GHI NHỚ NHANH THÔNG TIN TÁC GIẢ, TÁC PHẨM “MÙA XUÂN NHO NHỎ”

Ngày 18/01/2021 10:47:58, lượt xem: 3774

GHI NHỚ NHANH THÔNG TIN TÁC GIẢ, TÁC PHẨM “MÙA XUÂN NHO NHỎ”

Có rất nhiều bạn học sinh trở nên sợ học Văn vì có quá nhiều các tác phẩm văn học với tác giả, thể loại khác nhau. Ngữ pháp thì đa dạng và phong phú. Để khắc phục được tình trạng sợ Văn đó, hôm nay Học văn chị Hiên sẽ chia sẻ tới các thông tin về tác giả, tác phẩm của bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” nhé!

I. Thông tin tác giả, tác phẩm

1. Thông tin về tác giả

- Thanh Hải (1930-1980) tên thật là Phạm Bá Ngoãn

- Quê quán tại Phong Điền - tỉnh Thừa Thiên Huế

 

- Sự nghiệp sáng tác

   + Từ năm 1954 đến năm 1964 Thanh Hải làm cán bộ tuyên huấn.

   + Từ năm 1964 đến năm 1967 ông phụ trách báo “Cờ giải phóng” của thành phố Huế sau đó ông làm Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam

   + Sau năm 1975 ông được làm Tổng thư kí Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên cùng là ủy viên thường vụ Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam.

   + Các tác phẩm tiêu biểu của ông: A vầu không chết, Mồ anh hoa nở, Tấm băng vẫn đi đầu, Núi vẫn nhớ người vẫn thương,.. Sau này những bài thơ trên đều được in trong tập thơ Những đồng chí trung kiên do NXB Văn học, Hà Nội.

 

MÙA XUÂN NHO NHỎ - BÀI SOẠN VĂN NGẮN GỌN, ĐẦY ĐỦ NHẤT

- Phong cách sáng tác

   + Nhà thơ thường viết về thiên nhiên và lòng yêu cuộc sống

   + Thơ của Thanh Hải bình dị, nhẹ nhàng nhưng đậm chất triết lý về cuộc đời thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết

SOẠN VĂN "MÙA XUÂN NHO NHỎ"

2. Thông tin về tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

 

- Bài thơ Mùa xuân nho nhỏ ra đời tháng 11/ 1980 trong hoàn cảnh đặc biệt:

- Đất nước vừa trải qua cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, nên kinh tế còn trì trệ, kém phát triển.

- Thanh Hải lúc đó đang nằm trên giường bệnh, sống những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.

Vì vậy, bài thơ được coi là những dòng chữ cuối cùng Thanh Hải để lại cho đời vừa  là  lời tổng kết cuộc đời ông, là một lời tâm niệm chân thành, lời gửi gắm tha thiết của nhà thơ với cuộc sống.

 

MỞ BÀI "MÙA XUÂN NHO NHỎ" - THANH HẢI SIÊU CHẤT

b. Mạch cảm xúc của bài thơ và bố cục

- Từ cảm xúc về mùa xuân thiên nhiên, đất trời 🡪 cảm xúc về mùa xuân đất nước 🡪 Ước nguyện trước mùa xuân.

Bài thơ gồm ba phần:

- Phần 1: Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân thiên nhiên( khổ 1)

- Phần 2: Cảm xúc của nhà thơ về  mùa xuân đất nước( 2 khổ tiếp theo)

- Phần 3: Khát vọng và lí tưởng sống cao đẹp của tác giả( 3 khổ còn lại)

 

c. Giá trị nội dung của bài thơ

Bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” là tiếng lòng tha thiết yêu mến và gắn bó với đất nước; với cuộc đời; thực hiện ước nguyện chân thành, tha thiết muốn được cống hiến thật nhiều cho đất nước góp một “ mùa xuân nho nhỏ” của mình vào mùa xuân lớn của dân tộc.

 

MỞ BÀI "MÙA XUÂN NHO NHỎ" - THANH HẢI SIÊU CHẤT

d. Giá trị nghệ thuật

- Thể thơ 5 chữ, nhạc điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca, đặc biệt là dân ca miền Trung.

- Kết hợp những hình ảnh tự nhiên giản dị ( Bông hoa, tiếng chim hót, vì sao…) với các hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát.

- Cấu tứ chặt chẽ lôgic: sự hài hòa giữa mùa xuân lớn và mùa xuân nho nhỏ, từ mùa xuân của đất trời đến mùa xuân của quê hương đất nước.

- Giọng điệu biến đổi phù hợp với mạch cảm xúc của tác giả: vui, say mê, trầm lắng, tha thiết.

3.  Ý nghĩa nhan đề văn bản

- Tính từ “nho nhỏ” ở nhan đề bài thơ đã cụ thể hóa, hữu hình hóa mùa xuân và mang đến những lớp nghĩa khác nhau:

+ Lớp nghĩa thực: Gợi về mùa xuân của đất trời, của thiên nhiên vũ trụ

+ Là hình ảnh ẩn dụ độc đáo thể hiện khát vọng lí tưởng muốn cống hiến tất cả những gì đẹp đẽ nhất tinh túy nhất cho cuộc đời, quê hương, đất nước của nhà thơ

II. Tìm hiểu văn bản

1. Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân thiên nhiên (khổ 1)

- Bài thơ mở ra một khung cảnh thiên nhiên trong trẻo và tràn đầy sức sống của mùa xuân.

- Bức tranh mùa xuân: Tác giả đã tái hiện lại khung cảnh mùa xuân của đất trời xứ Huế qua vài nét phác họa: một dòng sông xanh, một bông hoa tím biếc, một tiếng chim chiền chiện …

Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Mùa xuân được mở ra với không gian cao rộng ( với dòng sông, mặt đất, bàu trời bao la), cả màu sắc tươi thắm của  mùa xuân ( sông xanh, hoa tím biếc), cả âm thanh vang  vọng, tươi vui của chim chiền chiện lành lót gọi xuân về ( hót vang trời ). Hình ảnh thơ đẹp, giàu tính tạo hình, bức tranh xuân có tầng bậc, hài hòa giữa màu sắc và âm thanh, đậm sắc màu xứ Huế.

- Cảm xúc của tác giả: tươi vui, hồn nhiên, trong trẻo trước cảnh mùa xuân:

“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng”.

+  Có thể hiểu câu thơ “ Từng giọt long lanh rơi” theo nhiều cách khác nhau. Trước hết, “giọt long lanh” là những giọt mưa mùa xuân, giọt sương mùa xuân, trong sáng, rơi xuống từng nhành cây, kẽ lá như những hạt ngọc.
Ở đây, giọt long lanh cũng có thể được hiểu theo nghĩa ẩn dụng chuyển đổi cảm giác. Tiếng chim từ chỗ là âm thanh (cảm nhận bằng thính giác) chuyển thành từng giọt (hình và khối, cảm nhận bằng thị giác), từng giọt ấy lại long lanh ánh sáng và màu sắc, có thể cảm nhận bằng xúc giác “Tôi đưa tay tôi hứng”. Dù hiểu theo cách nào thì hai câu thơ vẫn thể hiện cảm xúc say sưa, ngây ngất của tác giả trước cảnh đất trời xứ Huế vào xuân, thể hiện mong muốn hoá vào thiên nhiên đất trời trong tâm tưởng giữa mùa đông giá lạnh khiến ta vô cùng khâm phục.

+ Lời  gọi “ơi”, lời hỏi “chi” khiến câu thơ trở thành lời trò chuyện trực tiếp với thiên nhiên, tác giả đưa vào thơ cách nói dịu ngọt thân thương cua xứ Huế, bộc lộ sự ngạc nhiên xúc động trước vẻ đẹp của mùa xuân xứ Huế.

 

=> Chỉ với vài nét vẽ, đan xen một chút chất nhạc, Thanh Hải đã phác họa được một bức tranh có cái hồn mùa xuân xứ Huế. Nó đủ đầy cả màu sắc, hình ảnh, âm thanh. Từ đó, bộc lộ được niềm say sưa, ngây ngất của tác giả trước thiên nhiên đất trời mùa xuân.

2. Cảm xúc của nhà thơ trước mùa xuân đất nước (2 khổ tiếp theo)

 

Từ vẻ đẹp của mùa xuân quê hương, Thanh Hải đã mở rộng để khám phá, ngợi ca vẻ đẹp của mùa xuân đất nước:

Mùa xuân người cầm súng

Lộc giắt đầy quanh lưng

Mùa xuân người ra đồng

Lộc trải dài nương mạ

Tất cả như hối hả 

Tất cả như xôn xao”.

- Thanh Hải chọn hai hình ảnh tiêu biểu người cầm súng và người ra đồng – hai hình ảnh tượng trưng cho hai nhiệm vụ chiến lược quan trọng : chiến đấu và sản xuất, bảo vệ và xây dựng đất nước. Cái hay của câu thơ là tác giả đã gắn hình ảnh người cầm súng và người ra đồng với màu xanh vô cùng gợi cảm của chồi non lộc biếc.

Lộc giắt đầy …, lộc trải dài… hình ảnh trùng điệp làm hiện ra cả mùa xuân đất trời trong màu xanh bất tận của lộc mới. Mùa xuân theo người lính ra trận, lộc non trên vành lá ngụy trang tiếp sức cho họ trên mỗi bước đường hành quân, gìn giữ mùa xuân vĩnh hằng cho dân tộc. Mùa xuân theo người nông dân ra đồng trước mắt họ trải ra màu xanh đầy sức sống, hay chính họ đang gieo mùa xuân trên khắp mọi miền Tổ quốc? Mùa xuân theo người cầm súng, người ra đồng đến mọi miền đất nước. Và chính những con người ấy đã đem mùa xuân đến cho đất nước giữa mùa xuân của thiên nhiên. Nhà thơ nghe thấy trong màu xanh tươi non của  của mùa xuân cái khí thế tưng  bừng; rộn rã, hối hả, xôn xao “ Tất cả như hối hả - Tất cả như xôn xao”.

Điệp từ “ tất cả” đi liền với từ láy “hối hả”, “ xôn xao” làm cho nhịp thơ trở nên nhanh, gấp, gợi một nhịp sống sôi động, hối hả khẩn trương trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước

- Trước mùa xuân của đất nước, nhà thơ đã suy ngẫm về đất nước: 

+ Đất nước vừa lớn lao vừa gần gũi:

Đất nước bốn ngàn năm

Vất vả và gian lao

Nghệ thuật nhân hóa, đất nước như con người trải qua bao vất vả gian lao của thăng trầm lịch sử. Vẻ đẹp đất nước là vẻ đẹp của sức sống bền bỉ, mãnh liệt.

+ Đất nước tỏa sáng trong tương lai:

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước

Nhà thơ so sánh tầm vóc, vị thế của đất nước với nguồn sáng lấp lánh của vì sao để bày tỏ niềm tự hào, niền tin tưởng về tương lai tươi sáng, về sức sống trường tồn vĩnh cửu của dân tộc, không kẻ thù nào có thể ngăn nổi bước tiến của dân tộc ta.

Điệp từ “ đất nước” cộng với cấu trúc song hành ‘ đất nước bốn nghìn năm…đất nước như vì sao…” diễn tả sự vận động đi lên của lịch sử và khẳng định sự trường tồn vĩnh cửu của đất nước

Cụm từ “ cứ đi lên” thể hiện ý chí, lòng quyết tâm và niềm tin sắt đá của nhà thơ và cả dân tộc về tương lai tươi sáng của đất nước.

-> Giọng thơ vừa tha thiết sôi nổi, vừa trang trọng đã gói trọn niềm yêu mến tự hào, tin tưởng của nhà thơ vào đất nước.

3. Khát vọng và lí tưởng sống cao đẹp cuả nhà thơ (3 khổ còn lại)

Từ xúc cảm về mùa xuân của thiên nhiên, đất nước, Thanh Hải tha thiết mong ước được hóa thân để sống biến thật nhiều cho cuộc đời:

Ta làm con chim hót

Ta làm một nhành hoa

Ta nhập vào hòa ca

Một nốt trầm xao xuyến.

