Hướng dẫn viết các vấn đề liên hệ mở rộng trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" (Nguyễn Minh Châu)

Ngày 20/04/2022 17:08:51, lượt xem: 34670

Muốn bài viết NLVH có chiều sâu thì không thể bỏ qua phần liên hệ mở rộng rồi. Nhưng không phải bạn nào cũng biết cách viết phần này thật hay đâu nha. Cùng tham khảo bài viết này để biết cách khai thác các vấn đề liên hệ mở rộng trong "Chiếc thuyền ngoài xa" em nhé!

 

 

1. Xã hội trong “Chiếc thuyền ngoài xa”

Chiến tranh kết thúc, Nam Bắc hai miền thống nhất nhưng vẫn còn ở đó với những dấu vết và nỗi đau mà chiến tranh để lại cùng vô vàn nhọc nhằn của đời sống mới. Cuộc sống bấp bênh; khốn khó; tệ nạn xã hội: rượu chè, bạo hành gia đình; thậm chí còn là sự bất lực của công lí… Chồng chất, ngợp thở, thắt lòng!
=> Nguyễn Minh Châu vượt qua mọi cấm kị để nói thật to cái sai, cái xấu và cả cái ác đang tồn tại trong xã hội mà trước đó ta hằng ao ước.

🌱 Các em có thể liên hệ:
- “Bến không chồng” - Dương Hướng: Chiến tranh là dữ dằn và khốc liệt, là mất mát và hi sinh. Những dấu ấn thương tích mà nó để lại cho con người là kéo dài, gánh nặng của nó không chỉ đè lên vai những người lính ở chiến trường mà còn là người phụ nữ ở hậu phương nơi làng Đông quay quắt, hắt hiu không trọn vẹn.
- “Mảnh đất lắm người nhiều ma” - Nguyễn Khắc Trường: Khi con người trở về với đời sống hòa bình không còn tiếng súng, tiếng bom thì ở đó sự nhếch nhác và cái xấu của những lề thói được nuôi dưỡng hàng ngàn đời nay sau luỹ tre làng.

🌱 Hướng dẫn viết:
Khi tiếng nói sử thi lắng xuống, thì tiếng nói thế sự vang lên. Nó không vang lên giữa cánh đồng bát ngát của hợp tác xã như trong tiểu thuyết của Đào Vũ, giữa đồi rừng mênh mông của nông trường trong tập “Mùa lạc” của Nguyễn Khải mà tiếng nói của văn học thế sự trở về với hiện thực trong muôn vàn những sinh hoạt đời thường đang bày ra trước mắt. Nó vùng vẫy, quẫy đạp, vượt qua mọi cấm kị để nói thật to cái sai, cái xấu và cả cái ác đang tồn tại trong xã hội mà trước đó ta hằng ao ước. Nguyễn Minh Châu mạnh dạn lên tiếng đầu tiên khi phơi bày một xã hội với đầy những ngang trái, nghịch lí qua “Chiếc thuyền ngoài xa”. Cuộc sống bấp bênh; khốn khó; tệ nạn xã hội: rượu chè, bạo hành gia đình; thậm chí còn là sự bất lực của công lí… Chồng chất, ngợp thở, thắt lòng! Tiếp nối ngòi bút mở đường tinh anh ấy, Dương Hướng trong “Bến không chồng” thẳng thắn nhìn nhận những vết thương mà chiến tranh để lại vẫn ngày đêm rỉ máu bởi chiến tranh là dữ dằn và khốc liệt, là mất mát và hi sinh. Những dấu ấn thương tích mà nó để lại cho con người là kéo dài, gánh nặng của nó không chỉ đè lên vai những người lính ở chiến trường mà còn là người phụ nữ ở hậu phương nơi làng Đông quay quắt, hắt hiu không trọn vẹn.

 

ĐỌC THÊM LÀM SAO ĐỂ LIÊN HỆ MỞ RỘNG TRONG NGHỊ LUẬN VĂN HỌC ?

 

 

2. Người đàn bà hàng chài


Các em có thể liên hệ khi phân tích từng khía cạnh của người đàn bà hàng chài:
- Con người bị xóa mờ nhân thân: không có tên, tuổi cụ thể: Liên hệ nhân vật ông lái đò trong “Người lái đò sông Đà” của Nguyễn Tuân.
=> Con người lao động thầm lặng, vô danh đi vào văn học.
- Là một người mẹ hết mực yêu thương con: Liên hệ bà cụ Tứ - “Vợ nhặt”; người mẹ trong dòng chảy ca dao, dân ca: “Miệng ru mắt nhỏ hai hàng/ Nuôi con khôn lớn mẹ càng thêm lo”.
- Con người của những bi kịch đời thường và mất mát đau thương thời hậu chiến: Liên hệ nhân vật Quỳ - “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành”.

🌱 Hướng dẫn viết:
Chiến tranh kết thúc, bom đạn thôi gầm thét trên bầu trời Việt Nam. Nhưng không có nghĩa là những bi kịch và mất mát đau thương dừng lại. Vẫn còn khắp nơi trên đất nước này một nỗi đau mà thời gian không thể nào xóa được – nỗi đau về sự khốc liệt của chiến tranh. Đất nước sau chiến tranh bị tàn phá nặng nề, khó khăn chồng chất khó khăn và gánh nặng đất nước lại một lần nữa đặt lên vai những người có trách nhiệm. Nguyễn Minh Châu đã chiêm nghiệm sâu sắc rằng “chiến tranh không chỉ có chiến công, không chỉ có anh hùng và quả cảm mà còn một phần chìm khuất bao nỗi đa đoan của con người, của cuộc đời, biết bao sự hi sinh mất mát, dang dở chia lìa... vẫn phải dằn lòng lại”. Chính vì thế sau năm 1975 những sáng tác của ông mang đến cái mới trong cách nhìn đời, nhìn người và đặc biệt là những số phận con người mới với những bi kịch và mất mát thời hậu chiến. Nếu Quỳ trong trong “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” đau đớn trong bi kịch khi những điều mình mong muốn trái ngược với thực tế thì người đàn bà hàng chài lại chật vật trước những khốn khó của cuộc sống. (Đi sâu phân tích số phận người đàn bà hàng chài).

 

ĐỌC THÊM TỔNG HỢP NHẬN ĐỊNH, LIÊN HỆ MỞ RỘNG MỘT SỐ TÁC PHẨM

 

 

3. Người đàn ông - chịu sự chi phối của hoàn cảnh đời sống

🌱 Các em có thể liên hệ:
- Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao: Nhà tù thực dân đã khiến một gã trai cày hiền lành ngày nào thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, hắn uống rượu, đòi nợ thuê thậm chí đương tay phá nát biết bao hạnh phúc.
- Nhân vật Hộ trong tác phẩm “Đời thừa”: Bi kịch tinh thần cũng như hoài bão cách tân nghệ thuật của Hộ là điển hình cho tầng lớp trí thức nghèo thời bấy giờ - tầng lớp luôn muốn bứt phá nhưng vẫn bị đè nén dưới tư tưởng phong kiến và không đủ bản lĩnh để vượt qua những sa ngã cuộc đời.

🌱 Hướng dẫn viết:
Balzac đã từng nói: “Nhà văn phải là thư kí trung thành của thời đại” và Nguyễn Minh Châu của ta cũng xếp vào hàng ấy. Phải thế mà bao nhiêu khó khăn, nhọc nhằn của thời đại mới ta thấy cả. Nhưng quan trọng hơn, là trong đôi mắt tinh anh và trái tim biết yêu thương, nâng niu những người cùng đường, tuyệt lộ, Nguyễn Minh Châu nhìn ra sự thay đổi của con người trước tác động của hoàn cảnh. Cuộc sống mưu sinh vất vả miền biển đã biến một gã trai hiền lành, ít nói trở nên cộc tính, vũ phu. Với người đàn ông ấy, việc đánh vợ như một “phương thuốc” giải tỏa đi những áp lực mà miếng cơm manh áo đang ghì xuống. Nhiều năm trước, Nam Cao cũng từng viết về sự thay đổi ấy ở một anh canh điền tên Chí. Nhà tù thực dân đã khiến một gã trai cày hiền lành ngày nào thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại, hắn uống rượu, đòi nợ thuê thậm chí đương tay phá nát biết bao hạnh phúc.

 

Đồng hành cùng chị trong khóa học 10 ngày "chạy" Văn cùng chị Hiên - PIONEER 10 tại đây để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan