Đăng Ký Học
Ngày 26/06/2023 17:01:45, lượt xem: 10163
Đề bài: Trình bày cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ sau; từ đó, nhận xét cách sử dụng chất liệu văn hóa và văn học dân gian của Nguyễn Khoa Điềm trong đoạn thơ:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dẫn nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta ...”
(Trích “Đất Nước”, trường ca “Mặt đường khát vọng”, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn 12. Tập một, NXB Giáo dục, 2019, tr. 120)
Bài làm
“Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả dập dờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều”
(Nguyễn Đình Thi)
Suốt dọc dài mảnh đất hình chữ S Việt Nam luôn là những thắng cảnh ấn tượng, làm rung động bao tâm hồn. Không gian địa lí đất nước đã đi vào thi ca với những đường nét khắc họa phong phú ở những tác giả khác nhau, khi tinh tế, uyển chuyển, khi chân mộc, gần gũi, nhìn chung đều làm nổi bật vẻ đẹp tự nhiên vốn có của mỗi khung cảnh, vùng đất. Nhưng khi đến với trang viết của Nguyễn Khoa Điềm – một nhà thơ trữ tình triết luận xuất sắc – ta lại thấy một vẻ đẹp thật khác mà thật sâu xa của không gian đất nước. Từng ngọn núi, dòng sông, từng ao đầm, con đường, từng danh lam, thắng cảnh không những đẹp bởi thiên nhiên tạo tác mà còn đẹp bởi sự hóa thân của “một dáng hình, một ao ước, một lối sống” nhân dân. Điều đó được thể hiện qua đoạn thơ trong trích đoạn “Đất Nước” thuộc trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Đoạn thơ còn cho thấy sự nhuần nhị, sáng tạo của tác giả trong cách sử dụng chất liệu văn hóa và văn học dân gian:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
…
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta ...”
Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ông hấp dẫn người đọc bởi sự kết hợp giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức. Trường ca “Mặt đường khát vọng” được tác giả hoàn thành ở chiến khu Trị Thiên năm 1971. Đó là thời điểm cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đang trải qua những năm tháng đầy thử thách, khốc liệt. Qua tác phẩm, ngòi bút Nguyễn Khoa Điềm đã tác động sâu sắc tới sự thức tỉnh của tuổi trẻ các vùng bị tạm chiếm miền Nam, nhận rõ bộ mặt xâm lược của kẻ thù, hướng về nhân dân, sẵn sàng và tự nguyện gánh vác sứ mệnh đấu tranh giải phóng dân tộc. Trường ca gồm chín chương, đoạn trích "Đất Nước" là phần đầu chương V. Đoạn trích đã thể hiện một cái nhìn mới mẻ về đất nước: đất nước là sự hội tụ và kết tinh bao công sức và khát vọng của nhân dân, nhân dân là người làm ra đất nước.
Viết về đất nước, viết về nhân dân, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm luôn thấm thía một tư tưởng: Đất Nước của Nhân Dân. Bước vào trang thơ “Đất Nước” ta thấy tác giả một lần nữa soi ngắm thật kỹ, thật sâu vào các tầng địa lý, lịch sử và văn hóa để rồi giúp cho bạn đọc nhận ra rằng nhân dân đã góp phần làm nên hồn cốt của không gian địa lý dân tộc:
“Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm”
Từng vần thơ giản dị cứ thế vang lên và đi sâu vào nhận thức của bạn đọc. Tác giả đang liệt kê đó, đang kể ra hàng loạt đó mà sao mỗi câu thơ đều quá đỗi sâu xa. Đất nước gắn với truyền thuyết, cổ tích, mỗi địa danh đều tắm đẫm những huyền thoại, mỗi một hiện tượng văn học dân gian đều nhằm giải thích hình thể của non sông, chứa đựng trong đó những ý nghĩa hết sức thiêng liêng về sự hóa thân của xương máu nhân dân trong quá trình tạo nên đất nước. Mỗi tấc đất, mỗi dòng sông đều có xương máu của bao nhiêu thế hệ, đều chứa đựng những ước mơ của con người. Đằng sau tình yêu với đất nước, nhà thơ nhận ra không gian địa lý không còn là những hình thể vật chất thuần túy, những sự vật vô tri vô giác mà đó là nơi kết tinh hồn cốt dân tộc. Trong cái nhìn của nhà thơ, hình ảnh núi sông của Tổ quốc bỗng trở nên thiêng liêng vô cùng. Đọc những truyền thuyết cổ tích huyền thoại nhằm giải thích hình dáng, tên gọi của danh lam thắng cảnh, ta ngỡ như đó chỉ là một cách mỹ lệ hóa núi sông, huyền thoại hóa một địa danh. Nhưng với cái nhìn của Nguyễn Khoa Điềm, người đọc cảm nhận được những giá trị lịch sử, văn hóa phong phú đa dạng đã gợi lên cái hồn và sức sống của sông núi. Vì thế những núi Vọng Phu đâu còn chỉ là làm đẹp thêm một dáng núi mà là câu chuyện người vợ nhớ chồng hóa thân vào sông núi quê hương để làm nên một đất nước thủy chung, tình nghĩa. Đó còn là sự hiện thân của những người học trò nghèo thành núi Bút non Nghiên làm nên một đất nước nghìn năm văn hiến. Những ao đầm để lại như dấu tích của đứa trẻ lên ba là tiếng nói của lòng yêu nước, tiếng nói đòi đi đánh giặc … Đó là những địa danh lấy tên của những cá nhân bình dị nhưng là tấm gương sáng đầy nhân văn: Bà Đen, Bà Điểm, Ông Đốc, Ông Trang. Trên khắp đất nước, những con người bình dị đã hóa thân vào sông núi để lại cho đời những cái tên bất tử. Tấm bản đồ đất nước được phác họa từ Bắc chí Nam, trở thành tấm bản đồ văn hóa của dân tộc, là nơi ký thác tâm hồn, ước mơ, khát vọng của nhân dân. Đất Nước vừa thiêng liêng, cao cả vừa gần gũi, giản dị. Điệp từ “góp” được sử dụng là sự nhấn mạnh, trân trọng của nhà thơ nhằm ghi nhận và ca ngợi những đóng góp của nhân dân trong hình hài đất nước.
ĐỌC THÊM TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC VÀ TÌNH YÊU ĐÔI LỨA ĐAN XEN HÀI HOÀ QUA TRÍCH ĐOẠN "ĐẤT NƯỚC"
“Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các bậc tình cảm, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy” (Nguyễn Khải). Nguyễn Khoa Điềm đã đưa được tình cảm vào quá trình sáng tác của mình, thổi hồn cho tư tưởng triết lí tưởng chừng khô khan và lí thuyết. Đó là khi nhà thơ đưa ra lời tổng kết thật chân tình cho những phát hiện và suy ngẫm về không gian địa lí của đất nước:
“Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta ...”
Biện pháp liệt kê “một dáng hình, một ao ước, một lối sống” như mốn nhấn mạnh tất thảy những giá trị tinh thần cao cả của nhân dân được kết tinh nơi “ruộng đồng gò bãi” của đất nước. Hai câu thơ có giọng điệu tự nhiên, tâm tình nhưng truyền tải một nội dung mang tính suy luận sâu xa. Chất thơ vừa trữ tình, vừa triết luận chính là ở lẽ đó. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã giúp bạn đọc nhìn vào những dẫn chứng sống động, cụ thể về từng danh lam thắng cảnh suốt dọc dài đất nước có chất chứa tâm hồn cha ông để rồi đưa ra một kết luận chí lí. Vậy là mẹ thiên nhiên tạo tác nên dáng hình khung cảnh, còn nhân dân chính là người nghệ sĩ đã sáng tạo ra mọi giá trị tinh thần để làm đẹp thêm khung cảnh thiên nhiên ấy. Nhân dân thổi hồn vào cảnh vật vô tri để thiên nhiên lưu giữ câu chuyện về phần đời của họ. Nhận ra điều đó, nhà thơ thốt lên từng lời thơ xúc động: “Ôi Đất Nước bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy / Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”. Thán từ “ôi” vang lên bộc lộ niềm xúc động xen lẫn tự hào của nhà thơ khi nhìn lại và soi ngắm vào tầng sâu lịch sử, địa lí của đất nước để rồi nhận ra một đất nước vừa kì vĩ lớn lao, vừa thân thương quá đỗi. Trong không gian địa lý đất nước, mỗi địa danh đều là một địa chỉ văn hóa được làm ra bởi sự hóa thân của bao cuộc đời, bao tâm hồn con người Việt Nam. Bởi vậy, đất nước chính là một phần máu thịt, tâm hồn nhân dân. Tự hào và hãnh diện, trân trọng và ngợi ca, từng ý thơ bật lên từ tấm lòng của một người con đang chiêm nghiệm về quê hương xứ sở, đã góp thêm vào mảng thơ đề tài quê hương đất nước những phát hiện mới mẻ và giàu tính nhân văn.
Đặc sắc của đoạn thơ còn đến từ hình thức nghệ thuật. Kết cấu chặt chẽ, tự nhiên, thể thơ tự do với những câu thơ mở rộng kéo dài, biến hóa linh hoạt đã tạo cho đoạn thơ sức gợi cảm và sức khái quát cao. Với biện pháp pháp liệt kê, điệp từ cùng với hình ảnh thơ đậm đà màu sắc văn hóa dân gian, giọng thơ trữ tình triết luận, đoạn thơ vừa là lời tâm tình, vừa là lời nhắn nhủ của nhà thơ với tất cả mọi người hãy nhận thức về sự hóa thân của tâm hồn nhân dân trong dáng hình Tổ quốc. Mỗi chúng ta cần hiểu được, trân trọng và tự hào về điều đó. Viết về đề tài đất nước - một đề tài quen thuộc, nhưng thơ Nguyễn Khoa Điềm vẫn mang những nét riêng, mới mẻ, sâu sắc. Bởi lẽ, “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm đã khẳng định được vai trò to lớn của nhân dân với đất nước một cách dễ hiểu, dễ cảm, dễ nhớ. Những nhận thức mới mẻ về vai trò của nhân dân trong việc làm nên vẻ đẹp của đất nước ở góc độ địa lý càng gợi lên lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm với đất nước trong trái tim mỗi người con Việt Nam.
Huy Văn từng nhận xét: “Nếu như trong thơ Nguyễn Đình Thi, hình ảnh đất nước hào hoa, kiêu hãnh, lãng mạn và tràn đầy sức sống thì trong thơ Nguyễn Khoa Điềm hình ảnh đất nước lại giàu có về văn hóa, là sức mạnh của chân lý”. Nhận xét đã khẳng định một nét đặc sắc trong “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm, chính là sự vận dụng chất liệu văn hóa và văn học dân gian. Điều đó được thể hiện rất rõ nơi những vần thơ viết về không gian địa lí của đất nước. Chất liệu văn hóa và văn học dân gian là những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích, ca dao, tục ngữ, là nếp sống, phong tục đã được hun đúc từ ngàn đời và thấm sâu trong nếp nghĩ, nếp cảm của nhân dân ta. Vận dụng chất liệu đó vào trong thơ, ngòi bút Nguyễn Khoa Điềm không nhắc lại nguyên văn, không liệt kê sáo rỗng mà nhà thơ đã tập trung khơi gợi, chỉ mượn ý mượn tứ mà từ đó gợi lên cả một câu chuyện, một truyền thống, một bề dày văn hóa dân tộc. Chỉ những từ “người vợ nhớ chồng” và núi “Vọng Phu” đã đủ để giúp bạn đọc liên tưởng tới truyền thống thủy chung, ân nghĩa. Chỉ hình ảnh “con rồng” và “dòng sông xanh thẳm” cũng đủ để người ta nhớ về những con sông kiến tạo nên nền văn hóa, văn minh cho một vùng đồng bằng màu mỡ … Bên cạnh đó, chất liệu văn hóa, văn học dân gian còn được vận dụng đầy phong phú, đa dạng, gần gũi với mỗi người dân Việt Nam. Nhà thơ sử dụng biện pháp liệt kê kết hợp với điệp từ “góp” để đem đến những vần thơ thấm đẫm màu sắc dân gian, mở ra không gian trù phú của đất nước nhưng vẫn cho chúng ta cảm giác thân thương, gần gũi, mỗi dáng núi dáng sông như hơi thở của nhân dân ta vậy. Có thể nói, chất liệu văn hóa, văn học dân gian được sử dụng đậm đặc đã tạo nên một không gian nghệ thuật riêng của đoạn trích, bình dị, chân thực, mà rất giàu tưởng tượng, bay bổng. Đây là một nét đặc sắc trong tư duy sáng tác, xuất phát từ tầm hiểu biết sâu rộng cùng tư tưởng triết luận của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – tư tưởng Đất Nước của Nhân Dân. Sức mạnh nhân dân, tâm hồn nhân dân kết tinh trong truyền thống văn hóa và văn học dân gian. Bởi vậy, vận dụng sáng tạo chất liệu này khi sáng tác cũng là cách để tác giả bày tỏ sự trân trọng, đề cao của mình đối với những đóng góp của nhân dân trong hành trình dựng xây và bảo vệ đất nước. Sự tài tình và khéo léo của Nguyễn Khoa Điềm khi vận dụng chất liệu dân gian đã đem đến những trang thơ chân tình mà không kém phần sâu sắc, đem đến hình ảnh của một đất nước vừa thiêng liêng, vừa hiện hữu rõ ràng, vừa có chiều sâu văn hóa, vừa bình dị thân quen với cuộc sống của mỗi người.
Một câu hỏi cứ trở đi trở lại trong tâm trí tôi khi đọc những vần thơ của Nguyễn Khoa Điềm, rằng: “Ta yêu đất nước vì điều gì?” Ta yêu nước vì đất nước thật đẹp. Ta yêu nước vì đất nước có truyền thống văn hóa lâu bền, có lịch sử bất khuất, hiên ngang. Và tôi nhận ra, chúng ta yêu nước vì đó là một tình yêu tất yếu, bởi mỗi dáng hình của đất nước đều là một phần máu thịt, tâm hồn ta. “Người ta chỉ có thể tách con người ra khỏi quê hương chứ không thể tách quê hương ra khỏi con người” là vì lẽ đó. Đoạn thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong trích đoạn “Đất Nước” thuộc trường ca “Mặt đường khát vọng” đã một lần nữa giúp tôi thấm thía triết lí sâu xa này. Và phải chăng, mỗi nhịp rung xúc cảm của bạn đọc như thế, mỗi khoảnh khắc bạn đọc được soi tỏ tâm hồn như thế chính là điều cốt lõi làm nên sức sống lâu bền cho tác phẩm văn học, để ý nghĩa của những trang văn, trang thơ không bao giờ dừng lại ở trang cuối cùng…
Đồng hành cùng chị trong KHÓA HỌC VĂN VIP 2K6 để đạt 8+ Văn nhé!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan