MẪU MỞ BÀI ẤN TƯỢNG NHẤT CHO VĂN BẢN THUYẾT MINH VỀ MỘT TÁC PHẨM (CHƯƠNG TRÌNH MỚI)

Ngày 22/03/2024 17:59:53, lượt xem: 4268

Thuyết minh về một tác phẩm là một dạng đề viết mà các bạn học chương trình mới sẽ thường xuyên gặp khi đi thi. Để tiết kiệm thời gian làm bài, các bạn hãy tham khảo những mở bài ấn tượng nhất cho văn bản thuyết minh về một tác phẩm do Học Văn Chị Hiên biên soạn.

 

 

1. Dẫn dắt từ nhận định

- Cách viết: Nêu nhận định → Bình luận về nhận định → Nêu tác phẩm cần thuyết minh.

- Ví dụ: Thuyết minh về tác phẩm “Đại cáo bình Ngô” của tác giả Nguyễn Trãi.

Nhà phê bình Hoài Thanh từng viết rằng: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”. Những kiệt tác văn học ra đời ngoài chức năng văn chương mà nó vốn sở hữu trong mình thì ẩn sâu vào từng câu từ là hình ảnh của thời đại mà tác giả đưa vào để người đọc thấy được một thời đại vang bóng của lịch sử dân tộc. Và nổi bật của “một thời vang bóng” đó tác phẩm “Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi chính là một kiệt tác khẳng định sức mạnh của dân tộc, tố cáo tội ác của giặc phương Bắc thực hiện trên đất nước ta. Bản cáo không chỉ là một “áng thiên cổ hùng văn” mà nó còn có ý nghĩa như bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc ta.

 

2. Dẫn dắt từ thông tin tác giả

- Cách viết: Nêu một số thông tin nổi bật về tác giả → Nêu tác phẩm cần thuyết minh.

- Ví dụ: Thuyết minh về bài thơ “Từ ấy” của tác giả Tố Hữu.

Có một nhà thơ đã từng bồi hồi tâm sự rằng: “Tôi yêu đất nước và nhân dân tôi, tôi viết về đất nước và nhân dân tôi như viết về người đàn bà tôi yêu”. Đúng vậy, đó chính là lời tâm sự của hồn thơ “trái tim chia ba phần tươi đỏ”, “dành cho Đảng phần nhiều”/ “Phần dành cho thơ và phần để em yêu” - Tố Hữu. Ông là một nhà thơ Cách mạng với hồn thơ thấm đượm tình cảm, dạt dào cảm xúc nhưng ấn tượng hơn cả chính là tình yêu Cách mạng ông gửi gắm qua từng trang thơ, tiêu biểu cho cảm xúc ấy chính là tác phẩm “Từ ấy”. Đây là một trong những bài thơ tiêu biểu nhất của nhà thơ khi viết về lẽ sống lớn, viết về tình cảm Cách mạng.

 

ĐỌC THÊM: BÀI VIẾT MẪU LỚP 11 (CHƯƠNG TRÌNH MỚI) HAY NHẤT - VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT

 

3. Dẫn dắt từ đặc trưng thể loại

- Cách viết: Nêu một số đặc trưng tiêu biểu của thể loại → Nêu tác phẩm cần thuyết minh.

- Ví dụ: Thuyết minh về tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” của O Hen-ri.

Truyện ngắn là một thể loại tự sự loại nhỏ, dung lượng ngắn, có cốt truyện và ít nhân vật, miêu tả một khía cạnh, tính cách, một mảng trong cuộc đời nhân vật. Tuy là truyện ngắn nhưng các tác phẩm ấy thường đề cập đến những vấn đề lớn lao trong cuộc sống khiến người đọc ấn tượng và suy ngẫm. Truyện ngắn “Chiếc lá cuối cùng” của O Hen-ri là một tác phẩm đặc sắc như thế. 

 

4. Dẫn dắt từ đề tài của tác phẩm

- Cách viết: Nêu một vài thông tin về đề tài mà tác phẩm đề cập đến → Nêu tác phẩm cần thuyết minh.

- Ví dụ: Thuyết minh về tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của tác giả Phạm Tiến Duật.

Hơn hai mươi năm kháng chiến chống Mỹ là những năm tháng vô cùng gian lao, vất vả nhưng cũng rất đỗi oai hùng của quân và dân ta, đặc biệt trên tuyến đường Trường Sơn - con đường huyết mạch nối liền ý chí và quyết tâm độc lập tự do của cả dân tộc. Viết về con đường ấy, đã có rất nhiều tác phẩm văn học hay, có nội dung vừa chân thực, vừa ý nghĩa. Tiêu biểu trong số đó là tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật. 

 

Trên đây là những mẫu mở bài ấn tượng nhất cho văn bản thuyết minh về một tác phẩm, các bạn có thể tham khảo và linh hoạt áp dụng vào bài viết của mình.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Tin liên quan