Đăng Ký Học
Ngày 21/04/2025 14:53:59, lượt xem: 207
Đề 1: Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mỗi người, mỗi học sinh. Chúng ta không thể đứng ngoài cuộc trước những thách thức to lớn này. Bằng những hành động nhỏ bé nhưng thiết thực, chúng ta có thể góp phần tạo nên sự thay đổi tích cực cho môi trường sống của chúng ta và cho thế hệ tương lai. "Trái Đất là ngôi nhà chung của chúng ta. Hãy cùng nhau chung tay bảo vệ ngôi nhà này!" |
BÀI LÀM
Hành tinh xanh của chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng môi trường chưa từng có. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang đe dọa nghiêm trọng đến sự sống còn của con người và các loài sinh vật khác. Là một học sinh, tôi nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây không chỉ là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, các tổ chức quốc tế mà còn là sứ mệnh của mỗi cá nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người sẽ thừa hưởng tương lai của Trái Đất.
Biến đổi khí hậu, với biểu hiện rõ rệt là sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng, đang gây ra những hậu quả nặng nề trên toàn thế giới. Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1,1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tại Việt Nam, những tác động của biến đổi khí hậu đã hiện hữu rõ ràng, từ tình trạng xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đến những trận lũ lụt lịch sử ở miền Trung.
Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường, bao gồm ô nhiễm không khí, nước và đất, cũng đang là một vấn đề đáng báo động. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ô nhiễm không khí gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn cầu. Tại Việt Nam, các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thường xuyên nằm trong danh sách những thành phố có chất lượng không khí kém nhất thế giới.
Nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là do hoạt động của con người, đặc biệt là việc sử dụng quá mức nhiên liệu hóa thạch, phá rừng và khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức. Theo báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), từ năm 1970 đến nay, thế giới đã mất đi khoảng 60% quần thể động vật hoang dã do các hoạt động của con người.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng biến đổi khí hậu là một quá trình tự nhiên và việc bảo vệ môi trường sẽ cản trở sự phát triển kinh tế. Đây là những quan điểm sai lầm và cần được bác bỏ. Các bằng chứng khoa học đã chứng minh rằng biến đổi khí hậu chủ yếu là do hoạt động của con người. Hơn nữa, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế không phải là hai mục tiêu đối lập nhau. Chúng ta hoàn toàn có thể phát triển kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường.
Để ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, chúng ta cần hành động ngay từ bây giờ. Một trong những giải pháp quan trọng nhất để ứng phó với biến đổi khí hậu là tiết kiệm năng lượng. Theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngành năng lượng chiếm tới 73% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Vì vậy, việc giảm tiêu thụ năng lượng là chìa khóa để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Học sinh chúng ta có thể đóng góp bằng những hành động đơn giản như tắt đèn, quạt, điều hòa khi không sử dụng, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, và sử dụng các thiết bị tiết kiệm điện. Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã triển khai thành công chương trình “Green School”, trong đó học sinh được khuyến khích đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện công cộng, giúp giảm lượng khí thải từ phương tiện giao thông cá nhân.
Bên cạnh đó, việc giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng rác thải cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi ngày Việt Nam thải ra khoảng 60.000 tấn rác thải rắn sinh hoạt, trong đó chỉ có khoảng 10% được tái chế. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn lãng phí tài nguyên. Học sinh chúng ta có thể bắt đầu bằng việc phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng một lần, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, và tham gia các hoạt động thu gom và tái chế rác thải của nhà trường và địa phương. Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) đã trở thành hình mẫu điển hình khi xây dựng thành công mô hình “Trường học không rác thải”, trong đó học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động giảm thiểu và tái chế rác thải.
Trồng cây xanh là một giải pháp khác không kém phần quan trọng. Cây xanh không chỉ hấp thụ khí CO2, giảm hiệu ứng nhà kính mà còn giúp điều hòa khí hậu, làm sạch không khí, và bảo vệ đất. Chương trình “Vì một Việt Nam xanh” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các tổ chức phi chính phủ triển khai đã khơi dậy phong trào trồng cây trong cộng đồng học sinh, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, và cải thiện môi trường sống.
Cuối cùng, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để tạo ra sự thay đổi tích cực. Chúng ta cần chủ động tìm hiểu về biến đổi khí hậu và các giải pháp bảo vệ môi trường thông qua sách báo, internet, các chương trình giáo dục, và chia sẻ kiến thức với bạn bè, gia đình và cộng đồng. Các câu lạc bộ môi trường trong trường học là một diễn đàn tuyệt vời để học sinh cùng nhau trao đổi, học hỏi, và thực hiện các dự án bảo vệ môi trường.
Bản thân tôi luôn cố gắng thực hiện những hành động nhỏ để bảo vệ môi trường. Tôi luôn mang theo bình nước cá nhân để hạn chế sử dụng chai nhựa dùng một lần. Tôi tham gia trồng cây xanh ở trường và khu dân cư. Tôi cũng chia sẻ thông tin về môi trường và biến đổi khí hậu với bạn bè và người thân để nâng cao nhận thức của mọi người.
Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của tất cả chúng ta. Mỗi hành động nhỏ của chúng ta đều có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Hãy chung tay hành động vì một tương lai xanh, sạch và bền vững cho Trái Đất. "Trái Đất không phải là tài sản mà chúng ta được thừa hưởng từ cha ông, mà là món quà mà chúng ta vay mượn từ con cháu." - Hãy cùng nhau bảo vệ món quà vô giá này!
Đề 2: Viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về cách để vượt qua áp lực đồng trang lứa đối với học sinh hiện nay |
BÀI LÀM
Theo khảo sát của Parent for Future, cứ 10 người trẻ thì có 8 người biết đến khái niệm “peer pressure” (áp lực đồng trang lứa), điều này chứng tỏ mối quan tâm của các bạn trẻ với chủ đề này. Và thực tế đáng lo ngại là áp lực đồng trang lứa đang trở thành hiện tượng phổ biến ở giới trẻ, đe dọa đến sự phát triển lành mạnh của chúng ta. Vì vậy cần có những biện pháp để thế hệ trẻ vượt qua áp lực đồng trang lứa.
“Áp lực đồng trang lứa” (peer pressure) là một thuật ngữ thuộc chuyên ngành tâm lý học. Theo Từ điển tâm lí học thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, áp lực đồng trang lứa xảy ra khi cá nhân chịu ảnh hưởng của những người thuộc cùng một nhóm xã hội và phải thay đổi giá trị, hành vi để theo kịp chuẩn mực của nhóm. Một cách hiểu đơn giản hơn về áp lực đồng trang lứa là cảm giác tự ti, thua kém khi không đạt được nhiều thành tựu như bạn bè xung quanh.
Nguyên nhân của hiện tượng này cần được nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, đó là do sự tự so sánh của mỗi người với người khác. Chúng ta đều mong minh tốt hơn, nên thường nhìn theo người khác để phấn đấu. Nhưng thành tựu của người khác đôi khi lại làm ta thấy mình nhỏ bé, thấy mình “chưa đến đâu”. Ngoài ra, bởi vì là một thực thể xã hội, mỗi người đều muốn được hòa nhập với cộng đồng. Do đó, chúng ta càng mong mình phải ngang bằng, hoặc thậm chí hơn nhiều người trong cộng đồng đó. Một nguyên nhân quan trọng không kém là từ môi trường sống, sự nuôi dạy của cha mẹ với con cái. Nhiều bậc phụ huynh có xu hướng so sánh con mình với “con nhà người ta”, quá khắt khe trong thành tích, hình thành ở trẻ cảm giác cạnh tranh, ganh đua, và khi không bằng người khác thì luôn phải lo lắng, sợ hãi,... Điều này tất yếu dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng.
Áp lực đồng trang lứa khiến học sinh luôn thấy tự ti, thua kém so với bạn bè xung quanh. Vì luôn luôn thấy mình chưa đủ tốt, các bạn khó hài lòng với thành quả mà mình đạt được. Do đó, tâm trạng dễ xuống dốc, thường xuyên thấy chán nản và có thể xuất hiện hành vi tiêu cực để giải tỏa tâm lí. Cũng vì vậy mà các bạn thiếu tập trung, khó dành được sự chú ý cho việc học. Hiệu quả học tập và công việc đều đi xuống. Cứ thế, áp lực như một vòng luẩn quẩn, khiến người ta không thể thoát ra được.
Bởi vậy, chúng ta cần có những giải pháp hữu hiệu để vượt qua áp lực đồng trang lứa. Trước hết, hãy học cách hiểu bản thân. Albert Einstein từng nói “Nếu bạn đánh giá con cá qua khả năng leo cây, thì cả đời con cá đó sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”. Mình phải xác định được vị trí hiện tại của bản thân, hiểu được đúng năng lực bản thân thì mới có được những mục tiêu và cách thức phấn đấu cho phù hợp. Thứ hai, thay vì theo đuổi những thành tựu quá lớn lao, ta có thể đặt ra từng mục tiêu nhỏ cho từng giai đoạn và thực hiện trọn vẹn những mục tiêu đã đề ra. Điều quan trọng là biết đủ. Đừng quá tập trung vào những người xung quanh, hãy dành nhiều thời gian cho bản thân hơn để thấy được sự tiến bộ của mình với chính mình. Chính việc thấy mình tốt hơn qua từng ngày sẽ giúp ta thoải mái hơn, có năng lượng để tiếp tục cố gắng.
Áp lực là vũng bùn lầy mà chỉ một mình mình vật lộn thì không thể thoát ra được. Muốn vượt qua được những áp lực, cũng cần có sự phối hợp từ gia đình và cộng đồng. Trong quá trình nuôi dạy con cái, cha mẹ nên kiên nhẫn với con, không nên quá gò ép những kì vọng của bản thân vào con mình. Cần tôn trọng sở thích, nguyện vọng của con; tạo điều kiện cho con phát triển. Cũng cần tôn trọng quá trình nỗ lực của con, công nhận sự tiến bộ của con qua từng giai đoạn. Gia đình nên là điểm tựa để trẻ có cơ hội thể hiện bản thân, thay vì khiến trẻ cứ dần dần thu hẹp mình lại. Phải thừa nhận rằng, “áp lực tạo kim cương”, khi có áp lực, con người ta mới có động lực để cố gắng. Thế nhưng, cứng quá thì sẽ gãy, việc quá áp đặt nguyện vọng của cha mẹ vào con cái chỉ khiến cho con trẻ gặp càng nhiều khó khăn mà thôi.
Trong “Hoàng tử bé”, Antoine de Saint viết “Cứ thẳng tiến về phía trước đi. Mọi người không thể đi quá xa đâu, và bạn sẽ luôn đuổi kịp họ”. Dẫu biết hành trình cố gắng còn nhiều khó khăn, nhưng hãy cứ tin rằng bạn là ngôi sao chờ ngày tỏa sáng. Hãy kiên định với mục tiêu của mình và hết mình với mục tiêu đó. Khi ấy, đích đến sẽ là một chính mình tốt đẹp nhất.
Đề 3: Viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về việc phát huy lòng yêu nước trong thế hệ trẻ hôm nay. |
BÀI LÀM
Tại Gala Wechoice Awards 2024 vừa qua, những dòng tin nhắn cuối cùng của trung tá Tăng Bá Hưng- người đã hi sinh trong cơn bão Yagi khi giúp người dân khắc phục hậu quả, đã khiến không gian Gala như lặng đi trong nước mắt. Sự hi sinh của anh cho quê hương, đất nước đã trở thành biểu tượng cho lòng yêu nước trong thời đại hiện nay. Không chỉ vậy, nghĩa cử cao đẹp ấy còn khiến chúng ta không khỏi không suy nghĩ trước câu hỏi: Làm thế nào để phát huy lòng yêu nước trong thế hệ trẻ hôm nay?
Vậy lòng yêu nước là gì? Lòng yêu nước là tình cảm thiết tha, chân thành của mỗi cá nhân dành cho quê hương, đất nước. Điều đó được thể hiện qua những hành động phấn đấu, thi đua, sẵn sàng cống hiến cho quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Không chỉ vậy, lòng yêu nước còn là tình yêu thương giữa những người thân yêu trong gia đình, bạn bè, là tình cảm xóm làng gắn bó keo sơn. Đặc biệt, tình cảm ấy còn được biểu hiện thông qua sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ trong học tập của các bạn học sinh, sinh viên.
Lòng yêu nước giúp mỗi người hiểu hơn về nơi mình sinh ra và lớn lên. Từ đó hình thành trong trái tim mỗi người tình yêu quê hương, đất nước. Đối với mỗi cá nhân, lòng yêu nước đã trở thành điểm tựa vững chắc để họ theo đuổi ước mơ của mình. Hơn thế, nhờ có tình cảm này, học sinh sẽ hiểu hơn về những phong tục tập quán của quê hương, đất nước. Đặc biệt, điều này còn giúp chúng ta biết trân trọng từng ngày được học tập trong hòa bình. Qua đó, ta có thể khẳng định rằng, lòng yêu nước có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với cá nhân, đất nước.
Với những ý nghĩa to lớn đó, chúng ta cần có những giải pháp thiết thực nhằm phát huy lòng yêu nước trong giới trẻ hiện nay. Trước hết, chúng ta có thể sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram, … để lan tỏa những tấm gương, những câu chuyện về lòng yêu nước tới mọi người xung quanh. Những video, bài viết đó sẽ đánh thức, khơi dậy, làm vững chắc thêm lòng yêu nước trong tim mỗi người. Mới đây nhất, hình ảnh những bạn trẻ chăm chú đọc từng dòng tư liệu lịch sử, dùng máy ảnh ghi lại nhiều khoảnh khắc đẹp, những em nhỏ chăm chú ghi chép những dấu mốc vàng son của dân tộc, … tại Bảo tàng lịch sử quân sự Việt Nam được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội đã góp phần lan tỏa tình yêu nước tới mọi người, để lại nhiều dấu ấn đặc biệt về tình yêu Tổ quốc, quê hương của giới trẻ hiện nay.
Không chỉ vậy, để phát huy lòng yêu nước, chúng ta cần giữ gìn, bảo vệ môi trường xung quanh mình. Việc làm tưởng chừng như đơn giản nhưng lại có ý nghĩa to lớn. Bởi đất nước bắt đầu từ chính những điều nhỏ bé, là con đường ta đến trường, là hè phố ta dạo chơi, là bầu không khí ta vẫn luôn hít thở… Bảo vệ môi trường cũng chính là cách để ta bảo vệ quê hương, đất nước luôn xanh - sạch - đẹp, là cách để ta nâng niu cuộc sống quý giá trên mảnh đất mà ta yêu. Mỗi cá nhân cũng cần xây dựng lối sống nghĩa tình, biết yêu thương người thân trong gia đình và những người xung quanh. Thế hệ trẻ hôm nay cần không ngừng nỗ lực trong học tập, rèn luyện bản thân, góp phần đưa đất nước “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ từng căn dặn. Đặc biệt, chúng ta cũng cần tìm hiểu để giữ gìn những nét đẹp truyền thống của dân tộc như hát xẩm, hát quan họ, … . Bởi “văn hóa là bản chất, văn hóa là cội nguồn, văn hóa là dân tộc”. Giữ gìn văn hóa giúp đất nước hội nhập nhưng không hòa tan trên trường quốc tế. Có thể nói, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc là một trong những điều cần thiết giúp chúng ta phát huy lòng yêu nước hiện nay.
Bên cạnh những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước như những chiến sĩ quân khu 2 tìm người mất tích sau cơn bão Yagi tại làng Nủ, những người lính cứu hỏa sẵn sàng xả thân vì nhân dân, những bạn trẻ trong biệt đội Sài Gòn xanh, … luôn luôn cống hiến cho quê hương, đất nước, vẫn còn nhiều bạn trẻ sống buông thả, có những hành động tiêu cực, thiếu trách nhiệm với chính mình và cộng đồng. Ngang nhiên vi phạm luật giao thông, nghiện trò chơi điện tử, nghiện mạng xã hội, không tìm hiểu lịch sử, truyền thống văn hoá dân tộc… là những hành động xấu xí, khiến chúng ta không khỏi lo ngại về tương lai của đất nước, của xã hội. Tình yêu, lòng tự hào về quê hương đất nước liệu có được nghĩ tới khi các bạn trẻ đắm chìm trong những tệ nạn như vậy?
Quả thực, việc phát huy lòng yêu nước trong giới trẻ hiện nay là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm hơn cả. Chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của lòng yêu nước. Đồng thời, mỗi người cũng cần có hành động thiết thực trong việc giúp cho quê hương ngày càng giàu đẹp, phát triển. Bắt đầu từ việc quan tâm tìm hiểu và dành sự kính trọng, yêu mến đối với những nội dung lan toả tình yêu nước trên mạng xã hội, bản thân tôi cũng đang từng ngày vun đắp, tưới tắm cho mầm cây yêu nước trong mình, để mầm cây ấy luôn vươn lên mạnh mẽ. Và rồi, khi đã đủ đầy nhựa sống, mầm cây yêu nước trong tôi, trong bạn sẽ toả ngát bóng râm, ấp ôm và thúc đẩy cho khát vọng vươn mình của dân tộc.
Đề 4: Viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của em về việc rèn luyện thói quen đọc sách đối với giới trẻ hiện nay. |
BÀI LÀM
M. Gorki từng nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Thật vậy, trong xã hội ngày càng văn minh và hiện đại, sách đã trở thành một phương tiện quan trọng, gắn kết con người với đời sống. Vì lẽ đó, việc rèn luyện thói quen đọc sách hiện nay vô cùng cần thiết đối với mỗi người, đặc biệt là giới trẻ.
Từ xa xưa, sách được coi là phương tiện con người sử dụng để lưu giữ những thông tin, những nội dung phong phú như thơ, ca, khoa học, y học,… Do vậy, thông qua việc đọc sách, con người có cơ hội được tiếp cận với những thế giới mới. Không dừng lại ở đó, sách còn giúp cho chúng ta rèn luyện khả năng tư duy, trí tưởng tượng và năng lực ngôn ngữ. Đặc biệt, sách còn giúp chúng ta vươn tới những ước mơ, khát vọng, hình thành trong ta những tình cảm, phẩm chất tốt đẹp.
Trong thời đại hiện nay, nhịp sống hối hả, vội vã khiến thời gian của con người bị eo hẹp và thói quen đọc sách bị mai một. Mặc dù sách có vai trò, ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng hiện nay vẫn còn tồn tại một bộ phận giới trẻ lười biếng trong việc đọc sách, hoặc lựa chọn đọc những cuốn sách có nội dung không phù hợp. Một trong số những nguyên nhân chính gây nên tình trạng này chính là sự xuất hiện của quá nhiều thú vui tiêu khiển trong xã hội. Bên cạnh đó, việc học sinh hiện nay có lịch học dày đặc cũng khiến cho các bạn không có thời gian dành cho việc đọc sách. Việc lười đọc sách đã khiến cho vốn từ của con người ngày càng trở nên nghèo nàn. Nhiều nguồn tri thức bổ ích không được tiếp cận.
Vậy chúng ta cần làm gì để rèn luyện thói quen đọc sách? Trước hết, mỗi người cần dành một chút thời gian mỗi ngày cho việc đọc sách, có thể khoảng 15 đến 30 phút. Thay vì dành 15 đến 30 phút để tiếp cận với nhiều thông tin trên mạng xã hội gây căng thẳng, mệt mỏi, ta có thể dành thời gian đó cho việc đọc sách. Khi đến với những trang sách, tâm hồn của chúng ta được xoa dịu, giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi. Việc dành thời gian mỗi ngày cho việc đọc sách sẽ giúp ta hình thành được thói quen tốt đẹp này. Trong lần trả lời phỏng vấn với báo chí, hoa hậu Đoàn Thiên Ân từng chia sẻ: “Tôi thường mang theo sách bên mình và tranh thủ đọc vào khoảng thời gian rảnh rỗi như lúc makeup, trên máy bay, trước khi ngủ. Với lịch trình bận rộn, tôi không có nhiều thời gian nên phải tranh thủ như vậy mới có thể duy trì được thói quen đọc sách.” Chính thói quen này đã giúp cô mở mang tri thức và tìm được nhiều nguồn cảm hứng trong cuộc sống.
Bên cạnh việc dành thời gian mỗi ngày cho việc đọc sách, việc lựa chọn sách đọc cũng là điều rất quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách. Chúng ta cần lựa chọn những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi, có ý nghĩa đối với cuộc sống để đọc mỗi ngày. Để lựa chọn những cuốn sách hay, có ý nghĩa, mỗi người có thể tham khảo qua những tập postcard giới thiệu sách, của những nhà xuất bản có uy tín như Kim Đồng, Nhã Nam, … Qua những cuốn sách đó, chúng ta không chỉ hình thành thói quen đọc sách mà còn có thêm cho những bài học, câu chuyện có ý nghĩa.
Không chỉ vậy, để rèn luyện thói quen đọc sách, chúng ta cũng cần xây dựng thêm các thư viện, bổ sung thêm các đầu sách phù hợp với các lứa tuổi, ngành nghề, lĩnh vực đời sống. Điều này giúp mở rộng không gian đọc sách, người đọc có thêm nhiều lựa chọn hơn. Đặc biệt, chúng ta cần đẩy mạnh việc chuyển thể các tác phẩm trong các cuốn sách thành các bộ phim, radio đọc sách, postcard chia sẻ về sách để đưa chúng đến gần hơn với mọi người. Các bộ phim, postcard sẽ khơi dậy trí tò mò, lòng ham đọc của người nghe, người xem. Từ đó, người đọc sẽ tìm đọc các cuốn sách được chia sẻ đó để khám phá, hiểu thêm về nội dung của chúng.
Hiện nay, ở những miền núi xa xôi, điều kiện học tập, đọc sách của học sinh nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, chúng ta cần có những chương trình quyên góp, trao tặng, xây dựng các thư viện sách tại các điểm trường. Có như vậy, những trẻ em vùng cao mới có thể tiếp cận với những cuốn sách hay, bổ ích. Có lẽ, trong chúng ta không ai không xúc động trước nghĩa cử cao đẹp của anh Nguyễn Tú Anh - người kiên trì trong suốt 11 năm xây 600 thư viện cho trẻ em vùng cao. Hành động của anh đã đem ánh sáng tri thức đến với trẻ em nơi đây, góp phần vào việc phát triển văn hóa đọc sách trong cộng đồng.
Quả thực, rèn luyện việc đọc sách là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm hơn cả hiện nay. Vì thế, chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng to lớn của việc đọc sách. Đồng thời, mỗi người cần đặt cho mình một mục tiêu, lựa chọn cuốn sách phù hợp, và kiên trì với việc đọc sách mỗi ngày. Là người ưa thích đọc sách, sau một ngày dài học tập, tôi luôn dành cho mình những phút giây bên trang sách để học tập những điều mới mẻ và giải tỏa những áp lực thông qua những câu chuyện ý nghĩa.
Đề 5: Làm thế nào để tìm ra màu sắc và nhiệt huyết của chính mình? Em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) để trả lời câu hỏi trên. |
BÀI LÀM
Trong tác phẩm “Bước chậm lại giữa thế gian vội vã”, Đại đức Hae Min từng nhắn nhủ: “Hỡi các bạn trẻ. Đừng cảm thấy khổ tâm do tự ti rằng bạn đang tuột lại phía sau người khác. Cuộc sống đâu phải là cuộc chiến cạnh tranh với bạn bè xung quanh, mà là cuộc chạy đua trường kì với bản thân mình. Đừng chỉ chăm chăm cố gắng vượt qua bạn mình. Mà thay vào đó hãy đầu tư thời gian để tìm ra màu sắc và nhiệt huyết của chính mình”. Lời chia sẻ ấy của Hae Min đã khẳng định tầm quan trọng của việc tìm ra “màu sắc và nhiệt huyết của chính mình” đối với giới trẻ hiện nay. Qua đó, chúng ta không thể không suy nghĩ trước câu hỏi: làm thế nào để tìm ra màu sắc và nhiệt huyết của chính mình?
“Màu sắc” cá nhân là những sở thích, đam mê, tính cách, cách hành xử, phẩm chất riêng tạo nên sự khác biệt, độc đáo so với mọi người xung quanh. Còn “nhiệt huyết” là sự say mê, lòng quyết tâm tận độ đối với điều mà mình yêu thích. Có thể khẳng định rằng, đối với giới trẻ hiện nay, việc tìm ra màu sắc và nhiệt huyết là điều vô cùng quan trọng trong quá trình học tập và theo đuổi những mục tiêu, ước mơ của chính mình.
Tìm ra màu sắc cá nhân giúp chúng ta hiểu rõ hơn về tính cách, sở thích, điểm mạnh, điểm yếu của chính mình. Từ đó, mỗi người sẽ xác định được những mục tiêu rõ ràng, phù hợp với bản thân trong học tập và cuộc sống. Trên hành trình tìm ra màu sắc cá nhân, đôi khi chúng ta trải qua những thử thách, thất bại, mất phương hướng, … Trong những giây phút ấy, nhiệt huyết trở thành ngọn lửa giúp ta kiên trì theo đuổi những mục tiêu, ước mơ của chính mình.
Tuy nhiên, hiện nay, có rất nhiều bạn trẻ chưa hiểu rõ được điểm mạnh, điểm yếu, sở thích của mình. Họ không đặt cho mình một mục tiêu rõ ràng, cụ thể trong học tập, công việc để theo đuổi. Khi đối diện với thất bại, nhiều bạn trẻ nản trí, không quyết tâm, cố gắng vượt qua điều đó. Điều này xuất phát từ bệnh thành tích, sự sĩ diện, những áp lực từ phía gia đình, bạn bè, … Nhiều người mải chạy theo những điều viển vông, không phù hợp với khả năng của chính mình. Những nguyên nhân đó dẫn tới tình trạng các bạn không có định hướng rõ ràng, sống buông thả, không nỗ lực trong học tập, phát triển bản thân. Không chỉ đối với cá nhân, việc người trẻ không xác định được màu sắc và nhiệt huyết của chính mình còn khiến xã hội kém phát triển.
Trước những hậu quả đó, chúng ta cần tìm cách để tìm ra màu sắc và nhiệt huyết của chính mình. Trước hết, mỗi người cần dành thời gian để lắng nghe chính mình, hiểu rõ mình muốn gì, điểm mạnh, điểm yếu của mình để đặt mục tiêu theo đuổi rõ ràng, phù hợp. Những sở thích, điểm mạnh đó có thể là âm nhạc, các môn thể thao, viết văn, làm toán, hội họa, … Việc hiểu rõ bản thân mình giúp chúng ta có thêm động lực, niềm đam mê theo đuổi những ước mơ, mục tiêu đặt ra trong học tập, hoàn thiện bản thân hơn trong cuộc sống. Trước khi trở thành chàng Youtuber nổi tiếng chuyên lan tỏa những điều tích cực về văn hóa, du lịch, ẩm thực của nhiều miền đất trong và ngoài nước, Khoai Lang Thang từng mất đi động lực cố gắng khi làm công việc mình không yêu thích. Nhận ra điều đó, anh đã dành thời gian lắng nghe để hiểu rõ hơn niềm đam mê của chính mình. Nhờ đó anh đã tìm ra niềm hứng thú, yêu thích với công việc dựng phim, quay các video chia sẻ những điều tích cực trên Youtube và đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp của mình.
Không chỉ vậy, xác định rõ mục tiêu, ước mơ bản thân muốn theo đuổi là một trong những giải pháp quan trọng giúp chúng ta khám phá màu sắc và nhiệt huyết của chính mình. Đó có thể là mục tiêu đạt điểm cao trong những bài kiểm tra trên lớp, đỗ vào ngôi trường mình mơ ước, đạt được những kì vọng của chính mình, trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình hay giúp đỡ cha mẹ một điều gì đó trong cuộc sống hàng ngày, … Những mục tiêu dù nhỏ bé hay lớn lao đó giúp chúng ta khám phá được những sở thích, phẩm chất, sở trường, sở đoản của bản thân mình. Điều này cũng giúp cá nhân không mất phương hướng trong học tập và cuộc sống.
Ngoài ra, mỗi cá nhân cũng cần không ngừng khám phá bản thân thông qua việc tham gia các câu lạc bộ thuộc nhiều lĩnh vực như âm nhạc, cầu lông, bóng đá, tình nguyện, … tự tin nói lên ý kiến của mình khi trao đổi với thầy cô, bạn bè trên lớp về một vấn đề gì đó. Qua việc tham gia các câu lạc bộ, các hoạt động trên lớp, … các bạn học sinh, sinh viên khám phá được bản thân phù hợp với điều gì nhất để theo đuổi, phát triển chính mình.
Không chỉ đối với cá nhân, gia đình cũng cần đồng hành cùng con trong quá trình khám phá bản thân. Cha mẹ không nên đặt kì vọng quá cao vào con cái, không áp đặt con đi theo con đường mà các bạn không đam mê,... Sự đồng hành của cha mẹ sẽ giúp các bạn có môi trường tốt nhất để con thỏa sức phát triển, thể hiện mình, theo đuổi những ước mơ, hoài bão của mình.
Quả thực, việc tìm ra màu sắc và nhiệt huyết của chính mình là điều vô cùng quan trọng đối với giới trẻ hiện nay. Chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn về điều này để tạo động lực cho bản thân trong học tập và cuộc sống. Là một học sinh, tôi biết tương lai rộng mở phía trước là bức tranh rộng lớn để tôi thỏa sức khám phá. Với đam mê và nhiệt huyết, tôi sẽ vẽ lên cuộc đời mình bằng màu của ước mơ, tình yêu thương và sự dịu dàng, tinh tế - những màu sắc xinh xắn của riêng tôi!
Đề 6: Em hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trả lời câu hỏi: Làm thế nào để học sinh giải tỏa được áp lực học tập? |
BÀI LÀM
Vào năm 2022, báo “Tuổi trẻ online” có đăng tải thông tin: “Ở bậc THCS và THPT tại Thành phố Hồ Chí Minh, có 12% học sinh cảm thấy bị stress, 22.58% em trong trạng thái lo âu, và 13% học sinh trầm cảm vì bài vở. Con số 13% như cảnh lời tỉnh khiến chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn về câu hỏi: Làm thế nào để học sinh giải tỏa được áp lực học tập?
Vậy áp lực học tập là gì? Áp lực học tập là là sự căng thẳng về tinh thần do nhiều nguyên nhân khác nhau ở các bạn học sinh. Điều này có thể gồm áp lực điểm số cao, từ sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô và chính bản thân các bạn học sinh tạo ra.
Trước hết, áp lực học tập bắt nguồn từ việc các bạn học sinh chưa tổ chức, sắp xếp lịch học, vui chơi một cách hợp lý. Khi đối diện với những áp lực, nhiều bạn chưa mạnh dạn nói lên lòng mình với mọi người xung quanh. Không chỉ từ phía học sinh, áp lực học tập còn xuất phát từ những kỳ vọng trường top, điểm cao của cha mẹ dành cho con mình. Mục tiêu trường top, điểm cao đã trở thành sợi dây vô hình trói buộc, trở thành “hòn đá tảng” đè nặng lên vai các em. Đặc biệt, khối lượng kiến thức nặng trên trường cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ở nhiều bạn học sinh.
Áp lực học tập đã để lại nhiều hậu quả nặng nề đối với học sinh. Nó đã gây nên tình trạng stress, lo âu, mệt mỏi, khiến cho sự tập trung của các bạn học sinh bị giảm sút. Bị áp lực quá lớn cũng khiến các bạn mắc một số vấn đề về tâm lý như trầm cảm, rối loạn tinh thần, … ảnh hưởng đến việc học tập. Điều này còn khiến các bạn chán học, không hứng thú với việc học, học chống đối không có hiệu quả.
Trước những hậu quả nặng nề mà áp lực học tập để lại, chúng ta cần làm gì để có thể giải tỏa được điều đó? Trước hết, mỗi học sinh cần lên cho mình một kế hoạch cụ thể, cân đối giữa việc vui chơi và học tập. Việc lên kế hoạch cụ thể, cân đối sẽ giúp các bạn học tập hiệu quả, giải tỏa được những áp lực, căng thẳng sau thời gian học tập dài. Đồng thời, khi gặp áp lực, các bạn cũng cần mở lòng chia sẻ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè và những người đáng tin cậy. Điều này sẽ giúp bạn nhận được những lời khuyên hữu ích từ cha mẹ, thầy cô, … Trong quá trình học tập, học sinh cũng có thể áp dụng các giải pháp thư giãn như nghe nhạc, đọc truyện, đọc sách, vui chơi, xem phim, … Các hoạt động này sẽ giúp chúng ta cân bằng lại tâm lí, tránh việc học quá nhiều dẫn đến căng thẳng.
Không chỉ đối với học sinh, gia đình cũng cần có những giải pháp thiết thực để đồng hành cùng con trong quá trình giải tỏa áp lực học tập. Mỗi cha mẹ cần phải biết lắng nghe, thấu hiểu hơn với con. Chỉ khi chúng ta biết lắng nghe, thấu hiểu, con trẻ mới có thể không ngần ngại mà mở lòng chia sẻ những áp lực mà bản thân chúng đang mắc phải. Không chỉ vậy, cha mẹ cũng nên dành cho con thời gian nghỉ ngơi không nên gò bó, ép buộc con trong việc học tập. Hơn thế, cha mẹ cũng không nên đặt kỳ vọng quá cao vào con trẻ. Bởi chỉ khi chúng ta không đặt kỳ vọng vượt quá sức, các em mới có thể bộc lộ được hết khả năng của mình, không quá bị ràng buộc bởi trường top, điểm cao. Đặc biệt, theo các chuyên gia khuyên rằng, cha mẹ cần làm bạn với con. Điều này là một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp cha mẹ có thể đồng hành với con trong việc giải tỏa những áp lực học tập.
Về phía nhà trường, các thầy cô cũng cần tổ chức các hoạt động vui chơi xen kẽ với việc học. Điều này sẽ giúp các em thoải mái, thư giãn sau những giờ học căng thẳng. Ngoài ra, việc điều chỉnh lại chương trình sao cho phù hợp với lứa tuổi cũng là một trong những giải pháp hiệu quả giúp các bạn học sinh có thể giảm bớt được áp lực mà học tập mang lại. Ở Thụy Sỹ, tại một lớp tiểu học, các thầy cô đã huấn luyện một chú chó để chơi với trẻ em. Thành viên đặc biệt trong lớp này đã giúp các em nhỏ giải tỏa được căng thẳng, bình tĩnh hơn trong các kì thi. Với những giải pháp như trên, tôi tin rằng với những giải pháp như trên, vào một ngày không xa, áp lực học tập sẽ không còn tồn tại ở học sinh.
Như vậy, áp lực học tập là một trong những tình trạng cần được giải quyết kịp thời. Mỗi chúng ta cần có những nhận thức đúng đắn về tác hại to lớn mà vấn đề gây ra đối với học sinh và xã hội. Đồng thời, mỗi người cũng cần có những giải pháp thiết thực phòng ngừa và ngăn chặn tình trạng này. Có như vậy, trẻ thơ mới phát triển một cách lành mạnh và toàn diện, những vụ việc thương tâm do áp lực học tập gây ra mới không hiện hữu trong đời sống của các bạn học sinh.
ĐỌC THÊM: TỔNG HỢP BÀI VIẾT MẪU TẤT CẢ CÁC DẠNG TRONG CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN 9
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học Phương pháp và luyện đề lớp 9
- Khóa học 20 ngày "chạy" Văn lớp 9
Tin liên quan