Đăng Ký Học
Ngày 26/05/2023 11:04:39, lượt xem: 4631
Đề bài: Cảm nhận của em về chất lãng mạn trong Văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 qua các tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật), Đoàn thuyền đánh cá (Huy Cận), Lặng lẽ Sa Pa (Nguyễn Thành Long)
-------------------------------
Bài làm:
“Những cuộc chiến qua đi, những trang lịch sử của từng dân tộc được sang trang, các chiến tuyến có thể được dựng lên hay san bằng. Nhưng những tác phẩm đi xuyên qua mọi thời đại, mọi nền văn hoá hoặc ngôn ngữ cuối cùng vẫn nằm ở tính nhân bản của nó. Có thể màu sắc, quốc kì, ngôn ngữ hay màu da chúng ta khác nhau. Nhưng máu chúng ta đều có màu đỏ, nhịp tim đều giống nhau. Văn học cuối cùng là viết về trái tim con người.” (Maxim Malien). Bằng tài năng của mình, người nghệ sĩ chạm đến đến trái tim của mình bằng cảm hứng lãng mạn. Chất lãng mạn đã trở thành cảm hứng chủ đạo trong sáng tác chiếm trọn trái tim của con người, nó nâng đỡ khẳng định cái tôi đầy tình cảm, cảm xúc và vượt lên hiện thực, hướng tới lí tưởng với niềm tin sắt đá - có tính chất tích cực, tiêu biểu phải nhắc đến các phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật, “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận, “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long.
Nói đến lãng mạn trong văn học giai đoạn 1945-1975 là nói đến lãng mạn cách mạng, tràn đầy niềm tin vào thực tại và tương lai, mô tả cuộc sống trong quá trình phát triển cách mạng “hướng về cuộc sống chưa đến nhưng nhất định sẽ đến hoặc có thể đến” (Phương Lựu). Các tác phẩm văn học trong giai đoạn 1945-1975 thường hướng tới những vấn đề trọng đại, có ý nghĩa lịch sử, liên quan đến vận mệnh của dân tộc, của cộng đồng. Hiện thực mà văn học phản ánh là hiện thực cách mạng của dân tộc, là đời sống của dân tộc. Cái riêng tư, đời thường dường như bị lãng quên, ít được đề cập đến, nếu được nói đến thì chủ yếu cũng là để nhấn mạnh thêm trách nhiệm và tình cảm của cá nhân đối với cộng đồng. Chính vì thế mà mảng đề tài trong giai đoạn này cũng rất đa dạng, có thể là sự thể hiện khí thế ra trận hăm hở, hào hùng, mãnh liệt của những con người khát khao độc lập, tự do. Ra trận chiến đấu với kẻ thù là nhiệm vụ của toàn dân tộc, là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam, là sự kiện lịch sử lớn, gắn bó chặt chẽ với vận mệnh, số phận của nhân dân. Ra trận không có gì đáng sợ mà được ra trận là niềm vui, là hạnh phúc. Hay là ngợi ca vẻ đẹp của đất nước trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đất nước hiện ra trong vẻ lộng lẫy của địa hình sông núi, của đất nước rừng vàng, biển bạc, trăm sắc màu với hình ảnh những con người tình nguyện làm việc ở những nơi xa xôi trong điều kiện khắc nghiệt để xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc.
Chất lãng mạn tựa như một chút đường hòa vào trong cốc nước đã mặn mòi chất muối của hiện thực, để người đọc càng uống lại càng say. Các nhà văn, nhà thơ đều tập trung nhiều hơn vào chất lãng mạn thay vì hiện thực. Đó là vẻ đẹp của người lính lái mang tư thế hiên ngang, ung dung, đường hoàng, tự tin, ở hoàn cảnh khắc nghiệt đó tâm hồn họ vẫn lãng mạn, lạc quan, yêu đời được thể hiện rõ nét qua “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Cái nhìn của người lính trong tiểu đội xe không kính là cái nhìn ung dung, bình thản, tập trung cao độ. Mặc dù xe không kính nhưng người lính vẫn bình tĩnh, tự tin để ra tiền tuyến, vẫn có cái nhìn ngạo mạn trước hiểm nguy. Người lái xe không kính thật bản lĩnh. Lòng căm thù giặc đã giúp họ vững vàng tay lái để đưa tiểu đội ra tiền tuyến bởi tình yêu Tổ quốc đã làm người chiến sĩ bất chấp mọi điều kiện, gian khổ của cuộc chiến tranh. Cách nhìn của những người lính cũng rất đặc biệt, thiên nhiên qua con mắt của họ bỗng nhiên trở nên lãng mạn đến lạ kì:
“Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái”.
Cảm giác như những người lính được bay lên, hoà mình với thiên nhiên rồi được tự do giao cảm, chiêm ngưỡng thế giới bên ngoài. Chất lãng mạn còn được thể hiện qua tinh thần lạc quan yêu đời, yêu quê hương của những người lính. Những câu thơ được viết ra rất thản nhiên:
“Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”.
Trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng thái độ thì thản nhiên, ngang tàng. Nhà thơ còn thấy được ở đó tình đồng chí đồng đội của những người lính – một vẻ đẹp lãng mạn nhất mà một nhà thơ có khả năng tìm được:
“Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”.
Những con người ấy vốn dĩ không hề quen biết vậy mà giờ đây, trong gian khổ, họ thân thiết gắn bó, họ chào nhau như những người bạn đã quen. Và rồi kỉ niệm như ùa về trong tâm trí nhà thơ. Có lẽ vì ông cũng là một người lính nên ông thấu hiểu, đồng cảm tình đồng đội, đồng chí. Những chiếc xe được lãng mạn hóa, thiếu thốn của những chiếc xe này lại trở thành ưu điểm đưa những người lính lại gần với nhau hơn. Để từ tình cảm nhỏ, nó phát triển thành tình cảm lớn đó là tình yêu nước, ý chí căm thù giặc.
ĐỌC THÊM: Đề thi thử vào 10 môn Văn 2023 trường Lương Thế Vinh - Lần 1
Chất lãng mạn còn được thể hiện khát vọng cống hiến, niềm hăng say lao động xây dựng đất nước thể hiện qua hình tượng con người mới với ý thức trách nhiệm trong công việc, niềm hăng say lao động, khát khao góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước trước hết qua bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận. Trước hết, chất lãng mạn được thể hiện trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt sắc. Thiên nhiên được khắc hoạ trong khung cảnh người lao động làm việc, đó không phải là bình minh hay buổi trưa nắng vàng mà là khung cảnh giao thoa giữa ngày và đêm. Đó là một vẻ đẹp rất mới trong Huy Cận, một bức tranh hoàng hôn đầy sống động chứ không đượm buồn. Chất lãng mạn làm cho bức tranh thiên nhiên ấy càng trở nên phong phú, tác giả chiêm ngưỡng màn đêm bắt đầu buông xuống và những con sóng giữa biển khơi tựa như con người, có hoạt động, có cảm xúc: “sóng” -”cài then”; “đêm”- “sập cửa”. Tất cả đánh dấu sự kết thúc của một ngày dài, thiên nhiên đang đi vào trạng thái nghỉ ngơi. Giữa biển đêm bao la, câu hát cất lên