Đăng Ký Học
Ngày 19/04/2022 16:59:42, lượt xem: 4207
Trong nền văn học Việt Nam, Kim Lân được đánh giá là nhà văn của làng quê Việt Nam với cách viết chân chất, mộc mạc và những hình ảnh nhân vật điển hình cho làng quê. Văn của Kim Lân đi sâu vào lòng người đọc bởi tình cảm bình dị, rất đời thường nhưng chan chứa nghĩa tình. Tác phẩm “Vợ nhặt” là một “kiệt tác” của văn học hiện thực Việt Nam, tái hiện thành công xã hội nghèo khổ, cùng cực, bế tắc của người nông dân. Bằng bút pháp tài tình của mình, Kim Lân đã vừa xây dựng thành công tuyến nhân vật đại diện cho cuộc sống bần cùng giai đoạn đó, vừa thể hiện được niềm cảm thông với nỗi đau khổ và bày tỏ niềm tin vào con người: ”dù cuộc sống có đau khổ đến đâu, nhưng con người vẫn thể hiện niềm yêu thương đùm bọc lẫn nhau vẫn không nguôi về khát vọng hạnh phúc, vẫn hướng đến một tương lai tươi sáng”. Đó chính là giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Kim Lân một trong những cây bút truyện ngắn tài năng của văn học Việt Nam hiện đại. Một cây bút thâm canh trên mảnh đất về nông thôn và người nông dân lam lũ, hồn hậu, chất phác mà giàu tình yêu thương. Truyện ngắn “Vợ nhặt” chính là trái ngọt sau vụ thâm canh trên mảnh đất ấy. Và cũng là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân được in trong tập “Con chó xấu xí”. Tiền thân của truyện ngắn này là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” – được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám nhưng dang dở và mất bản thảo. Sau khi hòa bình lập lại (năm 1954), ông đã dựa vào một phần truyện cũ để viết truyện ngắn này. Do đó tác phẩm không chỉ là kết quả của một quá trình suy ngẫm, gọt giũa về cả nội dung và nghệ thuật mà còn mang âm hưởng sự lạc quan của thời đại mới.
“Giá trị nhân đạo” là một giá trị cơ bản của tác phẩm văn học chân chính. Nó được tạo nên bởi niềm cảm thông sâu sắc đối với nỗi đau khổ của con người, đó là sự nâng niu, trân quý những nét đẹp trong tâm hồn con người và cũng là lòng tin vào khả năng vươn dậy của họ, đồng thời lên án những thế lực tàn bạo, đen tối đã chà đạp lên quyền sống, quyền hạnh phúc và phẩm giá con người. Tác phẩm “Vợ nhặt” đã bộc lộ được niềm xót xa thương cảm đối với cuộc sống bi đát của người dân nghèo trong nạn đói. Nạn đói được ví như một trận đại hồng thủy có sức tàn phá dữ dội. Những dãy phố úp sụp tối om: "những người đói dật dờ đi lại như những bóng ma”, “không khí vẩn lên mùi ẩm mốc thối của rác rưởi và mùi gây gây của xác người” và đặc biệt hơn là âm thanh của tiếng quạ gào thê thiết. Bằng những hình ảnh đau thương của nạn đói, tác giả đã tố cáo được tội ác của bọn thực dân phát xít cùng bọn phong kiến tay sai. Chúng đã dồn người dân đến mức đường cùng của cuộc sống, làm cho bao người chết trong cảnh đói rách..
ĐỌC THÊM Cảm nhận vẻ đẹp dòng nước mắt của bà cụ Tứ và người đàn bà hàng chài
Cho đến nay, trong nền văn học hiện đại Việt Nam, chưa có tác phẩm nào viết về trận đói Ất Dậu - năm 1945 thật hay, thật xúc động như truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Nạn đói hoành hành được nhà văn miêu tả lại như một chốn địa ngục trần gian: “Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ”. Người chết như ngả rạ. “Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường”. Không khí “vẩn mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”.
Nạn đói năm 1945 và cái chết thỏa sức tung hoành khắp nơi, chẳng thuộc về riêng ai! Mẹ con Tràng, “nhà cửa là một tấm phên rách, nằm rúm ró trên mảnh vườn đầy cỏ dại”. Đám trẻ con xóm chợ, trước đây tinh nghịch thế, giờ đây vì đói mà “ngồi ủ rũ dưới những xó đường không buồn nhúc nhích”. Trước nhà kho trên tỉnh mấy chị con gái “ngồi vêu ra”. Đặc biệt nhân vật “người vợ nhặt”, vì đói mà thi bất chấp tất cả để được ăn, mới nghe thoáng Tràng nói: “muốn ăn gì thì ăn”, thị đã ngay lập tức “cắm đầu ăn một chập bốn bát bánh đúc”... Cái đói, khiến cho con người ta sẵn sàng bán rẻ cả nhân cách, phẩm giá của mình chỉ mong được ăn để sống. Vì đói mà thị quên cả phẩm giá, theo không Tràng về làm vợ. Họa chăng cái giá cũng bằng bốn cái bánh đúc và hai hào dầu. Thế đấy, giá trị con người từ đây trở nên rẻ rúng đến lạ kì, anh cu Tràng nhờ nạn đói mà “nhặt được vợ”, nhờ đói mới có được vợ.
Niềm xót thương, đồng cảm của nhà văn một lần nữa khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi qua bữa cơm thảm thê ngày đói. Dù cố quên đi thì ta cũng không thể nào quên được hình ảnh: “giữa cái mẹt rách có độc một lùm rau chuối thái rối, và một đĩa muối ăn với niêu cháo lõng bõng nước, mỗi người hai lưng đã hết nhẵn”. Rồi cái cảnh bà cụ Tứ “đon đả” múc cho mỗi người một bát “chè khoán” chát xít không nuốt nổi, nghẹn bứa trong cổ.
Khung cảnh nạn đói là lời tố cáo đanh thép tội ác tày trời của bọn thực dân phát xít đã gây ra cho người dân ta những ngày trước Cách mạng tháng Tám. Đó là nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu khiến “hơn hai triệu đồng bào ta chết đói”. Người dân lao động vì đói mà chết một cách thảm thương “nằm còng queo bên đường, ngổn ngang khắp các lều chợ”, sống trôi nổi vạ vật “lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau xanh ngắt như những bóng ma”.
Ngòi bút nhân đạo của nhà văn Kim Lân không đơn thuần chỉ vẽ ra khung cảnh ngày đói đẻ tố cáo tội ác mà nhà văn không quên phát hiện nâng niu, trân trọng và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp ẩn sâu bên trong mỗi người nông dân lương thiện.
Đầu tiên là nhân vật Tràng. Tuy xấu xí, nghèo khổ, thô kệch nhưng ở anh là tấm lòng nhân hậu, tốt bụng và rất thương người, “thương người như thể thương thân”. Khi gặp người đàn bà đói khát, anh sẵn sàng mời thị ăn rồi không ngại cưu mang người đàn bà tội nghiệp đang cận kề cái chết, dù bản thân anh cũng chẳng khá khẩm hơn là bao. Sống trong cái đói, cái khát nhưng sâu thẳm trong người đàn ông thô kệch ấy niềm khao khát hạnh phúc, khao khát mãnh liệt về một mái ấm gia đình trọn vẹn.
Tiếp theo, chúng ta không thể không nhắc đến chân dung “người vợ nhặt” - nạn nhân của cái đói. Chính cái đói đã bóp méo cả nhân hình lẫn nhân tính của chị. Chị đói rách đến mức “quần áo tả tơi như tổ đỉa, trên khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt”. Thị bất chấp tất cả để được ăn, ăn để được sống. Thị bỏ mặc phẩm giá đi theo không Tràng về làm vợ chỉ mong được sống.
ĐỌC THÊM Vẻ đẹp khuất lấp nhân vật vợ nhặt và tinh thần nhân đạo của tác phẩm
Và ta cũng không thể quên được hình ảnh bà cụ Tứ - người mẹ nghèo khổ nhưng hết lòng yêu thương người trong tình cảnh khốn khó, “lá lành đùm lá rách”. Dù đã già yếu, “tuổi già như hạt sương mai” nhưng bà không ngừng tin tưởng vào tương lai. Bà động viên các con bằng những triết lý: “Bảo nhau làm ăn, rồi ông giời cho khá, ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Chưa một giây nào, bà thôi không hi vọng vào ngày mai tươi sáng, bởi vậy bà luôn định hướng các con, khuyên các con bằng cách “nói toàn chuyện vui sau này…”
Dụng ý nghệ thuật của nhà văn Kim Lân khi viết thiên truyện này: “Trong sự túng đói quay quắt,..., để mà vui, mà hy vọng”. Đó là vẻ đẹp của tinh thần lạc quan. Chính vì vậy, nhà văn đã hé mở con đường đổi mới tươi sáng, tích cực cho người dân khốn cùng là: hình ảnh đoàn người Việt Minh đi phá kho thóc của Nhật để chia cho người nghèo. Nhà văn tin tưởng rằng: những người dân nghèo khổ như Tràng sẽ đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng, đó chính là con đường duy nhất giúp họ đổi đời.
Tôi vẫn còn nhớ nhà văn Nguyễn Khải trong tác phẩm “Mùa lạc” đã đúc kết một triết lý: “Sự sống nảy sinh từ trong cái chết, hạnh phúc hiện hình từ những hi sinh gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”. Và bạn đọc chúng ta phải lấy làm vui mừng khi những ngòi bút như Kim Lân đã để cho các nhân vật của mình có đủ sức mạnh để bước qua những ranh giới cuộc đời. Tư tưởng nhân đạo của nhà văn thấm thía ở sự thấu hiểu và đồng cảm với những số phận bất hạnh, thăng hoa ở sự ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn những con người có thể ngoại hình còn xấu xí, thô kệch, khổ đau. Lật giở từng trang văn thấm đượm tinh thần nhân đạo ấy, người đọc đã có dịp được cùng khóc, cùng cười, cùng khổ đau, cùng vỡ òa trong hạnh phúc với các nhân vật. Một hồn văn đôn hậu, giản dị như Kim Lân, với tư tưởng và cách mở nút cho số phận nhân vật đã có sự sáng tạo và tiến bộ khi đem đến một cái kết đầy hứa hẹn, đầy tươi sáng cho các nhân vật, gửi gắm trong hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Những phận đời lay lắt như Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ cuối cùng cũng tìm được ánh sáng của tình người, của hy vọng. Giá trị nhân đạo của tác phẩm văn chương vẫn luôn chinh phục người đọc theo cách cảm động và thấm thía như thế.
Đồng hành cùng chị trong khóa học 10 ngày "chạy" Văn cùng chị Hiên - PIONEER 10 tại đây để đạt 8+ Văn trong kì thi THPT Quốc Gia!
Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:
Fanpage: Học văn chị Hiên
Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube
IG: Học văn chị Hiên
Tiktok: Học văn chị Hiên
Tin liên quan