BÌNH LUẬN VỀ GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO TRONG “VỢ NHẶT” - KIM LÂN

Ngày 19/01/2021 10:18:24, lượt xem: 8793

BÌNH LUẬN VỀ GIÁ TRỊ NHÂN ĐẠO TRONG “VỢ NHẶT” - KIM LÂN

Tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân đã trở thành một kiệt tác văn học Việt Nam. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện của ba người trong một gia đình ngụ cư, khắc hoạ vẻ đẹp của tình người và niềm hi vọng cuộc sống ở 3 nhân vật ấy. Tác phẩm có giá trị nhân đạo và giá trị hiện thực sâu sắc. Vậy hãy cùng Học văn chị Hiên tìm hiểu rõ hơn tư tưởng nhân đạo của Kim Lân qua diễn biến tâm trạng và hành động của các nhân vật trong buổi sáng hôm sau trong tác phẩm “Vợ nhặt” nhé!

Đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của các nhân vật trong buổi sáng hôm sau trong tác phẩm “Vợ nhặt” (Kim Lân). Từ đó hãy bình luận về tư tưởng nhân đạo của tác giả.

Bài làm

1. Mở bài

Tôi vẫn còn nhớ nhà thơ Tố Hữu đã từng cất tiếng thơ tha thiết:

“Còn gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người sống để yêu nhau”

Quả thật trên đời tình thương yêu giữa người với người là đẹp đẽ nhất và đáng trân trọng nhất. Đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn khốn cùng, tình thương yêu sẽ toả sáng và là sợi dây diệu kì gắn kết những trái tim, đưa những phận người cùng nhau vượt qua, đi đến chân trời của hạnh phúc. Nếu bạn còn băn khoăn về sức mạnh diệu kì ấy của tình thương yêu, bạn hãy đọc “Vợ nhặt” của Kim Lân. Đây là một truyện ngắn xuất sắc viết về con người trong nạn đói tối tăm nhưng vẫn giữ trọn hơi ấm của tình thương và niềm hi vọng. Đặc biệt khi đi sâu khám phá, tìm hiểu diễn biến tâm trạng và hành động của những nhân vật vào buổi sáng hôm sau trong câu chuyện, bạn đọc càng thêm thấm thía, cảm động, thêm cảm phục tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân. 

2. Thân bài

Nổi tiếng với hình ảnh một người nghệ sĩ đa tài, từng đảm nhiệm những vai diễn chân chất, mộc mạc như lão Hạc (trong “Làng Vũ Đại ngày ấy”), lão Pẩu (trong “Con Vá”),.. hình ảnh của Kim Lân cứ đơn giản như vậy đi vào trái tim của người yêu nghệ thuật. Những năm tháng tuổi thơ nhiều khó khăn không làm sờn lòng người ham học, ham viết, dù nghỉ học từ rất sớm nhưng với khả năng tự học của mình sau này Kim Lân chính là một trong những cây viết truyện ngắn xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông chủ trương viết về người nông dân nghèo vì “họ bao giờ cũng thiệt thòi” nên nhà văn “muốn đời cho những người đó quyền làm người và quyền sống.” Nói về “Vợ nhặt” theo lời chia sẻ của nghệ sĩ này thì vào năm 1945 trong những ngày đầu cách mạng, Kim Lân có ý định viết một tiểu thuyết mang tên “Xóm ngụ cư” song chưa kịp hoàn thành thì bị thất lạc bản thảo. Sau này, mới tới năm 1954 khi hoà bình lặp lại, dựa vào một phần cốt truyện cũ, Kim Lân viết truyện ngắn “Vợ nhặt”, sau khi đến với độc giả được chào đón nồng nhiệt. Truyện ngắn này in trong tập “Con chó xấu xí” của ông. Với “Vợ nhặt”, nhà văn bộc lộ một quan điểm nhân đạo sâu sắc của mình. Tác giả phát hiện ra vẻ đẹp kì diệu của con người lao động trong sự túng đói quay quắt, trong bất kì hoàn cảnh nào, khốn khổ nào, con người vẫn vượt lên cái chết, hướng về cuộc sống gia đình, vẫn yêu thương nhau và hy vọng vào ngày mai. 

 

 

Đọc “Vợ nhặt”, tôi thường bất giác nhớ tới một ý của I. Bônđarep , theo nhà văn Nga này thì nghệ thuật sinh ra từ những thái cực và xung đột. Có thể ai đó muốn tranh luận về ý kiến trên nhưng ít nhất thì nó cũng ứng được với truyện ngắn của Kim Lân mà ta đang nói tới. “Vợ nhặt” được xây dựng trên bối cảnh của năm Ất Dậu, cái năm vẫn được nhiều người lớn tuổi quen gọi là năm đói. Cái nạn đói của năm Ất Dậu không bao giờ quên được ấy có lẽ là tai họa thảm khốc nhất của một dân tộc mà số phận vốn đã lắm tai nhiều họa. Giữa bao khốn khổ, cùng cực ấy, một anh cu Tràng - ngờ nghệch, nghèo túng - lại bỗng dưng “nhặt được” vợ, là một người con gái thô kệch, cũng không có gì trong tay. Hai số phận éo le vì bị dồn vào bước đường cùng, hay vì tình thương trắc ẩn, đã gặp được nhau và từ nay là đi chung một đường. Con đường của họ vẫn luôn mấp mé trên ranh giới của sự sống và cái chết. Thế nhưng thay vì reo rắc vào tâm trí bạn đọc những đau thương, tang tóc, nhà văn Kim Lân lại đem lên trang giấy ánh sáng và hơi ấm của tình người. Cả ba nhân vật: Tràng, mẹ của Tràng và Thị đều có những biến đổi về tâm lí và hành động thể hiện điều đó rất rõ rệt. Trong buổi sáng hôm sau, không còn những bất ngờ, ngạc nhiên, dụt dè, tủi hổ, cả ba nhân vật đã có sự gắn kết trong những suy nghĩ và hành động trách nhiệm hơn, gần gũi hơn, dù vẫn trong không khí nạn đói ê chề nhưng những trang văn ấy cho phép người đọc hướng về một tương lai hạnh phúc và niềm vui rồi sẽ mỉm cười với những con người bất hạnh.

VỢ NHẶT - BÀI THI ĐẠT ĐIỂM 10 MÔN NGỮ VĂN KÌ THI ĐẠI HỌC 2005

Sự thay đổi rõ rệt nhất có lẽ ở nhân vật Tràng. Buổi sáng đầu tiên có vợ, Tràng cảm nhận có một cái gì mới mẻ “trong người êm ái, lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”. Anh chợt nhận ra “xung quanh mình có cái gì vừa thay đổi mới mẻ, khác lạ.” Chắc hẳn là những xúc cảm lạ lẫm, bởi giờ đây Tràng đã có vợ, trở thành trụ cột gia đình. Bản tính ngờ nghệch, khờ khạo của Tràng trong buổi sáng nay đã thay đổi hẳn, ta có cảm giác như anh chàng đã trưởng thành hơn cả trong nếp nghĩ và hành động. Anh biết để ý rồi ngắm nghía quang cảnh xung quanh căn nhà nhỏ của mình: nhà cửa, sân vườn được quét tước gọn gàng, đống quần áo vắt bao ngày đã được giặt giũ sạch sẽ mang ra phơi phóng… Người phụ nữ với bộ quần áo rách như tổ đỉa ngày hôm qua nay đã trở thành người vợ đúng mực hiền lành, đảm đang, chăm chỉ. Niềm hạnh phúc dâng ngập trong lòng Tràng. Kim Lân quả thực đã rất tài khi miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Rằng trong tâm tưởng anh Tràng nay đã khác rồi, biết bao sự thay đổi diễn ra rất nhanh, là bởi thời gian hay bởi bản tính nhân vật, nhưng tác giả không khiến chúng ta ngỡ ngàng, choáng ngợp. Mọi thay đổi của Tràng đều được miêu tả đến từng chi tiết nhỏ nhất, tiết tấu câu chuyện không giật gân, bất ngờ nhưng từng dòng văn lại thấm thía khắc sâu vào tâm tưởng, kéo lại nụ cười trên môi bạn đọc sau những phút nheo mày ngán ngẩm bởi cái đói cứ đeo bám dai dẳng còn con người thì chật vật, khốn cùng. Giờ đây, cái đói tuy vẫn còn đó nhưng những con người đang lay lắt kia nay đã có một nguồn sức mạnh mới, tràn đầy và nhiều hứa hẹn. Sức mạnh ấy hiển hiện ngay trong cảnh vật xung quanh ngôi nhà nhỏ tuy thật đơn giản, bình thường nhưng lại khiến Tràng “thấm thía cảm động”. Có lẽ Tràng cũng chẳng thể ngờ câu nói tầm phơ tầm phào lúc mệt nhọc lại đem đến tổ ấm gia đình cho anh, khiến anh phải nghĩ đến những điều mà trước đây chưa bao giờ anh mường tượng đến. “Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Cái nhà như cái tổ ấm che mưa che nắng”. Tạm quên đi cảnh nghèo đói thảm hại đang bủa vây, tình yêu, gia đình đã thắp sáng lên ngọn lửa của bổn phận, trách nhiệm trong lòng Tràng: “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”. Rõ ràng, với tấm lòng khao khát yêu thương, Tràng đã đứng vững để cùng người vợ ước mơ những điều đơn giản nhất của con người: mái ấm gia đình. Tràng nghiêm túc muốn là một người chồng tốt, một người con hiếu thảo. Bản nhạc cuộc đời Tràng vốn chỉ toàn những nốt trầm lặng, ê chề thì giờ đây, nhà văn Kim Lân đã rung lên những thanh âm cao trong và rộn rã, cho phép bạn đọc chúng ta hi vọng về một tương lai sáng lạn và hạnh phúc hơn đối với con người này, gia đình này.

NHỮNG MỞ BÀI HAY NHẤT TÁC PHẨM VỢ NHẶT - KIM LÂN

Từ những thay đổi tích cực trong nếp nghĩ, Tràng tất yếu có sự thay đổi trong hành động: “Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để góp phần tu sửa lại căn nhà.” Bởi như nhà văn lí giải: “Hình như ai nấy đều có ý nghĩ rằng thu xếp cửa nhà cho quang quẻ, nề nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn.” Không biết điều đó có thành sự thật hay không nhưng niềm hạnh phúc, sự trưởng thành trong Tràng là thật. Tác giả không kể câu chuyện cổ tích giữa đời thường mà đang đem đến cho bạn đọc sự thật về niềm hạnh phúc đơn sơ nhưng ý nghĩa đối với những số phận đang lay lắt vì đói vẫn đang bấu víu vào nhau, vì nhau mà cùng hi vọng về một tương lai hạnh phúc. 

Và đúng như vậy, có một đốm lửa đang nhen nhóm, sưởi ấm cho mái ấm gia đình kia. Đó là đốm lửa được thắp lên từ hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới” cứ trở đi trở lại trong óc Tràng. Một hình ảnh nhân văn quá đỗi. Nhà văn Kim Lân không chỉ thấu hiểu, cảm thông với những số phận khắc khổ, khốn cùng mà ông còn đem đến cho họ con đường sống bằng sự đấu tranh, bằng tư tưởng Cách mạng. Hình ảnh xuất hiện trong óc Tràng có lẽ là nhận thức tất yếu, sau những thay đổi tích cực trong tâm lí và hành động. Những người dân lao động từ bóng tối hướng lên ánh sáng, giác ngộ lí tưởng Cách mạng. Tràng và Thị sau này rất có thể sẽ trở thành những chiến sĩ cách mạng tiên phong, đứng lên giành lấy cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính bản thân họ. Tràng và người vợ của mình sẽ có đủ dũng khí để đối mặt với những bão tố của cuộc đời. Bởi lẽ bây giờ, sau một cú rẽ ngang đột ngột, dường như cuộc đời Tràng đang bước sang một trang mới với nhiều niềm tin, hi vọng và mong chờ.

[TUYỂN TẬP KẾT BÀI HAY] VỢ NHẶT - KIM LÂN

Người mẹ của Tràng cũng xuất hiện trong buổi sáng hôm sau với những thay đổi trong suy nghĩ và hành động. Thấy “con giai” đã dậy, bà cụ Tứ ân cần nhắc con dâu: “Anh ấy dậy rồi đấy. Con đi dọn cơm ăn chẳng muộn.” Nghe sao mà dịu dàng, nghe sao mà gần gũi! Ta cứ ngỡ như gia đình này đã gắn nó với nhau từ lâu, đã cùng nhau trải qua bao biến cố thì mới có sự thấu hiểu và tâm lí như thế. Để rồi qua đó, một người mẹ nhân hậu, vị tha hiện lên đầy phúc hậu và chân chất. Sáng ấy, bà lão “nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường”, “cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Dáng vẻ “xăm xắn” của bà trong sáng ngày hôm sau khi cùng con dâu mới thu dọn, quét tước sân vườn, nhà cửa đã cho thấy ý thức vun đắp cho cuộc sống gia đình cùng niềm hi vọng mong manh mà mãnh liệt của bà về một sự thay đổi có cơ khấm khá hơn cho cuộc đời của mấy mẹ con. Bà cũng là người chủ động, nhiệt tình mang lại nhiều nhất niềm vui cho bữa ăn ngày đói. Mâm cơm lúc đầu, dù trông thật thảm hại khi giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo nhưng dù sao vẫn là mâm cơm của con người, và bữa ăn của mấy mẹ con vẫn thật vui vẻ, đầm ấm. Bà cụ Tứ chỉ nói toàn chuyện vui, toàn chuyện sung sướng về sau – từ cách nói dân dã quen thuộc về việc |ngoảnh đi ngoảnh lại, chẳng mấy chốc có gà mà ăn!” đến cách bà dựa vào một triết lí dân gian đầy sức thuyết phục để gieo vào lòng các con niềm tin về sự đổi đời bởi theo lẽ “ai giàu ba họ, ai khó ba đời!” Bà đã động viên các con bằng những dự tính mà ai nhìn vào cũng biết là viển vông, xa vời trong lúc đó, nhưng nghe cách nói của bà, vẫn thấy náo nức một hi vọng khi nghĩ rằng, nếu may mắn và cố gắng thì biết đâu, họ vẫn có thể sống, có thể hạnh phúc! Và bà đã gắng gượng một cách thật dũng cảm khi cái đói hiện ra thê thảm ở nồi cháo cám. Kim Lân đã miêu tả hình ảnh bà cụ Tứ trong đoạn văn chua chát này bằng rất nhiều động từ: bà “lật đật chạy xuống bếp”, “lễ mễ” bưng ra một cái nồi bốc hơi nghi ngút, “đặt cái nồi xuống”, “cầm cái môi vừa khuấy khuấy vừa cười”… rồi múc và đưa cho các con những bát cháo cám! Tất cả những việc này, bà làm bằng thái độ ân cần, đon đả. Để rồi đến khi không thể kéo dài cảnh đầm ấm ở nửa đầu bữa ăn, không thể tiếp tục giữ cho các con cảm giác vui vẻ hạnh phúc trong ngày đầu tiên của cuộc sống chồng vợ, cũng không thể trì hoãn giây phút cay đắng nhất của bữa ăn, không thể che giấu sự thật phũ phàng đã hiện lên trong bát cháo cám đắng chát, bà lại gắng gượng an ủi những đứa con đang tủi hổ cắm đầu ăn cho xong lần: “Cám đấy mày ạ, hì! Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà chả có cắm mà ăn đấy.” Chính sự dũng cảm và tình yêu thương mênh mông của bà cụ Tứ đã khiến thứ thức ăn của loài vật thấm đẫm tình nghĩa con người, giúp cho các con thấu hiểu được tình thương, sự gắng gượng đầy bản lĩnh của mẹ, giúp họ có sức mạnh đối mặt với khốn khổ, vượt lên trên cái đói, cái thê thảm để mà vui, để mà hi vọng. 

Tuy nhiên cái vui ấy, niềm hi vọng ấy dù là rất nhỏ bé mà vẫn mong manh, vẫn chìm đi trong cái tăm tối hiện tại. Giữa bao nhiêu đắng chát của bữa cơm ngày đói, sự thật thê thảm lại len lỏi đe dọa hạnh phúc mong manh bởi tiếng trống thúc thuế, đám quạ đen bay vẩn trên bầu trời. Bà cụ Tứ dù đã thật cố gắng lạc quan nhưng sau cùng vẫn phải lo lắng trong bất lực. Bà khóc. Nhưng vẫn cố không để các con nhìn thấy. Bạn đọc xúc động trước những giọt nước mắt ấy, trân trọng vô cùng trước tình thương yêu mà người mẹ già dành cả đời để vun vén lo cho các con.

Sự đổi thay cũng đến với người vợ của Tràng nhưng theo một cách có phần hơi khác. Thị đã mang đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho những con người từ nay sẽ gắn bó với Thị trong suốt cuộc đời: Tràng thấy một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng, bà cụ Tứ sung sướng với nét mặt nhẹ nhõm, tươi tỉnh, rạng rỡ. Đặc biệt, Thị còn mang đến cho ngôi nhà tuềnh toàng, rách nát của Tràng một sức sống mới mẻ, kì diệu: “những đống rác mùn trong sân đã được hót gọn, dây quần áo vắt khươm mươi niên được phơi khô hong ráo, hai cái ang bao lâu nay vẫn khô cong bây giờ nước đầy ăm ắp”… Chi tiết Thị đón lấy bát cháo cám từ tay mẹ chồng, “đưa mắt lên nhìn, hai con mắt Thị tối lại”, “Thị điềm nhiên và vào miệng” cho thấy người đàn bà này đã hiểu những cố gắng và cả tấm lòng của người mẹ. Thị không chỉ biết cư xử ý tứ mà còn có một tấm lòng trân trọng nghĩa tình, đặc biệt là một bản lĩnh dũng cảm. Cử chỉ và thái độ điềm nhiên của Thị đã làm vơi dịu đi rất nhiều nỗi cay cực, chua xót, tủi hổ của người mẹ chồng nhân hậu. Nếu bà cụ Tứ thể hiện tấm lòng người mẹ qua những cử chỉ ân cần, ấm áp thì người con dâu cũng đã không phụ tấm lòng yêu thương ấy trong cách ứng xử thật ý tứ, nồng ấm tình người. Hơn nữa, việc Thị điềm nhiên chấp nhận miếng cháo cám đắng chát cũng chứng tỏ Thị sẽ chấp nhận đối mặt với tất cả những khó khăn sắp tới bên cạnh những con người nhân ái từ nay đã là gia đình, là người thân của Thị. Trong ba nhân vật của truyện ngắn, Thị cũng là người đầu tiên nhen nhóm niềm hi vọng về sự thay đổi cuộc đời khi nhắc đến chuyện Việt Minh lãnh đạo nhân dân đi phá kho thóc của Nhật ở Thái Nguyên, Bắc Giang và câu chuyện kì diệu của những con người cùng ở dưới bầu trời này, trong đất nước này đã gieo vào lòng người đang ngồi ăn cháo cám niềm hi vọng mãnh liệt về sự đổi đời, về một tương lai ấm no, tươi sáng.

Vẻ đẹp của từng nhân vật được toát lên qua những trang viết của Kim Lân. Vượt qua tất cả những khó khăn, những tủi hờn, khổ cực, những người lao động trong xã hội cũ vẫn nương tựa vào nhau để mà sống, mà hi vọng. Đem lên trang văn khung cảnh một gia đình giữa nạn đói, Kim Lân đã thật thành công khi xây dựng tình huống truyện, kết hợp với vốn liếng ngôn ngữ giàu có và đặc sắc. Cái lối viết văn tưởng như dễ dàng mà không dễ phỏng theo, giản dị vô cùng mà sao cứ thấy ánh lên chất hào hoa Kinh Bắc. Như về cách làm cho những tâm trạng kín đáo nhất phải hiện lên qua những cử chỉ mà chỉ cần thiếu đi một chút tinh tế, người ta sẽ bỏ qua: tiếng chổi từng nhát kêu sàn sạt trên mặt đất, một tiếng khẽ thở dài, những bước chân bước vội ra sân, thái độ điềm nhiên và miếng cám trong miệng…

Tôi vẫn còn nhớ nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm “Mùa lạc” đã đúc kết một triết lí: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh đế bước qua những ranh giới ấy”. Và bạn đọc chúng ta phải lấy làm vui mừng khi những ngòi bút như Kim Lân đã để cho các nhân vật của mình có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới cuộc đời. Tư tưởng nhân đạo của nhà văn thấm thía ở sự thấu hiểu và đồng cảm với những số phận bất hạnh, thăng hoa ở sự ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn những con người có thể ngoại hình còn xấu xí, thô kệch, khổ đau. Lật giở từng trang văn thấm đượm tinh thần nhân đạo ấy, người đọc đã có dịp được cùng khóc, cùng cười, cùng khổ đau, cùng vỡ òa trong hạnh phúc với các nhân vật. Một hồn văn đôn hậu, giản dị như Kim Lân, với tư tưởng và cách mở nút cho số phận nhân vật đã có sự sáng tạo và tiến bộ khi đem đến một cái kết đầy hứa hẹn, đầy tươi sáng cho các nhân vật, gửi gắm trong hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Những phận đời lay lắt như Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ cuối cùng cũng tìm được ánh sáng của tình người, của hi vọng. Giá trị nhân đạo của tác phẩm văn chương vẫn luôn chinh phục người đọc theo cách cảm động và thấm thía như thế.

3. Kết bài

Thành công của nhà văn là thấu hiểu và phân tích được những trạng thái tâm lí tinh tế của con người trong một hoàn cảnh đặc biệt. Biết vượt lên hoàn cảnh vẫn là một vẻ đẹp tinh thần của những người nghèo khổ. Cái thế vượt hoàn cảnh ấy trong khung cảnh buổi sáng hôm sau đã tạo nên nội dung nhân đạo độc đáo và cảm động của tác phẩm. Thông điệp của Kim Lân là một thông điệp mang ý nghĩa nhân văn. Tôi nhớ về ý nghĩ của nhân vật Paven trong tiểu thuyết nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy”: “Hãy biết sống cả những khi cuộc đời trở nên không thể chịu được nữa”. Và “Vợ nhặt” là bài ca về tình người ở những người nghèo khổ đã "biết sống" như con người ngay giữa thời túng đói quay quắt. Thông điệp này đã được Kim Lân chuyển hóa thành một thiên truyện ngắn xuất sắc với cách dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, khiến tác phẩm mang chất thơ thật cảm động và hấp dẫn. 

Hy vọng bài viết trên đây của Học văn chị Hiên sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn tư tưởng nhân đạo của Kim Lân thông qua diễn biến tâm trạng và hành động của các nhân vật và các bạn có thêm tư liệu để nên một bài văn xuất sắc của riêng mình. Để nắm rõ hơn về thông tin tác giả, cùng kiến thức về tác phẩm chương trình Ngữ văn 12 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh sở hữu ngay bộ "Sổ tay văn học" nhé! Xem bản đọc thử  Tại đây

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH

Fanpage: Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn


 

Tin liên quan