Đăng Ký Học
Ngày 02/12/2023 15:35:17, lượt xem: 2285
Dưới đây là chia sẻ của một bạn học sinh lớp học online tại Học Văn Chị Hiên về cách vận dụng, đưa suy ngẫm của bản thân vào bài viết Nghị luận văn học sao cho hay, hiệu quả và đạt số điểm cao.
- Bước 1: Chọn đoạn trích có thể lồng ghép được suy ngẫm trong văn bản
- Bước 2: Phân tích khái quát nội dung đoạn trích
- Bước 3: Lồng ghép suy ngẫm của bản thân hoặc liên hệ đoạn trích đã chọn với những vấn đề xã hội
1. Người lái đò sông Đà:
Trên hành trình chinh phục sông nước Đà giang, ông lái đò chỉ với một mái chèo, một con thuyền nhỏ bé nhưng đã vượt qua tử thần, chiến thắng tất cả những âm mưu thủ đoạn xảo quyệt của sóng, đá, nước của con sông Đà. Có lẽ nếu Nguyễn Tuân không đến nơi đây thì sẽ chẳng có một người lái đò trên sông nước Đà giang được ngợi ca hay ta sẽ chẳng thể nào biết cuộc sống mưu sinh của những người dân vùng sông nước vất vả như thế nào. Dừng nhịp đọc để ngẫm, ta nhận ra có lẽ cuộc sống này quá tàn nhẫn khi đẩy con người phải làm những công việc nguy hiểm để mưu sinh? Và có lẽ ông lái đò là một minh chứng. Ông phải chấp nhận đối mặt với hiểm nguy để đổi lấy bữa ăn từng ngày. Phải chăng cuộc đời của mỗi người cũng giống như chuyến hành trình vượt thác nguy hiểm của ông lái đò, đều phải trải qua những nguy hiểm, áp lực từ cuộc sống mới có thể về bến đỗ an toàn. Cuộc sống này vốn dĩ thật không công bằng nhưng điều quan trọng hơn trong ý vị này ta có thể ngẫm, cho dù bạn ở hoàn cảnh nào, bạn là ai, làm công việc gì thì chỉ cần bạn hoàn thành hết sức bằng khả năng của mình thì chắc chắn sẽ nhận được kết quả xứng đáng bởi “Ông trời không cho ai tất cả, cũng không lấy của ai tất cả”.
2. Sóng:
Phải chăng khi đọc “Sóng”, ta chỉ thấy nổi bật đó là tình yêu, là sóng nhớ bờ, là em nhớ anh đến nỗi cả trong mơ còn thức, là sự chung thủy của người con gái dành cho chàng trai ở phương xa. Ấy nhưng đọc thật kĩ, ngẫm thật sau, ta còn thấy “Sóng” giúp ta nhận ra những bài học đầy giá trị. Có thể nói Xuân Quỳnh đã thật tinh tế khi đưa ra những ý thơ mang đầy tính nhân văn sâu sắc. Trong đó, câu thơ “ Cuộc đời tuy dài thế/ Năm tháng vẫn đi qua” không chỉ thể hiện cuộc đời của con người là hữu hạn còn thời gian thì luôn trôi chảy không ngừng nghỉ mà còn gợi nhắc chúng ta cần nhận thức và trân trọng vẻ đẹp của cuộc sống. Chính vì cuộc đời của mỗi người đều ngắn ngủi lắm nên bản thân ta nên nâng niu những kỉ niệm đẹp, sống trọn trong từng khoảnh khắc. Chẳng phải điều đó cũng được Xuân Diệu cất lên thành những vần thơ trong “Vội vàng”:
“Tôi muốn tắt nắng đi cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại cho hương đừng bay đi”
Chúng ta đều không biết trước cuộc đời sẽ xuất hiện những điều tuyệt vời gì hay những biến cố không mong đợi, vì thế hãy cứ tận hưởng và tận hiến khoảnh khắc hiện tại, sống là chính mình để có một cuộc đời không nuối tiếc mà chỉ tràn đầy niềm vui và hạnh phúc.
ĐỌC THÊM: VẺ ĐẸP TÂM HỒN NGƯỜI PHỤ NỮ QUA BÀI THƠ SÓNG
3. Ai đã đặt tên cho dòng sông:
Sông Hương dưới góc nhìn thi ca là một dòng sông không bao giờ tự lặp lại chính mình, cũng không bao giờ lặp lại trong mỗi góc nhìn của người nghệ sĩ. Với cách viết trích dẫn, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm sống dậy trong lòng những người đọc biết bao vần thơ hay về Huế, về dòng Hương. Thi đàn Việt Nam cũng đã ghi nhận biết bao nhiêu tao nhân, mặc khách buông lòng mình về dòng Hương. Trong thơ Hàn Mặc Tử, cũng đã từng gây cho bạn đọc những bồi hồi và ám ảnh:
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay”
Nhà thơ Thu Bồn cũng đã từng viết trong tác phẩm của mình:
“Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”
Trong mỗi ý thơ, sông Hương mang một vẻ đẹp riêng không lẫn trộn. Là do dòng sông bản thân nó đã đẹp một cách muôn hình vạn vẻ, hay là bởi mỗi thi sĩ lại có một phong cách riêng, vùng thẩm mỹ riêng? Nghệ thuật từ trước đến nay vốn chưa bao giờ dung nạp sự bắt chước, tương đồng. Có lẽ đó là nguyên nhân mà sông Hương lại chưa từng lặp lại chính nó trong thơ ca. Hương Giang cứ tự tình, lặng lờ mà đem trong mình chất thơ đầy ăm ắp như thế. Ký của Hoàng Phủ cứ thôi thúc con người ta phải đến Huế một lần, thôi thúc con người ta tìm đến những tứ thơ về dòng Hương, dòng Huế…
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Tin liên quan