TỔNG HỢP VIẾT MẪU LỆNH PHỤ CÓ THỂ GẶP TRONG ĐỀ PHÂN TÍCH "AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG”

Ngày 29/12/2023 17:12:24, lượt xem: 1974

Chị nhận được rất nhiều yêu cầu về những đoạn viết mẫu cho các lệnh phụ có thể xuất hiện trong bài Nghị luận văn học. Hôm nay thì chị đã làm phần viết mẫu đó cho bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường rồi đây!

 

 

1. Nhận xét về chất trữ tình/chất thơ trong hình ảnh sông Hương

Xuôi dòng theo những trang viết của Hoàng Phủ Ngọc Tường đặc biệt là trong bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” mỗi bạn đọc đều có thể nhận ra tác phẩm này có trong mình chất trữ tình đậm đà. Trước tiên, nó được thể hiện qua cái “tôi” mê đắm, tài hoa. Người nghệ sĩ ấy không miêu tả sông Hương như một dòng chảy thông thường mà đặt sông Hương trong dòng chảy văn hóa, lịch sử của Huế, mỗi lần sông Hương uốn mình chuyển dòng là một lần sông Hương mang vẻ đẹp riêng. Bên cạnh đó còn là một cái “tôi” lịch lãm, uyên bác. Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khám phá những đặc điểm độc đáo của sông Hương trên phương diện địa lý, văn hóa, hội họa. Chính từ những góc nhìn đa dạng ấy, mỗi người đọc không chỉ được cung cấp một lượng tri thức lớn mà còn cảm nhận được những vẻ đẹp đa chiều trên từng góc độ rất riêng về dòng sông đầy thơ và mộng này. Từ việc cảm nhận về sông Hương bằng góc nhìn trữ tình, nhà văn không chỉ giúp tái hiện sinh động con sông xứ Huế mà bên cạnh đó còn thể hiện sâu sắc niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước nồng nàn, thiết tha, sâu lắng.

 

2. Nhận xét về phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện trong đoạn trích/tác phẩm

Đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” tiêu biểu cho phong cách bút kí vì chất tự do, phóng túng và hình tượng “cái tôi” trí tuệ, tài hoa, một hồn thơ thực sự trong văn xuôi với trí tưởng tượng lãng mạn và những xúc cảm sâu lắng. Đó còn là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất nghệ thuật và chất trữ tình bởi sự quan sát, liên tưởng bằng lăng kính của tình yêu và lãng mạn. Cùng với vốn hiểu biết phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý và tình yêu say đắm với dòng sông quê hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm hiện lên những vẻ đẹp khác nhau của dòng sông Hương, chất thơ của cảnh sắc thiên nhiên xứ Huế, thấy được bề dày văn hóa của Huế và những nét đằm thắm, duyên dáng riêng của tâm hồn của con người đất cố đô. Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa. Cái lối hành văn mê đắm ấy được tạo nên bởi vốn ngôn từ đẹp, tao nhã, tinh tế, lịch lãm cùng những ví von, so sánh, nhân hóa giàu chất thơ, chất nhạc, chất họa.

 

ĐỌC THÊM: BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC PHÂN TÍCH VẺ ĐẸP SÔNG HƯƠNG THEO THỦY TRÌNH

 

3. Nhận xét tình cảm Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho sông Hương/xứ Huế/đất nước

Hoàng Phủ Ngọc Tường cất tiếng khóc chào đời tại Huế. Huế không phải quê gốc nhưng là nơi nhà văn lớn lên, trưởng thành và gắn bó nhiều. Có lẽ cũng chính vì điều này mà ông yêu thương thành phố Huế thiết tha, tình cảm ông dành cho Huế nói chung và sông Hương nói riêng là vô cùng sâu nặng. Nhìn vào những trang văn của người nghệ sĩ này, bạn đọc phát hiện ra, chảy suốt đời văn và đời người của Hoàng Phủ Ngọc Tường là dòng sông Hương, nhưng ngược lại nếu không có những trang viết của ông Hương giang đã không long lanh như thế trong lòng bao nhiêu người đọc dù đã đến hay chưa đến Huế. Phải yêu Huế lắm, gắn bó với Huế lắm tác giả mới dẫn người đọc vào không gian đó cùng với mình, để thấy lòng lắng lại, đánh thức người đọc hoài niệm về những tình cảm dành cho mảnh đất cố đô yêu dấu và đặc biệt là dòng sông Hương. Sông Hương và Huế, đã đến với bạn đọc qua những trang văn – trang hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường và bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông” để bạn đọc cũng từ đó cảm nhận được sâu sắc về mối tình sâu nặng giữa Hoàng Phủ và Huế thương. Lời “tạ từ” của nhà văn này dường như thêm một lần nữa khắc sâu hơn vào trái tim độc giả về mối tình nặng sâu này: “...tôi đã không ngần ngại gửi tâm hồn mình vào tác phẩm, vẽ lại đời mình bằng màu nước của dòng sông, nó xanh biếc và yên tĩnh như một lẽ vĩnh hằng trong cảnh vật cố đô”. 

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học Văn Vip 2k6

Tin liên quan