“Thắp sáng ngọn lửa của khát vọng sống, Tô Hoài cũng làm bừng sáng giá trị nhân văn cao đẹp của tác phẩm”

Ngày 24/01/2021 18:03:08, lượt xem: 5575

“Thắp sáng ngọn lửa của khát vọng sống, Tô Hoài cũng làm bừng sáng giá trị nhân văn cao đẹp của tác phẩm”

Tô Hoài là nhà văn nổi tiếng với cảm quan hiện thực vô cùng tinh tế về cuộc sống đời thường cùng với sự nhạy bén trong việc sử dụng ngôn từ. Không chỉ vậy, Tô Hoài còn là một nhà văn với tinh thần nhân đạo sâu sắc, mới mẻ. Điều này đã được thể hiện rõ nét trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Từ đó, đã có ý kiến cho rằng “Thắp sáng ngọn lửa của khát vọng sống, Tô Hoài cũng làm bừng sáng giá trị nhân văn cao đẹp của tác phẩm”. Cùng Học văn chị Hiên tìm hiểu rõ hơn qua bài viết dưới đây nhé!

Đề bài: Bàn về “Vợ chồng A Phủ” có ý kiến cho rằng: “Thắp sáng ngọn lửa của khát vọng sống, Tô Hoài cũng làm bừng sáng giá trị nhân văn cao đẹp của tác phẩm”. Phân tích tác phẩm để làm rõ nhận định trên. 

Bài làm

Tây Bắc hẳn là một mảnh đất hồn thiêng của núi sông, là miền đất hứa có khả năng sinh sản ra những năng lượng dồi dào cho các nhà văn, nhà thơ sáng tác nên những tác phẩm làm nên tuyệt tác của cuộc đời mình. Đó cũng là mảnh đất được nhà văn Tô Hoài chọn để viết nên truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Với vốn hiểu biết sâu sắc và nắm chắc về phong tục tập quán của nhiều vùng văn hóa khác nhau, nhà văn đã vẽ ra một bức tranh sâu sắc nhất về hiện thực cuộc sống người dân miền núi với hai mảng sáng - tối mà đứng đầu hai thái cực ấy chính là bọn phong kiến miền núi, chúa đất và những người lao động nghèo khổ. Tiêu biểu là nhân vật Mị- một người phụ nữ với những khát vọng sống và khao khát hạnh phúc mãnh liệt. Và với nhân vật này Tô Hoài cũng đã gửi gắm tư tưởng nhân đạo sâu sắc và mới mẻ đối với những người lao động nói chung và với nhân vật Mị nói riêng. Vậy nên có ý kiến cho rằng “Thắp sáng ngọn lửa của khát vọng sống, Tô Hoài cũng làm bừng sáng giá trị nhân văn cao đẹp của tác phẩm”.

Tô Hoài là một nhà văn lớn trong nền văn học Việt Nam hiện đại. Bằng tài năng nghệ thuật của mình cũng như sự am hiểu về các nền văn hóa ở các vùng đất khác nhau, tác giả đã sáng tác một khối lượng tác phẩm đồ sộ viết ở nhiều thể loại như: truyện ngắn, truyện dài ký, hồi ký, kịch bản phim, tiểu luận,... Đề tài mà tác giả hướng đến là người lao động và viết truyện cho thiếu nhi và thành công nhất của ông không thể không kể đến tác phẩm Vợ chồng A Phủ- là truyện ngắn đặc sắc nhất trong tập “Truyện Tây Bắc”. Đó là kết quả của chuyến thâm nhập thực tế của Tô Hoài cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc (1952). Trong chuyến đi này nhà văn đã sống hòa đồng và gắn bó với dân tộc ở nhiều vùng từ đó đã hiểu biết hơn về cuộc sống và con người nơi đây. Trải nghiệm vốn sống cũng như sự từng trải,  nhà văn đã sáng tác “Vợ chồng A Phủ” như là một cách để trả ân tình sâu nặng cho vùng đất mà ông đã gắn bó. 

Giá trị nhân đạo là một trong các giá trị cơ bản của các tác phẩm văn học. Ở mỗi tác phẩm, các nhà văn luôn thể hiện niềm thương cảm sâu sắc cho những con người có số phận éo le, những cảnh đời bất hạnh, đau khổ trong cuộc sống. Đó là tình cảm thầm lặng và chứa đựng những tình thương yêu sâu sắc được mỗi nhà văn chắp bút trong từng từ ngữ ở mỗi tác phẩm với giọng văn nhẹ nhàng, thiết tha, ân tình. Đồng thời, nhà văn còn thể hiện sự nâng niu, trân trọng những con người đã giữ trong mình những nét đẹp tâm hồn và niềm tin khả năng vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đọc những tác phẩm đó, người đọc sẽ có thể hiểu hơn về cuộc sống và mang tâm hồn của con người trở nên hạnh phúc, đề cao hạnh phúc, có niềm tin và trân trọng con người. Câu nói “Thắp sáng ngọn lửa của khát vọng sống” như nói đến những người lao động bình dị mà thầm lặng nhưng có số phận đau thương, bất hạnh, chịu sự ràng buộc của xã hội phong kiến cường quyền và cho dù thế nào đi chăng nữa thì những nhân vật, những con người đó vẫn bừng lên khát khao được sống, khát khao tự do, hạnh phúc. 

Ai-ma-tốp đã từng nói: “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác, cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp”. Và có lẽ nhà văn Tô Hoài đã hoàn thành sứ mệnh ấy một cách xuất sắc khi sáng tác tác phẩm này. Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ còn thể hiện một nét vô cùng mới mẻ, tiến bộ trong tư tưởng nhân đạo. Đó là niềm tin vào sự phục sinh đổi mới cho những kiếp nô lệ tủi nhục như Mị, như A Phủ. Chính khát vọng tình yêu và hạnh phúc là ánh sáng soi đường đưa Mị đi từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui, giải thoát Mị khỏi chốn địa ngục trần gian nhà thống lí, để đến với cuộc sống hạnh phúc sau những năm tháng đó. 

 

Sê - khốp - bậc thầy truyện ngắn người Nga cho rằng viết truyện ngắn cốt nhất là tô đậm cái mở đầu và kết thúc.“Tô Hoài đã tô đậm mở đầu của truyện ngắn Vợ chồng A Phủ bằng lối kể truyền thống, giản dị và tự nhiên”. Mị đã xuất hiện ngay từ dòng đầu tiên của truyện. “Ai ở xa về có dịp vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi”. Cách giới thiệu như gợi sự tò mò cho người đọc, gieo những nỗi băn khoăn. Mị vốn là con dâu của nhà thống lý, một nhà cường quyền nhất ở xã hội lúc bấy giờ ấy vậy mà khi nhìn Mị chỉ thấy mặt cứ rũ xuống buồn rười rượi, đối lập với hoàn cảnh tấp nập người ra kẻ vào của nhà thống lý. Hỏi ra mới biết Mị là dâu nhà thống lí nhưng là dâu gạt nợ, thân phận hèn mọn chẳng khác gì tôi tớ. 

 

Theo tục lệ, cha mẹ Mị không có tiền để cưới phải vay mượn tiền của nhà thống lý, mỗi năm lại phải trả một cuốc nương ngô. Và cứ mãi thời gian trôi qua, đến khi bố mẹ của Mị già đi và mẹ đã qua đời mà vẫn chưa đủ số tiền để trả nợ cho nhà thống lý. Mị từ khi sinh ra đã trở thành một món nợ truyền kiếp mãi không thể trả nổi. Vì thế nên trong một đêm tình mùa xuân, Mị đã bị bắt về làm dâu trừ nợ cho nhà thống lý. Hình thức vay nặng lãi đó đã cột chặt bao kiếp người nghèo vào số phận nô lệ, phụ thuộc vào bọn chủ nợ giàu có. Và qua đó chúng ta cũng thấy được nỗi vất vả của những người lao động, chăm chỉ làm lụng để kiếm sống giờ đây phải cân đo luôn số phận của mình cho người khác, suốt đời làm trâu làm ngựa để trả nợ và sống một cuộc sống không mong muốn. Qua đó, hành động này cũng tố cáo sự vô nhân đạo của những kẻ cường quyền chỉ biết dùng sức mạnh của quyền lực để bắt nạt và chèn ép những người dân lao động bình thường với khát khao sống cuộc sống tự do, khát khao được sống theo những niềm đam mê, hạnh phúc của mình. Xã hội đốn mạt đã cho chúng sức mạnh để tác oai tác oái với số phận đau khổ, éo le đến tột cùng. Chính xã hội thực dân nửa phong kiến đã trao cho bọn chúa đất những quyền uy đó để giờ đây chúng hành động một cách không có tình người, không có sự bao dung, độ lượng hay giúp đỡ những người dân với số phận nghèo khổ. Sống một cuộc sống bị ràng buộc Mị giờ đây đã bị cường quyền và thần quyền đày đọa về thể xác lẫn tinh thần. 

Mị là cô gái trẻ trung xinh đẹp như bông hoa rừng vừa chớm nở. Mị - Một cô nàng với nhiều phẩm chất tốt đẹp với vẻ ngoài rất xinh đẹp, yêu tự do, hồn nhiên, yêu đời. Không chỉ là như vậy, Mị còn là một người con hiếu thảo, ngoan hiền, luôn giúp đỡ bố mẹ. “Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”. Hiểu chuyện và cảm thông với những nỗi lo lắng, vất vả của bố, Mị luôn muốn mình phải có trách nhiệm trong gia đình. Một người yêu lao động, yêu cuộc sống tự do. Trái ngược với những gì mình có, đáng lẽ cô gái ấy phải nhận được một cuộc sống đẹp đẽ, một cuộc sống tròn đầy với niềm hạnh phúc, với nhiều tiếng cười thế nhưng cuộc đời của Mị có một số phận bi kịch, một cuộc sống không như mong muốn, Mị phải hứng chịu một sự phũ phàng. Sự đày đọa cực khổ cả về thể xác lẫn tinh thần ở nhà Pá Tra khiến Mị nhiều lần có ý định ăn lá ngón tự tử. Nhưng khi nghĩ về bố, về những khoản nợ kia vẫn còn, nếu Mị chết thì cha Mị phải trả nợ cho nhà giàu còn khổ hơn. Thế nên Mị đã từ bỏ ý định đó và chấp nhận  sống một cuộc sống lam lũ, suốt ngày chỉ biết cắm mặt làm việc từ sáng đến tối. 

 

Ở cô gái ấy còn là một người giàu lòng yêu đời, yêu người. Khi mới về nhà thống lý, Mị luôn có ý định phản kháng và muốn thoát khỏi cuộc sống đọa đày. Hằng ngày Mị phải làm những công việc vất vả cực nhọc, hết dệt vải, hái thuốc phiện, thái cỏ ngựa lại chẻ củi, cõng nước từ suối lên… Dù làm việc gì Mị cũng phải gài trong tay một bó sợi đay, hễ dứt việc là luôn  tay tước sợi. Con trâu, con ngựa còn có lúc được nghỉ ngơi nhai cỏ, còn Mị phải vùi đầu vào công việc nặng nhọc, ngay cả ngày Tết cũng không được đi chơi, chỉ quanh quẩn trong xó bếp để hầu hạ nhà thống lí. Qua đó ta thấy được xã hội phong kiến lúc bấy giờ đã hành hạ những số phận con người với mong muốn hạnh phúc, tự do giờ đây phải đắm mình trong mớ công việc không công, sống một cuộc sống rẻ mạt, đầy sự khinh thường.

 

Tô Hoài đã miêu tả chi tiết cuộc đời của Mị từ khi làm dâu gạt nợ nhà thống lý. Trước khi về làm dâu, Mị ngày nào cũng khóc, khóc cho số phận éo le của mình, khóc cho xã hội quá nhẫn tâm với một con người lao động sống cuộc sống bình thường khao khát một cuộc sống êm đềm, hạnh phúc bên người thân của mình. Nhiều lần muốn tự tử bằng lá ngón nhưng nghĩ đến cha, đến món nợ truyền kiếp, lòng Mị lại đau nhói. Lâu dần, cảnh làm dâu đã trái ngược với thực tế. Tưởng làm dâu trong một gia đình có uy quyền, giàu có thế nhưng Mị như một người nô lệ suốt ngày chỉ biết làm những công việc nặng nhọc. Mị chỉ biết cam chịu số phận đã an bài. Mỗi ngày Mị chỉ biết đứng lùi lũi như con rùa trong xó cửa. Chỉ biết ngồi một mình trong cái buồng chật hẹp có một ô cửa sổ vuông mờ mờ trắng trắng. Mị sống vật vờ bởi lẽ những tội ác mà bọn cường quyền hành hạ đã làm Mị tê liệt. Tô Hoài vẫn luôn giữ một niềm tin vào sức sống tiềm tàng của Mị, chỉ bị vùi lấp, ẩn sau như một đốm lửa nhỏ nhoi nhưng ẩn sâu bên trong con người ấy vẫn bền bỉ, âm ỉ giữa tàn tro nguội lạnh rồi có lúc sẽ cháy bùng lên thành ngọn lửa. Ngay cả khi Mị đã trơ lì, chai sạn, tự coi mình là trâu ngựa, Tô Hoài vẫn tràn đầy niềm tin, bởi ông nhìn con người bằng đôi mắt của tình thương, bằng tấm lòng cố tình mà hiểu.

 

Dù là bị hành hạ trong một gia đình cường quyền như vậy nhưng trong lòng Mị vẫn luôn chứa đựng những khát khao sống, khát khao hạnh phúc mãnh liệt. Bởi lẽ Mị là một cô gái ham sống, yêu đời, yêu tự do và dù có bị vùi lấp đến kiệt cùng thì sức sống tiềm tàng trong Mị vẫn không hề lụi tắt. Điều đó được Tô Hoài miêu tả chi tiết trong đêm tình mùa xuân, Mị ý thức về bản thân và muốn được đi chơi. Sợi dây của A Sử có thể trói được thân xác Mị chứ không bao giờ trói được tâm hồn của Mị bởi cô gái ấy luôn có một ngọn lửa bừng cháy để cố gắng thoát khỏi cuộc sống lam lũ, cơ cực như bây giờ, dập tắt và quên đi những uy quyền và bạo lực để đi theo tiếng gọi của trái tim mình. 

 

Đọc tác phẩm, độc giả phần nào thấy được trong con người của Mị luôn nổi bật với sức sống tiềm tàng, ý chí mạnh mẽ, một cô gái luôn yêu người, yêu đời. Trong đêm tình mùa xuân, chính tiếng sáo đã tác động đến Mị, góp phần thức tỉnh một tâm hồn nguội lạnh. Tiếng sáo như sợi dây vô hình nối Mị với quá khứ và hiện tại, làm sống dậy trong Mị một kí ức tươi đẹp. Nói đúng hơn nó đánh thức cái tài hoa trong Mị. Mị thổi sáo hay, thổi lá giỏi, có biết bao nhiêu người mê ngày đêm thổi sáo đi theo Mị. Lãng quên về thực tại, Mị như đang tìm lại chính mình trong quá khứ, Mị yêu quá khứ và nâng niu nó. Đó như một kỉ niệm gắn bó với Mị trong tuổi xuân của mình. Bằng lòng cảm thương sâu sắc, Tô Hoài đã miêu tả một cách tinh tế mà sâu sắc chi tiết tâm trạng của Mị và bày tỏ lòng cảm thông, yêu thương sâu sắc. Qua đó, nhà văn đã làm người đọc thực sự xúc động trước những biến đổi về tâm lý của Mị. Trong đêm mùa đông trên núi cao, khi nhìn thấy A Phủ bị trói đứng một góc đau khổ, Mị cảm thấy bình thản một cách lạ lùng đến nhẫn tâm. Phải chăng “Sống lâu trong cái khổ Mị quen khổ rồi” nên Mị không còn nhận ra nỗi khổ của người khác. Nhưng khi nhìn thấy những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt của A Phủ thì trái tim Mị mới bừng tỉnh. Chính “dòng nước mắt lấp lánh ấy” đã làm tan chảy lớp băng giá lạnh trong lòng Mị. Lúc này đây, Mị mới thấm thía được nỗi cùng cực của kiếp người. Và Mị đã quyết định cắt dây để cởi trói cho A Phủ để rồi có khựng lại vài giây rồi bất ngờ chạy theo A Phủ. Lòng ham sống của một con người dường như được thổi bùng lên trong Mị, kết hợp với nỗi sợ hãi, lo lắng. Mị như tìm lại được con người thật, một con người với khát vọng sống mãnh liệt dường như thổi bùng lên tất cả những thứ đang xảy ra xung quanh. Thế là khát vọng có được cuộc sống tươi đẹp hạnh phúc, ý nghĩa của Mị sau khi bị sự độc ác của A Sử chà đạp phũ phàng. Đọc đến đây ta mới thấy rằng Tô Hoài phẫn nộ trước tội ác của xã hội, bày tỏ niềm xót thương cho cuộc đời bất hạnh của Mị. 

 

Ta thấy được giá trị nhân đạo trong tác phẩm này thể hiện qua những tài năng nghệ thuật và cách sử dụng ngôn từ của Tô Hoài để diễn tả chi tiết hành động và tâm trạng của nhân vật. Ông vẫn luôn giữ một niềm tin vào sức sống tiềm tàng của Mị, chỉ bị vùi lấp, ẩn sâu như một đốm lửa nhỏ nhoi, vẫn bền bỉ, âm ỉ giữa tàn tro nguội lạnh rồi có lúc sẽ cháy bùng lên thành ngọn lửa. Ngay cả khi Mị đã trơ lì, chai sạn, tự coi mình là trâu ngựa, Tô Hoài vẫn tràn đầy niềm tin, bởi ông nhìn con người bằng đôi mắt của tình thương, bằng tấm lòng cố tình mà hiểu. Mị có một tâm hồn đẹp mộng mơ như thế, từng có thời thanh xuân tươi đẹp đến thế, Mị sẽ không từ bỏ buông xuôi. Chi tiết Mị muốn mặc váy hoa đi chơi trong đêm tình là tia lửa hôm nay báo hiệu đám cháy ngày mai. Khát vọng, tình yêu và hạnh phúc vẫn như đốm lửa, âm ỉ giữa tàn tro nguội lạnh. Nhà văn tin chỉ cần một cơn gió nhỏ đi qua, đám tàn tro kia sẽ tan biến, ngọn lửa khát vọng sẽ cháy bùng lên rực rỡ, soi tỏ con đường đời của Mị. Tất cả mọi hành động của Mị đều là kết quả của sự bạo lực và uy quyền của nhà thống lý nói riêng và của xã hội phong kiến lúc bấy giờ nói chung đã hành hạ, dập tắt khát vọng sống của những người lao động để giờ đây quên đi mọi hành động tàn ác, Mị đã luôn giữ cho mình một sức sống tiềm tàng mãnh liệt, khát khao hạnh phúc luôn cháy bóng, khả năng hướng về cách mạng của người dân Tây Bắc. Hành động cắt dây trói cho A Phủ cũng chính là cắt dây trói cho cuộc đời mình, kết thúc một cuộc sống mà Mị không mong đợi. 

 

Tô Hoài với sự cảm thông sâu sắc và thực sự am hiểu về cuộc sống lao động của những người dân miền núi đã mở ra một kết thúc có hậu cho cả Mị và A Phủ. Hình ảnh Mị gợi nhớ đến kết thúc tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố, chị Dậu chạy vào bầu trời đêm tối đen như mực, Mị cũng chạy vào bầu trời đêm tối nhưng đó là đêm tối cuối cùng của kiếp đời nô lệ, tủi nhục, đêm trước của bình minh, Mị và A Phủ sẽ cùng nhau chạy đến Phiềng Sa, bắt đầu những trang đời hạnh phúc dưới ánh sáng của cách mạng. 

 

Biêlinxki cho rằng “nghệ thuật sẽ chết nếu có miêu tả chỉ để miêu tả”. Hiện thực cuộc sống khi vào tác phẩm phải khúc xạ qua lăng kính tư tưởng của nhà văn. Qua nhân vật Mị, Tô Hoài gửi gắm tư tưởng nhân đạo sâu sắc và mới mẻ. Đó là sự thương cảm cho một số phận éo le sống với cuộc sống cùng cực, đau khổ đọa đày. Với tình yêu thương đó, tác giả đã bằng giọng văn mạnh mẽ và quyết đoán của mình để tố cáo bọn xã hội thực dân với một tinh thần mãnh liệt. Nhà văn phẫn nộ vạch trần tội ác của xã hội phong kiến miền núi, chính xã hội ấy đã biến cuộc đời Mị thành cơn ác mộng kinh hoàng. Bằng lời văn giàu tính tạo hình, ngôn ngữ giản dị, phong phú và nghệ thuật kể chuyện linh hoạt, lôi cuốn, Tô Hoài đã thực sự trở thành “kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường” (Nguyễn Minh Châu). 

Hy vọng qua bài viết trên đây của Học văn chị Hiên, các em sẽ hiểu rõ hơn về ý kiến “Thắp sáng ngọn lửa của khát vọng sống, Tô Hoài cũng làm bừng sáng giá trị nhân văn cao đẹp của tác phẩm”. Từ đó, các em có thêm tư liệu để nên một bài văn xuất sắc của riêng mình. Để nắm rõ hơn về thông tin tác giả, cùng kiến thức về tác phẩm chương trình Ngữ văn 12 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh sở hữu ngay bộ "Sổ tay văn học" nhé! Xem bản đọc thử  Tại đây

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH

Fanpage: Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn
 

Tin liên quan