Bài nghị luận văn học phân tích Mị trong đêm tình mùa xuân hay nhất

Ngày 02/06/2023 17:44:40, lượt xem: 53558

Đề bài:

Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân để thấy được giá trị nhân đạo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.

 

 

Bài làm:

Nguyễn Minh Châu từng khẳng định sứ mệnh của người cầm bút chính là “nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hay số phận đen đủi dồn đến chân tường. Những con người cả tâm hồn và thể xác bị hắt hủi và đọa đày đến ê chề, hoàn toàn mất hết niềm tin vào con người và cuộc đời. Không ai khác những người cầm bút tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực.” Và nhà văn Tô Hoài đã thực hiện trọn vẹn sứ mệnh ấy khi mang đến cho bạn đọc tác phẩm Vợ chồng A Phủ với điểm sáng là tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân để từ đó ánh lên giá trị nhân đạo sâu sắc.

Tô Hoài gây ấn tượng trong lòng độc giả với lối kể chuyện tự nhiên và đặc biệt sử dụng vốn ngôn từ địa phương rất thuần thục. Viết về một vùng miền, nhà văn luôn có sự nghiên cứu kỹ càng để vận dụng được tối đa vốn tri thức, hiểu biết của mình một cách hiệu quả. Truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” là một ví dụ điển hình cho phong cách nghệ thuật đặc trưng của ông. Tác phẩm được in trong tập “Truyện Tây Bắc” (1953). Đó là kết quả của chuyến đi tham dự chiến dịch giải phóng Tây Bắc của nhà văn Tô Hoài mà tác giả đã “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào dân tộc Tây Bắc trong suốt 8 tháng của năm 1952. Tác giả đã thổ lộ: “Đất nước và con người Tây Bắc đã để thương để nhớ cho tôi nhiều, không thể bao giờ quên”. Truyện ngắn này đã để lại trong bạn đọc nhiều cảm xúc đặc biệt là những biến thiên trong tâm trạng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân.

Trong “Vợ chồng A Phủ”, Mị được biết đến là nhân vật chính của câu chuyện. Một cô gái xinh đẹp, trẻ trung, tài hoa có tài năng thổi lá hay như thổi sáo nên có rất nhiều những chàng trai theo đuổi. Cô đang có một thanh xuân tươi đẹp bên người mà mình yêu thương. Thế nhưng, chỉ vì món nợ truyền kiếp, món nợ tiền kiếp từ ngày cha mẹ mới lấy nhau để lại, Mị đã trở thành món hàng đem ra để trao đổi, cô bị lừa bắt trở thành cô con dâu gạt nợ không công cho nhà thống lý Pá Tra – địa chủ ở Hồng Ngài lúc bấy giờ. Cuộc sống của cô từ đó gắn với đọa đầy về cả thể xác và tâm hồn, cô sống mà như đã chết lúc nào cũng chỉ âm thầm như một chiếc bóng, lẻ loi và đơn độc, cho đến đêm tình mùa xuân năm ấy, khi tiếng sáo tình yêu xuất hiện, cùng là lúc khơi dậy khả năng sống tiềm tàng trong cô gái trẻ này.

Có ai đó đã nhận xét khi đọc tới đêm tình mùa xuân năm ấy: “Trái tim nhân đạo nhà văn Tô Hoài quyết không để nhân vật của mình chết tàn chết lụi trong “ngôi nhà” tựa ngục thất trần gian ấy mà đâu đó trong con người Mị vẫn ẩn chứa sức sống đang âm ỉ cháy chỉ đợi thời cơ để mà bùng lên mãnh liệt.” Quả đúng là như vậy! Tết đến Hồng Ngài khi các nương ngô, nương lúa gặt xong, đã xếp yên trong các nhà kho. Năm ấy Hồng Ngài ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ ranh vào ứng, rét càng giữ. Trong làng Mông đỏ những chiếc váy hoa sặc sỡ đã được phơi ra mỏm đá, hoa thuốc phiện đua nhau nở còn đám trẻ chơi quay, cười ầm. Thiên nhiên và con người Tây Bắc như rạo rực sức sống. Đêm tình mùa xuân đã đến, không khí náo nức rộn ràng, tiếng sáo gọi bạn đi chơi ngoài đầu núi tha thiết bổi hổi vọng lại cùng tiếng chó sủa xa xa. Tiếng trẻ con, trai gái tụ tập đánh pao, đánh quay, thổi sáo, thổi kèn và nhảy. Sự biến đổi của thiên nhiên, đất trời cũng là một trong những tác nhân làm xuất hiện những đổi thay trong lòng Mị.

