Đăng Ký Học
Ngày 15/11/2024 10:29:08, lượt xem: 84
1. Nhận định số 1
“Thơ là chữ nghĩa mà cũng không là chữ nghĩa… Thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ”. (Thanh Thảo - Sự đồng cảm trong phê bình thơ) |
⇒ “Thơ là chữ nghĩa”, đúng vậy, thơ là tác phẩm của ngôn từ, bởi thế nó đòi hỏi hình thức thơ phải hay, phải hấp dẫn. Nhưng thơ cũng “không là chữ nghĩa” , mà “thơ đúng nghĩa là sự bộc lộ tận cùng của nhà thơ”. Thơ không chỉ là tác phẩm của ngôn từ, mà còn là tiếng nói của tình cảm, của tâm hồn con người. Bởi thế, bài thơ hay phải sâu sắc cả về nội dung, tâm tưởng. Nhận định trên đã thay lời của nhà thơ để nói về đặc trưng của văn chương nói chung và thi ca nói riêng. Thơ là nghệ thuật của ngôn từ nhưng ngôn ngữ trong thơ không chỉ lột tả hiện thực đơn thuần, mà còn phải ghi lại được những cảm xúc chủ quan của nhà thơ trước hiện thực khách quan của đời sống. Hay nói cách khác, nhận định trên bàn về đặc trưng hình thức và nội dung của thơ.
2. Nhận định số 2
“Quan niệm nghệ thuật về con người thể hiện tầm nhìn của nhà văn và chiều sâu triết lí của tác phẩm”. (GS. Huỳnh Như Phương) |
⇒ “Quan niệm nghệ thuật về con người” là những gì mà nhà văn truyền tải đến người đọc trong trang viết của mình. Nó không đơn thuần chỉ là những nhận xét, đánh giá của tác giả về cuộc đời, mà qua mỗi quan niệm, ta thấy được “tầm nhìn của nhà văn”. Tức là thấy được vốn sống, vốn hiểu biết, khả năng quan sát và kinh nghiệm của nhà văn với thế giới xung quanh mình. Hơn thế nữa, quan niệm nghệ thuật của tác giả về con người còn là cái làm nên chiều sâu của tác phẩm. Một tác phẩm sâu sắc phải là tác phẩm giúp cho người đọc đúc kết được những bài học nhân sinh qua quan niệm mà tác giả truyền đạt. Vậy nên, có thể thấy, nhận định của GS. Huỳnh Như Phương nhấn mạnh đến hành trình sáng tạo của nhà văn. Thông qua tác phẩm nghệ thuật, nhà văn thể hiện những quan điểm nhân sinh về con người, xã hội. Và chính tác phẩm nghệ thuật cũng là cái bộc lộ con người của nhà văn.
3. Nhận định số 3
“Nhà văn luôn luôn mang một tấm lòng rộng mở, biết ngạc nhiên dù là với một vẻ đẹp bình dị của cuộc sống, rất nhạy cảm với những đổi thay chung quanh.” (Phương Lựu) |
⇒ Nhà văn luôn mang “một tấm lòng rộng mở”, nghĩa là nhà văn phải có một tấm lòng, trái tim yêu thương con người và cuộc đời. Còn “một vẻ đẹp bình dị của cuộc sống”, là tất cả những gì nhỏ bé mà đẹp đẽ xung quanh con người. Nhà văn phải là người có tấm lòng rộng mở, “nhạy cảm với những thay đổi xung quanh”, tinh tế phát hiện ra mỗi vẻ đẹp trong từng phút giây của đời sống. Nhận định của nhà phê bình Phương Lựu đã khẳng định vai trò của chủ thể sáng tạo (cả nhà văn và nhà thơ) trong việc làm nên những sáng tác giá trị. Những rung cảm của người nghệ sĩ chân chính với cuộc đời là yếu tố tạo nên một tác phẩm.
ĐỌC THÊM: TỔNG HỢP 185 NHẬN ĐỊNH LIÊN HỆ MỞ RỘNG DÀNH CHO CẢ THƠ VÀ VĂN XUÔI HAY NHẤT
4. Nhận định số 4
“Nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ đường cho ta đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta tự phải bước lên đường ấy” (Nguyễn Đình Thi - Tiếng nói văn nghệ) |
⇒ Trong nhận xét của mình, nhà thơ Nguyễn Đình Thi viết “nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ đường cho ta đi”, nghĩa là nghệ thuật căn bản không phải một bài thuyết giảng. Nó là con đẻ của nghệ sĩ, là cách truyền đạt những ước vọng, suy tư tới với độc giả. Bởi lẽ ấy, mà nghệ thuật phải “đốt lửa trong lòng chúng ta”, tác động vào nhận thức, tâm tư, tình cảm của con người, giúp người đọc hiểu được hiện thực cuộc sống được phản ánh qua tác phẩm, nhận thức được thiện ác đúng sai trong đời. Để từ đó, làm cho “chúng ta phải tự bước lên con đường ấy”, phải biết yêu cái đẹp, tránh xa cái sai trái, biết đánh giá cuộc đời một cách khách quan. Có thể thấy, nhận định trên nhấn mạnh chức năng của văn học, văn học không chỉ tô vẽ lên cái đẹp, văn học phải xây dựng được những nhận thức, tình cảm, thẩm mỹ cho con người, làm cho con người có những có sở để hoàn thiện, phát triển bản thân.
5. Nhận định số 5
“Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự giãi bày và gửi gắm tâm tư.” (Lê Ngọc Trà) |
⇒ “Nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm con người”, nó là tiếng nói của cuộc đời được nhà văn đưa vào trang viết, cũng là tiếng nói của nhận thức, tâm tưởng, suy tư của tác giả. Nhờ có nghệ thuật, con người có thể giãi bày những suy nghĩ, tình cảm trong lòng mình; đồng thời gửi gắm những ước mong, khát vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn. Do vậy, nhận định trên của nhà phê bình Lê Ngọc Trà đã khẳng định một đặc trưng về nội dung của nghệ thuật, văn học là nơi bộc lộ tình cảm, tâm tư con người.
6. Nhận định số 6
“Thơ chẳng ai giống ai, chẳng ai mong muốn giống ai, và không có lối đi nào chung cho hai nhà thơ cả.” (Thanh Thảo) |
⇒Thanh Thảo viết, “thơ chẳng ai giống ai”, mỗi bài thơ mang một nét nội dung, nghệ thuật, một đặc điểm riêng. Thực vậy, bởi mỗi tác giả đều có trải nghiệm, tình cảm, thái độ khác nhau đối với cuộc đời. Nên, cũng “chẳng ai mong muốn giống ai”, chính nhà thơ cũng luôn đi tìm cho mình một nét đặc trưng riêng để khẳng định bản thân, không muốn mình giống với người khác. Và, sự thực thì trên văn đàn, “không có một lối đi nào chung cho hai nhà thơ cả”, tức là sẽ không có một công thức chung thống nhất cho hai nhà thơ, không có hai nhà thơ tuyệt đối. Có thể thấy, nhận định trên đề cập đến phong cách sáng tác của nhà thơ nói riêng (và những người làm công việc sáng tạo nghệ thuật nói chung). Bản chất của nghệ thuật là sáng tạo, nên hành trình sáng tác chân chính phải là hành trình đi tìm cho mình một phong cách sáng tác riêng, mang đậm dấu ấn cá nhân, độc đáo, không lặp lại, sao chép từ ai.
ĐỌC THÊM: HƯỚNG DẪN ĐƯA LÍ LUẬN VĂN HỌC VÀO BÀI VIẾT DÀNH CHO HỌC SINH GIỎI
7. Nhận định số 7
“Tác phẩm như một con quay kì lạ, chỉ có thể xuất hiện và vận động. Muốn làm cho nó xuất hiện cần phải có một hoạt động cụ thể là sự đọc. Và tác phẩm văn học chỉ kéo dài chừng nào sự đọc còn tiếp tục. Ngoài sự đọc ra, nó chỉ là những vệt đen trên giấy trắng.” (J.P.Statre) |
⇒ “Con quay” là một dạng sự vật duy trì hoạt động bằng việc liên tục quay. “Tác phẩm như một con quay kì lạ”, có nghĩa là, để duy trì sức sống của mình, tác phẩm phải liên tục “xuất hiện và vận động”, phải liên tục được trình diện dưới con mắt của độc giả, phải trải qua một hoạt động cụ thể là sự đọc. Tác phẩm văn học chỉ có thể sống tiếp khi sự đọc còn tiếp tục, khi còn có độc giả đón nhận tác phẩm. Ngoài sự đọc ra thì nó chỉ là “những vệt đen trên giấy trắng”, tức là thoát li khỏi sự đọc, tác phẩm chỉ còn là những văn bản, không còn có thể thực hiện những thiên chức của mình. Nhận định này của Statre đã bàn đến vai trò của việc tiếp nhận văn học, tiếp nhận là cách để cho tác phẩm được thực sự sống ở đời.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học Văn vip lớp 9 - 2k10
Tin liên quan