4 công thức mở bài hay và ấn tượng nhất

Ngày 11/05/2023 17:53:44, lượt xem: 10514

Em đã biết cách viết những mở bài thật hay và gây ấn tượng với người đọc chưa? Nếu chưa thì cùng tham khảo bài viết dưới đây của chị để học được cách viết vở bài thật đặc sắc nha!

 

 

I. ĐI TỪ ĐỀ TÀI

- Công thức: Từ bao đời (Đề tài tác phẩm) đã trở thành nguồn đề tài bất tận để người phu chữ đào sâu, cày xới. Chúng ta có “Tác phẩm A” và “Tác phẩm B” đã gây được ấn tượng sâu sắc. Nhưng + Tác phẩm C + của + Nhà văn C’ + đã mang đến một làn gió mới, tác phẩm viết về (Nội dung chính của tác phẩm + Vấn đề nghị luận) để giờ đây kho tàng văn học Việt Nam có một kiệt tác bất hủ. + Nêu vấn đề nghị luận.

 

- VD: Từ bao đời, hình ảnh người nông dân đã trở thành nguồn đề tài bất tận để người phu chữ đào sâu, cày xới. Họ là những người thiện lương, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng lại phải chịu những áp bức bất công của xã hội đương thời. Chúng ta có một anh Pha bị tước đoạt ruộng đất trắng trợn trợn trong “Bước đường cùng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Hay một chị Dậu túng quẫn đến mức phải bán cả con ruột với cái tiền đồ “tối đen như mực” trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố, các tác phẩm đã gây được ấn tượng vô cùng sâu sắc. Nhưng có một người nông dân phải chịu nỗi đau tột cùng hơn thế, không ai khác chính là nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nam Cao. Viết về hình ảnh người nông dân, Nam Cao đã mang đến một làn gió mới, ông không khai thác nỗi đau về sưu cao thuế nặng, nỗi đau về sự nghèo đói mà ông đi thẳng vào quyền con người, đánh vào nỗi đau bị đồng loại chối bỏ, nỗi đau bị tước đoạt quyền làm người để giờ đây kho tàng Văn học Việt Nam có một thiên kiệt tác bất hủ.

 

II. ĐI TỪ TÁC GIẢ

- Công thức: (Các danh xưng của tác giả). Những danh xưng ấy không thể dành cho ai khác ngoài (tác giả A). (Phong cách của tác giả A). (Tác giả A) đã dùng hết tâm can của mình để viết nên những vần thơ chan chứa tình cảm, từng con chữ trên trang giấy như thể là tâm sự, là nỗi lòng của thi nhân. Tất cả nỗi niềm đó được thể hiện qua (tác phẩm A). ]

 

- VD: Một hồn thơ ảo não sầu muộn, một mạch sầu thiên thu vạn kỷ, người khơi dậy hồn buồn Đông Á ngấm ngầm chảy trong lòng đất mấy nghìn năm nay. Vâng những danh xưng ấy không thể dành cho ai khác ngoài nhà thơ Huy Cận. Là một nhà thơ với giọng thơ hàm súc, triết lý, Huy Cận đã dùng hết tâm can của mình để viết ra những vần thơ chan chứa tình cảm, từng con chữ viết ra trên trang giấy như thể là tâm sự, là nỗi lòng của thi nhân trước sóng gió thời cuộc. Tất cả nỗi niềm đó được nhà thơ thể hiện qua bài thơ “Tràng giang”, đây chính là sự giãi bày tâm tư, là tiếng lòng mà thi nhân muốn chia sẻ bấy lâu nay, nỗi niềm ấy được gói gọn vào từng câu từ con chữ, thêu dệt lên một “Tràng giang” chan chứa cảm xúc và đậm chất trữ tình.

 

ĐỌC THÊM Viết mở bài 4 cấp độ - 4 mẫu mở bài hay nhất

 

III. ĐI TỪ HOÀN CẢNH SÁNG TÁC

- Công thức: (Hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm) trong hoàn cảnh ấy (Tác giả A) đã cho ra đời “Tác phẩm A”, tác phẩm là (nội dung chính). Qua đó ta có thể cảm nhận được (Vấn đề nghị luận).

 

- VD: Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, hòa bình được lập lại trên cả ba nước Đông Dương, đánh dấu mốc son chói lọi lưu danh sử sách trong lịch sử dân tộc. Sau sự kiện ấy, các cán bộ Việt Minh sẽ phải tạm biệt “Thủ đô gió ngàn” để về với “Thủ đô ánh sáng”, từ vùng rừng núi trở về chốn thành thị. Trong giây phút chia tay, người đi không khỏi lưu luyến, nhớ nhung; người ở lại không khỏi xót xa, buồn rầu. Nhân sự kiện đầy tính lịch sử ấy, Tố Hữu đã cho ra đời bài thơ “Việt Bắc”, bài thơ là tình cảm thủy chung, ân tình sâu nặng của các cán bộ miền xuôi với nhân dân và mảnh đất Việt Bắc, mảnh đất thủy chung son sắt mà họ đã cùng nhau đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi. Qua đó ta cũng có thể cảm nhận được những cảm xúc, rung động, tình cảm chân thành của nhà thơ Tố Hữu với chiến khu Cách mạng.

 

IV. ĐI TỪ TRÍCH 

- Công thức: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc sống viết ra” (Andersen). (Tác giả A) cũng đã xuất phát từ những khoảnh khắc ý nghĩa và chân thực từ đời sống để rồi viết nên một câu chuyện đẹp mang tên (Tác phẩm A). (Tác phẩm A) đã gây ấn tượng mạnh mẽ (Vấn đề nghị luận).

 

- VD: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do cuộc sống viết ra” (Andersen). Nhà văn Kim Lân cũng đã xuất phát từ những khoảnh khắc ý nghĩa và chân thực từ đời sống để rồi viết nên một câu chuyện đẹp mang tên “Vợ nhặt”. Tác phẩm “Vợ nhặt” đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi tác giả làm nổi bật vẻ đẹp tâm hồn của những người nông dân nghèo xóm ngụ cư cụ thể là nhân vật bà cụ Tứ. Bởi dù phải đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết nhưng bà cụ Tứ vẫn khao khát được sống, khao khát được thoát khỏi cái đói để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó chính là giá trị nhân đạo mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm, là tình cảm chân thành của nhà văn dành cho nhân vật của mình.

 

Đồng hành cùng chị trong KHÓA HỌC 10 NGÀY "CHẠY" VĂN để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan