Dàn ý phân tích 4 trích đoạn trọng tâm trong "Chiếc thuyền ngoài xa" hay nhất (Phần 1)

Ngày 18/05/2022 09:56:25, lượt xem: 7891

Các em vẫn thường thắc mắc học "Chiếc thuyền ngoài xa" thì đoạn nào là trọng tâm. Cùng chị tìm hiểu 4 dàn ý cực chi tiết này nhé!

 

 

Phân tích đoạn trích số 1:


Đề: Phân tích hình ảnh người đàn bà hàng chài trong đoạn trích sau:
“Người đàn bà bỗng chép miệng, con mắt như đang nhìn suốt cả đời mình:
- Giá tôi đẻ ít đi hoặc chúng tôi sắm được một chiếc thuyền rộng hơn, từ ngày cách mạng về đã đỡ đói khổ chứ trước kia vào các vụ bắc, ông trời làm động biển suốt hàng tháng, cả nhà vợ chồng con cái toàn ăn cây xương rồng luộc chấm muối... cũng nghèo khổ, túng quẫn đi vì trốn lính - bỗng mụ đỏ mặt - nhưng cái lỗi chính là đám đàn bà ở thuyền đẻ nhiều quá, mà thuyền lại chật.
- Vậy sao không lên bờ mà ở - Đẩu hỏi.
- Làm nhà trên đất ở một chỗ đâu có thể làm được cái nghề thuyền lưới vó? Từ ngày cách mạng về, cách mạng đã cấp đất cho nhưng chẳng ai ở, vì không bỏ nghề được!
- Ở trên thuyền có bao giờ lão ta đánh chị không? - Tôi hỏi.
- Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu... Giá mà lão uống rượu... thì tôi còn đỡ khổ... Sau này con cái lớn lên, tôi mới xin được với lão... đưa tôi lên bờ mà đánh...
- Không thể nào hiểu được, không thể nào hiểu được! - Đẩu và tôi cùng một lúc thốt lên.
- Là bởi vì các chú không phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết như thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một chiếc thuyền không có đàn ông...
- Phải, phải, bây giờ tôi đã hiểu, - bất ngờ Đẩu trút một tiếng thở dài đầy chua chát, - trên thuyền phải có một người đàn ông... dù hắn man rợ, tàn bạo?
- Phải - Người đàn bà đáp - Cũng có khi biển động sóng gió chứ chú?
Lát lâu sau mụ lại mới nói tiếp:
- Mong các chú cách mạng thông cảm cho, đám đàn bà hàng chài ở thuyền chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con, nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được! Mong các chú lượng tình cho cái sự lạc hậu. Các chú đừng bắt tôi bỏ nó! - Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt bừng sáng lên như một nụ cười - vả lại, ở trên chiếc thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.
- Cả đời chị có một lúc nào thật vui không? Đột nhiên tôi hỏi.
- Có chứ, chú! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…”
Dàn ý:
1. Mở bài:
Dẫn dắt + giới thiệu vấn đề cần nghị luận + nêu phạm vi phân tích (trích lược đoạn văn bản cần phân tích).
Phần dắt dắt chúng mình có thể đi từ đề tài như hình ảnh người phụ nữ trong văn học, chất hiện thực trong văn học, con người trong văn học,...
Các bạn tham khảo một số mở bài ở đây nha:
https://hocvanchihien.com/.../Bo-ba-mo-bai-an-diem-danh...
2. Thân bài:
Luận điểm 1: Thông tin tác giả, tác phẩm.
Phần này chúng mình nên kết hợp giữa hiểu biết văn học về tác giả, tác phẩm và các nhận định để bài hấp dẫn hơn. Các bạn tham khảo những thông tin trong các link sau nha:
Thông tin về tác giả, tác phẩm:
https://hocvanchihien.com/.../4-VAN-DE-TRONG-TAM-TRONG...
Nhận định mở rộng:
https://hocvanchihien.com/.../NHAN-DINH-VE-TAC-GIA,-TAC...
Luận điểm 2: Phân tích hình tượng ảnh người đàn bà hàng chài trong đoạn trích.
* Ý 1: Khái quát lai lịch, ngoại hình, số phận nhân vật: Xấu xí, nhà có điều kiện nhưng không ai lấy, có mang với anh hàng chìa, lấy chồng và cuộc sống khó khăn.
* Ý 2: Phân tích người đàn bà trong đoạn trích:

- Lý giải lý do chồng đánh mình: do gia cảnh khó khăn, cuộc sống nhiều áp lực.
- Biện hộ cho chồng là người hiền lành, khẳng định lỗi là ở phần mình, nhận hết mọi gánh nặng và trách nhiệm.
=> Người đàn bà ít học nhưng hiểu thấu lẽ đời, giàu lòng vị tha, cao thượng và tình yêu thương.
- Tình mẫu tử thể hiện sâu sắc:
Lo cho sự phát triển nhân cách của các con: nói với chồng cho lên bờ chịu đánh.
Cần người đàn ông chèo chống con thuyền để nuôi các con.
Hạnh phúc nhất là khi các con được ăn no.
=> Tình mẫu tử thể hiện sâu sắc.
Luận điểm 3: Tổng kết nội dung và nghệ thuật.
- Biện pháp đối lập giữa hoàn cảnh và tính cách, giữa ngoại hình và tâm hồn và cả những vẻ đẹp được chắt chiu từ những hạnh phúc nhỏ bé giữa đời thường, giọng điệu thay đổi linh hoạt, chi tiết đối lập, sắc thái tư duy, chiêm nghiệm, tính triết nổi bật với câu văn miêu tả giàu trữ tình, nhịp chậm, ngữ điệu trầm, những so sánh mở ra liên tưởng, những lo âu, day dứt, lời văn giản dị, mộc mạc, nhiều dư vị.
- Đi sâu vào thế giới nội tâm phức tạp, đầy mâu thuẫn của con người; người đàn bà hàng chài là hiện thân của tình yêu thương, đức hi sinh, sự nhẫn nhục của người phụ nữ. Người đàn bà hàng chài thấp thoáng bóng dáng của người phụ nữ Việt Nam nhân hậu, bao dung, giàu lòng vị tha và đức hi sinh.
3. Kết bài: Khẳng định vấn đề, cảm nhận cá nhân hoặc mở rộng.

 

ĐỌC THÊM Chứng minh trích dẫn nhận định qua "Chiếc thuyền ngoài xa" (Nguyễn Minh Châu)

 

 

Phân tích đoạn trích số 2:


Đề: Phân tích phát hiện thứ nhất của Phùng trong đoạn trích sau:
“Lúc bấy giờ trời đầy mù từ ngoài biển bay vào. Lại lác đác mấy hạt mưa. Tôi rúc vào bên bánh xích của một chiếc xe tăng để tránh mưa, đang lúi húi thay phim, lúc ngẩng lên thấy một chuyện hơi lạ: một chiếc thuyền lưới vô mà tôi đoán là trong nhóm đánh cá ban này đang chèo thẳng vào trước mặt tôi.
Có lẽ suốt một đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi được thấy một cảnh "đất" trời cho như vậy: trước mặt tôi là một bức tranh mực tàu của một danh hoạ thời cổ. Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cảnh một con dơi, toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích khiến đứng trước nó tôi trở nên bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào. Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức ? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn.
Chẳng phải lựa chọn xê dịch gì nữa, tôi gác máy lên bánh xích của chiếc xe tăng hỏng bấm “liên thanh” một hồi hết một phần tư cuốn phim, thu vào chiếc Pra-ti-ca’ cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại.”
Tôi chắc mẩm ngay trong ngày hôm nay hoặc sáng mai đã có thể nhảy lên tàu hoả trở về, nếu cái anh bạn đồng ngũ không cố níu giữ ở chơi thêm vài bữa.
1. Mở bài: Dẫn dắt + giới thiệu vấn đề cần nghị luận + nêu phạm vi phân tích (trích lược đoạn văn bản cần phân tích). (Tương tự đề trên)
2. Thân bài:
Luận điểm 1: Thông tin tác giả, tác phẩm. (Tương tự đề trên).
Luận điểm 2: Phân tích phát hiện thứ nhất của Phùng trong đoạn trích.
*Ý 1: Khái quát nhân vật Phùng: Là lính chiến thời bình, làm nghề nhiếp ảnh, đang đi săn ảnh cho bộ lịch năm sau.
*Ý 2: Phân tích chi tiết phát hiện thứ nhất của Phùng:
- Hoàn cảnh: “Lúc bấy giờ trời đầy mù từ ngoài biển bay vào. Lại lác đác mấy hạt mưa”.
- Nghệ sĩ Phùng đang tránh mưa và lúi híu thay phim.
- Dấu hiệu đầu tiên của cảnh đắt trời cho: “Ngẩng lên thấy một chuyện hơi lạ: một chiếc thuyền lưới vô mà tôi đoán là trong nhóm đánh cá ban này đang chèo thẳng vào trước mặt tôi”.
- Miêu tả cảnh “đắt” trời cho:
+ “Một bức tranh mực tàu của một danh họa thời cổ”.
+ “Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu sương mù trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng hồng do ánh mặt trời chiếu vào”.
+ “Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ”.
- Vị trí thưởng thức khung cảnh: “Tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cảnh một con dơi”.
=> “Toàn bộ khung cảnh từ đường nét đến ánh sáng đều hài hòa và đẹp, một vẻ đẹp thực đơn giản và toàn bích”.
- Cảm xúc của Phùng: “bối rối, trong trái tim như có cái gì bóp thắt vào”.
- Nhận thức của Phùng trước cảnh đẹp: “Chẳng biết ai đó lần đầu đã phát hiện ra bản thân cái đẹp chính là đạo đức ? Trong giây phút bối rối, tôi tưởng chính mình vừa khám phá thấy cái chân lý của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”.
- Hành động của Phùng: “Chẳng phải lựa chọn xê dịch gì nữa, tôi gác máy lên bánh xích của chiếc xe tăng hỏng bấm “liên thanh” một hồi hết một phần tư cuốn phim, thu vào chiếc Pra-ti-ca’ cái khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn mình, do cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại.”
- Dự định của Phùng: “Tôi chắc mẩm ngay trong ngày hôm nay hoặc sáng mai đã có thể nhảy lên tàu hoả trở về, nếu cái anh bạn đồng ngũ không cố níu giữ ở chơi thêm vài bữa”. => sự hài lòng, chắc chắn, tự tin vào tác phẩm mình vừa chụp được.
*Ý 3: Ý nghĩa của phát hiện thứ nhất: các đẹp nghệ thuật có giá trị tác động đến nhận thức của con người.
Luận điểm 3: Tổng kết nội dung và nghệ thuật.
- Nội dung: Đó là phút giây hạnh phúc tột đỉnh bởi người nghệ sĩ đã cảm nhận được cái chân thiện mỹ của cuộc đời.
- Nghệ thuật: Giọng điệu thay đổi linh hoạt, chi tiết đối lập, sắc thái tư duy, chiêm nghiệm, tính triết nổi bật với câu văn miêu tả giàu trữ tình, nhịp chậm, ngữ điệu trầm, những so sánh mở ra liên tưởng, những lo âu, day dứt, lời văn giản dị, mộc mạc, nhiều dư vị.
3. Kết bài: Khẳng định vấn đề, cảm nhận cá nhân hoặc mở rộng.

 

Đồng hành cùng chị trong khóa học 10 ngày "chạy" Văn cùng chị Hiên - PIONEER 10 tại đây để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan