PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TNÚ TRONG “RỪNG XÀ NU” - NGUYỄN TRUNG THÀNH

Ngày 24/01/2021 18:50:26, lượt xem: 9370

PHÂN TÍCH NHÂN VẬT TNÚ TRONG “RỪNG XÀ NU” - NGUYỄN TRUNG THÀNH

Nhân vật Tnú là nhân vật trung tâm trong tác phẩm "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành, đây là hình tượng nổi bật nhất cho chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Tnú vừa là đại diện số phận, vừa là kết tinh của lòng yêu nước và những phẩm chất tốt đẹp của người dân Tây Nguyên. Và đã có ý kiến cho rằng “Tnú là con người trung thực, gan dạ, dũng cảm, tuyệt đối trung thành với cách mạng. Ý kiến khác lại khẳng định: Tnú là con người chứa chan tình yêu thương.” Hãy cùng Học văn chị Hiên tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây nhé!

Đề bài: Về nhân vật Tnú trong “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành, có ý kiến cho rằng: “Tnú là con người trung thực, gan dạ, dũng cảm, tuyệt đối trung thành với cách mạng. Ý kiến khác lại khẳng định: Tnú là con người chứa chan tình yêu thương. Nêu ý kiến của anh/chị. 

Bài làm

Nguyễn Trung Thành là nhà văn có duyên nợ với mảnh đất Tây Nguyên. Qua hai cuộc kháng chiến cùng vào sinh ra tử với những người dân nơi đây đã cung cấp cho Nguyễn Trung Thành một vốn hiểu biết vô cùng sâu rộng về mảnh đất âm vang tiếng cồng chiêng trong mùa lễ hội, nơi có những người con trung dũng, kiên cường. Nếu trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Trung Thành - bút danh Nguyên Ngọc nổi tiếng cùng “Đất nước đứng lên” thì trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là những năm 1965 khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam đang diễn ra gay go ác liệt thì Nguyễn Trung Thành cho ra mắt người đọc truyện ngắn “Rừng xà nu”. Tác phẩm này đã là một bản hùng ca, ca ngợi cuộc sống và con người Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh vĩ đại. Và nổi bật trong tác phẩm này chính là nhân vật Tnú - là nhân vật trung tâm của tác phẩm mang biểu tượng là một người anh hùng kết tinh của vẻ đẹp dân tộc 

Nguyễn Trung Thành là một trong những cây bút xuất sắc nhất trong nền văn học hiện đại Việt Nam. Sở trường của ông viết về vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, thơ mộng mà anh hùng, bất khuất. Bằng sự trải nghiệm của mình, tác giả hiểu biết về phong tục tập quán và con người Tây Nguyên - nơi ông từng yêu mến và gắn bó trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị và ghi lại những dấu ấn đối với độc giả bởi truyện của Nguyễn Trung Thành có lối viết trong sáng, chặt chẽ, ngôn ngữ đẹp, giàu chất hiện thực nhưng lại có tầm khái quát cao, đậm chất sử thi và cảm hứng lãng mạn, tất cả đều tạo sức hấp dẫn và lôi cuốn người đọc. Một trong những tác phẩm không thể không kể đến đó là truyện ngắn “Rừng xà nu”. Tác phẩm được viết năm 1965 và in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc” trong không khí khi cả nước ta sục sôi đánh Mỹ. Tác phẩm được hoàn thành ở khu căn cứ của chiến trường miền Trung Trung bộ. Thông qua câu chuyện về những con người anh hùng ở một buôn làng hẻo lánh, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh bất tận, ta thấy được Tnú- một chiến sĩ có những phẩm chất tốt đẹp và đầy ý chí, là anh hùng cách mạng của dân tộc. 

Tnú sớm mồ côi cha mẹ, anh lớn lên trong tình yêu thương của dân làng Xô man. “Nó là người Strá mình, cha mẹ nó chết sớm, làng Xô Man này nuôi nó. Đời nó khổ nhưng bụng nó sạch như nước suối làng ta”. Anh lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của người dân thế nên trong con người anh đầy đủ phẩm chất của một người biết suy nghĩ, chín chắn, có niềm tin yêu trong cuộc sống, tin vào chính mình, có tình yêu với quê hương, đất nước, với những gì thân thuộc xung quanh mình như tiếng chày giã gạo của những cô gái, con nước mát lạnh đầu bản, những cụ già, những em nhỏ… Tất cả những phẩm chất tốt đẹp trong anh đều bắt nguồn từ tình yêu thương và sự tri ân mà anh dành cho cội nguồn của mình. 

Tnú là nhân vật trung tâm của tác phẩm. Trong tiếng dân tộc, Tnú có nghĩa là anh hùng. Nhà văn lấy nguyên mẫu từ một con người có thật đó là anh Đề- người dân tộc Xơ- đăng, ở Tây Nguyên để chuyển thành hình tượng Tnú trong tác phẩm của mình. Câu chuyện cuộc đời và những năm tháng gắn bó với mảnh đất này là câu chuyện được sử thi hóa qua lời kể của cụ Mết. Tác giả bằng tài năng nghệ thuật của mình kết hợp với âm hưởng sử thi đã chi phối với nhau trong khi xây dựng nhân vật này. Đọc tác phẩm, ta thấy Tnú được xây dựng như hình tượng một nhân vật mang tính lý tưởng của cách mạng, một người hội tụ các phẩm chất cao quý. 

Đầu tiên ở nhân vật Tnú hiện lên là một con người gan góc, dũng cảm, mưu trí ngay từ nhỏ. Anh dám đi tiếp tế lương thực cho cán bộ, làm liên lạc cho cán bộ từ xã lên huyện. Và cũng từ đấy, Tnú bộc lộ một trí tuệ hơn người. “Nó không thích lội nước chỗ êm cứ lựa chỗ thác mạnh mà bơi, vượt lên mặt nước, cưỡi lên thác băng băng như con cá kình” bởi theo Tnú “qua chỗ nước êm thằng Mĩ- Diệm hay phục, qua chỗ nước mạnh nó không ngờ”. Cuộc đời Tnú không có một con đường thẳng băng, êm ả để đi mà anh luôn đối mặt với những con đường đầy nguy hiểm. Nhưng trong anh luôn thể hiện một khí thế dũng cảm, được thể hiện trong cách anh đối diện với kẻ thù. Khi giặc vây ở các ngả đường thì Tnú leo lên một cái cây cao, tìm mọi cách để đấu trả lại với bọn giặc, nhìn quanh một lượt rồi xé rừng mà đi, lọt qua tất cả các vòng vây. Không chỉ như vậy, khi bị giặc bắt và hành hạ một cách tàn ác thì Tnú rất gan góc, táo bạo và bằng mọi giá hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao. Bất chấp những lời đe dọa và sự khủng bố tàn ác của địch, Tnú vẫn hăng hái tham gia vào rừng để bảo vệ cho bộ đội, bảo vệ cho quê hương của mình. Bất chấp với những lần Tnú bị bọn địch bắt lại và tra tấn Tnú, khi anh được hỏi rằng “Cộng sản ở đâu” nhưng ta nhìn thấy rõ thái độ của anh, dù chết cũng không bao giờ khai ra bất cứ cái gì liên quan đến cách mạng và công việc của mình. Anh không ngần ngại mà để tay lên bụng mình và nói “Ở đây này”. Qua đó ta thấy được thái độ cũng như cách hành động của anh mang đầy đủ phẩm chất của một người kiên trung, một người sẵn sàng hy sinh bản thân mình để bảo vệ quê hương, bảo vệ những chiến sĩ, anh hùng cách mạng trong công cuộc bảo vệ đất nước. Dù biết sau câu trả lời ấy sẽ là đòn roi, là bạo lực nhưng Tnú không hề sợ hãi, không khuất phục. 

Chứng kiến cảnh vợ và con oằn mình để chống lại kẻ thù bởi những đòn roi, những lần tra tấn đến chết, Tnú không thể kiềm chế bản thân mà bất chấp những cái bẫy của bọn địch để xông ra cứu vợ con. Nỗi đau mất người thân dường như là một cảm xúc đau tột độ. Đến đây, trong lòng Tnú hiện lên một lòng căm thù, quyết chiến với kẻ thù bằng mọi giá: “Ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”. Đó là một thái độ quyết tâm sâu sắc đánh trả lại bọn địch, đó cũng là lúc khơi nguồn sức mạnh trong Tnú. 

Khi từ nhà ngục Kon Tum trở về, Tnú đã trở thành một chàng trai hiểu biết, có căn cốt khỏe mạnh, cường tráng. Giờ đây Tnú giống như một cây xà nu trưởng thành, vạm vỡ, căng đầy nhựa sống và ham ánh sáng. Một con người gợi lên một khí thế dũng mãnh. Tnú nghe theo anh Quyết, cố học chữ để sau này làm lãnh đạo cách mạng. Quyết tâm học chữ của Tnú thể hiện trong hành động tự đập hòn đá vào đầu, máu chảy ròng ròng khi cậu thua Mai trong những việc nhớ con chữ. Tnú từ nhỏ đã tâm niệm trong đầu câu nói của cụ Miết: “Cán bộ là Đảng, Đảng còn, núi nước này còn”. Ta có thể thấy rõ sự quyết tâm và trưởng thành, theo lời dạy của anh Quyết ngày nào, Tnú bây giờ đã thay thế anh làm cán bộ và một lần nữa trong cuộc đời, Tnú đi ba ngày để đến núi Ngọc Linh, không phải lấy đá để làm phấn như ngày còn nhỏ mà là để mài giáo mác chuẩn bị cho cuộc nổi dậy. Khi bị kẻ thù tra tấn dã man, đau về cả thể xác lẫn tinh thần. Hành động vô nhân đạo của bọn giặc, quấn giẻ tẩm nhựa xà nu vào mười đầu ngón tay rồi đem đốt nhưng anh vẫn không cảm thấy đau nữa: “Trời ơi! Cha mẹ ơi! Anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa … Nhưng trời ơi! Cháy, chết cả ruột gan đây rồi. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Răng anh đã cắn nát môi anh rồi.. Tnú không thèm, không thèm kêu van”. Sử dụng câu cảm thán và điệp từ đã cho chúng ta thấy rõ được nỗi đau mà Tnú phải trải qua, chịu đựng. Nhưng tội ác của địch được tô đậm bao nhiêu thì sự kiên trung, gan góc, bất khuất của Tnú càng được thể hiện rõ bấy nhiêu. 

Tnú còn là hiện thân của sự trung thành tuyệt đối với cách mạng, với Đảng, là hiện thân của sự khỏe mạnh với bộ ngực rộng rãi, hai cánh tay khỏe chắc như lim, là sự bất khuất kiên cường đã được thử thách qua tra tấn dã man và sự tù đày của kẻ thù. Dù ở trong một hoàn cảnh tột cùng như thế nào thì trong con người Tnú vẫn hiện lên những phẩm chất đáng quý. Trong một lần chuyển thư của anh Quyết gửi về huyện, Tnú bị giặc bắt và anh đã nhanh chóng nuốt luôn cả thư để tránh lộ bí mật của cách mạng, khi bị bắt giam thì cũng bằng sự thông minh, nhanh trí của mình anh đã tìm mọi cách để vượt ngục trở về buôn làng và tiếp tục sự nghiệp lãnh đạo dân làng chuẩn bị để chiến đấu. Sức mạnh của anh dường như tăng thêm bởi sự hun đúc của một tình yêu lớn đối với một cô gái luôn hiền dịu, là một người nhường nhìn của một gia đình hạnh phúc. 

Tnú luôn thể hiện tình yêu thương đối với cách mạng. Anh còn là một người yêu thương vợ con hết lòng tha thiết, anh đã có một tình yêu đẹp và trong sáng, thủy chung với Mai. Từ khi còn nhỏ, hai người đã có những kỉ niệm đẹp bên nhau, thân thiết và gần gũi với nhau, giúp đỡ nhau trong mọi việc. Khi Tnú vượt ngục trở về làng, Mai đã xúc động nắm tay anh. Mối tình thủy chung từ đó nảy nở và sau đó đã xây dựng lên một mái ấm gia đình. Họ đã trở thành vợ chồng và có một đứa con. Tôi vẫn còn nhớ như in hành động của Tnú dành cho vợ con của mình: “Không đi Kom Tum mua vải được, Tnú xé đôi tấm đồ của mình ra làm tấm choàng cho Mai địu con”. Hành động đó đã thể hiện những tình cảm mà Tnú dành cho mẹ con Mai. Đó là một gia đình nhỏ nhưng hạnh phúc to, dường như lan tỏa ấm áp cả núi rừng Thái Nguyên. 

Trong con người Tnú luôn khao khát đấu tranh chống giặc, sử dụng đôi bàn tay tật quyền để chiến đấu với bọn kẻ thù xâm lược. Đối với dân làng, Tnú như một biểu tượng cho sức mạnh, niềm tin và ý chí. Mỗi một việc làm của anh đều đem lại sự nhận thức cho mọi lứa tuổi. Khi về thăm quê, cấp trên cho chỉ có một đêm, mặc dù nhớ làng bản, nhớ những người thân, nhớ những người xung quanh mình thế nhưng Tnú vẫn chấp hành mọi nội quy quân đội. Chính những lúc vui vẻ nhất, anh định đùa nhưng những ánh mắt chờ đợi của mọi người nên anh lại thôi. Sau ngày tháng phục vụ chiến đấu trong công cuộc bảo vệ quê hương đất nước, dù đi xa sau khoảng thời gian ba năm liền, anh vẫn nhớ như in hình ảnh của từng con đường đi, từng hàng cây, từng dòng suối và cảm giác vẫn thân thuộc, vẫn gần gũi trong những năm tháng mà anh đã gắn bó “khi nghe tiếng chày chuyên cần, vội vã của những người đàn bà và những cô gái Strá, của mẹ anh ngày xưa, của Mai, của Dít, từ ngày lọt lòng anh đã nghe thấy rồi”. 

Khi xây dựng nhân vật Tnú, Nguyễn Trung Thành đặc biệt dụng công miêu tả đôi bàn tay của anh. Từ đôi bàn tay này, người đọc có thể thấy hiện lên không những cả cuộc đời mà cả tính cách của nhân vật. Một tinh thần đấu tranh từ tự phát đến tự giác, dùng vũ khí để chống bạo lực cách mạng để hiện một tình yêu chân thành, tha thiết. Khi gặp nhiều những biến cố, những đau khổ cũng là lúc trong con người Tnú hiện lên những nỗi căm thù, tạo động lực để anh chinh chiến với kẻ thù bất cứ lúc nào. Tuy vậy ấn tượng mạnh nhất về đôi bàn tay của Tnú chính là đoạn cao trào của truyện, cũng là đoạn đời bi tráng nhất của nhân vật. Khi bị giặc quấn giẻ tẩm dầu xà nu vào mười đầu ngón tay và đốt. “Mười ngón tay anh trở thành mười ngọn đuốc”, thiêu cháy cả ruột gan Tnú. Đó là dấu tích của tội ác kẻ thù đã mang lại cho anh và chính đôi bàn tay hành động đó để nhắc nhở anh về sự căm thù. Chứng kiến cảnh kẻ thù dã man đốt hai bàn tay của Tnú, dân làng Xô Man đã không kiềm chế được, bột phát mạnh mẽ để tiêu diệt lũ giặc, mở ra trang sử đấu tranh mới của dân làng. Tnú là điển hình cho quá trình đấu tranh của người dân Tây Nguyên từ tự phát đến tự giác, từ tình yêu đến hành động. Đó là hình ảnh tượng trưng cho tinh thần cách mạng kiên trung, tượng trưng cho ý chí sắt đá của những con người ở đất đỏ badan với đất nước, cách mạng. 

Bấy nhiêu hy sinh là bấy nhiêu tự hào. Biết bao gian khổ là biết bao những kiên trì, quyết tâm cho một ngày mai “rũ bàn đứng dậy sáng lòa”. Những con người của núi rừng Tây Nguyên như Tnú là kết tinh của bao gian lao và tinh thần anh dũng, kiên cường của tình yêu nước nồng nàn. Anh là nhân vật đại diện cho cả cộng đồng, gắn bó mật thiết, chặt chẽ với số phận lịch sử. Tnú xứng đáng là một trong những nhân vật tiêu biểu nhất trong số những nhân vật thuộc thời kỳ văn học kháng chiến chống Mỹ. Đây được coi là một trong những thành công to lớn trong sự nghiệp cầm bút của Nguyên Ngọc - Nguyễn Trung Thành. 

Hy vọng bài viết trên đây của Học văn chị Hiên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về nhân vật Tnú trong tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Để nắm rõ hơn về thông tin tác giả, cùng kiến thức về tác phẩm chương trình Ngữ văn 12 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh sở hữu ngay bộ "Sổ tay văn học" nhé! Xem bản đọc thử  Tại đây

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH

Fanpage: Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

 

Tin liên quan