Chứng minh trích dẫn nhận định qua "Chiếc thuyền ngoài xa" (Nguyễn Minh Châu)

Ngày 09/05/2022 16:52:30, lượt xem: 5435

Đề bài: Có ý kiến cho rằng: “Văn chương giúp người ta nhìn sâu hơn vào đời, sống sâu hơn với đời”. Làm rõ qua tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”.

 


Bài làm:
Ngược dòng thời gian quay trở về những năm 30 của thế kỉ trước, ở đất ta đã diễn ra một cuộc tranh luận về nghệ thuật. Tôi còn nhớ Vũ Trọng Phụng đã từng thẳng thắn bày tỏ quan điểm thế này: “Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và những người cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời” hay như Nam Cao mượn lời nhân vật Điền trong “Giăng sáng” để mà giãi bày tâm tư: “Chao ôi! Nghệ thuật không là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối! Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp người lầm than”. Cuộc tranh luận ấy chưa hẳn đã ngã ngũ, nhưng với riêng tôi dù văn chương có vị nghệ thuật hay vị nhân sinh thì “Văn chương đều giúp người ta nhìn sâu hơn vào đời, sống sâu hơn với đời”.Quả thực, sứ mệnh của người cầm bút không phải chỉ là viết mà hơn cả qua mỗi trang viết người nghệ sĩ còn cần ôm vào lòng mình cuộc sống, con người. Và có lẽ, với “Chiếc thuyền ngoài xa”, Nguyễn Minh Châu đã tô đậm lên cái “chân giá trị” ấy.
Nguyễn Minh Châu - một trong số “những nhà văn mở đường tài hoa và tinh anh nhất”, người nghệ sĩ ấy luôn trăn trở về sứ mệnh của một nhà văn, mang trong mình một khát khao tìm kiếm “những hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn con người”, để nâng đỡ và yêu thương con người nhiều hơn. Tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” được sáng tác năm 1983, khi đất nước ta bắt đầu bước vào thời kì độc lập, và chúng ta sẽ sống một đời đáng mơ ước. Thế nhưng, vẫn còn ở đó với những dấu vết và nỗi đau mà chiến tranh để lại cùng vô vàn nhọc nhằn của đời sống mới. Chồng chất, ngợp thở, thắt lòng! Cuộc sống bấp bênh; khốn khó; tệ nạn xã hội: rượu chè, bạo hành gia đình; thậm chí còn là sự bất lực của công lí… Đúng thật “văn chương đã giúp người ta nhìn sâu hơn vào đời”, dám nhìn vào cả những góc khuất nơi hầm tối để rồi “sống sâu hơn với đời” là thế!
Nguyễn Minh Châu đã nhìn sâu vào hiện thực, xuyên qua màn sương mờ ảo, đẹp đẽ, mộng và thơ để nhìn ra cái thực, không ảo, không thơ, “phát giác sự vật ở cái bề chưa thấy, ở cái bề sau ở cái bề sâu ở cái bề xa” (Chế Lan Viên). Một cuộc đời “trần trụi” với đầy những phức tạp, đa diện, về cuộc đời đa đoan, đa sự. Ở đó, con người đang sống với tất cả những cái có lí và phi lí, những tất yếu và ngẫu nhiên. Cuộc sống trên mặt đất và cuộc sống trên sông nước; bình yên và bão tố; nơi có cơm ăn áo mặc và nơi chỉ có xương rồng chấm muối; nơi có công lí, pháp luật điều hành và nơi chỉ có luật lệ của tự nhiên, của sông nước; một nghệ sĩ săn được một cảnh biển và thuyền đẹp toàn bích thì chính từ đó lại hiện ra một cảnh tượng vô cũng xấu xí, đằng sau cái đẹp mơ mộng thi vị là những nhọc nhằn, đau thương của kiếp người; người đàn bà xấu xí lại là một người mẹ hết mực yêu thương con, …. Và rồi cái nghịch lí lớn nhất là: chúng ta có độc lập tự do nhưng chưa có đủ hạnh phúc cho con người.

