HƯỚNG DẪN ĐƯA LÍ LUẬN VĂN HỌC VÀO BÀI VIẾT DÀNH CHO HỌC SINH GIỎI

Ngày 08/10/2024 16:57:10, lượt xem: 474

Khái niệm về "lí luận văn học" có lẽ đã không còn là một khái niệm xa lạ, đặc biệt là đối với các bạn đang ôn thi học sinh giỏi. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách đưa phần lí luận văn học này vào bài viết sao cho hiệu quả. Hãy cùng Học Văn Chị Hiên tham khảo phần tài liệu dưới đây.

 

- Cách 1: Sử dụng những nhận định lí luận văn học 

- Cách 2: Sử dụng những lí lẽ của bản thân, bàn luận về những vấn đề lí luận văn học 

⇒ Cần sử dụng linh hoạt, kết hợp cả 2 cách trên trong bài viết.

 

Cách viết Ví dụ
Mở bài
     Văn học là tấm gương để người nghệ sĩ phản ánh cuộc sống. Đời sống thực tế chính là chất liệu hiện thực, là gốc rễ để thơ văn bắt nguồn và phát triển. Nhưng hiện thực trong văn chương phải là hiện thực đã được nung nấu qua những trải nghiệm sâu sắc, những tình cảm thiết tha của người cầm bút. Hiện thực thì rộng lớn bao la, chính vì lẽ đó mà những người nghệ sĩ đầy tâm huyết và trách nhiệm với cuộc đời luôn cảm thấy sự bất lực của mình/nghệ thuật khi không thể nắm bắt được trọn vẹn thực tại trên dòng chảy bất tận của thời gian. 🡪 1 câu văn dẫn dắt (sử dụng những từ khóa trong nhận định của đề bài) 🡪 Trích nhận định + nêu dẫn chứng.
Thân bài
LĐ Giải thích:
Dùng lí luận văn học để lí giải nhận định, rút ra ý nghĩa của nhận định
     Lí giải cho nền tảng cốt lõi của tác phẩm văn học cũng như sứ mệnh của người cầm bút trước cuộc đời, nhà thơ Ra-xum Ga-da-tốp đã khảng khái đưa ra hai thông điệp: “Nền tảng của bất kì tác phẩm nào phải là chân lí được khắc họa bằng tất cả tài nghệ của nhà văn. Cần phải hát đúng giai điệu về thời đại mình và phải miêu tả nó một cách trung thực bằng những hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo.” Trước tiên là thông điệp về thứ “chân lí”, thứ “giai điệu” của thời đại mà người nghệ sĩ cần bám vào và tập trung khắc họa. Ở đó, “chân lí” chính là sự phản ánh chân xác những sự vật, hiện tượng, con người trong thế giới khách quan muôn hình vạn trạng. Cụ thể hơn, việc các tác giả khắc họa chân lí ở đời cũng chính là việc họ “hát đúng giai điệu về thời đại mình”, cất lên tiếng thơ, tiếng văn mang hơi thở của hiện thực cuộc sống. Nhưng sứ mệnh của người cầm bút theo Ra-xum Ga-đa-tốp thì không chỉ dừng lại ở việc thể hiện chân lí hay tái hiện hiện thực mà còn cần dốc hết “tài nghệ”, miêu tả cuộc sống thì cần phải “trung thực” bằng những “hình ảnh hấp dẫn, không một chút giả tạo”. Nghĩa là mỗi tác phẩm văn chương nên là, phải là sự kết tinh của tâm huyết, tình cảm, tài năng người cầm bút, để rồi lấp lánh ở đó là những hình ảnh, chi tiết vừa chân thực, vừa hấp dẫn, vừa gần gũi vừa sáng tạo, sâu xa. Với những thông điệp được gửi gắm, ý kiến của Ra-xum Ga-đa-tốp thật chí lí và sâu sắc, nó đã một lần nữa khẳng định bản chất của văn học là phản ánh đời sống và sự phản ánh ấy luôn trung thực, chân xác, sinh động, cao đẹp.

LĐ chứng minh bằng cơ sở lí luận:
Dùng lí luận văn học để bàn luận, chứng minh tính đúng đắn của nhận định:
- Lí giải nguyên nhân dẫn đến quan điểm này
- Giải thích rõ hơn nội dung được đề cập đến trong nhận định
- Trả lời những câu hỏi:
+ Là gì? (khái niệm của vấn đề lí luận văn học)
+ Như thế nào? (biểu hiện trong văn học)
+ Tại sao lại cần có những quan điểm đó? (nguyên nhân dẫn đến vấn đề này trong văn học)

     Thật vậy, mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời. Sức mạnh của văn học đến từ đâu nếu không phải là nguồn sống, chất sống cất lên từ hiện thực? Tựa như cây xanh muốn vươn cành trổ lá thì phải bắt rễ sâu nơi bầu đất mỡ màu, tác phẩm văn chương muốn chiến thắng sự băng hoại của thời gian thì luôn cần bắt rễ từ hiện thực đời sống con người. Phản ánh đời sống như là một thuộc tính tất yếu, một nền tảng không thể lung lay của văn học. Dù tác phẩm văn học có phong phú đa dạng đến đâu thì bất kì tác phẩm nào – hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, ở mức độ này hay mức độ khác – đều mang trong nó hơi thở của cuộc sống, bóng dáng của thời đại và hiện thực cuộc đời mà ở đó nó được sinh ra. Hiện thực được phản ánh trong trang viết phải trung thực, phù hợp với hoàn cảnh của thời đại. Hiện thực mỗi thời đại, mỗi thời kì khác nhau nên văn học mang nội dung cụ thể của thời đại mình. Bên cạnh đó, “tác phẩm văn học là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp” (Sóng Hồng). Không nên hiểu sự phản ánh hiện thực đời sống bằng văn học một cách thô thiển như là một sự sao chép y nguyên hiện thực và mô tả nó một cách máy móc. Thực chất, nhà văn cầm bút lên và viết chính là bắt đầu cho quá trình chắt lọc, nhào nặn, tổ chức lại những chất liệu đời sống theo trí tưởng tượng phong phú và ý đồ nghệ thuật riêng. Thế nên, mỗi trang văn là một trang đời sâu sắc, từng hơi thở cuộc đời cũng đều có thể tìm thấy cho mình một biểu hiện sinh động qua những hình ảnh hấp dẫn trong trang văn. Chẳng tô vẽ thái quá đâu khi nói văn học là ô cửa rộng lớn của tâm hồn mà bạn đọc có thể đến bên và thu trọn trong tầm mắt của mình hình ảnh cuộc sống bao la, phong phú, rồi bạn đọc với cái tâm trong sáng và khát khao tiếp nhận còn có thể bước qua ô cửa ấy để được sống nhiều cuộc đời đã được khắc họa đủ đầy trên trang văn. Chỉ khi như vậy thì mỗi tác phẩm văn học mới tồn tại như một thông điệp báo cho người đọc hôm nay biết tác phẩm ấy đang ở đâu trong chiều ngang của không gian và khoảng nào trong chiều dọc của lịch sử.

LĐ đánh giá, mở rộng:
Dùng lí luận văn học để liên hệ tới các vấn đề có liên quan trong văn học.

     Văn học luôn song hành cùng con người trên hành trình cuộc sống. Ý kiến của Ra-xum Ga-đa-tốp đã tổng kết được toàn diện những yêu cầu đặt ra đối với một nhà văn trước sứ mệnh cao cả đem trang văn đến với cuộc đời. Tuy nhiên cần hiểu đúng quan điểm nhà văn phải “hát đúng giai điệu về thời đại mình” và phải “miêu tả nó một cách trung thực, không một chút giả tạo” nghĩa là đề cao vai trò của hơi thở đời sống trong tác phẩm văn học chứ không phải đồng nhất giữa việc tái hiện trung thực cuộc sống với việc sao chép hiện thực một cách y nguyên, rập khuôn, thiếu sáng tạo. Để viết được những tác phẩm vừa dồi dào chất hiện thực, vừa có chiều sâu tư tưởng, tình cảm, nhà văn hẳn phải có tấm lòng tha thiết với đời, khả năng quan sát tinh tế và tầm trí tuệ uyên thâm. “Và những trang sách của những tâm sự riêng tư đã vượt khỏi câu chuyện của một người để trở thành câu chuyện của muôn người” (Huỳnh Như Phương). Trong trái tim bạn đọc chúng ta luôn cần lắm những rung cảm chân thành trước trang văn, để cảm hiểu, để thiết tha, để ca vang mãi ý nghĩa cao đẹp của văn chương.
Kết bài
“Thời gian như là gió
Mùa đi theo tháng năm
Tuổi theo mùa đi mãi”
(Xuân Quỳnh)
     Trước thách thức của thời gian, mọi giá trị đều lu mờ phủ bụi nếu nó không tác động sâu sắc tới lí trí và trái tim con người. Văn chương không nằm ngoài quy luật khắc nghiệt ấy nhưng kì diệu thay, văn chương chân chính cũng đứng trong hàng ngũ của những thứ “khí giới thanh cao và đắc lực” có sức mạnh trường tồn bền bỉ cùng với đời sống của chúng ta. Để làm nên điều đó, mỗi nhà văn, nhà thơ hãy thấm nhuần những quan điểm/chân lí đúng đắn như + nhận định, hãy ngụp lặn giữa bể đời rồi viết nên trang văn/trang thơ bất hủ như + tác phẩm làm dẫn chứng nếu có. Trân trọng tất thảy những lao động nghệ thuật chân chính, tâm hồn ta sẽ được tưới tắm bởi lời hay, ý đẹp và rồi mãi tỏa ngát hương thơm.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học Văn vip lớp 9 - 2k10

Tin liên quan