Đăng Ký Học
Ngày 17/01/2021 14:38:34, lượt xem: 13868
Văn hào vĩ đại người Nga Maxim Gorki từng nói: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Để làm nên thành công của một tác phẩm cần phải kể đến nhiều yếu tố trong đó không thể không kể đến chi tiết nghệ thuật. Chi tiết là một trong những yếu tố nhỏ nhất, quan trọng nhất để tạo nên một tác phẩm. Hãy cùng Học văn chị Hiên tìm hiểu sâu thêm về những chi tiết trong tác phẩm "Bếp lửa” của Bằng Việt các em nhé!
“ Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm
Nhóm niềm yêu thương khoai sắn ngọt bùi
Nhóm nồi xôi gạo mới sẻ chung vui
Nhóm dậy cả những tâm tình tuổi nhỏ”.
Trong khổ thơ thứ sáu, điệp từ "nhóm” được nhắc đi nhắc lại tới bốn lần và mang những ý nghĩa khác nhau. Nó cứ bồi đắp cao dần những nét kỳ lạ và thiêng liêng của bếp lửa. Từ "nhóm" đầu tiên: "Nhóm bếp lửa ấp iu nồng đượm" là động từ thể hiện một hành động làm cho lửa bén, cháy lên ngọn lửa và một bếp lửa hoàn toàn có thật có thể cảm nhận bằng mắt thường. Bếp lửa đó để xua tan đi cái giá lạnh của mùa đông khắc nghiệt, để luộc chín nồi khoai, nồi sắn làm ấm lòng cháu trong những ngày đông tháng giá. Và đó là một bếp lửa rất bình dị có ở mọi gian bếp của làng quê Việt Nam. Thế nhưng từ "nhóm" trong những câu thơ sau thì lại mang ý nghĩa ẩn dụ. Có nghĩa là bà đã nhóm lên, đã khơi dậy niềm yêu thương, những ký ức đẹp, có giá trị trong cuộc đời mỗi con người. Bà đã truyền hơi ấm tình người, khơi dậy trong tâm hồn cháu tình yêu thương ruột thịt, tình cảm sẻ chia tình đoàn kết với hàng xóm láng giềng và rộng ra nữa là tình yêu quê hương đất nước. Và cũng chính từ hình ảnh bếp lửa, bà khơi dậy cả những ký ức, kỷ niệm tuổi ấu thơ trong cháu để cháu luôn nhớ về nó cũng có nghĩa là nhớ về cội nguồn, nhớ về đất nước quê hương, nhớ về dân tộc mình. Và như vậy hình ảnh bếp lửa đơn sơ giản dị đã mang ý nghĩa khái quát trở thành ngọn lửa trong trái tim – một ngọn lửa ẩn chứa niềm tin và sức sống của con người.
ĐÓNG VAI NGƯỜI CHÁU KỂ LẠI CÂU CHUYỆN "BẾP LỬA"
Ta thấy, đằng sau mỗi lời thơ đều ẩn hiện hình ảnh bà luôn gắn với hình ảnh bếp lửa. Trong bài thơ, có tới mười lần tác giả nhắc tới bếp lửa và hiện diện cùng bếp lửa là hình ảnh người bà, người phụ nữ Việt Nam muôn thuở với vẻ đẹp tảo tần, nhẫn nại và đầy yêu thương. Bếp lửa là tình bà ấm nóng, bếp lửa là tay bà chăm chút. Bếp lửa gắn với những khó khăn, gian khổ đời bà. Ngày ngày, bà nhóm lên bếp lửa cũng là nhóm lên niềm vui, sự sống, niềm yêu thương chi chút dành cho con cháu và mọi người.
Một bếp lửa chờn vờn sương sớm
Một bếp lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa.
Hình ảnh bếp lửa “chờn vờn” trong “sương sớm” gợi lên những mảnh kí ức về bà. Bếp lửa được thắp lên, nó hắt ánh sáng lên mọi vật, mang lại sự lan tỏa ấm áp trong tâm hồn đứa cháu thơ ngây. Bếp lửa được thắp lên cũng là bếp lửa của cuộc đời bà, một cuộc đời đã trải qua đã trải qua “biết mấy nắng mưa”. Dù đã cách xa nửa vòng trái đất nhưng dường như Bằng Việt vẫn cảm nhận được sự vỗ về, yêu thương, chăm chút từ đôi tay kiên nhẫn và khéo léo của bà. Trong cái khoảnh khắc ấy, trong lòng nhà thơ lại trào dâng một tình yêu thương bà vô hạn. Các từ láy “chờn vờn”, “ấp iu” vừa gợi hình và gợi cả suy tư. Các câu thơ cứ nhẹ nhàng, chân thật như sương mai buổi sớm lan tỏa vào tâm hồn người đọc một tình cảm yêu thương sâu lắng. Đó là hình ảnh một bếp lửa nhuốm màu cổ tích chờn vờn trong sương sớm. Ngọn lửa không to cũng chẳng nhỏ xua tan đi cái lạnh giá của vùng nông thôn buổi sáng tinh mơ. Hình ảnh đó khắc sâu trong tâm trí non nớt của đứa cháu bé bỏng. Nó chứa đựng cả một vùng trời kí ức, một miền tuổi thơ đầy sóng gió. Gắn liền với đó là hình ảnh của người bà dầu dải biết mấy nắng mưa. Nắng mưa ở đây không chỉ là những hiện tượng mang tính thiên nhiên thời tiết mà nó còn là những nắng mưa đời bà. Những bão giông của cuộc đời hằn lên đôi vai gầy khắc khoải của bà. Điệp từ “một bếp lửa” được lặp đi lặp lại nhiều lần như khắc sâu vào trong tâm trí của tác giả nó làm sống dậy biết bao nhiêu kí ức tươi đẹp tuổi thơ. Tình cảm bà cháu thiêng liêng ấy cứ như con thuyền nhỏ chở đầy ắp những kỉ niệm trên dòng sông tuổi thơ êm đềm mà suốt cuộc đời này người cháu không bao giờ quên được. Từ đó, sức ấm và ánh sáng của tình bà cháu cũng như của bếp lửa lan tỏa toàn bài thơ.
MỞ BÀI BÀI THƠ BẾP LỬA(NGUYỄN BẰNG VIỆT) - HỌC VĂN CHỊ HIÊN
Nếu như trong những năm đói kém của nạn đói 1945, bà là người gắn bó với tác giả nhất, yêu thương tác giả nhất thì trong tám năm ròng của cuộc kháng chiến chống Mĩ, tình cảm bà cháu ấy lại càng sâu đậm:
Mẹ cùng cha bận công tác không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe (...)
Trong tám năm ấy, đất nước có chiến tranh, hai bà cháu phải rời làng đi tản cư, bố mẹ phải đi công tác, cháu vì thế phải ở cùng bà trong quãng thời gian ấy, nhưng dường như đối với đứa cháu như thế lại là một niềm hạnh phúc vô bờ. Ngày nào cháu cũng cùng bà nhóm bếp. Và trong cái khói bếp chập chờn, mờ mờ ảo ảo ấy, người bà như một bà tiên hiện ra trong câu truyện cổ huyền ảo của cháu. Nếu như đối với mỗi chúng ta, cha sẽ là cánh chim để nâng ước mơ của con vào một khung trời mới, mẹ sẽ là cành hoa tươi thắm nhất để con cài lên ngực áo thì đối với Bằng Việt, người bà vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là cánh chim, là một cành hoa của riêng ông. Cho nên, tình bà cháu là vô cùng thiêng liêng và quý giá đối với ông. Trong những tháng năm sống bên cạnh bà, bà không chỉ chăm lo cho cháu từng miếng ăn, giấc ngủ mà còn là người thầy đầu tiên của cháu. Bà dạy cho cháu những chữ cái, những phép tính đầu tiên. Không chỉ thế, bà còn dạy cháu những bài học quý giá về cách sống, đạo làm người. Những bài học đó sẽ là hành trang mang theo suốt quãng đời còn lại của cháu. Người bà và tình cảm mà bà dành cho cháu đã thật sự là một chỗ dựa vững chắc về cả vật chất lẫn tinh thần cho đứa cháu bé bỏng. Cho nên khi bây giờ nghĩ về bà, nhà thơ càng thương bà hơn vì cháu đã đi rồi, bà sẽ ở với ai, ai sẽ cùng bà nhóm lửa, ai sẽ cùng bà chia sẻ những câu chuyện những ngày ở Huế... Thi sĩ bỗng tự hỏi lòng mình: “Tu hú ơi, chẳng đến ở cùng bà?” Một lời than thở thể hiện nỗi nhớ mong bà sâu sắc của đứa cháu nơi xứ người. Chỉ trong một khổ thơ mà hai từ bà, cháu đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần gợi lên hình ảnh hai bà cháu sóng đôi, gắn bó, quấn quýt không rời.
Những điểm sáng trong bài thơ “Bếp lửa” trên đây của Học văn chị Hiên hy vọng sẽ giúp các em có thêm những tư liệu hay hơn để viết vào bài làm của mình.
Để hiểu hơn về toàn bộ các tác giả cùng kiến thức tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh sở hữu bộ "Sổ tay văn học" nhé! Xem bản đọc thử Tại đây
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!
Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn
Tin liên quan