cùng gió khơi. Giữa khung cảnh thiên nhiên tráng lệ ấy, có bóng dáng của những người lao động đang làm việc hăng say, không quản ngày đêm. Khi biển đêm đi vào trạng thái thư giãn, nghỉ ngơi thì cũng là lúc người lao động ra khơi. Giữa biển khơi bao la gợn sóng, có câu hát vang vọng biển khơi, câu hát khỏe khoắn mang theo ước mơ chinh phục biển cả, thể hiện khí thế hồ hởi của buổi ra khơi, chứa chan sự kì vọng về một chuyến đi bội thu đầy tôm cá. Không khí hào hứng, vui vẻ khi ra khơi của người dân chài thật đẹp! Trên biển cả rộng lớn, dưới ánh trăng dịu hiền, đoàn thuyền đánh cá với niềm vui phơi phới đang thực hiện hành trình chinh phục thiên nhiên. Con người giữa thiên nhiên, làm chủ cuộc sống, tự do trong một cuộc đời mới. Xuyên suốt bài thơ, bạn đọc cảm nhận được không khí hân hoan, tinh thần lạc quan tràn đầy nhựa sống của những người dân chài. Cảnh vừa thực, vừa lãng mạn, hoành tráng mà rất mực đẹp đẽ. Hình ảnh con thuyền xuất hiện không còn là hình ảnh nhỏ bé trước vũ trụ bao la. Con thuyền với những tư thế đầy dũng mãnh “lái gió với buồm trăng”, “lướt giữa mây cao với biển bằng”, “dò bụng biển”, “dàn đan thế trận lưới vây giăng” đã khẳng định sức mạnh của người lao động đầy mạnh mẽ, khỏe khoắn và can trường. Bằng cảm quan lãng mạn cùng sự tinh tế của mình, Huy Cận đã dựng lên một bức tranh lao động đầy đẹp đẽ khi mà thiên nhiên như hòa cùng con người lao động. Người dân làng chài biết ơn sự ban tặng nguồn tài nguyên đến từ tạo hoá, họ trở về với nụ cười nở trên môi và khoang thuyền ngập cá. Thiên nhiên lúc này là hoà niềm vui của ngày mới, là thành quả lao động sau những vất vả. Có thể nói, chất lãng mạn trong bài thơ của Huy Cận được thể hiện qua vẻ đẹp thiên nhiên và con người.
Không chỉ ở “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận, chất lãng mạn còn được thể hiện trong tác phẩm “Lặng lẽ Sa Pa” của Nguyễn Thành Long hiện trên bức tranh thiên nhiên và con người. Nguyễn Thành Long sử dụng rất nhiều chất liệu ngôn từ để khắc họa bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của đất trời Sapa. Sự lấp lánh diệu kỳ của ánh nắng mạ lên vạn vật “nắng bây giờ bắt đầu len tới, đốt cháy rừng cây”, hình ảnh “nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây hừng hực như một bó đuốc lớn” đầy sức gợi hình, gợi cảm. Mỗi hình ảnh thuộc về nơi đây đều toát lên vẻ tươi sáng, nên thơ. “những đàn bò lang cổ có đeo chuông ở các đồng có hai bên đường”, hay đến cả “những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng như những ngón tay bằng bạc”, mỗi loài cây, loài hoa đều tạo nên một chất thơ rất đỗi Sapa. Những bông hoa “đứng trong mây mù ngang tầm với chiếc cầu vồng” đến “những cây tử kinh thỉnh thoảng lại nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng” đều khiến người đọc rung động. Bức tranh cảnh sắc thiên nhiên hiện nên dưới ngòi bút đầy thi vị của nhà văn khiến tâm hồn con người xao xuyến với bao rung động đầy tinh tế. Trên cái nền của thiên nhiên bạt ngàn, kì vĩ, hình ảnh những trái tim mang đầy lý tưởng của những thanh niên trẻ chọn một cuộc đời thầm lặng, cống hiến vì cuộc sống của mọi người, của tổ quốc. Dù khó khăn, vất vả nhưng họ luôn hoàn thành tốt công việc, thậm chí là xuất sắc. Nhân vật anh thanh niên là đại diện cho chính lý tưởng sống cao đẹp đó. Anh có những suy nghĩ và quan niệm đúng đắn về cuộc sống và công việc của con người. Anh biết tổ chức, sắp xếp cuộc sống khoa học, ngăn nắp, tươi tắn, chủ động, tạo ra một thế giới riêng cho mình. Ở anh thanh niên ấy còn có nhiều nét tính cách và phẩm chất rất đáng mến. Lúc nào anh cũng cởi mở, chân thành, rất quý trọng tình cảm của mọi người. Anh còn là người rất thành thực và khiêm nhường đến đáng kính khiến cho người khác phải khâm phục. Bởi thế, dù anh thanh niên chỉ xuất hiện trong khoảnh khắc của truyện, nhưng bằng vài chi tiết tiêu biểu, tác giả đã phác hoạ được chân dung nhân vật chính với những nét đẹp về tinh thần, tình cảm, cách sống và những suy nghĩ về cuộc sống, về ý nghĩa của công việc. Có thể nói, trong cái lặng lẽ của mây trời Sa Pa. Nguyễn Thành Long đã vẽ nên chân dung của những niềm yêu sống, luôn rạo rực, luôn sục sôi. Anh thanh niên làm công tác khí tượng, cô kĩ sư trẻ, ông họa sĩ già, cả bác lái xe, đều là những con người hạnh phúc. Họ hạnh phúc bởi họ được làm những việc mà họ yêu thích, tiếp xúc với những con người mà họ cảm mến, phấn đấu cho lí tưởng mà họ lựa chọn. Cả tác phẩm là một niềm vui, cái lặng lẽ của thiên nhiên cũng như cái im lặng của con người không khuất lấp được niềm vui rạo rực, sinh sôi ấy. Ngược lại, chính trong cái lặng lẽ tưởng như đang bao trùm, cái mạch sống tươi mới càng có cơ hội vươn lên, rì rào trỗi dậy. Sẽ có người hoài nghi về sự thật được thể hiện trong tác phẩm, sẽ có người cho rằng Nguyễn Thành Long đã lí tưởng hóa cuộc sống. Cuộc sống có nhiều âu lo và khúc mắc hơn thế, đâu dễ dàng gì mà người ta có thể vui tươi mà vượt qua khó khăn một cách dễ dàng như vậy. Nhưng phải đặt tác phẩm vào trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ mới thấy hết được sức sống kỳ vĩ đến ngạc nhiên của đất nước Việt Nam, con người Việt Nam.
Thành công của các tác phẩm không chỉ mang lại ở giá trị nội dung mà lạ sự kết hợp nhuần nhuyễn về nghệ thuật. Hình tượng nhân vật được xây dựng mang chất lí tưởng, họ có khát vọng, có ước mơ, có tình yêu nước mãnh liệt. Họ nhận thức được giá trị và vai trò của bản thân trong cuộc xây dựng đất nước. Người nghệ sĩ đã miêu tả thiên nhiên và con người bằng giọng điệu khẳng định, ngợi ca. Bên cạnh đó hình ảnh nhiên, con người gây ấn tượng với bạn độc bằng hình ảnh thơ gợi tả kết hợp với thủ pháp nghệ thuật tương phản đối lập cường điệu, nhịp thơ, vần điệu linh hoạt, chi tiết nghệ thuật truyện độc đáo. Chất lãng mạn của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1975 qua bốn tác phẩm đã được thể hiện với những nét đặc sắc riêng. Chất lãng mạn đó là một trong những đặc trưng cơ bản của văn học cách mạng Việt Nam. Chất lãng mạn trong những tác phẩm của giai đoạn này là yếu tố lôi cuốn người đọc qua bao thế hệ.
Mỗi một tác phẩm mà các nhà văn, nhà thơ viết lên đều bắt nguồn từ những cảm hứng nghệ thuật vô tận, những cảm hứng ấy được tác giả lấy ra từ chính trải nghiệm, cảm nhận từ cuộc sống. Chính bởi thế, mà mỗi tác phẩm ta đọc, thường sẽ luôn gắn liền với cuộc sống xung quanh, gắn với cuộc đời, với cảm xúc cá nhân của người viết. Văn học giai đoạn 1945-1975 là nơi gửi gắm những xúc cảm tới cuộc sống con người, và khởi nguồn của sáng tạo nghệ thuật chính là cuộc sống, hướng con người đến những giá trị Chân- thiện - mỹ, để họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên
Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên
Tin liên quan