 

ĐỌC THÊM Hướng dẫn viết các vấn đề liên hệ mở rộng trong tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" (Nguyễn Minh Châu)


Cái chưa đủ hạnh phúc của con người dường như đã được Nguyễn Minh Châu gói gọn đủ đầy trong thân phận của người đàn bà hàng chài. Tôi ám ảnh vô cùng khi chứng kiến người đàn bà ấy bước từ bức ảnh tuyệt bích của Phùng với một thân hình quen thuộc, cao lớn với những đường nét thô kệch của con người vùng biển. Trên khuôn mặt rỗ lộ rõ sự mệt mỏi sau một đêm thức trắng kéo lưới, tái ngắt và dường như đang buồn ngủ. Tôi rùng rợn và đau đớn khi chứng kiến con người tội nghiệp ấy bị một con người tội nghiệp khác đánh đập, chửi rủa nhưng lại vô cùng cam chịu đầy nhẫn nhục thậm chí còn như một sự tự nguyện. Thú thật, tôi cũng như Phùng và Đẩu khi nghĩ rằng: “người đàn bà ấy tội gì mà khổ thế! Sao không bỏ gã đàn ông vũ phu kia đi mà sống”. Và tôi cũng chẳng thể nào lí giải nổi khi người đàn bà ấy lại van xin Đẩu và Phùng đừng bắt chị bỏ chồng. Tôi gắng sức nén cơn giận trước lời van xin tưởng chừng như vô lí ấy để nghe tiếp câu chuyện phía sau. Người đàn bà xấu xí, thất học lúc trước đang dùng hiểu biết và từng trải của cả đời lam lũ để giải thích cho tôi - những kẻ đang nhìn cuộc đời và con người bằng con mắt duy lí. Để rồi cuối cùng tôi vỡ lẽ: “Lòng các chú tốt, nhưng các chú đâu có phải là người làm ăn... cho nên các chú đâu hiểu được cái việc của các người làm ăn lam lũ, khó nhọc… Là bởi các chú ko phải là đàn bà, chưa bao giờ các chú biết thế nào là nỗi vất vả của người đàn bà trên một cái thuyền không có đàn ông... cũng có khi biển động sóng gió chứ... đám đàn bà hàng chài chúng tôi cần phải có người đàn ông để chèo chống khi phong ba, để cùng làm ăn nuôi nấng đặng một sắp con nhà nào cũng trên dưới chục đứa. Ông trời sinh ra đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được”. Cuối cùng cái chưa đủ hạnh phúc ở con người phải chăng là sự chật vật vì miếng cơm manh áo, chừng nào vấn đề về cái đói và miếng ăn còn là mối lo lắng hàng đầu; chừng ấy, cái đẹp sẽ chẳng còn nghĩa lí gì! Nhưng cũng chính hiện thực ấy mới giúp Phùng vỡ lẽ ra được hiện thực cuộc sống không phải chỉ luôn toàn màu hồng, cảnh sắc thiên nhiên đẹp thật đấy nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống hạnh phúc để tận hưởng trọn vẹn khung cảnh ấy. Nguyễn Minh Châu đã từng nói: “Nhà văn tồn tại ở trên đời để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực”. Đất nước đã bước vào hòa bình, nhưng sự thật là con người chưa được ấm no. Ở đây, Nguyễn Minh Châu đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình, cất tiếng “bênh vực cho những người không có ai để bênh vực”. Nghệ thuật vốn bắt đầu từ cuộc đời nhưng cuộc đời không phải lúc nào cũng đẹp như nghệ thuật. Cuộc sống có rất nhiều những ngang trái, nghịch lí, người nghệ sĩ muốn thực sự khám phá cái vẻ đẹp toàn bích ấy thì cần “nhìn sâu hơn vào đời, sống sâu hơn với đời” hay nói theo cách khác thì người nghệ sĩ cần có cái nhìn đa chiều, đừng chỉ nhìn cuộc sống dưới góc nhìn của một khung hình chữ nhật, hãy biết sống thực với nó, hãy hiểu chứ đừng chỉ biết.
Tôi tự hỏi, nếu gia đình làng chài đó vẫn chật vật mãi những ngày biển động, rồi người đàn ông kia vẫn đánh vợ mình mỗi khi miếng cơm manh áo ghì sát đất thì bao giờ những số phận bi kịch ấy mới tìm được lối thoát? Liệu rồi đây, thằng Phác có trở thành một người đàn ông như bố nó, chị nó có trở thành một người phụ nữ như mẹ nó, nhà nhiếp ảnh có phải quăng đi máy ảnh? Biết bao vấn đề của đời sống xã hội được đặt ra, và chúng ta - những con người đang sống trong xã hội ấy phải làm gì đi chứ?
Nguyễn Đình Thi có lần nói: “Thế nào là một xã hội nhân đạo? Một xã hội nhân đạo là một xã hội làm cho con người ta không còn đói nữa, bởi khi đói, con người nó sẽ nhe răng ra cả với nhau”. Và đây không còn là câu chuyện của riêng của gia đình người đàn bà hàng chài năm ấy mà còn là câu chuyện của hôm nay và ngày mai, cũng không phải chỉ trên dải đất này. Nguyễn Minh Châu từng bộc bạch: khi bước ra khỏi một cuộc chiến tranh, con người ta cũng phải có đầy đủ nghị lực và bản lĩnh như khi bước vào một cuộc chiến tranh. Cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù để giành lại độc lập tự do đã kết thúc, nhưng cuộc chiến với đói nghèo, bạo lực và tăm tối thì vẫn đang tiếp tục với rất nhiều gian khó.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo âu khắc khoải, mối quan hoài sâu sắc của Nguyễn Minh Châu về thân phận con người, chúng ta vẫn thấy niềm tin và tình yêu - cái lẽ khiến ta có thể tiếp tục sống sâu hơn với đời. Nguyễn Minh Châu là thế, bao giờ, khi nào cũng chan chứa yêu thương. Suốt đời, ông luôn kiên trì trên hành trình đi tìm “cái hạt ngọc ẩn giấu trong tâm hồn con người”. Nếu trước năm 75, ông đi tìm cái đẹp ấy trong chiến tranh, ông say mê biểu dương những vẻ đẹp lí tưởng, hoàn hảo thì sau năm 75, ông đi tìm và phát hiện những hạt ngọc lẫn trong đất bụi đời thường - cái đẹp nhiều người dễ dàng bỏ qua hoặc khó lòng thấy được. Nguyễn Minh Châu lo lắng, đau đớn trước sự mai một của tính người trong cuộc đấu tranh thiện ác đằng đẵng, nhưng ông cũng luôn tin vào sự tồn tại mãnh liệt của nó. Nhân vật người đàn bà hàng chài lại một lần nữa được nhắc đến như hạt ngọc mà nhà văn đang kiếm tìm. Một người đàn bà sâu sắc và trải đời. Lí lẽ của người đàn bà ấy là lí lẽ của đời sống, lí lẽ của trái tim. Bà ta hiểu rằng mình không thể đơn độc mà sống, nhất là khi bà ta lại có cả một đàn con. Bà ta không những không lên án, không oán hận người chồng vũ phu mà còn hàm ơn lão ta, bênh vực, cảm thông cho lão, thấu hiểu cái gốc thiện và căn nguyên của sự tha hóa của lão với tất cả sự bao dung, vị tha. Sự quảng đại của người đàn bà thô kệch, thất học thật đáng cho chúng ta phải suy ngẫm. Trước đó nhiều năm, trong một truyện ngắn của mình, Nam Cao đã viết: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất” (Lão Hạc). Ở đây, người đàn bà hàng chài đã vượt lên trên cái lẽ thông thường đó. Bà ta còn chấp nhận chịu đòn như là một cách để chia sẻ nỗi khổ cực, uất ức, dồn nén của chồng. Lớn hơn tất cả là tình thương yêu đối với những đứa con. Vì con mà bà ta có thể chịu đựng, hi sinh tất cả. Chỉ khi nhắc đến con, khuôn mặt xấu xí của mụ mới “ửng sáng lên như một nụ cười”.
Xét đến tận cùng thì cuộc sống vẫn còn đó biết bao nhọc nhằn, lo toan nhưng trong chính sự vất vả ấy lại chẳng thể thiếu đi tình yêu, niềm tin và hạnh phúc. Nguyễn Minh Châu thực sự đã phản ánh tất thảy cái sự thực ở đời ấy vào “Chiếc thuyền ngoài xa” để rồi giúp chúng ta “nhìn sâu hơn vào đời, sống sâu hơn với đời”.
Sứ mệnh của nhà văn được Nguyễn Minh Châu hoàn thiện một cách thật trọn vẹn. Một hiện thực cuộc sống đen tối sau thời bình của nhân dân ta hiện lên rõ hơn bao giờ hết, một góc nhìn mới mẻ, một bài học mới về nghệ thuật cho những người nghệ sĩ, tất cả bắt đầu từ cuộc đời, từ con người, phục vụ con người, hướng đến con người và vì con người. Nói như Tố Hữu thì “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học”. Chính những điều đó đã kết tinh lại thành một nguồn sức mạnh kì diệu, một sức sống mãnh liệt cho tác phẩm trong dòng chảy khắc nghiệt của thời gian, đúng như lời nhận định: “Văn học nằm ngoài mọi sự băng hoại, mình nó không chấp nhận quy luật của cái chết”.

 

Đồng hành cùng chị trong khóa học 10 ngày "chạy" Văn cùng chị Hiên - PIONEER 10 tại đây để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia!

 

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan