hợp với đá: Trong trùng vi thạch trận đầu tiên, sóng nước hò la ùa vào bẻ gãy cán chèo. Chúng nó đã dùng chiêu thức đánh hội đồng, tước vũ khí của ông lái đò. Sau đó liên tiếp là những miếng đòn được tung ra: đá trái, thúc gối vào bụng, hông thuyền. Những miếng đòn ấy đều là đánh vào chỗ quan trọng, điểm yếu của thể khiến con thuyền bị lệch hướng hoặc bị lật ngửa. Cũng có lúc, nó thay đổi chiến thuật đội cả thuyền lên tức là đánh từ đáy thuyền bằng sức mạnh của dòng nước. Rồi nhanh chóng chuyển sang đòn đánh trực diện, dồn sức để tấn công và hạ gục đối thủ bằng cách tùm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa. Không dừng lại ở đó, luồng nước đánh vào hạ bộ của ông lái đò – đây là đòn đánh hiểm độc và mang tính quyết định. Chúng đã quyết định tấn công vào chỗ hiểm của người lái đò và rõ ràng nó đã phát huy tác dụng: đòn đánh này khiến người lái đò bị hoa mắt, chịu đau đớn. Biện pháp so sánh ví von cảm giác đau đớn của ông đò giống như bị cả bể đom đóm rừng châm lửa vào đầu sóng khiến người lái đò mất phương hướng. Có thể thấy, nước và đá đã không từ một thủ đoạn, một đòn đánh nào, kể ngón đòn rất hiểm độc để triệt tiêu đối thủ. Thông qua những chi tiết miêu tả sinh động, phép nhân hóa, so sánh, ngôn ngữ giàu chất tạo hình, người đọc có thể hình dung được mức độ tàn độc, mưu mô, thủ đoạn, ghê gớm, hung bạo của thạch trận sông Đà trong sự kết hợp của đá, nước.Những đòn đánh chí mạng không chỉ nhằm thể hiện sức mạnh của thạch trận mà còn nhằm tước đoạt sinh mạng của ông lái đò.
Bước vào thạch trận, về phía người lái đò - một ông lão 70 tuổi với dáng hình của một con người sinh ra từ sóng nước Đà giang đã chọn tâm thế chủ động. Điều đó được thể hiện qua động từ “vụt” với chi tiết: “Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới.” Đó là một hành động nhanh, dứt khoát thể hiện rằng con người đã bước vào cuộc chiến sinh từ với đá, nước sông Đà bằng thái độ chủ động và dường như ông lái đò đã biết trước điều gì đang chờ đợi mình. Bên cạnh một tư thế, tâm thế chủ động, tự tin còn là tinh thần dũng cảm, kiên cường của ông lái đò. Trước những thanh âm vang dậy và những miếng đòn hiểm độc của sóng nước Đà giang, “Ông đò hai tay giữ mái chèo khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình.” Hành động: giữ mái chèo thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm. Khi sóng nước ùa vào với mục đích bẻ gãy, hai bàn tay của ông lái đò đã ko rời cái mái chèo bởi ông hiểu rằng mái chèo chính vũ khí duy nhất giúp ông đưa con thuyền ra khỏi trận địa 3 vòng của sông Đà. Hình ảnh con người lao động vững vàng trước những làn sóng tấn công thẳng vào mình đã khiến người đọc có thể tưởng tượng được cái dáng đứng thẳng, 2 bàn tay nắm mái chèo và gương mặt quyết tâm của người lái đò trước một đòn đánh mạnh. Khi chúng tung ra miếng đòn hiểm độc nhất khiến cho ông lái đò bị thương, ông lái đò đã “cố nén vết thương, kẹp chặt cuống lái”, mặc dù mặt ông đang méo bệch. Sự kết hợp của ngôn ngữ giàu tính tạo hình và nghệ thuật so sánh đã cho người đọc hình dung ra nỗi đau trên gương mặt của ông lái đò khi phải đối diện với các đòn đánh hiểm của sóng nước sông Đà từ đó ta thấy rõ hình ảnh người lao động kiên cường ngay cả khi đau đớn. Trước sức mạnh tàn bạo của thiên nhiên, sức mạnh ý chí của con người không hề bị lay chuyển thậm chí còn trở nên mạnh mẽ hơn. Cuộc vượt thác chính là cuộc chiến ngang tài ngang sức giữa thiên nhiên và con người. Thiên nhiên có rộng lớn, hùng vĩ đến đâu thì hình ảnh con người không hề nhỏ bé, bị khuất phục mà trở nên ngang tàng, uy dũng. Lúc bấy giờ, tiếng hỗn chiến được tăng thêm mãi với hình ảnh của đá thác hung hăng, cuồng bạo, khiêu khích. Trước điều đó, bạn đọc nghe thấy tiếng chỉ huy ngắn gọn, tỉnh táo của người cầm lái. Thanh âm ấy giống như khẳng định nơi người đọc về sự bình tĩnh, dứt khoát, điềm tĩnh, lý trí của người lái đò. Để rồi, kết quả của vòng trận thứ nhất: được tác giả thông báo rất ngắn gọn “phá xong”. Đây là cách thông báo cũng đã thể thái độ điềm nhiên, bình tĩnh của con người trước thắng lợi đầu tiên. Có thể thấy, trong cuộc chiến không cân sức: tài trí, dũng cảm, ý chí, tinh thần chủ động của người lái đò đã chiến thắng sự hiểm độc, hung bạo. mưu mô, xảo trá của thạch trận sông Đà.
ĐỌC THÊM "Thứ vàng mười đã qua thử lửa" ở ông lái đò trong "Người lái đò sông Đà"
Luận điểm 3: Làm rõ yêu cầu nâng cao
Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, Nguyễn Tuân luôn giữ quan niệm: “Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ. Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo, không nên ăn bám vào người khác. Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay... Cũng cùng 1 vốn ngôn ngữ ấy nhưng sử dụng có sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước. Có vốn mà không biết sử dụng chỉ như nhà giàu giữ của. Dùng chữ như đánh cờ tướng, chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó. Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ thấp khớp.” Có thể thấy, với quan niệm sáng tạo này, Nguyễn Tuân đã tinh tế sử dụng những từ ngữ chính xác, vừa có giá trị gợi hình vừa mang giá trị biểu cảm cao. Đó là thứ ngôn ngữ gợi lên những liên tưởng, tưởng tượng thú vị, độc đáo, gợi lên những rung cảm thẩm mĩ, đập mạnh vào mọi giác quan của bạn đọc. Ông dùng những từ ngữ miêu tả hình ảnh sống động về những hòn đá như nhăn nhúm, méo mó. Bên cạnh đó là những động từ hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến”, “lùi lại thách thức cái thuyền”, “nhổm cả dậy”, “hò la”, “đánh khuýp quật vu hồi”, “ùa vào” giúp người đọc hình dung ra được rõ ràng về sự hùng vĩ, hung bạo, tâm địa hiểm độc của dòng sông này. Bên cạnh đó còn là những từ ngữ miêu tả ông lái đò với tâm thế chủ động, thể hiện sự dũng cảm, mưu trí, sẵn sàng đối diện và vượt qua đau đớn: “vụt tới”, “cố nén vết thương”, “kẹp chặt cuống lái” “ mặt méo bệch”. Với “Người lái đò sông Đà”, Nguyễn Tuân dường như mang đến một màu vị mới cho ngôn từ, khiến cho người đọc cảm thấy rất hứng thú, muốn dành nhiều thời gian hơn để nghiền ngẫm về những từ ngữ độc đáo ấy. Có thể thấy, mỗi chữ Nguyễn Tuân đặt lên trang văn của mình là cả một quá trình sáng tạo công phu, cẩn trọng và thiêng liêng. Ông lựa chọn ngôn từ một cách trau chuốt, tỉ mỉ để làm nên những trang viết ấn tượng với độc giả, chính điều đó đã làm nên sự tài hoa của người nghệ sĩ trong việc sử dụng từ ngữ của mình, đúng như nhà thơ người Nga Maia - cốp – xki có viết:
“Phải phí tốn nghìn cân quặng chữ
Mới thu về một chữ mà thôi
Nhưng chữ ấy làm cho rung động
Triệu trái tim trong hàng triệu năm dài.”
[Có thể sử dụng thêm các nhận định khác để nói về cách sử dụng Nguyễn Tuân]
1. "Tìm đến Nguyễn Tuân như là người của nghề - nghề viết; và là người của chữ - tiếng Việt. Đọc bất cứ trang văn nào của Nguyễn Tuân ta cũng đều cảm nhận được một cách thật hứng thú cái giàu có, sinh sắc, sống động, và cái sức diễn tả, biểu đạt thật là tuyệt vời của câu văn ta trên tất cả các phương diện của màu sắc, âm thanh, hình khối của chữ và nghĩa.”
2. “Ngôn ngữ Nguyễn Tuân đó là thứ ngôn ngữ có hình, có khối, có nhạc, và đương nhiên là có hồn - cái hồn được truyền lại từ cha ông và cái hồn của người viết phả vào, bởi tài năng vận dụng, khai thác hết công suất của nó" – GS Phong Lê
Luận điểm 4: Khái quát đặc sắc nội dung, đặc sắc nghệ thuật
Thông qua trùng vi thứ nhất trong cuộc chiến giữa ông lái đò và dòng sông Đà, chúng ta thấy được sự ngợi ca, ngưỡng mộ của nhà văn dành cho vẻ đẹp của con người lao động trên sông Đà. Đó là sự tôn vinh người lao động bằng việc lấy sự hung bạo của dòng sông làm yếu tố nền tảng để khắc chạm hình ảnh uy dũng, kiên cường của con người. Nhà văn phát hiện được cái phi thường trong những con người lao động bình thường. Ông lái đò gợi nhớ tới hình ảnh ông lão đánh cá Santiago trong cuộc đối đầu với con cá kiếm trong “Ông già và biển cả” với lời gửi gắm thông điệp cao cả đến con người: “Trước biển đời mênh mông, con người như một lữ khách cô độc, già nua và yếu ớt. Nhưng không phải vì điều đó mà người ta từ bỏ ước mơ, đánh mất chính mình, mà phải dùng tất cả sức lực chống chọi với những bão táp cuộc đời để hiên ngang đứng dậy và khẳng định vị thế của mình trong chính vùng biển của mình.” Và bên cạnh đó còn là một chân lý bất hữu: “Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại”. Để làm nên được thành công ấy, Nguyễn Tuân đã vận dụng linh hoạt nghệ thuật nhân hóa, so sánh sinh động, câu văn biến hóa linh hoạt và giàu chất tạo hình. Bên cạnh đó còn là sự kết hợp của kiến thức quân sự, thể thao khiến cuộc chiến giữa con người – thiên nhiên được hình dung gần gũi, sống động, chân thực. Giọng điệu câu văn thay đổi linh hoạt: khi hồi hộp căng thẳng, khi dồn dập, khi thì điềm tĩnh để làm nên một cuộc vượt thác ấn tượng trong lòng bạn đọc. GS Phong Lê từng phát biểu: "Chặng đường sau 1960 cho đến khi Nguyễn Tuân qua đời, năm 1987 vẫn là một hành trình liên tục, không ngừng nghỉ, không nản mỏi, không đứt quãng trên hai trục Đi và Viết, với khởi đầu là Sông Đà (1960). Sông Đà góp một giai điệu ấm áp và hào sảng đó vào một thời khó quên trong lịch sử văn học thế kỷ 20, đó là vẻ đẹp của thiên nhiên qua một bút pháp rất tạo hình. Như vậy là qua Sông Đà, từ Sông Đà, Nguyễn Tuân đang có một đà say về cuộc sống mới".
Kết bài:
Qua việc phân tích đoạn trích trên, mỗi bạn đọc dường như đang thấy rõ khung cảnh cuộc vượt thác ở trùng vi thứ nhất diễn ra gay cấn, với đầy thử thách cho ông lái đò. Nhưng cuối cùng, bằng sự dũng cảm, tài trí của mình, ông đò đã vượt qua được trùng vi thạch trận đầu tiên một cách ngoạn mục. Điều đó càng thể hiện rõ tài năng nghệ thuật của Nguyễn Tuân. Có thể thấy, gần 50 năm hoạt động văn học liên tục, bằng ngòi bút tài năng của mình Nguyễn Tuân đã có những đóng góp to lớn, có một vị trí quan trọng trong lịch sử văn học Việt Nam... Sự ra đi của Nguyễn Tuân đã để lại một khoảng trống lớn khó mà bù đắp nổi trên văn đàn về cá tính, nhân cách, bút pháp và phong cách. Cuộc đời Nguyễn Tuân là một minh chứng, một định nghĩa sống về ý thức và tài năng của nghề văn. “Sự tồn tại và sức sống của các tác phẩm của Nguyễn Tuân chứng tỏ nó không chỉ "Vang bóng một thời" mà có thể nói là vang bóng mãi mãi”.
Đồng hành cùng chị trong KHÓA HỌC 10 NGÀY "CHẠY" VĂN để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia nhé!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan