Đăng Ký Học
Ngày 19/01/2021 08:10:53, lượt xem: 3876
Có rất nhiều bạn học sinh trở nên sợ học Văn vì có quá nhiều các tác phẩm văn học với tác giả, thể loại khác nhau. Ngữ pháp thì đa dạng và phong phú. Để khắc phục được tình trạng sợ Văn đó, hôm nay Học văn chị Hiên sẽ chia sẻ tới các thông tin về tác giả, tác phẩm của bài thơ “Viếng lăng Bác” nhé!
- Viễn Phương ( 1928 - 2005) tên thật là Phan Thanh Viễn
- Quê quán tại An Giang
- Sự nghiệp sáng tác
+ Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông hoạt động ở chiến trường Nam Bộ, ông là một cây bút có mặt sớm nhất của lực lượng văn nghệ giải phóng ở miền Nam thời chống Mĩ cứu nước.
+ Năm 1952, trường ca “Chiến thắng Hòa Bình” của Viễn Phương được giải nhì khi Nam Bộ tổ chức giải thưởng tổng kết văn học nghệ thuật.
+ Khi Chi hội văn nghệ Nam Bộ được tổ chức ông được bầu làm Ban chấp hành.
+ Tác phẩm tiêu biểu: “Anh hùng mìn gạt”, “Như mây mùa xuân”, “Lòng mẹ”,…
- Phong cách sáng tác
Thơ của Viễn Phương luôn giàu cảm xúc nhưng không bi lụy, thơ ông nền nã, thì thầm, bâng khuâng.
a. Hoàn cảnh sáng tác
- Tháng 4 năm 1976, khi cuộc kháng chiến chống Mĩ kết thúc thắng lợi, lăng Hồ Chú Tịch cũng vừa khánh thành, Viễn Phương vinh dự đại diện cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc, vào lăng viếng Bác Hồ. Bài thơ Viếng lăng Bác được ra đời trong không khí xúc động đó và được in trong tập như mây mùa xuân (1978).
Đây là một trong những bài thơ cảm động và xuất sắc nhất viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh.
b. Mạch cảm xúc và bố cục
Mạch cảm xúc của bài thơ: Mạch vận động cảm xúc đi theo trình tự cuộc vào lăng viếng Bác. Mở đầu là cảm xúc về cảnh bên ngoài lăng, tập trung ở ấn tượng đậm nét về hàng tre bên lăng gợi hình ảnh quê hương đất nước. Tiếp đó là cảm xúc trước hình ảnh dòng người như bất tận ngày ngày vào lăng viếng Bác. Xúc cảm và suy ngẫm về Bác được gợi lên từ những hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng: mặt trời, vầng trăng, trời xanh. Cuối cùng là niềm mong ước thiết tha khi sắp phải trở về quê hương miền Nam, muốn tấm lòng mình vẫn được mãi mãi ở lại bên lăng Bác
Bố cục gồm 4 phần:
- Khổ 1: Cảm xúc của tác giả trước không gian, cảnh vật bên ngoài lăng
- Khổ 2: Cảm xúc trước đoàn người vào lăng viếng Bác
- Khổ 3: Cảm xúc khi vào lăng, nhìn thấu di hài Bác
- Khổ 4: Những tình cảm, cảm xúc trước lúc ra về của tác giả
c. Giá trị nội dung bài thơ
- Bài thơ thể hiện lòng thành kính thiêng liêng và niêm xúc động sáu sắc của nhà thơ và của mọi người dân Việt Nam dành cho Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.
MỞ BÀI "VIẾNG LĂNG BÁC" - VIỄN PHƯƠNG SIÊU CHẤT|| NGỮ VĂN LỚP 9
d. Giá trị nghệ thuật
- Giọng thơ trầm lắng, trang nghiêm, thành kính phù hợp với không khí của cuộc viếng lăng.
- Giọng thơ trầm lắng, trang nghiêm, thành kính phù hợp với không khí của cuộc viếng Lăng.