Trong không khí mùa xuân rộn ràng sắc màu, âm thanh, có một hình ảnh đặc biệt đã xuất hiện - đó là tiếng sáo. Tiếng sáo gọi về ký ức, gọi về khoảng trời yêu, dội lại trong tâm hồn cô gái trẻ những tiếng lòng tha thiết đã rất lâu chưa được tỏ bày. Tiếng sáo đầu núi vọng vào sâu thẳm tâm hồn gợi về bài hát Mị thường thổi năm xưa:

“Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Tao chưa có con trai, con gái

Tao đi tìm người yêu”.

Tiếng sáo cất lên từ trái tim tưởng chừng như khô cằn, chai sạn của Mị giờ đây, tiếng sáo đã đánh thức tâm hồn ngủ yên và khát vọng được yêu bấy lâu nay Mị chôn chặt trong tim. Mị như bừng tỉnh, tiếng sáo rung lên trong trái tim Mị khiến cho nhận thức về cuộc sống ùa về.

 

ĐỌC THÊM NGHỊ LUẬN VĂN HỌC | TIẾNG SÁO TRONG ĐÊM TÌNH MÙA XUÂN

 

Tiếng sáo lần thứ nhất từ xa vọng lại khiến trái tim Mị đang lạnh giá, khô cứng, bỗng mềm dịu, ấm áp, đập những nhịp đập hồi sinh trở lại “thiết tha bồi hồi”. Rồi Mị bắt đầu uống rượu, Mị uống “ực từng bát” như để trôi đi bao đau khổ, uất hận. Cách uống rượu như thế khiến Mị say, lịm mặt ngồi đấy. Mị vẫn nghe tiếng sáo vẫy gọi giục giã, men rượu đã nâng tâm hồn Mị bay theo tiếng sáo đến với những cuộc chơi, đám chơi trong của quá khứ. Còn thể xác vẫn ở lại nhà thống lí “nhìn mọi người nhảy đồng, người hát” khi mọi người về hết “Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà”. Men rượu khiến Mị quên và nhớ: lãng quên đi thực tại trước mắt và gọi về những kỷ niệm thanh xuân. Tiếng sáo lần hai lại vang lên “tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng” tiếng sáo lần này đã đến gần Mị hơn. Tiếng sáo như thôi thúc Mị, lòng Mị đang sống về ngày trước, những ngày tươi đẹp xuân sắc, rực rỡ, vui tươi nhất, thuở ấy “Mị thổi sáo giỏi” “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”, có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị. Theo thói quen, Mị lại bước vào căn buồng tối tăm nhưng lòng phơi phới trở lại, vui như những đêm Tết ngày trước. Đồng thời Mị nhận thức rõ ràng về bản thân, Mị còn trẻ và Mị muốn được đi chơi. Và Mị còn nhận thức được hiện thực phũ phàng rằng mình và A Sử không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau. Lúc này, ý thức sống trỗi dậy mạnh mẽ khiến một lần nữa Mị muốn tìm đến cái chết, chết để được sống tự do. Thế nhưng, tiếng sáo vẫn lơ lửng bay ngoài đường như mời gọi, đưa Mị thoát khỏi cảm giác muốn chết. Mị thấy mình như được hồi sinh thêm một lần nữa. Tiếng sáo vẫn ở đây, cùng với khúc ca yêu thương của tuổi trẻ vọng về:

“Anh ném pao

Em không bắt

Em không yêu

Quả pao rơi rồi…”

