BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC PHÂN TÍCH VẺ ĐẸP SÔNG HƯƠNG THEO THỦY TRÌNH

Ngày 08/06/2023 08:04:44, lượt xem: 13118

Đề bài:
Trong bài bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường đã nhiều lần ví von vẻ đẹp sông Hương.
Lúc ở thượng nguồn: “Giữa lòng Trường Sơn, sông Hương đã sống một nửa cuộc đời của mình như một cô gái Di - gan phóng khoáng và man dại. Rừng già đã hun đúc cho nó một bản lĩnh gan dạ, một tâm hồn tự do và trong sáng. Nhưng chính rừng già nơi đây, với cấu trúc đặc biệt có thể lí giải được về mặt khoa học, đã chế ngự sức mạnh bản năng ở người con gái của mình để khi ra khỏi rừng, sông Hương nhanh chóng mang một sắc đẹp dịu dàng và trí tuệ, trở thành người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”.
Khi về ngoại vi thành phố Huế: “Phải nhiều thế kỉ đi qua, người tình mong đợi mới đến đánh thức người gái đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Nhưng ngay từ đầu vừa ra khỏi vùng núi, sông Hương đã chuyển dòng một cách liên tục, vòng giữa khúc quanh đột ngột, uốn mình theo những đường cong thật mềm, như một cuộc tìm kiếm có ý thức để đi tới gặp thành phố tương lai của nó”.
Và khi tạm biệt kinh thành Huế: Sông Hương “như sực nhớ ra một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ. Đối với Huế, nơi đây chính là chỗ chia tay dõi xa ngoài mười dặm trường đình. Riêng với sông Hương, vốn đang xuôi chảy giữa cánh đồng phù sa êm ái của nó, khúc quanh này thật bất ngờ biết bao. Có một cái gì rất lạ với tự nhiên và rất giống với con người ở đây; và để nhân cách hóa nó lên, tôi gọi đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu. Và giống như nàng Kiều đêm tình tự, ở ngã rẽ này, sông Hương đã chí tình trở lại tìm Kim Trọng của nó, để nói một lời thề trước khi về biển cả…”.
(Ai đã đặt tên cho dòng sông?, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngữ văn 12, tập 1)
Phân tích vẻ đẹp hình tượng sông Hương trong những lần miêu tả trên. Từ đó làm nổi bật phong cách kí của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường.

 

 

Bài làm:
Sông Hương – bản tình ca dịu êm của Huế. Nói đến sông Hương nhiều người hình dung dòng sông êm ả, thơ mộng nơi cây cầu Tràng Tiền hay thành quách, đền đài, chùa miếu cổ kính soi mình. Nhưng còn có một sông Hương rất khác được nhìn qua lăng kính của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đó là dòng sông được nhìn từ cội nguồn Trường Sơn với những cụm rừng già nguyên sinh hoang sơ xanh ngút ngàn bên dòng nước nơi giang đầu xanh biếc. Và có một sông Hương thật tình tứ lãng mạn nơi ngoại vi thành phố Huế để rồi dòng sông ấy trở thắm thiết chung tình khi phải rời xa Huế. Tất cả những vẻ đẹp ấy được Hoàng Phủ Ngọc Tường đặc tả qua ba đoạn trích, lúc sông Hương nơi thượng nguồn: “Giữa lòng Trường Sơn … văn hóa xứ sở”; sông Hương khi về ngoại vi thành phố Huế: “Phải nhiều thế kỷ … thành phố tương lai của nó” và cuối cùng là khi sông Hương tạm biệt thành phố Huế “như sực nhớ ...khi về biển cả…”. Chính những nét đẹp ấy đã góp phần thể hiện phong cách kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Tôi còn nhớ nhà văn Tô Hoài từng nói: “Hoàng Phủ Ngọc Tường thì thầm cả tâm hồn trong khuôn mặt cuộc đời cùng với đất trời, sông nước của Huế”. Huế mộng mơ và yêu kiều không biết từ khi nào đã thấm vào máu của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Không ngại bày tỏ tình cảm của mình với xứ Huế thân thương, bài kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” được viết năm 1981 và xuất bản năm 1986 trong tập ký cùng tên như một minh chứng cho tình cảm son sắt, nồng nhiệt mà tác giả dành cho nơi đây. “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là bút kí tiêu biểu cho phong cách sáng tác của ông, nó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý...Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.
Trong khám phá của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương là dòng sông thuộc về một thành phố duy nhất, dòng sông hiền hòa ôm trọn Huế - kinh đô muôn đời của các bậc đế vương. Dòng sông ấy còn là một minh chứng lịch sử cho sự thay da đổi thịt của Huế. Sông Hương là đối tượng để bộc lộ tâm tình, là khách thể của trang viết trong sự thể hiện cái tôi của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Sông Hương chính là đối tượng để khảo cứu làm nên vẻ đẹp của xứ Huế. Chính vì vậy, sông Hương đã được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau, từ góc độ địa lý đến lịch sử và qua góc nhìn văn hóa, thơ ca. Ở góc độ địa lý, Hoàng Phủ Ngọc Tường tìm hiểu trực tiếp sông Hương ở thượng nguồn để phát hiện nhiều vẻ đẹp khác nhau của dòng sông.
Ở thượng nguồn, sông Hương mang vẻ đẹp hùng vĩ trữ tình. Chẳng phải ngẫu nhiên khi người ta gọi sông Hương là “bản trường ca của rừng già”. Ở nơi khơi nguồn của dòng chảy, gắn liền với đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, con sông toát lên vẻ đẹp của một sức sống mãnh liệt, vừa hùng tráng, vừa trữ tình như bản trường ca bất tận về thiên nhiên: “rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn, mãnh liệt qua những ghềnh thác, cuộn xoáy như những cơn lốc vào đáy vực bí ẩn và cũng có lúc nó trở nên dịu dàng và say đắm giữa những rặng dài chói lọi của hoa đỗ quyên rừng.” Sắc đỏ “chói lọi” ấy của loài đỗ quyên càng làm nổi bật lên cái dáng điệu rộn rã, bừng bừng khí thế của một dòng sông giữa lòng Trường Sơn hoang dã và bí ẩn, tựa như tuổi trẻ son sắt của những chàng trai, những cô gái đang thỏa sức vẫy vùng giữa biển trời thanh xuân nồng nhiệt, sống động. Cuối cùng cái vẻ hùng tráng và nét dịu dàng, đắm say, trữ tình của dòng sông đã dung hợp, bổ khuyết cho nhau để tạo nên một Hương giang kỳ vĩ, cá tính và gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc. Nhưng bấy nhiêu đấy vẫn chưa đủ để làm nổi bật hẳn cái cá tính của dòng Hương giang giữa muôn vàn các dòng sông của nhiều tác giả khác thế nên Hoàng Phủ Ngọc Tường đã chọn cách nhân hóa sông Hương, khoác lên cho nó một tính cách thật đặc biệt bằng dáng vẻ của một người con gái Di-gan “phóng khoáng và hoang dại” thật quyến rũ, bí ẩn, cùng với “bản lĩnh gan dạ tâm hồn tự do và trong sáng”. Đó là tính cách mạnh mẽ, phóng túng của những cô gái ưa thích cuộc sống tự do, nay đây mai đó, những cô gái xinh đẹp và bí ẩn, yêu thích ca hát và nhảy múa được gắn cho dòng chảy hoang dã khiến sông Hương khúc thượng nguồn càng trở nên quyến rũ, đắm say. Nhà văn lí giải sự tương phản của sông Hương ở thượng nguồn và hạ lưu không chỉ bằng những kiến thức địa lí đơn thuần mà còn bằng cái nhìn suy tư thấm đẫm tình yêu. Trong cái nhìn ấy, Sông Hương hiện lên như một cô gái đầy nữ tính, khi mãnh liệt, cháy bỏng, lúc lại êm đềm, trầm mặc. Khi ra khỏi rừng, sông Hương trở thành “người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở”. Dòng sông đã hoàn toàn rũ bỏ cái cá tính mạnh mẽ, hoang dại để trở mình biến thành một người phụ nữ dịu dàng, một người mẹ bao dung, ngàn đời nuôi dưỡng những đứa con trong Huế bằng dòng sữa phù sa ngọt ngào, bằng hương thơm thân thuộc, bằng vẻ đẹp “dịu dàng và trí tuệ”. Nhắc nhở con người nhớ lại sự hy sinh to lớn của bà mẹ Hương giang ngàn đời đã dang rộng vòng tay ôm ấp, hy sinh, trải qua biết bao nhiêu thế hệ thăng trầm nuôi lớn đứa con cố đô bằng tất cả tấm lòng yêu thương, mong đợi. Có thể nói rằng với sự liên tưởng này Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ biến sông Hương thành một thực thể có linh hồn có xúc cảm, giúp bạn đọc có thêm một góc nhìn, một sự hiểu biết vẻ đẹp hùng vĩ, man dại đầy chất thơ của sông Hương mà còn đặc biệt nhấn mạnh làm nổi bật mối quan hệ diệu kỳ, gắn bó sâu sắc của dòng sông với mảnh đất cố đô bao đời nay, góp phần tạo nên, gìn giữ và bảo tồn văn hóa của một vùng thiên nhiên, xứ sở. Điều đó cũng phần nào thể hiện được tấm lòng gắn bó của nhà văn với quê hương, gắn bó với dòng sông có nhiều nét cá tính độc đáo này. Bằng những hình ảnh phong phú, những liên tưởng tài hoa và thủ pháp nhân hóa đặc sắc đã làm dòng sông Hương nơi thượng nguồn với vẻ đẹp của một sức sống mãnh liệt đầy cá tính song cũng hết sức dịu dàng.