- Nhịp thơ chậm rãi phù hợp với nhịp bước chân của đoàn người vào viếng Bác, diễn tả sự trang nghiêm, thành kính và những cảm xúc sâu lắng.
- Hình ảnh thơ có nhiều sáng tạo, kết hợp hình ảnh thực và ẩn dụ, biểu tượng ( mặt trời, vầng trăng, trời xanh …) vừa quen thuộc gần gũi, vừa có ý nghĩa khái quát và giá trị biểu cảm cao.
Viễn Phương là một người con miền Nam, tham gia hoạt động và chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ xa xôi. Cũng như nhiều đồng bào và chiến sĩ miền Nam, nhà thơ mong mỏi một ngày ra thăm Bác. Bởi vậy, khi đứng trước lăng Người, nhà thơ không giấu nổi niềm xúc động: cảm xúc bồi hồi pha lẫn với nỗi xúc động sâu xa:
“Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”
- Với lời lẽ giản dị, câu thơ như một lời thông báo ngắn gọn: Nhà thơ ở miền Nam, nơi tuyến đầu của tổ quốc, sau bao nhiêu năm mong mỏi nay cũng được về thăm người.
- Sử dụng đại từ nhân xưng “Con – Bác” :
+ Đó là lối nói, lối xưng hô quen thuộc của người miền Nam để gợi sự gần gũi, thân thiết.
+ Thể hiện được lòng tôn kính và tình cảm yêu thương ruột thịt.
+ Gợi một liên tưởng, đó là Viễn Phương như một đứa con xa nay mới được trở về bên người cha già của dân tộc.
- Biện pháp tu từ nói giảm, nói tránh khi sử dụng từ “thăm” thay vì dùng từ “viếng”:
+ Để giảm bớt nỗi đau thương, mất mát của những đứa con xa về muộn
+ Đồng thời, bất tử hóa hình tượng Bác trong lòng những người con miền Nam và đối với cả dân tộc
=> Câu thơ giản dị như một lời kể, song nó lại gói gém bao tình cảm của người con miền Nam sau bao mong nhớ, đợi chờ mới được về thăm lăng Người.
Đứng trước lăng vị cha già kính yêu của dân tọc, ấn tượng đầu tiên trong lòng nhà thơ chính là hàng tre xanh mát:
“Đã thấy trong sương hàng tre hát ngát
Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam
Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng”
- Từ cảm thán “Ôi!” biểu thị niềm xúc động, tự hào trước hình ảnh hàng tre quanh lăng Bác.
- Hình ảnh “hàng tre bát ngát” là một hình ảnh tả thực về quang cảnh quanh lăng Bác; đồng thời gợi sự gần gũi, thân thương của những xóm làng Việt Nam.
- Hình ảnh “hàng tre xanh xanh Việt Nam” là hình ảnh ẩn dụ mang ý nghĩa tượng trưng:
+ Hàng tre ấy tượng trưng cho những con người, dân tộc Việt Nam với sức sống tràn trề.
+ Gợi tả một quân đội với tinh thần kiên cường, bất khuất, trong “bão táp mưa sa” vẫn đứng bên canh giữ giấc ngủ ngàn thu của Người.
+ Thành ngữ “bão táp mưa sa” gợi về những khó khăn,gan khổ mà nhân dân ta đã cùng nhau “chung lưng, đấu cật” để dựng nước và giữ nước.
+ Lối miêu tả “đứng thẳng hàng” gợi những hàng tre mang dáng dấp cứng cỏi, kiên cường, hiên ngang, bất khuất như tính cách của người dân Việt Nam.
=> Khổ thơ là niềm xúc động sâu sắc, niềm thành kính của Viễn Phương khi đến thăm và đứng trước lăng Bác.
Đứng trước lăng Bác, sau ấn tượng về “hàng tre xanh xanh” là hình ảnh của dòng người vào viếng lăng Bác với nỗi tiếc thương và lòng biết ơn sâu nặng:
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân”
- Nghệ thuật sóng đôi: Giữa hình ảnh “mặt trời” thực và “mặt trời” ẩn dụ:
+ Hình ảnh mặt trời trong câu thơ “Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng”, là hình ảnh thực. Đây là mặt trời của thiên nhiên soi sáng không gian vũ trụ và mang lại sự sống cho muôn loài.
+ Hình ảnh mặt trời trong câu thơ “Thấy một mặt trời đi qua trên lăng”, là hình ảnh ẩn dụ về Bác Hồ. Bác chính là mặt trời chân lí, soi sáng giúp dân tộc thoát khỏi kiếp nô lệ khổ đau, và mang đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ đó, ta thấy được sự tôn kính, lòng biết ơn sâu sắc mà cả dân tộc dành cho Bác
- Mặt trời thiên nhiên được nhân hóa với hai hành động: ngày ngày “đi qua trên lăng” và nhìn thấy mặt trời “trong lăng rất đỏ” đã tô đậm hơn tầm vóc của Người.
- Chi tiết đặc sắc “rất đỏ” gợi trái tim đầy nhiệt huyết vì Tổ quốc, vì nhân dân của Bác. Mặt trời đó sẽ mãi mãi soi sáng, sưởi ấm, tô thắm cho đời.
- Hình ảnh “dòng người” đi liền với điệp từ “ngày ngày”
+ Gợi một dòng thời gian vô tận, từ ngày này sang ngày khác, biết bao dòng người với nỗi tiếc thương vô hạn thành kính vào viến lăng Bác.
+ Mang giá trị tạo hình, gợi quang cảnh những đoàn người nối hàng dài vào lăng để viếng Bác.
- Hình ảnh “tràng hoa” là hình ảnh ẩn dụ, gợi liên tưởng đến dòng người vào viếng lăng Bác với tấm lòng thành kính, dâng trào như được kết từ hàng vạn trái tim, tấm lòng con người Việt Nam.
- Hình ảnh hoán dụ “bảy mươi chín mùa xuân” để chỉ 79 năm trong cuộc đời của Người- 79 mùa xuân Người hi sinh cho đất nước.
=> Khổ thơ đã diễn tả được một cách sâu sắc tấm lòng của nhân dân cả nước dành cho vị cha già kính yêu của dân tộc. Người sẽ luôn sống và sáng mãi trong lòng dân tộc Việt Nam.
- Vào trong lăng, khung cảnh và không khí như ngưng kết cả thời gian, không gian. Hình ảnh thơ đã diễn tả thật chính xác, thật tinh tế sự yên tĩnh, trang nghiêm cùng ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo của không gian trong lăng Bác:
“Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên
Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”
- Sử dụng biện pháp nghệ thuật nói giảm, nói tránh để phủ nhận một sự thật đau lòng: Người đang ngủ một giấc bình yên, giữa vầng trăng sáng dịu hiền.
- Hình ảnh ẩn dụ “vần trăng sáng dịu hiền”:
+ Gợi cho chúng ta nghĩ đến tâm hồn, nhân cách sống cao đẹp, sáng trong của Bác.
+ Bộc lộ tấm lòng biết ơn sâu sắc của tác giả dành cho Bác.
+ Gợi đến những vần thơ tràn ngập ánh trăng của Người.
- Tâm trạng xúc động của nhà thơ được biểu hiện bằng một hình ảnh ẩn dụ sâu xa “Vẫn biết trời xanh là maĩ mãi”
+ “Trời xanh”, trước tiên được hiểu theo nghĩa tả thực, đó là thiên nhiên gần gũi với chúng ta, tồn tại mãi mãi, vĩnh hằng.
- Dù tin như thế nhưng mấy chục triệu người dân Việt Nam vẫn đau xót và nuối tiếc khôn nguôi trước sự ra đi của bác: “ Mà sao nghe nhói ở trong tim”
+ “Nhói” là từ ngữ biểu cảm trực tiếp, biểu hiện nỗi đau đột ngột, quặn thắt. tác giả tự cảm thấy nỗi đau mất mát ở tận đáy sâu tâm hồn mình, nỗi đau ấy uất nghẹn tột cùng không nói thành lời
+ Cặp quan hệ từ “ vẫn, mà” diễn tả sự mâu thuẫn. cảm giác nghe nhói ở trong tim mâu thuẫn với nhận biết trời xanh là mãi mãi. Giữa tình cảm và lí trí có sự mâu thuẫn. Và con người đã không kìm nén được khoảnh khắc yếu lòng.
-> Cảm xúc này là đỉnh điểm của nỗi nhớ thương, của niềm đau xót. Nó chính là nguyên nhân dẫn đến những khát vọng ở khổ cuối bài thơ.
Khép lại nỗi đau mất mát ấy là những giọt nước mắt luyến tiếc, bịn rịn không muốn rời Bác. Khổ thơ đã diễn tả tâm trạng lưu luyến của nhà thơ muốn được ở mãi bên lăng Bác.
“Mai về miền Nam thương trào nước mắt”
- Từ chỉ thời gian “ mai” đi liền với địa danh “ miền Nam” gợi sự chia xa, gợi khoảng cách, gợi cả tấm lòng, tình cảm của những người con miền Nam
- Lối nói “ thương trào nước mắt” đã cụ thể hóa nỗi nhớ thương da diết, gợi chiều sâu của sự gắn bó với miền Bắc, với Bác Hồ của những người miền Nam. Nhà thơ bày tỏ ước muốn hóa thân để ở lại bên cạnh Bác.
“Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đó hoa tỏa hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”
- Nhịp điệu dồn dập và điệp từ “ muốn làm” khởi đầu cho mỗi dòng thơ giúp nhà thơ tô đậm mức độ thiết tha, mãnh liệt của niềm mong ước.
- Hệ thống hình ảnh giàu sức gợi: “ con chim”, “ đóa hoa”, “ cây tre”
+ Lớp nghĩa thực: Tác giả muốn góp cuộc đời mình để làm đẹp cho cảnh quan quanh lăng, ao ước được hóa thân thành con chim để cất tiếng hót làm vui lăng Bác; làm đóa hoa để đem lại sắc hương , tô điểm cho vườn hoa quanh lăng. Đặc biệt là ước nguyện “ muốn làm cây tre trung hiếu” để nhập vào hàng tre bát ngát, tỏa bóng mát cho lăng.
+ Lớp nghĩa ẩn dụ: Khát vọng ở lại để canh giấc ngủ thiên thu cho người, bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc dành cho vị cha già của dân tộc, góp phần làm nên vẻ đẹp bất khuất, hiên ngang, trung hiếu của tâm hồn Việt Nam
- Hình ảnh cây tre có tính tượng trưng, một lần nữa nhắc lại khiến bài thơ có kết cấu đầu cuối tương ứng. Hình ảnh hàng tre quanh lăng Bác được lặp ở câu thơ cuối như mang thêm nghĩa mới, tạo ấn tượng sâu sắc, làm dòng cảm xúc được trọn vẹn.
-> Bài thơ khép lại bằng hình ảnh “cây tre trung hiếu”, tạo nên một kết cấu đầu cuối tương ứng, nhằm bày tỏ khát vọng và tấm lòng nhà thơ dành cho Bác.
Mong rằng những thông tin về tác giả, tác phẩm của bài thơ “Viếng lăng Bác” trên đây sẽ giúp các em dễ dàng hơn trong quá trình học tập và đạt thành tích cao nhé.
Để hiểu hơn về toàn bộ các tác giả cùng kiến thức tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh sở hữu bộ "Sổ tay văn học" nhé! Xem bản đọc thử Tại đây
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn
Tin liên quan