Đăng Ký Học
Ngày 10/05/2024 12:50:06, lượt xem: 3132
1. Lời đề từ “Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông”
“Chúng thuỷ giai Đông tẩu/Đà giang độc Bắc lưu”
Trong thế giới văn chương nghệ thuật, lời đề từ đóng vai trò vô cùng quan trọng, tựa như chiếc chìa khóa vàng mở cánh cửa dẫn dắt tâm hồn người đọc thâm nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm. Đó là những lời dẫn dắt, giới thiệu, khơi gợi tò mò, hé lộ những giá trị nghệ thuật độc đáo, góp phần tạo nên sức hấp dẫn và chiều sâu cho tác phẩm. Hiểu được vai trò quan trọng ấy, các nhà văn, nhà thơ luôn dành sự trân trọng và tâm huyết cho việc lựa chọn lời đề từ. Trong thi phẩm nổi tiếng “Tràng giang”, Huy Cận có lời đề từ: “Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài”. Hay câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu để quét sạch nó đi” được nhà văn Nguyễn Minh Châu làm lời đề từ cho tác phẩm “Dấu chân người lính”. Dường như các nhà văn, nhà thơ đều rất chú trọng tới việc lựa chọn lời đề từ cho những đứa con tinh thần của mình. Nguyễn Tuân cũng không phải ngoại lệ. Ông chọn hai nguồn cảm hứng: câu thơ của nhà thơ cách mạng Ba Lan Wladyslaw Broniewski “Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông” và hai câu thơ cổ về sông Đà “Chúng thủy giai Đông tẩu/ Đà giang độc Bắc lưu” (Mọi dòng sông đều chảy về hướng Đông/Chỉ có sông Đà chảy theo hướng Bắc) (Nguyễn Quang Bích). Nguyễn Tuân chắc hẳn đã tâm đắc lắm với những vần thơ của nhà thơ Ba Lan nọ. Chẳng vậy mà sông nước xứ mình đã chảy trên không biết bao nhiêu trang văn đẹp của ông, trong đó có sông Đà, con sông đã trao tên cho một công trình văn xuôi tuyệt tác. “Tiếng hát trên dòng sông” phải chăng là tiếng của những người chèo đò, vượt thác, kéo thuyền, tiếng hát cất lên từ những tâm hồn con người Tây Bắc thiết tha với thiên nhiên, đất nước, lạc quan, yêu đời. Nguyễn Tuân từng tâm niệm: “Đã là nhà văn, mỗi người phải có cái vision riêng. Mất cái riêng đó cũng đồng nghĩa với việc từ bỏ thiên chức nghệ sĩ của mình”. Từ đặc điểm riêng của Sông Đà: “Chúng thủy giai Đông tẩu / Đà giang độc bắc lưu” Nguyễn Tuân đã tái hiện hình tượng Sông Đà như một sinh thể đa dạng, phức tạp, độc đáo về tính cách. Mọi dòng sông đều chảy về hướng Đông, chỉ có Sông Đà một mình chảy theo hướng Bắc, Nguyễn Tuân muốn dẫn dắt người đọc cùng ông khám phá những nét tính cách độc đáo, riêng biệt, những tương quan đối cực của một hiện tượng địa lí của miền Tây Bắc Tổ quốc – Sông Đà. Lời đề từ của thiên bút kí đặc sắc này còn hé lộ khát vọng mãnh liệt của Nguyễn Tuân trên hành trình khám phá hiện tượng thiên nhiên kì thú, đó là thể hiện một dòng sông chữ, nghĩa là muốn thể hiện một phong cách nghệ thuật độc đáo để khẳng định cái tôi tài hoa, uyên bác, riêng biệt, không lặp lại cũng như dòng chảy ngược hướng Sông Đà khác với tất cả các dòng sông khác. Vẻ đẹp hùng vĩ và trữ tình, hung bạo và thơ mộng của Đà giang đã được Nguyễn Tuân định hình ngay từ đầu thông qua lời đầy từ đầy cuốn hút.
ĐỌC THÊM: BA VẤN ĐỀ TRỌNG TÂM TRONG "NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ"
2. Sông Đà hung bạo: “Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng.”
Nguyễn Tuân như một nhạc trưởng, đang điều khiển một dàn giao hưởng chơi thật hùng tráng bài ca của gió thác xô sóng đá. Ông dẫn dắt chúng ta chiêm ngưỡng con sông Đà hùng vĩ, hung bạo và nham hiểm. Sông Đà hiện lên như một người có cá tính, có linh hồn và có cả tâm trạng. Từ xa “còn xa lắm mới đến cái thác dưới” ông đã nghe được vô vàn những âm thanh, ban đầu “nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo…”. Thế rồi bất ngờ âm thanh như được phóng to hết cỡ, các nhạc khí bừng bừng thét lên khúc nhạc của một thiên nhiên đang ở đỉnh điểm của cơn phấn khích, mạnh mẽ và man dại: “nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu, rừng tre nứa như đổ lửa,…đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng”. m thanh của tiếng nước thác được miêu tả bằng những từ ngữ thuộc trường nghĩa con người như: oán trách, van xin, khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo, rống lên. Đỉnh điểm của âm thanh ấy được so sánh với tiếng gầm thét của một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa. Cùng với phép điệp cấu trúc, nhịp điệu nhanh, gấp, âm thanh của tiếng nước thác không khác gì âm thanh của một trận động rừng, động đất hay nạn núi lửa thời tiền sử. Nghệ thuật nhân hóa đã khiến thác nước sông Đà thực sự trở thành một sinh thể sống đang giận dữ, gầm gào, đe dọa con người ngay cả khi nó chưa xuất hiện. Chỉ với âm thanh của thác nước, Nguyễn Tuân đã giúp người đọc mường tượng được ra sự dữ dội của con sông này, chữ nghĩa đập vào mọi giác quan, tự nhiên người đọc thu mình lại, tưởng như đang ở giữa một không gian sông nước mênh mông, đang bị nước và đá bao vây chặn lại. Vậy mới thấy cách dùng ngôn từ, xây dựng hình ảnh của Nguyễn Tuân lạ lắm, hay lắm.
3. Sông Đà trữ tình: “Con sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”
Nếu ở thượng nguồn, dòng sông Đà là “kẻ thù số một” của con người thì khi xuôi chảy về phần hạ lưu, lòng sông như được mở rộng ra, con thác không còn nữa, dòng nước trôi êm đềm, hiền hòa qua đôi bờ cỏ cây tươi tốt và sông Đà lại hiện lên vô cùng lãng mạn, thơ mộng, trữ tình. Nguyễn Tuân ngắm nhìn, miêu tả và khai thác vẻ đẹp của sông Đà cả từ chiều kích không gian lẫn thời gian. Từ trên cao nhìn xuống, Nguyễn Tuân phát hiện và miêu tả vẻ đẹp toàn diện của con sông thơ mộng. Hình dáng sông Đà dài như một sợi dây thừng ngoằn ngoèo. Nó biết mềm mại, uốn lượn qua các dãy núi, triền đồi, các ghềnh thác để làm cho mình trở nên dịu dàng, nữ tính. Sông Đà đâu chỉ lắm thác nhiều ghềnh đầy hiểm nguy cho người lái đò mà còn đậm nét thơ mộng, trữ tình: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Một câu văn với nghệ thuật kết cấu trùng điệp và cách so sánh liên tưởng gần gũi, sông Đà đã hiện lên như một cô thiếu nữ của mảnh đất Tây Bắc đẹp e lệ, dịu dàng. Cô gái ấy có mái tóc tuôn dài, mềm mại. Mái tóc ấy lại được ẩn hiện trong mây trời của Tây Bắc, của khói sương mờ ảo khi người dân đốt nương làm rẫy vào mùa xuân với những chùm hoa ban trắng muốt hay hoa gạo tháng ba đỏ tươi phảng phất vị Đường thi. Nếu nhìn và cảm nhận, cả vùng địa đầu Tổ quốc như một cô gái đang e lệ, hiền hòa và dịu dàng với mái tóc dài buông xõa, trên mái tóc đen óng ả ấy cài điểm những bông hoa ban, hoa gạo sặc sỡ sắc màu, và cô thẹn thùng che mặt bằng một tấm khăn voan mỏng manh màu trắng e ấp, thẹn thùng. Ngòi bút của Nguyễn Tuân không chỉ thể hiện sự tài hoa mà còn là sự tinh tế thông qua sự liên tưởng độc đáo và cách so sánh trùng điệp, một cách so sánh tài hoa, đượm chất phong tình. Trước đây, trong thơ ca trung đại, ta chỉ thấy thiên nhiên làm chuẩn mực cho con người. Nguyễn Du khi miêu tả vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều đã viết:
“Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da
...
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Ngược lại, đến với Nguyễn Tuân, con người là chuẩn mực để so sánh. Ông kéo thiên nhiên lại gần với con người. Với Nguyễn Tuân, con người là trung tâm của vũ trụ, là một tiểu vũ trụ. Vì vậy, ông nhìn sông Đà như áng tóc của người thiếu nữ. Đà giang hiện lên qua ngòi bút của Nguyễn Tuân thơ mộng, lãng mạn, trữ tình đồng thời vô cùng kiều diễm.
ĐỌC THÊM: HÌNH ẢNH NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ VÀ VẺ ĐẸP CON NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG THỜI KÌ XÂY DỰNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
4. Hình tượng ông lái đò trong 3 trùng vi thạch trận
Vũ Ngọc Phan đã từng viết như thế này về phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân: “Chỉ người ưa suy xét đọc Nguyễn Tuân mới thấy thú vị, vì văn Nguyễn Tuân không phải là thứ văn để người nông nổi thưởng thức.” Quả thực, ngòi bút tài hoa của người nghệ sĩ ấy luôn hướng đến những gì là tuyệt mỹ nhất của cuộc đời. Giữa khung cảnh thiên nhiên sông Đà hùng vĩ, đầy nguy hiểm và hung bạo, Nguyễn Tuân đã tô đậm vẻ đẹp tài hoa trí dũng của ông lái đò qua cuộc vượt thác đầy nguy hiểm, một trận chiến dữ dội giữa con người và thiên nhiên. Người lái đò nhỏ bé cùng chiếc thuyền mỏng manh đối chọi với thiên nhiên sông nước hung bạo, một cuộc chiến không cân sức nhưng con người trí dũng ngoan cường, tỉnh táo, khôn ngoan, khéo léo đã có thể đưa con thuyền an toàn vượt qua những trùng vi thạch trận trên dòng sông một cách đầy ngoạn mục. Những vẻ đẹp và phẩm chất của người lái đò đều được Nguyễn Tuân tập trung ở phân cảnh vượt ba trùng vi thạch trận trên sông. Ở vòng vây thứ nhất, con sông Đà bày bố ra bốn cửa tử và một cửa sinh. Ông lái đò đã bản lĩnh kiên cường, dũng mãnh, bình thản vượt qua. Tới vòng vây thứ hai của thạch trận, ông đò không chỉ dũng mãnh, kiên cường mà còn thể hiện sự thông minh của một người lái đò dày dặn kinh nghiệm – người nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá, người đã “thuộc quy luật” của dòng sông, thác đá. Đến với trùng vi này, con sông Đà tăng thêm nhiều cửa tử hơn, cửa sinh lại bố trí lệch qua bờ phía hữu ngạn. Ở trận đánh này ông đò đánh phủ đầu với kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh. Ông đò “nắm chắc được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông ghì cương lái”, ông “phóng nhanh”, “lái miết”, tốc độ nhanh vô cùng. Nhưng sông Đà nào đâu phải dạng vừa, chúng xô ra, níu chiếc thuyền vào tập đoàn cửa tử. Ông đò đã cảnh giác sẵn đứa thì “ông tránh mà rảo bơi chèo”, đứa thì “đè sấn lên chặt đôi ra để mở đường tiến”. Nguyễn Tuân quả thực là bậc thầy của ngôn ngữ, ông huy động hàng loạt các động từ, hò reo theo từng nhịp lái chèo của ông lão lái đò: “nắm”, “ghì”, “phóng”, “lái”, “đè”,... Ông lái đò như một dũng tướng tài ba điều khiển thuần phục con ngựa bất kham của sóng thác sông Đà. Chính bằng sự mưu trí và tài năng của mình, ông lão đã vượt qua hết các cửa tử, làm cho bọn đá thua cuộc phải bày bộ mặt “tiu nghỉu, xanh lè thất vọng”. Có lẽ tất cả sự hiểm ác nhất của con sông Đà tập trung hết cả ở trùng vi cuối cùng. Thác nước sông Đà trở nên điên cuồng, man dại, dữ dội hơn gấp nhiều lần, “chúng mở ra ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả, cái luồng sống ở ngay bọn đá hậu vệ” nên sự sống của ông đò ngày càng mỏng manh. Chính trong ranh giới của sự sống và cái chết, tài nghệ chèo đò, vượt thác của ông lái đò thể hiện thật tuyệt đỉnh và mãn nhãn. Ông cứ phóng thẳng, chọc thủng vút qua cổng đá để rồi chiến thắng vinh quang “vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được lượn được. Thế là hết thác”. Ngôn ngữ miêu tả của Nguyễn Tuân nhanh, gọn mà sinh động, gợi hình ảnh ông lái đò như đang lướt trên một phiến băng nghệ thuật và ông chính là người nghệ sĩ trên phiến băng đó. Điều này khiến người đọc cảm phục bởi một người lao động bình thường nhưng rất đỗi phi thường.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Tin liên quan