HÌNH ẢNH NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ VÀ VẺ ĐẸP CON NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG THỜI KÌ XÂY DỰNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Ngày 15/06/2023 10:14:31, lượt xem: 10527

Đề bài: Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá. Nắm chặt lấy được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông đò ghì cương lái, bám chắc lấy luồng nước đúng mà phóng nhanh vào cửa sinh, mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá ấy. Bốn năm bọn thuỷ quân cửa ải nước bên bờ trái liền xô ra cảnh níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này, đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn lên mà chặt đôi ra để mở đường tiến. Những luồng tử đã bỏ hết lại sau thuyền. Chỉ còn vẳng reo tiếng hò của sóng thác luồng sinh. Chúng vẫn không ngớt khiêu khích, mặc dầu cái thằng đá tướng đứng chiến ở cửa vào đã tiu nghỉu cái mặt xanh lè thất vọng thua cái thuyền đã đánh trúng vào cửa sinh nó trấn lấy. Còn một trùng vây thứ ba nữa. Ít cửa hơn, bên phải bên trái đều là luồng chết cả. Cái luồng sống ở chặng ba này lại ở ngay giữa bọn đá hậu vệ của con thác. Cứ phóng thẳng thuyền, chọc thủng cửa giữa đó. Thuyền vút qua cổng đá cánh mở cánh khép. Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vào từ động lái được lượn được.
Thế là hết thác. Dòng sông vặn mình vào một cái bến cát có hang lạnh. Sóng thác xèo xèo tan trong trí nhớ. Sông nước lại thanh bình. Đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ cá dầm xanh, về những cái hầm cá hang cá mùa khô nổ những tiếng to như mìn bộc phá rồi cá túa ra đầy tràn ruộng. Cũng chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn vừa rồi. Cuộc sống của họ là ngày nào cũng chiến đấu với Sông Đà dữ dội, ngày nào cũng giành lấy cái sống từ tay những cái thác, nên nó cũng không có gì là hồi hộp đáng nhớ... Họ nghĩ thế, lúc ngừng chèo.
(Trích Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo duc, 2006, tr.189-190)
Anh/chị hãy phân tích hình ảnh người lái đò trong phần trích trên. Từ đó, nhận xét về vẻ đẹp của con người lao động trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa.

 


Bài làm tham khảo:
Có lần tôi nghe Nguyễn Minh Châu khẳng định về Nguyễn Tuân: “Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ”. Toàn bộ cuộc đời cũng như gần 5000 trang viết của ông đã tạo nên một “huyền sử” - huyền sử của một con người ưu lối chơi “độc tấu”. Bởi khi ta lật mở từng trang viết của nhà văn Nguyễn Tuân, không khó để nhận thấy lối chơi “độc tấu” ấy. Đó là những con người phi thường, những cảm xúc dữ dội, mãnh liệt, những khung cảnh ấn tượng nơi thác ghềnh, rừng thiêng, núi cao, bão, gió - Tất cả được thâu tóm qua lăng kính “vạn hoa” của nhiều ngành nghệ thuật và diễn tả bằng ngòi bút sắc bén, ngang tàng. Dường như, cá tính không thể trộn lẫn ấy nảy sinh từ cẩn tắc, từ trăn trở khôn nguôi trên hành trình đi tìm cái đẹp của một con người rất mực tài hoa. “Người lái đò sông Đà” được coi là tác phẩm xuất sắc nhất của lối chơi ấy. Với khát khao truy tìm “chất vàng mười của tâm hồn vùng Tây Bắc” - “thứ vàng mười đã được thử lửa” (Đi mở đường), Nguyễn Tuân đã viết lên bài ca cuộc sống của con người và thiên nhiên Tây Bắc với nhiều nét độc sáng mới lạ. Tiêu biểu cho con người Tây Bắc là ông lái đò trên dòng Đà giang được khắc đậm nét trong đoạn: “Nắm chặt ... lúc ngừng chèo” để rồi càng thêm yêu mến cái nhìn của nhà văn Nguyễn Tuân đối với người lao động trong cuộc sống mới.
Trước cách mạng ta bắt gặp một Nguyễn Tuân với những thói quen, cung cách sinh hoạt, những kiểu ăn chơi cầu kì, phong lưu, đài các của những con người tài hoa qua tập truyện “Vang bóng một thời”. Sau cách mạng Nguyễn Tuân được thăng hoa bởi chất men lãng mạn cách mạng, một nguồn cảm hứng sáng tạo mới, say mê và mãnh liệt. Đầu năm 1958, Nguyễn Tuân đi thực tế - một chuyến đi dài hạn lên Tây Bắc. Chính cuộc sống thực tế nơi đây đã trở thành nguồn sáng tác say mê, mãnh liệt khiến Nguyễn Tuân viết tập tùy bút “Sông Đà” - một bản anh hùng ca bất hủ. Ở đây Nguyễn Tuân đã khám phá vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của những con người lao động bình thường trong cuộc sống đời thường. Đó chính là ông lái đò trong “Người lái đò sông Đà”. Từ ông lái đò ta thấy rất rõ được vẻ đẹp của con người lao động trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Pau – tốp – xki từng quan niệm: “Văn học với tôi là hiện tượng đẹp đẽ nhất trên đời.” (Quả thực là như vậy, “hiện tượng đẹp đẽ” ấy được tái hiện trong những trang văn chất chứa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, choáng ngợp, huyền ảo, thơ mộng; có thể là dáng hình con người với những phẩm chất đáng quý đáng trân trọng và vượt lên trên những điều đẹp đẽ ấy chính là những giá trị gửi trao từ tháng này qua năm khác.) Nguyễn Tuân là người yêu cái đẹp, thế nên đứng trước một “hiện tượng đẹp đẽ nhất trên đời” ông vốn dĩ không thể làm ngơ. Người nghệ sĩ ấy đã đi đến tận cùng để tìm hiểu, để đưa vào trang văn của mình những lời giới thiệu chân thực về người lái đò sông Đà - “chất vàng mười” của thiên nhiên Tây Bắc. Ông lái đò hiện lên là một ông lão đã 70 tuổi với ngoại hình thật đặc biệt: Tay ông lêu nghêu như cái sào, chân ông lúc nào cũng khuỳnh khuỳnh, gò lại như kẹp lấy một cuống lái tưởng tượng, giọng ông ào ào như tiếng nước trước mặt ghềnh sông, nhỡn giới ông vòi vọi như lúc nào cũng mong một cái bến xa nào đó trong sương mù. Nguyễn Tuân chỉ bằng vài nét cũng cũng đủ để để chạm khắc vào tiềm thức của bạn đọc về một hình ảnh người lái đò gần gũi, một con người sinh ra và lao động trên sông nước, một con người suốt đời chiến đấu với thác, đá, sóng, nước của sông Đà để tồn tồn tại và xây dựng quê hương Tây Bắc.
Giữa khung cảnh thiên nhiên sông Đà hùng vĩ, đầy nguy hiểm và hung bạo ấy, Nguyễn Tuân đã tô đậm vẻ đẹp tài hoa trí dũng của ông lái đò qua cuộc vượt thác đầy nguy hiểm, một trận chiến dữ dội giữa con người và thiên nhiên. Người lái đò nhỏ bé cùng chiếc thuyền mỏng manh đối chọi với thiên nhiên sông nước hung bạo, một cuộc chiến không cân sức nhưng con người trí dũng ngoan cường, tỉnh táo, khôn ngoan, khéo léo đã có thể đưa con thuyền an toàn vượt qua những trùng vi thạch trận trên dòng sông một cách đầy ngoạn mục. Những vẻ đẹp và phẩm chất của người lái đò đều được Nguyễn Tuân tập trung ở phân cảnh vượt ba trùng vi thạch trận trên sông. Ở vòng vây thứ nhất, con sông Đà bày bố ra bốn cửa tử và một cửa sinh. Ông lái đò đã bản lĩnh kiên cường, sự dũng mãnh, bình thản vượt qua.
Tới vòng vây thứ hai của thạch trận, ông đò không chỉ dũng mãnh, kiên cường mà còn thể hiện sự thông minh của một người lái đò dày dặn kinh nghiệm – người nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá, người đã “thuộc quy luật” của dòng sông, thác đá. Đến với trùng vi này, con sông Đà tăng thêm nhiều cửa tử hơn, cửa sinh lại bố trí lệch qua bờ phía hữu ngạn. Ở trận đánh này ông đò đánh phủ đầu với kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh. Ông đò “nắm chắc được cái bờm sóng đúng luồng rồi, ông ghì cương lái”, ông “phóng nhanh”, “lái miết”, tốc độ nhanh vô cùng. Nhưng sông Đà nào đâu phải dạng vừa, chúng xô ra, níu chiếc thuyền vào tập đoàn cửa tử. Ông đò đã cảnh giác sẵn “đứa thì ông tránh mà rảo bơi chèo”, “đứa thì đè sấn lên chặt đôi ra để mở đường tiến lên”. Nguyễn Tuân quả thực là bậc thầy của ngôn ngữ, ông huy động hàng loạt các động từ, hò reo theo từng nhịp lái chèo của ông lão lái đò: nắm, ghì, phóng, lái, rảo, đè,... Ông lái đò như một dũng tướng tài ba điều khiển thuần phục con ngựa bất kham của sóng thác sông Đà. Chính bằng sự mưu trí và tài năng của mình, ông lão đã vượt qua hết các cửa tử, làm cho bọn đá thua cuộc phải bày bộ mặt “tiu nghỉu, xanh lè thất vọng”. Thiên nhiên, thác đá sông Đà hung bạo hiểm độc là thế cũng không thể chiến thắng được sức mạnh phi thường của ông lái đò - một tay lái ra hoa, trí tuệ, một tướng lĩnh thực thụ đã chiến thắng cả thần sông, thần đá.
Có lẽ tất cả sự hiểm ác nhất của con sông Đà tập trung hết cả ở trùng vi cuối cùng. Không những ít cửa hơn mà bên trái bên phải đều là luồng chết cả, luồng sống thì lại nằm ngay giữa bọn đá hậu vệ. Bốn năm bọn thuỷ quân cửa ải nước bên bờ trái liên xô ra cảnh níu thuyền lôi vào tập đoàn cửa tử. Con sông ngày càng mưu mẹo vào hiểm ác, muốn dồn con người đến chỗ chết. Sự hiểm ác của thác đá đã được nhà văn miêu tả trong hình ảnh ẩn dụ tài hoa về cổng đá cánh mở cánh khép – đó là cả một mặt trận đá trùng điệp trong đó bức tường phòng ngự vững chắc của lũ đá hậu vệ kết hợp với những mũi tấn công ào ạt, tới tấp không ngừng nghỉ của sóng dữ. Nhiệm vụ của ông đò là phải phóng thẳng thuyền, chọc thủng một luồng sinh duy nhất ở ngay giữa cửa bọn đá hậu vệ trấn giữ, trong khoảnh khắc cánh “cổng đá” mở giữa những đợt sóng thác dữ dội. Có lẽ ngay lúc này đây, tay lái chèo của ông lái đò thực sự là một tay lái ra hoa. Không bằng quá nhiều từ ngữ, câu văn, hình ảnh con thuyền lao vút qua khe hẹp được miêu tả trong những câu văn ngắn mà bản thân cách ngắt câu, sự kết hợp những động từ và danh từ nối tiếp: vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng... đã thể hiện sự điêu luyện khéo léo và sức mạnh của ông đò. Tốc độ phi thường của con thuyền dưới bàn tay vừa lái, vừa xuyên, vừa lượn của ông đò không chỉ như một mũi tên tre mà còn được gợi tả tinh tế qua làn hơi nước mà con thuyền xuyên qua, con thuyền không còn lướt trên mặt nước mà đã thực sự bay trong làn hơi nước trên mặt sóng. Tài năng của ông đò khi ấy đã bao hàm cả trí tuệ, sự trải nghiệm, sức mạnh thể lực, trình độ điêu luyện và bản lĩnh kiên cường – tất cả đều đạt tới mức phi phàm, kì diệu. Vậy là cuối cùng, bằng tất cả tài hoa, trí lực và sự dũng mãnh của mình, ông lái đò đã chiến thắng con sông Đà hiểm độc. Trí tuệ, khéo léo, dũng cảm và mạnh mẽ, ông đò đã thể hiện rõ nét vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ và trí dũng phi thường khi cùng thuyền vượt qua ghềnh thác, khi bao giờ cũng giữ thế chủ động để tìm cho mình một cửa sinh duy nhất giữa bát ngát trận đồ cửa tử của những trùng vi thạch trận hiểm ác, dữ dằn; khi không bao giờ cho phép mình chùn bước, sợ hãi hay sai lầm dẫu chỉ trong khoảnh khắc; khi luôn có thể trình diễn nghệ thuật lái đò điêu luyện của một tay lái ra hoa.

 

ĐỌC THÊM PHÂN TÍCH CẢNH VƯỢT THÁC TRONG "NGƯỜI LÁI ĐÒ SÔNG ĐÀ" (NGUYỄN TUÂN)


Sau khi chiến thắng thiên nhiên hung bạo, người lái đò lại “đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh... chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua nơi cửa ải nước đủ tướng dữ quân tợn”. Đối với họ, đây không phải là cuộc chiến vĩ đại, đây là những nhiều bình thường họ phải trải qua trong công việc lao động của mình. Tiếp nhận những điều phi thường bằng tâm thế bình thường, đó là tâm hồn của một cao nhân đồng thời cũng là một tao nhân. Thái độ bình thản ấy càng làm đậm thêm tầm vóc lớn lao của những người anh hùng trong cuộc sống đời thường bình dị khi họ coi việc chiến đấu và chiến thắng sông Đà dữ dội, hiểm ác, việc giành sự sống từ những cửa tử của ghềnh thác sông Đà chỉ là chuyện thường ngày.
Nguyễn Tuân, một hiện tượng phức tạp của văn học Việt Nam luôn hướng con mắt của mình về những vẻ đẹp trong cuộc sống mà đối tượng trước hết là con người. Cái nhìn của ông về người lao động trong thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa mới luôn là cái nhìn phát hiện, ngợi ca, trân trọng những vẻ đẹp của họ. Ông khắc họa không chỉ là những vẻ đẹp về ngoại hình mà nhấn mạnh hơn đó là vẻ đẹp phẩm chất vừa cần cù, vừa dũng mãnh, không chỉ gan dạ mà còn điêu luyện của người lái đò. Con người lao động ấy có thể nhỏ bé, vô danh nhưng họ luôn nỗ lực hết sức mình để góp công vào quá trình kiến thiết đất nước. Cảnh vượt thác sông Đà có lẽ chính là một trong những kiệt tác nghệ thuật trong cuộc đời sáng tác của Nguyễn Tuân. Khi chăm chú theo dõi hành trình vượt thác của ông lái đò, ta sẽ thấy ngay sự tương đồng đặc biệt trong vẻ đẹp những người lao động trong các tác phẩm của Nguyễn Tuân luôn điêu luyện, tinh vi, thuần thục như thế. Nếu ông lái đò là “nghệ nhân” vượt thác thì ông Líu trong “Giò lụa” cũng là người “nghệ sĩ” giã giò: “Nhưng cái khâu giã chày mới là lúc lao động ra trò. Giã như các chú gần đây thì còn gì là chả là giò nữa. Ðâu lại có cái kiểu nện chày chủng chẳng tiếng đức tiếng cái tiếng mẹ tiếng con như thế. Cái kiểu giã cho hết giờ ấy thật phí cả yến thịt tươi ấm (...) Giã mạnh quá cũng không cần, nhưng cốt là giã đều và bền sức. Nghe nó đều đều như dây cung bật bông nệm (...) như tiếng búa con đập dát lá quỳ vàng. Này nghe tiếng giã giò, có thể đoán được mẻ giò lụa là được hoặc là bỏ”. Ông Líu nghe tiếng giã giò là biết mẻ giò có ngon hay không cũng giống như người lái đò nhìn thác, nhìn đá mà đoán biết được những chiêu thức tiếp theo của sông Đà. Quả thật phải am hiểu và nhiều kinh nghiệm lắm, những người lao động mới đạt được đến trình độ làm “người nghệ sĩ trong chính nghề của mình”. Cũng phải khẳng định một điều, chính Nguyễn Tuân đã trở thành “môn đệ trung thành của nghệ thuật”, là “người sinh ra để tôn thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa” để làm chủ những tài hoa uyên bác, cả những ngông nghênh và khinh bạc của mình.
Nguyễn Tuân đã vẽ lên một khung cảnh vượt thác đầy gay cấn và khốc liệt. Nếu coi người lái đò là người nghệ sĩ điều khiển con thuyền đầy điêu luyện thì Nguyễn Tuân đích thực là người nghệ sĩ chèo lái con thuyền ngôn từ đầy tài hoa. Chỉ qua một khung cảnh vượt thác thôi, nhưng Nguyễn Tuân đã điều động cả một đội quân từ ngữ để diễn tả sự tài hoa của người lái đò. Nguyễn Tuân đưa người đọc đi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác, từ hồi hộp, căng thẳng đến thở phào nhẹ nhõm. Cứ từ trùng vi thạch trận này đến trùng vi thạch trận khác, người đọc chưa khỏi thở phào lại phải tiếp tục đến với một cuộc chiến mới gay cấn và khốc liệt vô cùng. Trong công cuộc đi tìm “chất vàng mười” của con người Tây Bắc nói riêng và người lao động Việt Nam nói chung trong thời kỳ mới, Nguyễn Tuân đã khai thác và khám phá một cách tỉ mỉ nhất, bằng con mắt và trái tim yêu thương nhất của người nghệ sĩ yêu thương và khát khao khám phá cái đẹp ở đời.
Khép lại trang viết của Nguyễn Tuân, dường như vùng đất Tây Bắc đã để lại trong chúng ta thật nhiều thương nhớ. Ông lái đò trong tùy bút “Người lái đò sông Đà” là một thứ vàng mười như Nguyễn Tuân khẳng định “đã qua thử lửa”. Cũng từ đây, Nguyễn Tuân đã cho thấy một chủ nghĩa anh hùng mới trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã. Càng khám phá văn chương Nguyễn Tuân nói chung, “Người lái đò sông Đà” nói riêng ta càng thấm thía hơn lời nhận định của tác giả Anh Đức về người nghệ sĩ tài năng này: “Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế, một nhà văn mà khi ta gọi là một bậc thầy của ngôn từ ta không hề thấy ngại miệng, một nhà văn độc đáo vô song mà mỗi dòng, mỗi chữ tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng”.

 

Đồng hành cùng chị trong KHÓA HỌC VĂN VIP 2K6 để đạt 8+ Văn nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan