HÌNH ẢNH NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG VĂN HỌC XƯA VÀ TRONG CÁC TÁC PHẨM HIỆN ĐẠI

Ngày 17/10/2023 17:59:13, lượt xem: 4015

Hình ảnh người phụ nữ trong văn học xưa luôn gắn với những số phận hẩm hiu, đau khổ hay "hồng nhan bạc mệnh". Tuy nhiên, trong các tác phẩm hiện đại, dưới sự phát triển của xã hội, hình ảnh người phụ nữ đã có những sự thay đổi rõ rệt.

 

I. HÌNH ẢNH NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG VĂN HỌC:

 

Trong thơ Hồ Xuân Hương xưa, người phụ nữ phải chịu nỗi khổ đau vì không làm chủ được số phận của mình. Qua miêu tả chiếc bánh trôi mà tác giả đã nói lên được thân phận của người phụ nữ. Hình ảnh người phụ nữ ẩn chứa trong chiếc bánh trôi nước "vừa trắng lại vừa tròn" nhưng phải chịu một cuộc sống trôi nổi bấp bênh "bảy nổi ba chìm". Chiếc bánh ấy có đẹp hay chăng, rắn nát chăng đi nữa thì phải phụ thuộc vào người nặn ra chiếc bánh ấy. Một chiếc bánh được nặn đẹp, xinh xắn thì không có gì phải chê, nhưng mà bị làm cho nát hình dạng xấu xí thì sao nhỉ? Đó là do bàn tay của kẻ nặn bánh mà thành. Đến với “Tự tình II", "Chén rượu hương đưa" diễn tả tâm trạng về nỗi đau thân phận, sự bế tắc quẩn quanh, tình duyên trở thành trò đùa của tạo hóa. Rượu không thể làm cho ta vơi đi nỗi buồn vì "say" rồi lại "tỉnh". Thời gian "vầng trăng bóng xế" như gợi nhắc đến tháng năm, tuổi tác nhưng lại "khuyết chưa tròn" thể hiện sự thiếu vắng, không trọn vẹn, nỗi buồn tủi vì tuổi xuân sắp qua mà tình duyên chưa đến. Những hình ảnh buồn cô đơn nhuốm màu tâm trạng nữ thi sĩ.

Đến với Ngô Tất Tố trong những năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp, hành động chống trả quyết liệt của chị Dậu chứng tỏ bản lĩnh cứng cỏi, không sợ cái xấu, cái ác, cường quyền. Đây mới chỉ là hành động bộc phát, chưa phải là sự vùng lên của một người dân đã được giác ngộ cách mạng. Thế nhưng, nó cũng mở ra một hướng đi mới cho những người nông dân cùng khổ, bị đè nén đến cùng cực trong xã hội thực dân phong kiến đương thời. Hay người đọc bắt gặp Mị trong “Vợ chồng A Phủ" - hiện thân cho người phụ nữ mới, có ý thức trong sự phản kháng với thần quyền. Bằng tấm lòng thương người, Mị đã “cắt nút dây mây” và bảo A Phủ “Đi ngay”. Hành động ấy vô cùng táo bạo bởi nếu gia đình thống lí biết thì Mị sẽ là người bị trói thay vào chỗ của A Phủ. Khát vọng giải thoát bản thân và khát vọng về một cuộc sống tự do đã thôi thúc Mị bỏ trốn cùng A Phủ. Sức sống trong Mị đã bùng lên mạnh mẽ để đấu tranh chống lại cường quyền, thần quyền và phu quyền. Hành động cắt dây trói cho A Phủ cũng là hành động cắt dây trói cho chính mình, chấm dứt cuộc đời nô lệ, bị áp chế của Mị.

 

SỐ PHẬN NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG XÃ HỘI PHONG KIẾN QUA NHÂN VẬT VŨ NƯƠNG TRONG “CNCGNX” VÀ KIỀU TRONG “TRUYỆN KIỀU”

 

II. HÌNH ẢNH NGƯỜI PHỤ NỮ TRONG PHIM ẢNH

 

Điện ảnh Việt ngày càng phát triển, các nhân vật trong phim cũng được chuyển biến ngày một rõ nét hơn, hình ảnh người phụ nữ cũng không ngoại lệ. Với chế độ xã hội phong kiến hà khắc, bất công, quan niệm “trọng nam khinh nữ” khiến hình ảnh người phụ nữ thời xưa được các đạo diễn khắc họa một cách kham khổ, nhẫn nhục, sống cuộc đời không vì mình… Mái tóc đen dài, tay lấm chân bùn, làn da rám nắng cùng đôi mắt lúc nào cũng nhìn xuống, không dám ngẩng cao đầu nhìn người đối diện… Đó là phần đa hình ảnh người phụ nữ trong phim Việt thời kỳ cũ. Tương đồng với điều đó là tính cách rụt rè, nhút nhát, “gọi dạ bảo vâng”, không dám thể hiện chính kiến của mình. Để rồi không những bị xã hội đẩy vào số phận hẩm hiu mà chính bản thân mình cũng không thể thoát ra được khỏi những điều lệ cũ kỹ ấy. Trong tác phẩm ăn khách Chị Tư Hậu (1962), hình ảnh người phụ nữ lam lũ, chịu nhiều gian nan cực khổ với việc bị cưỡng hiếp đến nỗi suýt tự tử nếu không có tiếng khóc xé lòng của đứa con thơ, cho đến việc phải một thân một mình nuôi con khi chồng hy sinh, những bất hạnh đó, những nỗi đau đó chỉ có thể vùi lấp bởi sự nhẫn nhịn, bởi ánh mắt u buồn cho qua. 

Có lẽ phải đến thời gian gần đây thì hình ảnh người phụ nữ Việt trong phim mới thực sự "lột xác", phụ nữ đã không còn lép vế sau đàn ông mà trở thành những người có tầm quan trọng trong xã hội. Điển hình là những cô gái xinh đẹp, giỏi giang không những có công việc ổn định mà còn là “sếp” của những chàng trai khác, nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ, không bị xã hội đàn áp mà vượt lên để khẳng định rằng phụ nữ cũng làm được những việc lớn như: “Cô Ba Sài Gòn”, “Thương ngày nắng về”, “Hai Phượng”... Và hình ảnh người phụ nữ Việt trong phim thay đổi cũng phần nào cho thấy sự biến chuyển về vai trò của người nữ trong xã hội hiện nay.

 

  • Tổng kết: Theo dòng chảy của thời gian, những chuẩn mực đánh giá cũng dần thay đổi. Người phụ nữ Việt Nam thời nay bên cạnh việc duy trì nét đẹp truyền thống đã có nhiều đổi khác so với thời xưa, từ chuyện chăm sóc vẻ bề ngoài, chăm sóc sức khỏe đến cách ứng xử, quan niệm về vị thế trong xã hội. Điều này được thể hiện trong nhiều phương diện như văn chương, âm nhạc hay điện ảnh…

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên

- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Khóa học Văn Vip 2 - 2k9

 

Tin liên quan