 

ĐỌC THÊM Vẻ đẹp sông Hương qua góc độ địa lý - Nhận xét về phong cách nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường


Trong cái nhìn tình tứ và lãng mạn của nhà văn, toàn bộ cuộc hành trình của dòng sông từ thượng nguồn về tới Huế giống như “một cuộc tìm kiếm có ý thức” người tình nhân đích thực của một cô gái trong câu chuyện cổ tích lãng mạn về tình yêu. Sau khi vượt qua những gian truân và thử thách của cố đô qua cái nhìn tình tứ của Hoàng Phủ Ngọc Tường thì sông Hương có cơ hội phô khoe tất cả những vẻ đẹp của mình, từ những đường cong tuyệt mĩ trên thân hình mềm mại, kiều diễm cho đến những âu yếm, nồng nàn trong tâm hồn người con gái đang khao khát, đắm say tìm đến với tình yêu. Sông Hương như “người đẹp ngủ mơ màng giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại”, sông Hương hiện ra như “một cô gái đẹp mơ màng” vừa bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài trong rừng sâu, vươn mình ra khỏi vùng núi trầm mặc, bừng thức sức sống trẻ trung và niềm khao khát thanh xuân khi “chuyển dòng liên tục, khi vòng đột ngột, khi uốn lượn, khi uốn mình trong những đường cong thật mềm, khi vẽ một hình cũng thật tròn, …” Những câu văn dài nối tiếp nhau làm nên dòng chảy miên man của dòng sông, vừa mạnh mẽ với những dư vang của Trường Sơn như còn phảng phất, vừa duyên dáng với những khúc lượn vòng mềm mại, đầy nữ tính. Hành trình của dòng sông để đến với vẻ đẹp bình lặng “dịu dàng, trí tuệ” cho thấy sự mạnh mẽ của niềm khao khát, của bản lĩnh kiên cường giấu trong vẻ dịu dàng, duyên dáng. Vẻ đẹp của sông Hương khi chảy về ngoại vi thành phố chính là sự hắt bóng kỳ diệu của quần thể thiên nhiên thơ mộng xứ Huế. Thiên nhiên Huế như nguồn phù sa tuyệt vời bồi đắp vẻ đẹp nên thơ cho dòng sông Hương - người con gái dịu dàng của mình.
Sông Hương chảy vào lòng thành phố được gặp lại người tình thân yêu khiến sông Hương trở nên tình tứ thủy chung. Vừa dịu dàng mềm mại như một bức tranh lụa huyền ảo, vừa tha thiết đắm say như một bản nhạc êm đềm. Nhưng có lẽ cuộc gặp gỡ người tình cũng sắp phải kết thúc bởi dòng sông Hương vẫn tiếp tục cuộc hành trình miên man xa dần thành phố nhưng sau đó như sực nhớ ra điều gì đã “đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông để gặp lại thành phố lần cuối…” Với khúc rẽ ngoặt độc đáo được khám phá ở chiều sâu tính cách lãng mạn, đa cảm và chung tình. Đây là chỗ chia tay xa mười dặm trường đình. Một khúc quanh đột ngột biết bao! Một khúc quanh, một bước rẽ chẳng phải vô tình! Lí giải hướng chảy, khúc ngoặt của dòng sông, tác giả không giải mã như những nhà khoa học mà qua cái nhìn của của tình yêu. Vì thế dòng sông như một cố gái Huế vừa mãnh liệt vừa tha thiết chung tình và có chút lẳng lơ kín đáo. Nhà văn hình dung sông Hương như nàng Kiều trở về tìm Kim Trọng để trao lời thề trước khi đi xa. Một phát hiện thực độc đáo, thú vị và đậm màu sắc văn chương. Hương giang vốn đẹp nay càng đẹp hơn, trọn vẹn hơn, một vẻ đẹp hài hòa giữa hình dáng bên ngoài và phần tâm hồn sâu thẳm bên trong. Sự gắn bó của sông Hương với Huế là sự gắn bó của một cặp tình nhân chung thủy và hành trình sông Hương từ thượng nguồn đến ngoại vi và khi phải rời xa thành phố Huế là hành trình đầy gian truân thử thách, từ đó tác giả làm nổi bật diện mạo xinh đẹp, dịu dàng của một cô gái Di - gan phóng khoáng, man dại tới người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở. Từ một người đẹp nằm mơ màng đang đợi người tình trăm năm đến đánh thức đến nàng Kiều trong đêm tự tình, rồi khi làm tròn bổn phận, sông Hương trở về làm người con gái dịu hiền của đất nước. Sông Hương không chỉ là dòng chảy địa lí đơn thuần mà đã trở thành tâm hồn xứ Huế hóa thân, có mãnh liệt, man dại đấy nhưng rồi vẫn trở về đúng nghĩa đằm thắm, chung thủy.
Đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” tiêu biểu cho phong cách bút kí vì chất tự do, phóng túng và hình tượng “cái tôi” trí tuệ, tài hoa, một hồn thơ thực sự trong văn xuôi với trí tưởng tượng lãng mạn và những xúc cảm sâu lắng. Đó còn là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất nghệ thuật và chất trữ tình bởi sự quan sát, liên tưởng bằng lăng kính của tình yêu và lãng mạn. Cùng với vốn hiểu biết phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lý và tình yêu say đắm với dòng sông quê hương, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm hiện lên những vẻ đẹp khác nhau của dòng sông Hương, chất thơ của cảnh sắc thiên nhiên xứ Huế, thấy được bề dày văn hóa của Huế và những nét đằm thắm, duyên dáng riêng của tâm hồn của con người đất cố đô. Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa. Cái lối hành văn mê đắm ấy được tạo nên bởi vốn ngôn từ đẹp, tao nhã, tinh tế, lịch lãm cùng những ví von, so sánh, nhân hóa giàu chất thơ, chất nhạc, chất họa.
Có thể nói Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mang đến những phát hiện mới lạ và độc đáo về sông Hương qua thủy trình từ thượng nguồn tìm về biển. Một cuộc hành trình đầy gian truân thử thách. Một cuộc hành trình khiến ta nhận ra sông Hương là một người con gái đẹp, lúc mang dáng vẻ e thẹn, táo bạo trong tình yêu của lứa tuổi đôi mươi, lúc lại mang dáng vẻ của người phụ nữ điềm đạm. Qua đó ta thấy bàng bạc một tình cảm yêu mến, gắn bó tha thiết, một niềm tự hào và thái độ trân trọng, gìn giữ của nhà văn đối với những vẻ đẹp thiên nhiên và đậm màu sắc văn hóa của dòng sông quê hương.
“Dòng sông ai đã đặt tên
Để người đi nhớ Huế mãi không quên
Xa con sông mang bao nhiêu nỗi nhớ
Người ở lại tháng năm đợi chờ”.

 

Đồng hành cùng chị trong KHÓA HỌC 10 NGÀY "CHẠY" VĂN để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan