GHI NHỚ NHANH THÔNG TIN TÁC GIẢ, TÁC PHẨM “NÓI VỚI CON”

Ngày 19/01/2021 09:31:17, lượt xem: 3736

GHI NHỚ NHANH THÔNG TIN TÁC GIẢ, TÁC PHẨM “NÓI VỚI CON”

Có rất nhiều bạn học sinh trở nên sợ học Văn vì có quá nhiều các tác phẩm văn học với tác giả, thể loại khác nhau. Ngữ pháp thì đa dạng và phong phú. Để khắc phục được tình trạng sợ Văn đó, hôm nay Học văn chị Hiên sẽ chia sẻ tới các thông tin về tác giả, tác phẩm của bài thơ “Nói với con” nhé!

I. Thông tin tác giả, tác phẩm

1. Thông tin về tác giả

- Y Phương (sinh năm 1948) tên thật là Hứa Vĩnh Sước

- Quê quán tại Trùng Khánh - tỉnh Cao Bằng , ông là người dân tộc Tày

- Sự nghiệp sáng tác

   + Y Phương nhập ngũ năm 1968, phục vụ trong quân đội đến năm 1981 chuyển về công tác tại sở văn hóa và thông tin tỉnh Cao Bằng

   + Năm 1993 ông là chủ tịch hội văn nghệ Cao Bằng

  + Năm 2007 ông được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Đây chính là một giải thưởng cao quý rất xứng đáng với những gì Y Phương đã cống hiến cho nền văn học nước nhà.

   + Các tác phẩm tiêu biểu: “Người hoa núi”, “Lời chúc”, “Đàn then”…

- Phong cách sáng tác

   + Thơ của ông thể hiện tâm hồn mạnh mẽ, chân thực và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người dân tộc miền núi, mang đậm bản sắc vùng cao.

SOẠN VĂN "NÓI VỚI CON"

2. Thông tin về tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Bài thơ “Nói với con” được sáng tác năm 1980, khi đất nước mới hòa bình thống nhất nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Từ hiện thực ấy, nhà thơ đã sáng tác bài thơ như lời tâm sự, động viên chính mình đồng thời nhắc nhở con cái sau này.

b. Thể thơ và phương thức biểu đạt

- Thể thơ: Tự do

- Phương thức biểu đạt : Tự sự + Miêu tả + Biểu cảm

c.  Bố cục

Gồm 2 phần:

- Đoạn 1: Con lớn lên trong tình yêu thương, sự giúp đỡ của cha mẹ , trong cuộc sống lao động của quê hương.

- Đoạn 2: Lòng tự hào về sức sống bền bỉ, mạnh mẽ về truyền thống cao đẹp của quê hương và niềm mong ước con sẽ kế tục những truyền thống đáng quý

c. Giá trị nội dung bài thơ

- Bài thơ “Nói với con” thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống và niềm tự hào về quê hương, dân tộc của mình. Bài thơ đã giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc đến tình cảm đẹp đẽ với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

MỞ BÀI "NÓI VỚI CON" - Y PHƯƠNG SIÊU CHẤT|| NGỮ VĂN LỚP 9

d. Giá trị nghệ thuật

- Bài thơ được viết theo thể thơ tự do phóng khoáng làm cho cảm xúc cụ thể, rõ ràng, giọng điệu thơ trìu mến, thiết tha. Ngôn ngữ thơ cụ thể và hàm súc, nhiều ý nghĩa, hình ảnh thơ độc đáo, sinh động mang đậm bản sắc thơ ca miền núi cũng là những nét đặc sắc về nghệ thuật của tác phẩm.

II. Tìm hiểu văn bản

1) Những cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con (Từ  đầu cho đến “Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”)

a) Trong những lời tâm tình, tác giả nói với con cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con trước hết là gia đình:

               “ Chân phải bước tới cha
                Chân trái bước tới mẹ
                Một bước chạm tiếng nói
                Hai bước tới tiếng cười”

- Sử dụng hệ thống từ ngữ giàu giá trị tạo hình: “ chân phải”, “ chân trái”, “một bước”, “hai bước” gợi cho chúng ta liên tưởng đến những bước chân chập chững đầu tiên của một em bé trong sự vui mừng của cha mẹ.

- Thủ pháp liệt kê thứ nhất  qua hình ảnh “ tiếng nói”, “ tiếng cười” đã tái hiện được hình ảnh của một em bé đang ở lứa tuổi bi bô tập nói đồng thời gợi đến khung cảnh của một gia đình đầm ấm, hòa thuận luôn tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, tràn đầy tiếng nói, tiếng cười.

- Thủ pháp liệt kê thứ hai qua hình ảnh “ tới cha”, “ tới mẹ” đã tái hiện hình ảnh em bé đang chập chững tập đi, lúc thì sà vào lòng mẹ, khi lại níu lấy tay cha, gợi lên ánh mắt như đang dõi theo và vòng tay dang rộng đón đợi của cha mẹ.

- Nhịp thơ 2/3 với cáu trúc đối xứng đã tạo nên một âm điệu, không khí vui tươi và gợi đến một mái ấm gia đình hạnh phúc.

=> Lời thơ giản dị như một lời tâm tình thủ thỉ, Y Phương đã nói với con, gia đình chính là cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con. Vì thế, trên hành trình vạn dặm của cuộc đời, con không được phép quên.

b) Cùng với gia đình, thì quê hương chính là mạch nguồn không thể thiếu nuôi dưỡng con khôn lớn và trưởng thành

 “ Người đồng mình yêu lắm con ơi

Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát

Rừng cho hoa

Con đường cho những tấm lòng”

- Quê hương được gới thiệu qua lối nói hình ảnh của người vùng cao - “ người đồng mình”. "Người đồng mình" là người vùng mình, người quê hương. Đây là cách nói giản dị, thân thuộc, mộc mạc của người miền núi.

- Cách giới thiệu hình ảnh ấy lại đi liền với hô ngữ “ con ơi” khiến lời của cha với con thật trìu mến, thân thương.

- Hệ thống hình ảnh giàu sức gợi:

+ “ Đan lờ cài nan hoa”: tả thực công cụ lao động còn thô sơ được “người đồng mình” trang trí trở nên đẹp đẽ; gợi đôi bàn tay cần cù, khéo léo, tài hoa và giàu sáng tạo của “người đồng mình”, đã khiến cho những nan nứa, nan tre đơn sơ, thô mộc trở thành “ nan hoa”

+ “ Vách nhà ken câu hát” đã tả thực lối sinh hoạt văn hóa cộng đồng, khiến cho những vách nhà như được ken dầy trong những câu hát, gợi một thế gới tâm hồn tinh tế và tràn đầy lạc quan của người vùng cao.

- Các động từ “cài, ken” vừa miêu tả được động tác  khéo léo trong lao động vừa gợi sự gắn bó của những “ người đồng mình” trong cuộc sống lao động.

- Thủ pháp nhân hóa:

+ “Rừng cho hoa”, tả thực vẻ đẹp của những rừng hoa mà thiên nhiên, quê hương ban tặng, gợi sự giàu có hào phóng của thiên nhiên, quê hương.

+ “ Con đường cho những tấm lòng”, gợi liên tưởng đến những con đường trở về nhà, về bản; gợi đến tấm lòng tình cảm của “người đồng mình” với gia đình, quê hương, xứ sở.

- Điệp từ “cho” cho thấy tấm lòng rộng mở, hào phóng, sẵn sàng ban tặng tất cả những gì đẹp nhất, tuyệt vời nhất của quê hương, thiên nhiên.

=> Nếu như gia đình là cội nguồn sinh thành và dưỡng dục con thì quê hương bằng văn hóa lao động đã nuôi dưỡng  và chở che cho con thêm khôn lớn, trưởng thành.

c) Cuối cùng, tác giả tâm sự với con về kỉ niệm êm đềm, hạnh phúc nhất của cha mẹ. Bởi đó cũng là cội nguồn để sinh thành nên con:

“Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới

Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”

- “Nhớ về ngày cưới” là nhớ về kỉ niệm cho sự khởi đầu của một gia đình. Nó là minh chứng cho tình yêu và con chính là kết tinh từ tình yêu ấy.

- “ Ngày đầu tiên đẹp nhất” đó có thể là ngày cưới của cha mẹ, nhưng cũng có thể là ngày đầu tiên con chào đời.=> Đoạn thơ là lời dặn dò, nhắn nhủ tâm tình của người cha về cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con: Gia đình, quê hương chính là những nền tảng cơ bản để tiếp bước cho con khôn lớn, trưởng thành. Bởi vậy, con phải luôn sống bằng tất cả tình yêu và niềm tự hào.

=> Đoạn thơ là lời dặn dò, nhắn nhủ tâm tình của người cha về cội nguồn sinh thành và nuôi dưỡng con: Gia đình, quê hương chính là những nền tảng cơ bản để tiếp bước cho con khôn lớn, trưởng thành. Bởi vậy, con phải luôn sống bằng tất cả tình yêu và niềm tự hào. 

2) Những phẩm chất cao quí của người đồng mình và lời khuyên của cha (Phần còn lại)

 

a) Trong lời tâm tình về nguồn cội sinh thành và nuôi dưỡng con , người cha đã khéo léo “đan”, “cài” những phẩm chất tốt đẹp của người đồng mình:

“Người đồng mình thương lắm con ơi!

Cao đo nỗi buồn

Xa nuôi chí lớn”

- Động từ “ thương” đi liền với từ chỉ mức độ “lắm” để bày tỏ sự đồng cảm với những nỗi vất vả, khó khăn của con người quê hương.

- Hệ thống từ ngữ giàu sức gợi qua các tính từ “ cao, xa” gợi liên tưởng đến những dãy núi cao, trùng điệp là nơi cư trú của đồng bào vùng cao. Những tính từ này được sắp xếp theo trình tự tăng tiến, gợi những khó khăn như chồng chất khó khăn để thử thách ý chí con người.

- Hệ thống hình ảnh mang tư duy của người miền núi, khi tác giả lấy cao của trời, của núi để đo nỗi buồn, lấy xa của đất để đo ý chí con người.

=> Câu thơ đượm chút ngậm ngùi, xót xa để diễn tả thực tại đời sống còn nhiều những khó khăn, thiếu thốn của đồng bào vùng cao. Đồng thời, cũng đầy tự hào trước ý chí, nghị lực vươn lên của họ.

Từ phẩm chất của người đồng mình, Y Phương tiếp tục nói với con về ý chí và vẻ đẹp truyền thống của người vùng cao:

 “ Người đồng mình thô sơ da thịt

Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương

Còn quê hương thì làm phong tục”

- Nghệ thuật tương phản:

+ “Hình ảnh thô sơ da thịt” đã tả thực vóc dáng, hình hài nhỏ bé của “người đồng mình”

+ Cụm từ “chẳng mấy ai nhỏ bé” gợi ý chí, nghị lực phi thường, vượt lên hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của “người đồng mình”

-> Nghệ thuật tương phản đã làm tôn lên “tầm vóc”, “vóc dáng” của “người đồng mình”: họ có thể còn “thô sơ da thịt” nhưng họ không hề yếu đuối.

- Hình ảnh “tự đúc đá kê cao quê hương” vừa mang ý nghĩa tả thực, vừa mang ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc:

+ Tả thực quá trình dựng nhà, dựng bản của của người vùng cao, được kê trên những tảng đá lớn để tránh mối mọt.

+ Ẩn dụ cho tinh thần tự lực cánh sinh, họ đã xây dưng và nâng tầm quê hương. 

- Trong quá trình dựng làng, dựng bản, dựng quê hương ấy, chính họ đã làm nên phong tục, bản sắc riêng cho cộng đồng.

=> Câu thơ tràn đầy niềm tự hào về nhũng phẩm chất đáng quý của người dồng minh. Từ đó Y Phương nhắn nhủ, răn dạy con phải biết kế thừa, phát huy những vẻ đẹp của con người quê hương.

b) Lời khuyên của người cha:

 Hãy biết sống theo những truyền thống tốt đẹp của người đồng mình:

 “Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn 

Sống trên đá không chê đá ghập ghềnh 

Sống trong thung không chê thung nghèo đói

Sống như sông như suối

Lên thác xuống ghềnh

Không lo cực nhọc” 

 - Điệp từ “sống”  được lặp đi lặp lại liên tiếp đã tô đậm được mong ước mãnh liệt của cha dành cho con.

 - Hình ảnh ẩn dụ và phép liệt kê “đá ghập ghềnh” và “thung nghèo đói”:

+ Gợi không gian sống hiểm trở, khó làm ăn, canh tác 

+ Gợi đến cuộc sống nhiều vất vả, gian khó và đói nghèo

=> Từ đó, người cha mong muốn ở con: hãy biết yêu thương, gắn bó, trân trọng quê hương mình

- Hình ảnh so sánh : “Sống như sông như suối”

+ Gợi về cuộc sống bình dị, hồn nhiên, gắn bó với thiên nhiên.

+ Gợi lối sống trong sáng, phóng khoáng, dào dạt tình cảm như sông như suối.

=> Từ đó, người cha mong muốn ở con: một tâm hồn trong sáng, phóng khoáng như thiên nhiên.

- Thủ pháp đối “lên thác”>< “xuống ghềnh” gợi một cuộc sống vất vả, lam lũ, nhọc nhằn, không hề bằng phẳng, dễ dàng. Từ đó, người cha mong muốn ở con: phải biết đối mặt, không ngần ngại trước những khó khăn và phải biết vươn lên, làm chủ hoàn cảnh. 

=> Đoạn thơ là lời khuyên của cha, khuyên con hãy tiếp nối cái tình cảm ân nghĩa, thủy chung với mảnh đất mà mình sinh ra. Hãy tiếp nối cả ý chí can đảm, lòng kiên cường của người đồng mình.

 Khép lại bài thơ, là lời dặn dò vừa ân cần, trìu mến vừa nghiêm khắc của người cha:

“Con ơi tuy thô sơ da thịt

Lên đường

Không bào giờ được nhỏ bé

Nghe con”

- Hai tiếng “lên đường”, cho thấy người con đã khôn lớn, trưởng thành, có thể tự tin, vững bước trên đường đời.

- Hình ảnh thơ được lặp lại “thô sơ da thịt” như là lời khẳng định để khắc sâu trong tâm trí con, rằng: con cũng là người đòng mình, cũng mang hình hài, vóc dáng nhỏ bé

- Nhưng con “không bao giờ được nhỏ bé” mà phải kiên cường, bản lĩnh để đương đầu với những gập ghềnh, gian khó của cuộc đời.

- Hai tiếng “nghe con” nghe thật thiết tha, ân cần, xúc đọng, ẩn chứa biết bao mong muốn của người cha.=> Với giọng điệu thiết tha, tâm tình, trìu mến, người cha đã gửi gắm cho con bài học quý giá, để trên suốt hành trình dài rộng của cuộc đời con mãi mãi khắc ghi.

Mong rằng những thông tin về tác giả, tác phẩm của bài thơ “Nói với con” trên đây sẽ giúp các em dễ dàng hơn trong quá trình học tập và đạt thành tích cao nhé.

Để hiểu hơn về toàn bộ các tác giả cùng kiến thức tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 9 và nhiều thông tin bổ ích khác nữa hãy nhanh sở hữu bộ "Sổ tay văn học" nhé! Xem bản đọc thử  Tại đây

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Chúc các bạn nhỏ luôn học tốt!

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn

 

Tin liên quan