- Điệp cấu trúc: “Ta làm…, ta nhập vào” được đặt ở vị trí đầu của ba câu thơ đã khiến cho nhịp điệu thơ trở nên nhẹ nhàng, khiến cho câu thơ như một lời thủ thỉ tâm tình về khát vọng được hòa nhập vào cuộc sống của đất nước, được cống hiến phần tốt đẹp – dù nhỏ bé của mình cho cuộc đời chung cho đất nước. 

- Những hình ảnh “ con chim hót”, “ cành hoa”, “ nốt trầm xao xuyến” là những hình ảnh giản dị nhưng cũng thật hàm xúc:

+ Con chim cất cao tiếng hát để làm vui cho đời; cành hoa điểm sắc để thắm cho mùa xuân, một nốt trầm trong muôn nốt nhạc của bản hòa ca môn điệu. Đó là những hình ảnh hết sức giản dị, nhỏ bé song đã cho thấy  ước nguyện khiêm nhường mà cao quí của thi nhân

+ Những hình ảnh này có sự đối ứng chặt chẽ với những hình ảnh mở đầu của bài thơ để khẳng định một lẽ tự nhiên: con chim sinh ra là để dâng hiến cho đời, bông hoa sinh ra là để tỏa hương sắc, bản hòa ca tưng bừng rộn rã song không thể thiếu nốt trầm.

- Thay đổi cách xưng hô, tôi – ta, cảm xúc cá nhân trước mùa xuân thiên nhiên, đất nước đã chuyển hóa thành cái ta, vừa là cá nhân vừa đại diện cho số đông,  ước nguyện của tác giả cũng là ước nguyện chung của mọi người.

- Tác giả còn tha thiết được hòa mình vào cuộc sống muôn người, làm “ nốt trầm xao xuyến” trong bản hòa ca bất tận của cuộc đời, cống hiến lặng thầm, không phô trương, cống hiến phần tinh túy nhất cho quê hương, đất nước.

- Nhà thơ ước được làm “ Một mùa xuân nho nhỏ” để “ Lặng lẽ dâng cho đời” tác giả ví ngầm cuộc đời mình và cuộc đời mỗi người là “ Một mùa xuân nho nhỏ”, đây chính là hình ảnh ẩn dụ đặc sắc của nhà thơ Thanh Hải.

+ Từ láy “ nho nhỏ” thể hiện ước muốn, khát vọng khiêm tốn và giản dị của nhà thơ. Gợi về những gì đẹp đẽ và tinh túy nhất của cuộc đời con người để góp cho mùa xuân đất nước.

+ Tính từ “lặng lẽ” đã cho thấy vẻ đẹp của một tâm hồn, lối sống và nhân cách. Mùa xuân của Thanh Hải không hề ồn ào, khoa trương, náo nhiệt mà lặng lẽ hiến dâng.

- Điệp cấu trúc ngữ pháp “ dù là…dù là”.. và hình ảnh tương phản “ tuổi hai mươi” và “khi tóc bạc” khiến cho lời thơ như một lời hứa, lời tự nhủ với mình. Đồng thời, khẳng định sự tồn tại bền vững của những khát vọng sống, lí tưởng sống là cống hiến hi sinh.

- Bài thơ khép lại trong giai điệu ngọt ngào, êm dịu của làn điệu dân ca trữ tình xứ Huế. “Khúc nam ai” là khúc nhạc buồn thương, da diết để gợi mùa xuân hiện tại với cuộc sống thanh bình, no ấm. “ Nhịp phách tiền” là điệu nhạc rộn ràng để khép lại bài thơ, đó là giai điệu của cuộc sống mới, sức sống mới của dân tộc. -> Tình yêu đời, yêu cuộc sống trỗi dậy thật mãnh liệt, trở thành khúc hát tâm tình trong những dòng thơ cuối. Khúc hát đó thật cảm động, cao quí và đáng trân trọng biết bao.

 

Để hiểu hơn về toàn bộ các tác giả cùng kiến thức tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh sở hữu bộ "Sổ tay văn học" nhé! Xem bản đọc thử  Tại đây

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn


 

Tin liên quan