Chính những thay đổi trong tâm trạng đã thôi thúc Mị hành động. Mị xắn mỡ bỏ vào đĩa cho căn buồng sáng lên, hành động này dường như dự báo cho những hành động về sau của Mị, Mị tự thắp sáng cuộc đời mình, thoát khỏi gian buồng tối tăm, lệ thuộc ấy. Trong đầu Mị chỉ toàn tiếng sáo, Mị quên cả sự có mặt của A Sử, Mị quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa rồi Mị rút thêm cái áo để chuẩn bị đi chơi. Thấy vậy A Sử lấy thắt lưng và cả thúng sợ đay ra trói đứng Mị vào cột nhà, rồi hắn quấn luôn tóc Mị vào cột, phẩy tay tắt đèn, đi ra khép cửa buồng lại. Hành động đó của A Sử chỉ có thể trói được thể xác Mị chứ không thể nào trói được tâm hồn cô. Trong Mị bây giờ, bóng tối không đáng sợ mà thật ra Mị cũng chẳng để ý tới, chỉ còn tiếng sáo và men rượu còn nồng, Mị vùng bước đi. Nhưng sợi dây đay đã trói chặt chân cô khiến chân đau không cựa được. Mị bị cơn đau kéo về hiện thực, Mị không còn thấy tiếng sáo nữa mà chỉ nghe tiếng ngựa đạp vách, thổi thức nghĩ mình không bằng con ngựa. Tô Hoài đã đặt sự hồi sinh của Mị vào tình huống bi kịch: khát vọng mãnh liệt trái ngược với hiện thực phũ phàng khiến cho sức sống ở Mị càng mãnh liệt. Dù bị chà đạp vẫn luôn âm ỉ sức sống. Sự trỗi dậy của lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc. Để rồi cả một đêm dài, Mị mơ rồi lại tỉnh, rồi lại mơ,...cứ miên man trong những dòng cảm xúc về quá khứ cho đến khi Mị thực sự bừng tỉnh và nhớ về câu chuyện ở trong căn nhà này, hồi trước có người đàn bà bị trói đứng cho tới chết. Nghĩ đến đây thôi đột nhiên Mị thấy sự, Mị cựa mình xem còn sống hay không. Đây chính là một trong những tín hiệu rõ nhất thể hiện lòng ham sống của nhân vật này. Người ta sợ chết vì người ta yêu sống, ham sống. Và Mị chính là một cô gái như thế. Đêm tình mùa xuân dù chưa gây ra sự đột biến hay bùng nổ nào trong nhân vật nhưng lại là tiền đề cho “một đám cháy lớn” vào đêm mùa đông.

Với tài năng nổi bật, Tô Hoài đã miêu tả thật tinh tế những diễn biến tâm trạng nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân, khi thiết tha bồi hồi, khi nghẹn ngào xót xa! Ngôn ngữ kể chuyện sinh động, hấp dẫn khiến người đọc vô cùng cuốn hút. Theo dõi một con người đang từ cõi âm u mơ hồ trỗi dậy một sức sống tiềm tàng mà không một thế lực tàn ác nào vùi dập được. Từ việc phân tích tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân ta thấy ngời lên giá trị nhân đạo sâu sắc của tác phẩm “Vợ chồng A Phủ”. Tấm lòng nhân đạo ấy trước tiên được thể hiện qua niềm cảm thông sâu sắc với những số phận bất hạnh bị tước đoạt quyền sống, quyền làm người. Đồng thời còn là tấm lòng trân trọng, nâng niu trước vẻ đẹp tâm hồn của người dân lao động. Qua đó lên tiếng tố cáo thế lực phong kiến, thực dân miền núi tàn bạo chà đạp lên quyền sống, quyền làm người của nhân dân lao động vùng núi Tây Bắc.

Gấp lại những trang sách mà dư âm về nhân vật Mị, về cô gái Mèo với sức sống mãnh liệt, đó cũng là số phận đáng thương của người dân dưới xã hội phong kiến đường thời vẫn còn in đậm trong tâm hồn những người yêu văn chương cả nước. “Vợ chồng A Phủ” xứng đáng là bản cáo trạng đanh thép về bọn phong kiến miền núi, là tiếng nói chung cho những số phận vẫn còn chìm trong bóng tối nhưng vẫn luôn thắp sáng niềm hy vọng trong thời đại lúc bấy giờ. Và câu chuyện về Mị, về những giá trị nhân đạo đầy ý nghĩa nhân văn sẽ mãi là những rung động sâu sắc mà Tô Hoài muốn gửi gắm nơi bạn đọc.

 

Đồng hành cùng chị trong KHÓA HỌC 10 NGÀY "CHẠY" VĂN để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan