Hướng dẫn viết các vấn đề liên hệ mở rộng cho "Vợ Nhặt" (Kim Lân)

Ngày 27/04/2022 09:44:47, lượt xem: 30027

Một bài Nghị luận văn học có chiều sâu chắc chắn không thể bỏ qua phần liên hệ mở rộng rồi. Nhưng không phải bạn nào cũng biết cách viết phần này thật hay đâu nha. Cùng tham khảo bài viết này để biết cách khai thác các vấn đề liên hệ mở rộng trong "Vợ Nhặt" em nhé!

 

 

1. Xã hội trong “Vợ nhặt”

*Xã hội Việt Nam chìm trong nạn đói kinh hoàng, khủng khiếp năm 1945 - thời điểm mà dân ta chịu cảnh gông cùm, xiềng xích của cả thực dân Pháp và phát xít Nhật. Đời sống người dân điêu đứng đến mức “người chết thây nằm còng queo bên đường, người sống chỉ còn là những cái bóng dật dờ lặng lẽ như những bóng ma”. Hay nói như cách của Bàng Bá Lân thì:
“Khắp đường xa những xác đói rên nằm
Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp.
Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt
Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma”

*Các em có thể liên hệ:
- “Chuyện cũ của Hà Nội” - Tô Hoài:
Về nạn đói, mỗi lần nhắc lại Tô Hoài vẫn bàng hoàng, kinh hãi đến nỗi chữ nghĩa run rẩy như thổi bay được. Để rồi một Hà Nội trong những năm tháng ấy được nhà văn khắc họa một cách chân thực đến rùng mình: “Càng phấp phỏng, càng hoảng hốt khi trông thấy lũ lượt người đói các nơi kéo vào… Người ngồi, người chết la liệt các vỉa hè. Suốt ngày đêm xe kéo xác chết lầm lũi qua”. Đau đớn hơn khi phải chứng kiến những đứa trẻ sống trong cảnh ấy chẳng khác nào một thứ hàng: “Lại thêm người đói các nơi ùn tới. Trong đầu chợ, nhan nhản người đem bán trẻ con. Ở làng tôi, người quảy trẻ con sang bán ở các chợ bên kia sông Hồng. Có người chuyên đi buôn trẻ con, như thời thường mua bán gà lợn. Nhưng đâu bây giờ cũng hết cái ăn, ai còn mua trẻ con làm gì. Bắt đi lắm khi lại dắt về. Khốn khổ”.

- “Ô Cầu Dền” trong tập tản văn “Bát phố” - Bảo Sinh: Nhắc về nạn đói: “Năm 1945, đây là mả chôn chung của nạn nhân chết đói. Hàng ngày, xe bò chở đầy xác chất trên phủ mảnh chiếu, chân tay thò ra ngoài, lọc cọc, rập rình, xe đu đưa những cánh tay, cẳng chân cũng đu đưa theo. Xác chết được đổ đầy vào một cái hố chôn chung, sau đó lấp đất phẳng, không có dấu hiệu mồ mả gì cả”.

- “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” - Văn Cao viết:
“Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Đi vào ngõ khói công yên
Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền
Hương nha phiến chập chờn mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đường nghe sào sạo
Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực..”

*Hướng dẫn viết:
Kim Lân khi nói về tác phẩm “Vợ nhặt” từng tâm sự: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Khi viết về con người năm đói người ta hay nghĩ đến những con người chỉ nghĩ đến cái chết. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới sự sống, vẫn hi vọng, tin tưởng ở tương lai. Họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người”. Dẫu là thế, Kim Lân cũng chẳng thể né tránh sự thực thảm khốc của nạn đói năm Ất Dậu - thời điểm mà dân ta chịu cảnh gông cùm, xiềng xích của cả thực dân Pháp và phát xít Nhật. Xã hội rơi vào cảnh khốn cùng, con người lao đao thậm chí đến cái chết cũng chẳng còn gì là xa lạ: “người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”. Rồi đến người sống “chỉ còn là những cái bóng dật dờ lặng lẽ như những bóng ma”. Hay nói ngắn gọi như cách của Văn Cao trong bài thơ “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc” thì:
“Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Đi vào ngõ khói công yên
Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền
Hương nha phiến chập chờn mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đường nghe sào sạo
Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực..” 

 

ĐỌC THÊM HƯỚNG DẪN VIẾT CÁC VẤN ĐỀ LIÊN HỆ MỞ RỘNG TRONG TÁC PHẨM "CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA" (NGUYỄN MINH CHÂU)

 

 

2. Nhân vật Thị

*Các em có thể liên hệ:
- Con người bị xóa mờ nhân thân: không có tên, tuổi cụ thể: Liên hệ với nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu.

- Con người rơi vào bi kịch của phận người trong cơn đói: Liên hệ với:
+ Nhân vật bà lão trong tác phẩm “Một bữa no” của Nam Cao: Khốn cùng vì miếng ăn, nó đày đọa con người ta đến mức tha hóa, biến chất. Bà lão ấy chẳng còn biết nhục là gì bởi bà nghĩ “Đã ăn rình thì ăn ít cũng là ăn. Đằng nào cũng mang tiếng rồi thì dại gì mà chịu đói?”
+ Sinh trong tác phẩm “Đói” của Thạch Lam: Cái đói khiến Sinh đánh mất lòng tự trọng, phải nhặt lại thức ăn kiếm từ những đồng tiền bẩn mà chính tay mình đã vứt đi.

*Hướng dẫn viết:
Mượn lời nhân vật Điền trong “Giăng sáng”, Nam Cao viết: “Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than” để rồi trong từng trang viết của ngòi bút gạo cội ấy như vạch trần tất cả nỗi đau đời. Ở đó là một xã hội thối nát, mục ruỗng, là bọn thực dân phong kiến - lũ đỉa khát máu, chúng thay phiên hút máu dân đen để rồi cuộc sống của họ dần kiệt quệ vì thế đói khát luôn là nỗi ám ảnh thường trực. Trong “Một bữa no” ta thấy một bà lão khốn cùng vì miếng ăn, nó đày đọa con người ta đến mức tha hóa, biến chất. Bà lão ấy chẳng còn biết nhục là gì bởi bà nghĩ “Đã ăn rình thì ăn ít cũng là ăn. Đằng nào cũng mang tiếng rồi thì dại gì mà chịu đói?”. Dường như vì lâu quá không được ăn cơm (trước đó hơn ba tháng bà chỉ ăn toàn bánh đúc), nên bà ăn mãi vẫn không thấy no. Nhưng bà lão còn thấy đói. Còn cơm mà thôi ăn thì khí tiết. Vả đã đi ăn trực thì còn danh giá gì mà làm khách. Bà cứ ăn như không biết gì. Đến khi bà đã tạm no, thì cơm vừa hết. Đã thế bà vẫn còn thấy tiếc mấy hạt cơm còn sót lại trong nồi, thế là bà ăn nốt. Đói quá con người ta cũng chết, đằng này no quá cũng chết. Thế là nửa tháng sau bà lão chết, chết vì no, vì thổ, vì tả… Sau này, Kim Lân cũng viết về cái đói nhưng trong cái đói và ngặt nghèo Kim Lân vẫn để cho nhân vật của mình hướng về sự sống, hi vọng và tin tưởng vào tương lai. Dù đứng bên bờ vực của cái chết họ vẫn muốn sống, sống cho ra con người + (Phân tích nhân vật thị). 

 

ĐỌC THÊM GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO TRONG TRUYỆN NGẮN “VỢ NHẶT” - KIM LÂN

 

 

3. Nhân vật bà cụ Tứ

*Là một người mẹ hết mực yêu thương con. Liên hệ với:
+ Người đàn bà hàng chài - “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu: Hi sinh tất cả và chịu mọi tổn thương về thể xác lẫn tinh thần chỉ đề mong con được hạnh phúc.

+ Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên của Nam Cao: Bán cậu Vàng, ăn bả chó để không phạm đến nhà của con.

+ Hình ảnh người mẹ Việt Nam:
“Cả cuộc đời Mẹ một nắng hai sương
Lặng lẽ bước trên đường dù mưa gió
Bởi thương con…Mẹ lần mò vượt khó
Dù gian truân vàng võ chẳng nao lòng”.

*Hướng dẫn viết:
Trên đời này, nào có ai sinh ra không từ một người mẹ. Một từ “mẹ” thôi nhưng ẩn chứa trong đó là cả một đời người, cả một biển tình yêu rộng lớn. Khi con còn nhỏ, con là con thuyền nhỏ xinh trôi trong vùng an toàn có mẹ. Khi lớn rồi, cánh buồm vươn xa ra biển lớn, mẹ vẫn ở đó, tựa cửa chờ con quay về bất cứ khi nào mỏi mệt. Mẹ - dòng chảy tình yêu. Người mẹ trong đời thực hay trong bất cứ câu chuyện nào cũng vậy, cũng đều chở nặng sứ mệnh cao cả ấy. Dù nghèo khó như bà cụ Tứ trong “Vợ nhặt” của Kim Lân hay chịu nhiều tổn thương như người đàn bà hàng chài trong “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, họ đều là những người mẹ yêu thương con hết mực, sẵn sàng hi sinh tất cả để đổi lấy những gì tốt đẹp nhất cho con:
“Cả cuộc đời Mẹ một nắng hai sương
Lặng lẽ bước trên đường dù mưa gió
Bởi thương con…Mẹ lần mò vượt khó
Dù gian truân vàng võ chẳng nao lòng”.
(Phân tích nhân vật bà cụ Tứ).

 

Đồng hành cùng chị trong khóa học 10 ngày "chạy" Văn cùng chị Hiên - PIONEER 10 tại đây để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan