Đăng Ký Học
Ngày 27/12/2024 11:52:40, lượt xem: 257
ĐỌC THÊM: CẮT NGHĨA NHỮNG NHẬN ĐỊNH THƯỜNG GẶP TRONG BÀI THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9
Đề bài:
Câu 1 (4.0 điểm):
Người trẻ đi phượt, tiện thể làm việc thiện. Một số bạn đưa lên mạng xã hội một vài pô ảnh mình “sống tử tế” chỉ để ủng hộ một xu hướng nào đó đang được quan tâm rầm rộ.
Anh/ chị hãy viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về hiện tượng người trẻ sống đẹp theo phong trào.
Bài làm:
Nhà thơ Tố Hữu vẫn thường trăn trở: “Ôi! Sống đẹp là gì hỡi bạn!”. Chúng ta đã từng dõng dạc trả lời rằng, “sống đẹp” là làm việc thiện giúp đời, cho đi mà không cần hồi đáp. Thế nhưng, dần dần, khi “sống đẹp” bắt đầu trở thành một phong trào - thì nó lại khiến việc vốn phải làm từ tâm biến thành công cụ để mưu cầu danh tiếng của một bộ phận giới trẻ. Điều này xuất phát từ sự tham lam những danh vọng không có thực, từ sự đua đòi và khao khát đánh bóng bản thân. Người trẻ ngày nay dần thể hiện sự thiếu tình thương với mọi người qua những hành động tưởng như là phô bày “tình thương”. Bởi vì không thật sự đồng cảm, nên cho đi không đúng chỗ, không đúng cách; bởi vì không thật sự đồng cảm, nên chỉ cần làm sao cho mình được ngưỡng mộ, không quan tâm đến người được nhận những “lòng tốt” kia. Gần đây nhất, trong làn sóng ủng hộ nhân dân miền Bắc khắc phục hậu quả của bão số 3 Yagi, chúng ta được chứng kiến rất nhiều những “trò cười”. Nhiều người nổi tiếng “thổi phồng” số tiền quyên góp lên gấp trăm lần; nhiều cuộc từ thiện được tổ chức chỉ để quay chụp mà không mang đến thứ người dân thật sự cần,... Những lòng tốt không đúng chỗ, những sự đồng cảm không chân thành làm cho con người dần dần đánh mất đi niềm thương tự nhiên với người khác, việc giúp đỡ mọi người giờ đây phải được thực hiện trên cơ sở của lợi ích. Lúc này, ta chẳng thể tự hào mà nói rằng “cho đi là không cần nhận lại”, bởi một bộ phận thế hệ trẻ chỉ làm khi được lợi, được ngợi ca - cái họ cần bây giờ là danh hiệu “người tốt”. Điều này dấy lên một mối lo cho xã hội về một bước lùi của văn minh; tạo thành tấm gương xấu cho những thế hệ sau này. Tất nhiên, để xảy ra tình trạng này còn phải truy xét đến trách nhiệm của cộng đồng. Chúng ta đã quá tung hô, tôn thờ khái niệm từ thiện, làm cho người trẻ vì muốn khẳng định mình mà làm mất đi ý nghĩa vốn có của nó. Tuy vậy, phong trào sống đẹp cũng tạo ra một làn sóng người trẻ làm việc tốt. Bên cạnh những tồn đọng, chúng ta cũng phải khẳng định hiệu ứng tích cực của phong trào này, từ đây, rất nhiều những hoạt động từ thiện sâu sắc và đúng nghĩa đến từ thế hệ trẻ đã ra đời, rất nhiều mảnh đời bất hạnh đã được giúp đỡ. Tóm lại, sống đẹp theo phong trào tuy tiềm ẩn nhiều hệ lụy, nhưng sẽ phát huy được giá trị nếu ta xuất phát từ những tình cảm chân thành, từ thiện để thật sự “sống đẹp” chứ không phải vì lợi ích cá nhân. Và, trả lời cho câu hỏi của nhà thơ Tố Hữu, “sống đẹp” thật sự là trao đi tình yêu thương tự đáy lòng, nhìn đời và đối xử với cuộc đời bằng thái độ chân thành: “Ta hay chê rằng cuộc đời méo mó/ Sao ta không tròn ngay tự trong tim”.
ĐỌC THÊM: HƯỚNG DẪN ĐƯA LÍ LUẬN VĂN HỌC VÀO BÀI VIẾT DÀNH CHO HỌC SINH GIỎI
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học Văn vip lớp 9 - 2k10
- Khóa học Phương pháp và luyện đề lớp 9
Tin liên quan