GHI NHỚ NHANH THÔNG TIN TÁC GIẢ, TÁC PHẨM “SANG THU”

Ngày 18/01/2021 11:30:12, lượt xem: 4323

GHI NHỚ NHANH THÔNG TIN TÁC GIẢ, TÁC PHẨM “SANG THU”

Có rất nhiều bạn học sinh trở nên sợ học Văn vì có quá nhiều các tác phẩm văn học với tác giả, thể loại khác nhau. Ngữ pháp thì đa dạng và phong phú. Để khắc phục được tình trạng sợ Văn đó, hôm nay Học văn chị Hiên sẽ chia sẻ tới các thông tin về tác giả, tác phẩm của bài thơ “Sang thu” nhé!

I. Thông tin tác giả, tác phẩm

1. Thông tin về tác giả

- Nhà thơ Hữu Thỉnh ( sinh năm 1942) tên thật là Nguyễn Hữu Thỉnh bút danh là Vũ Hữu

- Quê quán tại Tam Dương - tỉnh Vĩnh Phúc

- Sự nghiệp sáng tác

   + Năm 1963 Hữu Thỉnh nhập ngũ rồi trở thành cán bộ tuyên huấn trong quân đội và bắt đầu sáng tác thơ

   + Ông tham gia ban chấp hành hội nhà văn Việt Nam các khóa III, IV và V

   + Năm 2000 ông là Tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam

   + Tác phẩm tiêu biểu: “Thương lượng với thời gian”, “Sang thu”, “Âm vang chiến hào”…

- Phong cách sáng tác

Thơ Hữu Thỉnh tập trung diễn tả hình tượng người lính và hiện thực  lớn lao, sôi động của những năm tháng chiến tranh ác liệt của đât nước trong kháng chiến chống Mĩ. Khi đất nước thống nhất, Hữu Thỉnh viết nhiều vần thơ về những người mẹ người chị, về nông thôn và về mùa thu với nhiều suy nghĩ và chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời. Thơ Hữu Thỉnh có một giọng điệu riêng chân thật trong cảm xúc,  có nhiều tìm tòi trong cách biểu hiện; thiên về cảm nhận sự yên bình, tĩnh lặng cua cuộc sống với cảm xúc mượt mà, trong sáng nhưng cũng giàu triết lí.

SOẠN VĂN "SANG THU"

2. Thông tin về tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Bài thơ “Sang thu” ra đời gần cuối năm 1977 khi đất nước mới thống nhất hòa bình, được in trong tập “Từ chiến hào đến thành phố”

b. Mạch cảm xúc và bố cục

Mạch cảm xúc: Sang thu là một bức thông điệp lúc giao mùa. Mùa hạ dần qua, mùa thu tới, khoảnh khắc ấy được diến tả bằng sự rung cảm tinh tế, sự trải nghiệm sâu sắc của nhà thơ. Mạch cảm xúc xuyên suốt với 2 nội dung nổi bật, cảm nhận về thiên nhiên lúc sang thu và suy ngẫm về đời người khi chớm thu.

Gồm 3 phần

- Khổ 1: Cảm nhận về thiên nhiên lúc giao mùa trước tín hiệu báo thu về.

- Khổ 2: Cảm nhận về quang cảnh trời đất khi vào thu

- Khổ 3: Những biến chuyển âm thầm của tạo vật và suy ngẫm về cuộc đời người lúc chớm thu của tác giả.

c. Giá trị nội dung của bài thơ

- Viết về những chuyển biến nhẹ nhàng, tinh tế của thiên nhiên, đất trời trong phút giao mùa từ hạ sang thu. Qua đó, nhà thơ gửi gắm quy luật của cuộc sống nhân sinh, của đời người khi bước sang mùa thu của cuộc đời.

MỞ BÀI "SANG THU" - HỮU THỈNH SIÊU CHẤT|| NGỮ VĂN LỚP 9

d. Giá trị nghệ thuật

Thể thơ năm chữ, nhịp thơ chậm, âm điệu nhẹ nhàng, phù hợp với dòng cảm xúc của nhà thơ.

- Từ ngữ có giá trị gợi tả, gợi cảm sâu sắc

- Hình ảnh thơ chọn lọc, mang những nét đặc trưng về phút giao mùa từ hạ sang thu để người đọc có được ấn tượng: sang thu không chỉ của thiên nhiên mà hồn người cũng có lúc sang thu.

3. Ý nghĩa nhan đề bài thơ

 

- “Sang thu” trước hết gợi lên khoảnh khắc giao mùa của thiên nhiên, khi đất trời chuyển từ hạ sang thu.

- Gợi khoảnh khắc chuyển giao giữa tuổi trẻ sang độ tuổi trưởng thành vững vàng, từng trải.

II. Tìm hiểu văn bản

1. Những tín hiệu giao mùa (khổ 1)

- “Sang thu” là một khảnh khắc rất đặc biệt của thiên nhiên. Đó là lúc hạ vẫn chưa kịp đi mà hương thu đã lặng lẽ đến rồi. Bằng tâm hồn tinh tế, nhạy cảm tác giả đã phát hiện ra những tín hiệu của mùa thu.

- Tín hiệu đầu tiên là “ hương ổi”:

+ “Hương ổi” đi liền với từ “bỗng” được đặt ở đầu câu thơ đã diễn tả cảm giác bất ngờ, đột ngột, ngỡ ngàng của nhân vật trữ tình

+ “Hương ổi” đi liền với động từ “phả” diễn tả một làn hương ngào ngạt, sánh đậm gợi lên mùi hương ổi lan tỏa khắp không gian

- Tác giả lưa chọn làn “gió se” làm tín hiệu thứ 2 cho khoảnh khắc giao mùa:

+ “Gió se” là ngọn gió heo may đặc trưng của mùa thu đất Bắc. Đó là một thứ gió khô và thoáng chút se lạnh

+ Làn “gió se” ấy đã làm dịu đi cái nắng oi ả, gay gắt của mùa hạ và khiến cho làn “hương ổi” như sánh lại và trở nên ngọt ngào hơn

- Tín hiệu thứ ba là những màn sương:

+ Cảm nhận của tác giả có sự thay đổi từ khứu giác, xúc giác sang cảm nhận bằng thị giác.

+ Nghệ thuật nhân hóa qua từ láy “chùng chình” đã gợi lên dáng vẻ lãng đãng như đợi chờ, cố ý chậm lại đầy lưu luyến của màn sương.

- Trước khoảnh khắc giao mùa ấy, tác giả đã giật mình, bối rối: “ Hình như thu đã về”

2. Quang cảnh thiên nhiên lúc giao mùa (khổ 2)

- Hai câu thơ đầu : Có cấu trúc đối tự nhiên, chặt chẽ đã diễn tả vẻ đẹp thiên nhiên và lòng người phút giao mùa

Sông được lúc dềnh dàng

Chim bắt đầu vội vã

- Hình ảnh “dòng sông” được nhân hóa qua từ láy “ dềnh dàng”:

+ Tả thực một dòng sông tĩnh lặng, trong trẻo với dòng chảy êm đềm

+ Con sông được nhân hóa như đang được nghỉ ngơi sau một mùa hạ vất vả với bão giông.

+ Đi liền với từ “được lúc” gợi ta liên tưởng đến hình ảnh những con người đã đi qua thời chiến, trải qua lửa đạn giờ đang được sống chậm lại, đến lúc phải nghỉ ngơi.

- Hình ảnh những chú “chim” được nhân hóa qua từ láy “vội vã”:

+ Tả thực những cánh chim di cư bay về phương Nam để tránh rét.

+ Những cánh chim được nhân hóa như bắt đầu nhanh hơn, gấp gáp hơn khi nhận ra những đợt gió heo may se lạnh đang ùa về.

+ Đi liền với từ “ bắt đầu” gợi ta liên tưởng đến những người lính bước ra từ trong chiến tranh. Họ cứ ngỡ đã đến lúc phải nghỉ ngơi để suy ngẫm, song lại chính là lúc họ bắt đầu phải “vội vã”, tất bật trong những lo toan của cuộc sống mới.

- Nghệ thuật đối được tác giả sử dụng một cách nhịp nhàng, tài tình qua hình ảnh “ dềnh dàng”  >< “ vội vã” đã:

+ Làm nổi bật hai động thái trái ngược của thiên nhiên trong khoảnh khắc giao mùa.

+ Làm nổi rõ hai tâm trạng trái ngược nhau của con người khi bước từ chiến tranh sang hòa bình.

- Hai câu sau, quang cảnh thiên nhiên tiếp tục được tái hiện qua những sáng tạo vô cùng độc đáo, ấn tượng

Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu

+ Nghệ thuật nhân hóa qua cụm từ có ý nghĩa tượng hình “ vắt nửa mình”:

+ Gợi lên không gian của một bầu trời cao rộng, trong trẻo lúc thu về.

+ Khiến cho đám mây như có hình, có hồn và trở nên gần gũi, sinh động.

+ Gợi liên tưởng đến bước đi của thời gian, đám mây như một cây cầu đặc biệt để nối liền những ngày cuối hạ và đầu thu.

+ Hình ảnh “đám mây” còn mang nghĩa thế sự: gợi sự giao thời của đời sống khi đất nước đang chuyển từ chiến tranh sang hòa bình. 

-> Khoảnh khắc giao mùa được tái hiện rất tinh tế, sống động bằng những câu thơ giàu giá trị tạo hình. Và ẩn sau khoảnh khắc đó còn là hình ảnh của đời sống lúc sang thu với biết bao biến chuyển.

3. Những suy ngẫm về đời người lúc chớm thu (khổ cuối)

- Những biến chuyển của thiên nhiên:

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa”

+ Nghệ thuật đối qua hình ảnh “vẫn còn” > < “vơi dần”; “ nắng”>< “mưa” đã tái hiện sự vận động trái chiều của hai hiện tượng thiên nhiên.

+ Hình ảnh “ nắng và mưa” là những hiện tượng của thiên nhiên vận hành theo qui luật và có thể dự báo.

 

+ Tác giả đã mượn những hiện tượng thiên nhiên quen thuộc, đễ nắm bắt để cụ thể hóa khoảnh khắc giao mùa

+ Những từ ngữ chỉ mức độ,ước lượng: “vẫn còn”, “ bao nhiêu”, “vơi”, “bớt” được sắp xếp theo trình tự giảm dần, cho thấy dấu hiệu của mùa hạ đang nhạt dần và những dấu hiệu của mùa thu ngày một đậm nét hơn.

=> Tác giả đã làm hiện hình bước chân của mùa thu giữa đất trời.

- Đối diện với mùa thu của đất trời, trong lòng nhà thơ dào dạt bao suy ngẫm về đời người lúc chớm thu qua những hình ảnh giàu sức gợi:

Sấm cũng bớt bất ngờ
Trên hàng cây đứng tuổi

+ Hình ảnh của “sấm”: 

+ Là một hiện tượng, dấu hiệu cho những cơn mưa rào mùa hạ.

+ Ẩn dụ cho những biến động, bất thường, thử thách trong cuộc đời của mỗi một con người.

+ Hình ảnh “sấm” đi liền với lối miêu tả “ bớt bất ngờ” và “hàng cây đứng tuổi”:

+ Tả thực về một hiện tượng, đó là sang thu, tiếng sấm như nhỏ dần, không còn đủ sức làm lay động những hàng cây đã qua bao mùa thay lá.

+ Là một ẩn dụ về những con người từng trải, giờ đến tuổi xế chiều thì trở nên vững vàng hơn, ung dung hơn trước những đổi thay, biến động của cuộc đời.

- “ Sấm” là tượng trưng cho những biến động bất thường, những khó khăn mỗi người có thể gặp phải trên đường đời.

+ Hình ảnh : “ hàng cây đứng tuổi” Tượng trưng cho những lớp người đã từng trải, có kinh nghiệm dày dặn, đã từng trải qua bao sóng gió gian nan của cuộc đời. Khi đã “ sang thu” con người luôn vững vàng hơn, họ đón nhận những biến động bất ngờ bằng sự bình thản tự nhiên, họ giải quyết mọi việc được bình tĩnh theo cách đúng đắn nhất.

-> Khổ thơ đã bộc lộ trọn vẹn những khoảnh khắc thiên nhiên và đời người sang thu, với những cảm nhận tinh tế và suy ngẫm sâu sắc của nhà thơ.

Mong rằng những thông tin về tác giả, tác phẩm của bài thơ “Sang thu” trên đây sẽ giúp các em dễ dàng hơn trong quá trình học tập và đạt thành tích cao nhé.

Để hiểu hơn về toàn bộ các tác giả cùng kiến thức tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh sở hữu bộ "Sổ tay văn học" nhé! Xem bản đọc thử  Tại đây

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn


 

Tin liên quan