MỘT SỐ LỆNH PHỤ CÓ THỂ GẶP KHI LÀM ĐỀ PHÂN TÍCH "ĐẤT NƯỚC" (NGUYỄN KHOA ĐIỀM) VÀ HƯỚNG DẪN VIẾT MẪU

Ngày 12/12/2023 17:40:52, lượt xem: 25958

Câu hỏi phụ khó - Có chị Hiên lo! Chị nhận được rất nhiều yêu cầu về những đoạn viết mẫu cho các lệnh phụ có thể xuất hiện trong bài Nghị luận văn học. Hôm nay thì chị đã làm phần viết mẫu đó cho bài “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm rồi đây!

 

 

ĐỌC THÊM CHẤT LIỆU VĂN HÓA VÀ VĂN HỌC DÂN GIAN TRONG "ĐẤT NƯỚC"

 

1. Nhận xét chất liệu dân gian mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sử dụng
    Không chỉ đặc sắc ở tư tưởng đất nước của nhân dân mới mẻ, bạn đọc còn say mê, chìm đắm trong chất liệu văn hóa dân gian nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm điểm tô trong tác phẩm. Trước hết, ông đưa ra những chất liệu gần gũi và quen thuộc nhất với cuộc sống chúng ta, đó chính là những câu chuyện cổ tích ngày xửa ngày xưa bà thường hay kể, là phong tục tập quán, lối sống sinh hoạt như miếng trầu, hạt gạo xay, giã, dần, sàng,... Các chất liệu này không chỉ được phô diễn một cách bình thường mà người nghệ sĩ ấy còn tập trung kết hợp với các giá trị văn hóa truyền thống để làm tôn lên cái hồn của dân tộc. Bên cạnh đó, ta còn thấy chất liệu văn hóa dân gian được vận dụng một cách rất khéo léo khi ông không lấy toàn bài mà chỉ mượn ý nhằm tôn vinh nét đẹp của con người Việt Nam với tấm lòng thủy chung son sắt, là sự chịu thương chịu khó như “Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn” lấy ngụ ý từ câu “Tay bưng chén muối đĩa gừng”/ “Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”. Chất liệu ấy được sử dụng dạy đặc tạo nên một không gian nghệ thuật đặc trưng của đoạn trích. Hơn nữa, có thể nói nó đã thấm sâu vào tư tưởng và cảm xúc của tác giả, tạo nên một đặc điểm trong tư duy nghệ thuật ở đoạn trích này và đặc biệt hơn nó đã góp phần tạo nên “vân chữ” cho sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm..


2. Nhận xét tư tưởng đất nước của nhân dân của Nguyễn Khoa Điềm
    Đất nước - mảnh đất thấm nhuần bản sắc văn hóa của dân tộc ấy đã được gây dựng và hình thành bởi xương và máu của thế hệ ông cha ta. Họ là những người anh hùng vô danh, tuy “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng “họ làm ra Đất Nước”. Thấu hiểu được điều đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện rất rõ tư tưởng đất nước là của nhân dân, đó là một tư tưởng mới mẻ và mang đặc trưng của Nguyễn Khoa Điềm. Từ không gian địa lí với chiều rộng lãnh thổ hay không gian gắn với tình yêu đôi lứa, không gian sinh tồn, chiều dài lịch sử hay chiều sâu văn hóa tất cả đều thấm nhuần tư tưởng đất nước là của nhân dân, do nhân dân tạo thành. Họ là “những người nông dân áo vải đứng lên thành anh hùng”, họ là những người trẻ tạm gác bút nghiên, ba lô để giành lại non sông gấm vóc. Mảnh đất này chính là mảnh đất được gây dựng xương máu của cha anh. Chính bởi vậy, Nguyễn Khoa Điềm nhấn mạnh tư tưởng đất nước của nhân dân để nhắn nhủ tới thế hệ mai sau phải biết trân trọng và giữ gìn mảnh đất thiêng liêng này. Tôi chợt nhớ tới “Bức thư gửi người đang sống” của những chiến sĩ Tiểu đội 1, Trung đội Ký Con, Trung đoàn Bình Giã, Quân giải phóng miền Nam có viết thể này: “Chúng tôi mong được ghi nhận rằng, chúng tôi đã từng sống, chiến đấu và đã chết trong một mùa Xuân giữa đất trời như trăm ngàn cái chết của người Việt Nam chân chính cho Tổ quốc và dân tộc sống còn… Không còn gì để bàn cãi, tư tưởng đất nước của nhân dân này xứng đáng được ghi danh muôn đời.

 

ĐỌC THÊM TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC VÀ TÌNH YÊU ĐÔI LỨA ĐAN XEN HÀI HOÀ QUA TRÍCH ĐOẠN "ĐẤT NƯỚC"


3. Nhận xét chất triết luận - trữ tình trong thơ Nguyễn Khoa Điềm
    Như chúng ta đã biết, Nguyễn Khoa Điềm có phong cách viết thơ trữ tình - triết luận đậm đà, ông luôn có một mối liên hệ chặt chẽ giữa tư tưởng triết lí sắc sảo cùng với những giá trị truyền thống văn hóa cổ xưa của dân tộc Việt Nam ta. Bên cạnh đó, chất trữ tình của ông được thể hiện ở việc dùng sức liên tưởng để thể hiện tính triết luận sâu sắc với chất liệu văn hóa dân gian. Ta có thể thấy rằng, chất triết luận trong thơ ông được thể hiện ở phạm trù văn hóa dân tộc, Đất Nước của một dân tộc có truyền thống đánh giặc giữ nước, truyền thống nổi bật và kiêu hùng làm nên phẩm giá quý báu của cả một dân tộc "Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre và đánh giặc". Đất Nước của những con người với phẩm chất kiên cường, mạnh mẽ, chiến đấu không ngừng nghỉ, căm ghét giặc cỏ, thói mọi vô cùng, quyết tâm đánh đuổi đến cùng: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Không những vậy, chất triết luận ấy còn được phô diễn ngay trong tư tưởng đất nước của nhân dân của người nghệ sĩ này, chính nhân dân làm ra đất nước, chính nhân dân gây dựng đất nước. Không chỉ gây ấn tượng ở triết luận sắc sảo mà chất trữ tình trong thơ ông cũng thật nổi bật, nó thể hiện trong giọng điệu thơ tha thiết, thấm đẫm phong vị của nền văn hóa truyền thống dân tộc như “Trong anh và em hôm nay” / “Đều có một phần Đất Nước”; “Đất là nơi anh đến trường” / “Nước là nơi em tắm”, Nguyễn Khoa Điềm đã chuyển hoá ý thức công dân thành tình cảm cá nhân, và từ đó, ông đã đưa ra những khía cạnh mới, sâu sắc và trang trọng về đất nước. Bằng cách này, ông không chỉ tạo nên một cuộc tâm tình đẹp, mà còn tạo ra một không khí trữ tình kèm theo đó là lòng yêu nước sâu sắc, nồng nàn đã trở thành cảm hứng chính chi phối toàn bộ nhịp thơ và qua đó chúng ta thấy được tình yêu quê hương đất nước đang cháy rực trong tim của Nguyễn Khoa Điềm.


4. Nhận xét tình yêu quê hương đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
    Lòng yêu nước luôn là nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn trong lịch sử văn học dân tộc ta. Nối tiếp cảm hứng này, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng đã bày tỏ tình yêu quê hương đất nước của mình thông qua đoạn trích. Trước hết ta thấy tình yêu này là một tình yêu giản dị, mộc mạc nhưng cũng rất đỗi chân thành. Bằng cách hóa thân vào nhân vật “anh” tâm tình với nhân vật “em”, Nguyễn Khoa Điềm cảm nhận đất nước đã có tự ngàn xưa. Khi ta được sinh ra đất nước đã bao bọc, đã nuôi dưỡng đời sống, tâm hồn nhưng đất nước được Nguyễn Khoa Điềm gợi lên từ những sự vật, hình ảnh gần gũi, từ những sinh hoạt thường ngày, ông yêu những câu chuyện cổ tích, yêu những cái kèo cái cột và tất cả những điều đó chính là nguồn gốc để tình yêu ấy lớn dần và trở thành  tình yêu Tổ quốc. Bên cạnh đó, tình yêu quê hương đất nước còn thể hiện ở việc nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trân trọng, biết ơn những giá trị lịch sử, những công lao của ông cha ta trong việc gây dựng và bảo vệ đất nước, họ chỉ là những con người vô danh bình dị tuy “không ai nhớ mặt đặt tên” nhưng “họ làm ra Đất Nước”, để có một đất nước yên bình như ngày hôm nay các thế hệ cha anh đã phải đánh đổi và có người đã gục xuống mảnh đất ấy không thể trở về. Đất nước chính là mảnh hồn của dân tộc, từ đó nhà thơ muốn nhắc nhở chúng ta - những người con sinh ra trong thời bình phải luôn ghi lòng tạc dạ công lao của thế hệ đi trước, phải cố gắng để giữ gìn và bảo vệ đất nước của chúng ta để một ngày đất nước được sánh vai với các cường quốc năm châu, giàu mạnh hơn và vững chắc hơn. 

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học Luyện đề chuyên sâu 2k6


 

Tin liên quan