NHỮNG TRÍCH DẪN HAY NHẤT ÁP DỤNG CHO BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC CÁC TÁC PHẨM VĂN XUÔI

Ngày 03/04/2024 18:46:05, lượt xem: 6137

Đưa trích dẫn, lí luận văn học vào bài viết luôn là một trong những cách để bài làm của em trở nên sâu sắc hơn, làm sáng tỏ các luận điểm và gây ấn tượng với giám khảo chấm bài. Nhưng chọn trích dẫn nào cho phù hợp và áp dụng vào bài làm như thế nào? Cùng xem gợi ý về những trích dẫn hay nhất áp dụng cho bài Nghị luận văn học các tác phẩm văn xuôi của Học Văn Chị Hiên dưới đây.

 

 

1. Vợ nhặt

Khi xã hội Việt Nam chìm trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 - thời điểm đất nước ta phải chịu cảnh “một cổ hai tròng”, nhà văn Kim Lân đã sử dụng cây bút của mình, cất lên tiếng nói đau khổ của dân tộc ta, phơi bày được sự thật tàn ác của bọn thực dân phát xít. Và cũng như Bêlinxki từng nói: “Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó”, hình ảnh những “người chết thây nằm còng queo bên đường, người sống chỉ còn là những cái bóng dật dờ lặng lẽ như bóng ma”, người ngồi chết la liệt các vỉa hè,.. biết bao sự tàn khốc đã được Kim Lân đưa vào trong tác phẩm của mình như một tiếng nói xót thương cho số phận người nông dân trong nạn đói. Thông qua trang văn “Vợ nhặt” - trang văn miêu tả cuộc sống không phải “chỉ để miêu tả” - Kim Lân đã thể hiện niềm trân trọng đối với khát vọng của người lao động nghèo đang bên bờ vực của cái chết nhưng vẫn giữ trong mình niềm tin bất diệt vào một tương lai tươi sáng.

 

2. Vợ chồng A Phủ

Hình ảnh Mị cắt dây trói cho A Phủ khiến tôi nhớ đến nhận định của nhà văn Dostoevsky: “Tôi hãy còn một trái tim, một dòng máu nóng để yêu thương, cảm thông và chia sẻ”. Xuyên suốt mạch truyện của Tô Hoài, nếu ai không cảm được cái hay, cái đẹp sẽ khó phát hiện ra tình yêu thương ẩn sau bức nền đen tối của xã hội. Sống trong một căn phòng bốn bức tường chỉ có một cái ô cửa sổ nhỏ, một người phụ nữ ngày ngày làm việc chẳng quan tâm đến ai, sống như một “con rùa lầm lũi”. Nhưng con người ai mà không có lòng yêu thương, chính tình thương ẩn kín sâu thẳm trong trái tim tưởng như đã bị chai sạn bởi xã hội đen tối đã làm trào dâng trong Mị sự đồng cảm, xót xa cho tình cảnh của A Phủ, rồi từ đó mà có hành động cắt dây trói như một điều tất yếu. 

 

3. Người lái đò sông Đà

Pautopxki từng nhận định: “Thái độ dửng dưng thờ ơ với cái đẹp là một thứ bệnh ung thư gặm nhấm làm khô cứng hủy hoại tâm hồn con người”. Là một người suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật, đi tìm “chất vàng mười” của thiên nhiên và “chất vàng mười đã qua thử lửa” của con người, có lẽ Nguyễn Tuân chưa khi nào “thờ ơ” trước cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Để rồi hiện lên trong trang văn của ông là một sông Đà hung bạo mà trữ tình, một ông lái đò bình dị mà tài hoa quá đỗi. 

 

4. Ai đã đặt tên cho dòng sông

Lev Tolstoy từng nói: “Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”. Và Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng xuất phát từ tình yêu dành cho dòng sông xứ sở để rồi viết nên trang văn “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”. Phải là một tình yêu tha thiết và sâu nặng đến nhường nào, nhà văn mới có cái nhìn đầy ưu ái, chẳng ngần ngại đặt sông Hương ngang hàng với các con sông đẹp trên thế giới: “Trong những dòng sông đẹp ở các nước mà tôi thường nghe nói đến, hình như chỉ sông Hương là thuộc về một thành phố duy nhất”.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học thực chiến giải đề lớp 12

Tin liên quan