TỔNG HỢP CÁC DẠNG CÂU HỎI PHỤ TRONG BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC VÀ CÁCH TRẢ LỜI ĂN TRỌN ĐIỂM

Ngày 27/11/2023 17:23:51, lượt xem: 2534

Trong cấu trúc đề thi THPT Quốc gia, đặc biệt là cây Nghị luận văn học, ngoài những phần yêu cầu chính (phân tích đoạn văn, đoạn thơ, hay nhân vật nào đó), chúng mình còn cần quan tâm đến phần câu hỏi phụ. Vì khi em làm tốt cả phần này, thì bài văn của chúng mình mới có thể hoàn chỉnh và đạt điểm số cao.

Hãy cùng Học Văn Chị Hiên tham khảo những cách làm dưới đây.

 

 

  • Dạng 1: Những câu yêu cầu nhận xét về mặt nội dung

Trong mỗi tác phẩm đều có những nội dung, ý nghĩa nổi bật. Trong “Đất Nước” có sự cảm nhận mới mẻ về đất nước; trong “Sóng” có vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ; trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông” có vẻ đẹp nữ tính của sông Hương,... Những nội dung này đều có thể được yêu cầu nhận xét.

Ví dụ:

- Phân tích 14 câu thơ đầu bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Từ đó nhận xét về hình tượng người lính được tác giả xây dựng trong đoạn thơ.

- Phân tích đoạn thơ: “Những đường Việt Bắc của ta … Vui lên Việt Bắc, đèo De, núi Hồng” trong Việt Bắc, ta cũng có thể gặp câu hỏi nhận xét về vẻ đẹp con người Việt Nam trong kháng chiến.

 

  • Dạng 2: Những yêu cầu nhận xét liên quan đến phong cách tác giả

Đây là dạng các bạn hay gặp nhưng không để ý.

Ví dụ:

- Phân tích Sóng của Xuân Quỳnh, chúng ta có thể được hỏi nhận xét về vẻ đẹp nữ tính của tác giả. Đó chính là một phần phong cách tác giả.

- Phân tích đoạn cuối tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” (đoạn từ tấm ảnh đen trắng có người đàn bà bước ra…), từ đó nhận xét về quan niệm của nhà văn về cuộc sống.

 

  • Dạng 3: Những yêu cầu nhận xét liên quan đến lý luận văn học cơ bản

Đây là cũng là một dạng không dễ nhưng khá dễ vào vì các kiến thức lý luận văn học này các bạn đều được học trong quá trình tìm hiểu tác phẩm. Đó sẽ là giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, tính dân tộc, tính sử thi,....

Ví dụ đề cho: Phân tích diễn biến tâm trạng thị trong buổi sáng hôm sau về nhà chồng. Từ đó nhận xét về giá trị nhân đạo trong đoạn trích.

 

  • Dạng 4: Những yêu cầu nhận xét về mặt nghệ thuật

Dạng câu hỏi này thường ít ra vì khá khó, nhưng chúng ta cũng không nên bỏ qua các bạn nhé!

Một số đề có thể ra như:

- Phân tích đoạn thơ… trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Từ đó nhận xét cách sử dụng từ ngữ của nhà thơ.

- Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. Từ đó nhận xét nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật trong đoạn trích.

 

  • Khi gặp câu hỏi phụ các bạn cần:

- Giới thiệu yêu cầu này ở mở bài. Điều này là cần thiết vì trong barem điểm yêu cầu cần xác định được vấn đề nghị luận là phần phân tích chính + yêu cầu phụ này. Các bạn đưa yêu cầu phụ vào mở bài là “ăn” được 0,25 xác định vấn đề rồi nhé!

- Vị trí của phần trả lời yêu cầu cầu phụ nằm ở ngay sau phần phân tích, trước khi chúng ta tổng kết nội dung, nghệ thuật của bài.

- Độ dài ngắn nhất cho phần này nên là ⅓ trang giấy thi và dài nhất nên là ⅔ trang thôi.

- Khi trả lời câu hỏi phụ, quan trọng nhất ở chỗ các bạn cần tìm được ý cụ thể, rõ ràng, không viết lan man. Ví dụ khi gặp đề như đến thi THPTQG 2021 hỏi: nhận xét vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh, các bạn cần chia nhận xét được từ đoạn thơ phân tích, người con gái trong tình yêu hiện lên vừa dịu dàng ý nhị mà nồng nàn, mãnh liệt, hồn nhiên trực cảm mà sâu lắng, suy tư (đây chính là vẻ đẹp trong các khổ thơ yêu cầu phân tích) > đây chính là hồn thơ/phong cách thơ của Xuân Quỳnh.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên

- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9

Tin liên quan