Hình ảnh "trăng" trong chương trình Ngữ văn lớp 9

Ngày 08/05/2023 17:53:39, lượt xem: 7565

Ths. Lê Tấn Thích trong một bài nghiên cứu đã khẳng định: “Trong cảm quan của người nghệ sĩ, trăng không đơn thuần là nguồn sáng trong đêm mà đã trở thành một hình tượng nghệ thuật độc đáo. Ở đó, nó đã trở thành một âm hưởng đa thanh xoáy sâu vào tâm hồn có sức ám ảnh, khơi gợi cho người đọc nhiều xúc cảm về chiến tranh và hòa bình, hạnh phúc và khổ đau, quê hương và gia đình, tình yêu và thân phận con người…” Rất nhiều ý nghĩa, rất nhiều “gương mặt” của trăng được thể hiện trong các thi phẩm mà bạn nhỏ được học năm lớp 9, hãy cùng chị khám phá và cảm nhận nhé!

 

  1. “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (Trích “Truyện Kiều” - Nguyễn Du)

Vầng trăng trong “Truyện Kiều” không chỉ là trăng thiên nhiên mà còn là một người bạn tri kỉ của nàng Kiều tài hoa bạc mệnh. Trong tình cảnh cô đơn lẻ loi nơi lầu Ngưng Bích, Kiều hướng mắt trông ra cảnh vật xung quanh, thu trọn trong tầm mắt là bóng núi xa và tấm trăng gần:

“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung”

Trăng đã xuất hiện man mác, trăng trắng trên bầu trời nhưng ánh sáng ban ngày vẫn đủ để nhìn thấy bóng núi phía xa xa. Sự đồng hiện của hai hình ảnh “vẻ non xa”, “tấm trăng gần” trong ánh nhìn của Kiều cho thấy đây là lúc hoàng hôn đang dần buông xuống. Câu thơ vì thế mà đã mang chút dư vị của nỗi buồn. Và khi cảm nhận sâu hơn từng từ ngữ, ta còn thấy tác giả Nguyễn Du dường như cũng cảm hiểu được nỗi buồn kia trong lòng Kiều để rồi gợi lên bên cạnh nàng người bạn trăng tri kỉ. Tác giả không dùng từ “ánh trăng”, “mảnh trăng”, “vầng trăng” mà dùng từ “tấm trăng” có lẽ bởi nếu không phải là “tấm trăng” thì sẽ không thể gần gũi đến thế. Bởi sắc thái biểu đạt của từ “tấm” khiến người ta liên tưởng đến những vật nhỏ bé, tuy không đáng giá nhưng lại được trân trọng như “tấm áo manh quần”, “đồng quà tấm bánh”; hay từ “tấm” cùng gắn liền với “tấm thân”, “tấm lòng” của đời sống con người. “Tấm trăng” ở đây quả thực là tia sáng ấm áp hiếm hoi hiện hữu giữa muôn trùng không gian rộng lớn bát ngát, quạnh hiu. Xung quanh Kiều là “non xa”, là bát ngát “cồn cát”, “bụi hồng”, nhìn lên chỉ có “tấm trăng gần ở chung”. Trong mắt Kiều, trăng không phải là một vật thể kì vĩ, xa xôi của tự nhiên, mà trăng như một vật nhỏ bé, như tấm thân, tấm lòng, tấm tình, một người bạn thật gần gũi, thân thương, tâm tình, sẻ chia nỗi lòng. Có lẽ lúc này chỉ có trăng mới hiểu nỗi cô đơn, bẽ bàng, nỗi sợ hãi của Kiều.

Hơn nữa, trăng đã từng chứng giám cho đêm thề nguyền của Kiều và Kim Trọng:

“Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai mặt một lời song song”

Cho nên trăng giờ đây không chỉ là bạn, người thân gần nhất, trăng còn gợi nhớ kỉ niệm thiêng liêng, còn là hình bóng chàng Kim trong trái tim đang thấm đẫm buồn sầu của nàng. Có lẽ từ “tấm trăng gần” trước mặt mà Kiều càng nhớ hơn, hoài niệm hơn, sống lại trong kỉ niệm với chàng Kim yêu dấu:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”

Như vậy cách dùng từ của thi hào Nguyễn Du thật giản dị, mộc mạc nhưng đắc địa, có giá trị biểu đạt cao, giàu sức gợi hình, gợi cảm, giúp làm vơi đi, giảm đi nỗi cô đơn, cô quạnh của Kiều. Điều đó chứng tỏ tác giả không chỉ hiểu sâu sắc nội tâm nhân vật mà còn rất tài tình trong việc kết nối, giao thoa giữa cảnh và tình, trong việc dùng ngôn ngữ chính xác, hợp văn cảnh. Đây cũng là một trong những phương diễn thành công làm nên kiệt tác “Truyện Kiều”.

 

  1. “Đồng chí” (Chính Hữu)

Trong thi phẩm “Đồng chí” của nhà thơ Chính Hữu, ta trân trọng một vầng trăng sáng tươi, dịu dàng mà bất khuất trong những vần thơ cuối bài: 

“Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo”

Thời gian là “đêm nay”, không gian là nơi “rừng hoang sương muối”, khoảnh khắc của hiện tại thật tĩnh lặng và lạnh lẽo, hoang vu. Một cảm giác hồi hộp xuất hiện trong tâm trí bạn đọc. Cái mênh mông ngút ngàn bị bao trùm bởi bóng tối đêm thâu, cãi tĩnh lặng hoang vu lại thêm sự khắc nghiệt của thời tiết sương muối, tất cả tạo ra một cái nền làm nổi bật hình tượng người lính đang sát cánh kề vai. Họ sát cánh bên nhau trong tư thế và tâm thế chủ động, dũng cảm: “đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”. Mặc dù ngay sau đây thôi có thể là chiến đấu ác liệt nhưng người lính không hề sợ hãi và nao núng tinh thần. Tình đồng chí đã trở thành nền tảng sức mạnh, động lực chiến đấu của các anh. Như một kết quả tất yếu của sự đồng hành giữa những người lính trong đêm phục kích chờ giặc, hình ảnh “Đầu súng trăng treo” xuất hiện đem đến những ấn tượng độc đáo. Nhịp thơ 2/2 như nhịp vầng trăng lắc lư trên đầu súng, bầu trời và mặt đất được nối liền bởi một từ “treo”. Câu thơ chỉ vỏn vẹn hai hình ảnh “súng” và “trăng” trước tiên mang ý nghĩa tả thực. Trong đêm khuya, người lính đứng gác, chỉ có đồng đội, có súng và ánh trăng làm bạn. Bầu trời miền rừng núi bao giờ cũng trong hơn, rộng hơn và thấp hơn so với bầu trời ở miền khác. Đêm càng khuya thì càng có cảm giác như trăng đang thấp xuống đến độ có thể treo trên đầu mũi súng. Đồng thời đây cũng là hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng. “Súng” là biểu tượng cho chiến tranh, cho nhiệm vụ chiến đấu của người lính, đi liền với đó, “trăng” lại là biểu tượng cho hòa bình, cuộc sống bình yên của đất nước, quê hương. Người lính cầm súng là để bảo vệ cho cuộc sống hòa bình ấy. Đó là mục đích, lí tưởng cao đẹp mà các anh luôn hướng tới. Một cách tự nhiên mà sâu sắc, câu thơ đã ngợi ca vẻ đẹp tâm hồn của người lính. Một bên là hiện thực khốc liệt gắn với đời sống người chiến sĩ, một bên là thiên nhiên tươi mát trong tâm hồn lãng mạn của người thi sĩ. Hai hình ảnh, hai sự cảm nhận đối lập lại đi liền với nhau thật tài tình trong cách liên tưởng của những người đang tham gia cuộc chiến, cận kề với mất mát, hi sinh. Tuy cầm súng chiến đấu nhưng tâm hồn người lính không hề chai sạn. Họ vẫn thả hồn mình rung động trước vẻ đẹp của ánh trăng khuya. Từ đó “Đầu súng trăng treo” đã trở thành biểu tượng cho tâm hồn bay bổng, lãng mạn, yêu đời, lạc quan đầy chất thơ của người lính thời kì kháng chiến. Một câu thơ, một khung cảnh nhưng hàm chứa trong đó sự đối lập của biết bao khía cạnh. Sự kết hợp tài tình, đặc sắc ấy đã cho ta những cảm nhận riêng về người lính và tình đồng chí đồng đội. Tình đồng chí đã xây đắp nên niềm tin chiến thắng nơi những người đồng đội đứng chung một chiến hào, để họ có thể vô tư quan sát và cảm nhận thấy khoảnh khắc “Đầu súng trăng treo”. Câu thơ khép lại thi phẩm nhưng mở ra trong ta nhiều suy ngẫm lắng sâu. Có thể thấy, vầng trăng vừa là bạn đồng hành của cây súng vừa là đối tượng bảo vệ của cây súng nơi biên cương, trên mỗi tấc đất vạt rừng của Tổ quốc. Cảm nhận được sự bình yên và vẻ đẹp thơ mộng này, ta mới thấm thía cái giá phải trả cho hòa bình, cũng hiểu rõ hơn động lực để người lính sẵn sàng rời bỏ “ruộng nương”, “gian nhà” để lên đường ra trận. Ba câu thơ cuối bài đã góp phần nâng cao giá trị bài thơ, tạo được những dư âm sâu lắng trong lòng người đọc về biểu tượng cao đẹp của tình đồng chí động đổi giữa những người chiến sĩ buổi đầu kháng Pháp. Đúng như có người đã từng khẳng định: “Cuối cùng nhà thơ đã tạc vào không gian nghệ thuật giàu chất sử thi ba nhân vật: Người lính, khẩu súng và vầng trăng như một bức phù điêu hoành tráng của kháng chiến”.

 

ĐỌC THÊM: BỘ KẾT BÀI CÁC TÁC PHẨM THƠ - LỚP 9

 

  1. “Đoàn thuyền đánh cá” (Huy Cận)

Vầng trăng trong “Đoàn thuyền đánh cá” là một hình ảnh đẹp được khắc họa trong nguồn cảm hứng thiên nhiên vũ trụ - vốn là nguồn cảm hứng bất tận trong thơ Huy Cận. Ở đây, nhà thơ vẫn giữ nguyên cái sáng tươi, lấp lánh của ánh trăng nhưng đặt trong mối quan hệ với quá trình lao động của con người. Tự bao giờ, trăng đã là người bạn hợp sức với dân chài đưa đoàn thuyền băng băng tiến ra khơi:

“Thuyền ta lái gió với buồm trăng

Lướt giữa mây cao với biển bằng

Ra đậu dặm xa dò bụng biển

Dàn đan thế trận lưới vây giăng”

Mỗi câu thơ là một nét vẽ về biển trời, sóng nước, trăng sao có nhiều yếu tố lãng mạn, tràn đầy tưởng tượng dựa trên những yếu tố hiện thực của đời sống trong đó con người hiện lên trong dáng vẻ trẻ trung, khỏe mạnh và yêu đời. Một biển cả rộng lớn mênh mông và khoáng đạt trong đêm trăng sáng. Con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé trước biển cả bao la giờ đây đã trở thành một con thuyền đặc biệt có gió là người cầm lái, còn trăng là cánh buồm. Với việc khắc họa hình ảnh vầng trăng cong cong tựa cánh buồm no gió, không gian lồng lộng gió biển tựa như đang cầm lái cho đoàn thuyền, những hình ảnh thơ thật lãng mạn bay bổng, tác giả Huy Cận đã góp phần thể hiện tinh thần lao động vui vẻ, phơi phới của người dân chài. Công việc lao động nặng nhọc đã trở thành bài ca đầy niềm vui, nhịp nhàng cùng thiên nhiên.

Ánh trăng trong bài thơ này còn là thứ ánh sáng lung linh, góp phần làm nên vẻ đẹp huyền diệu của biển đêm:

“Cá nhụ, cá chim, cùng cá đé

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng

Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe

Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long

Tác giả Huy Cận đã ngợi ca sự giàu có của biển cả bằng cách liệt kê tên các loài cá và tập trung miêu tả màu sắc của chúng trong đêm trăng. Những con cá song giống như ngọn đuốc đen hồng đang lao đi trong luồng nước dưới ánh trăng lấp lánh quả là hình ảnh ẩn dụ độc đáo. Tuy nhiên “cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe” lại là hình ảnh đẹp nhất. Ánh trăng in xuống mặt nước, những con cá quẫy đuôi như quẫy ánh trăng tan ra vàng chóe. Phải thật tinh tế mới có được những phát hiện tuyệt vời ấy. 

Bên cạnh đó, quá trình đánh bắt cá của người lao động cũng luôn có sự đồng hành, góp sức của ánh trăng:

“Ta hát bài ca gọi cá vào

Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao”

Người dân chài gọi cá bằng tiếng hát và trăng cao tạo ra nhịp gõ. Động tác lao động bình thường: gõ nhịp vào mạn thuyền để dồn cá, qua lăng kính của cảm xúc bỗng trở nên đẹp đẽ lạ thường. Trăng lên cao dần từng lúc, trăng tan vào nước biển, vỗ vào mạn thuyền làm nhịp, hay con thuyền đang lướt dập dềnh, bồng bềnh giữa biển khơi như chạm vỡ ánh trăng tạo thành nhịp. Công việc đánh bắt cá tưởng chừng nặng nhọc bỗng trở nên thi vị, lãng mạn. 

Như vậy, trang thơ “Đoàn thuyền đánh cá” dưới ngòi bút tài hoa của thi sĩ Huy Cận đã chan hòa ánh trăng thiên nhiên và hừng hực khí thế lao động của con người. Quả là một bài thơ chứa chan những hình ảnh thi vị và tràn đầy sức sống!

 

  1. “Ánh trăng” (Nguyễn Duy)

Hình ảnh trăng trong thi phẩm của Nguyễn Duy được khắc họa là một hình tượng chủ đạo, xuất hiện xuyên suốt cả bài. Hình ảnh trăng đã trở thành điểm tự giúp tác giả bộc lộ cảm xúc, chiêm nghiệm và suy tư. Vầng trăng gắn với một thời khó khăn, gian khổ mà hào hùng trong quá khứ, là vầng trăng tri kỉ, nghĩa tình:

“Hồi nhỏ sống với đồng

với sông rồi với bể

hồi chiến tranh ở rừng

vầng trăng thành tri kỉ”

Nhưng trong cuộc sống hiện tại hôm nay, vì quá quen với đèn điện, với những ánh sáng khác nên nhiều khi con người vô tình quên đi mất là vẫn luôn có một vầng trăng hiển hiện, vằng vặc sáng:

“Từ hồi về thành phố

quen ánh điện cửa gương

vầng trăng đi qua ngõ

như người dưng qua đường

 

Thình lình đèn điện tắt 

phòng buyn-đinh tối om

vội bật tung cửa sổ

đột ngột vầng trăng tròn”

Chỉ đến khi đèn điện tắt, ta mới lại nhận ra vầng trăng:

“Trăng cứ tròn vành vạnh

kể chi người vô tình

ánh trăng im phăng phắc

đủ cho ta giật mình.”

Vầng trăng như một tấm gương, mỗi người tự soi mình vào đó để nhận ra chân dung tinh thần của mình. “Ánh trăng im phăng phắc” mà có tác dụng lay thức tình cảm và ý thức của tất cả chúng ta, đủ sức soi chiếu những miền tâm tư sâu kín của con người. Như vậy, ánh trăng đã trở thành biểu tượng của nghĩa tình thủy chung, là hình ảnh của một thời quá khứ sâu nặng nghĩa tình không thể mờ phai. 

Khi là vầng trăng tròn đầy, nghiêm khắc, khi là ánh trăng soi tỏ, thấu suốt tâm can - hình ảnh trăng trong thi phẩm được khai thác, khắc họa và sáng tạo, vừa mang ý nghĩa cụ thể, chân thực, vừa mang tính khái quát, biểu tượng. Qua đó, hình ảnh trăng đã góp phần truyền tải thông điệp của bài thơ: “Từ một câu chuyện riêng, bài thơ “Ánh trăng” cất lên lời tự nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm của con người đối với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa, đối với thiên nhiên, đất nước bình dị, hiền hậu”.

 

  1. “Viếng lăng Bác” (Viễn Phương)

Vầng trăng trong bài thơ “Viếng lăng Bác” của Viễn Phương chỉ xuất hiện trong một câu thơ nhỏ nhưng ý nghĩa biểu tượng của nó lại vô cùng sâu xa. Trăng xuất hiện như một vầng sáng, một người bạn ấp ôm giấc ngủ ngàn thu của Bác:

“Bác nằm trong giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền”

Trong đoạn thơ, tác giả đã sử dụng nghệ thuật nói giảm nói tránh về sự ra đi của Người. Giấc ngủ mà tác giả nhắc đến ấy cũng khiến ta bồi hồi suy ngẫm. Suốt cuộc đời bảy mươi chín mùa xuân, Bác chưa bao giờ có một giấc ngủ trọn vẹn: “Đêm nay Bác ngồi đó / Đêm nay Bác không ngủ / Vì một lẽ thường tình / Bác là Hồ Chí Minh.” (Minh Huệ) Liên tưởng đến câu thơ này càng khiến ta thêm nghẹn ngào, thành kính trước giấc ngủ ngàn thu đã phần nào yên giấc của Bác. Và ánh sáng dịu nhẹ trong lăng Bác gợi một liên tưởng thú vị tới ánh sáng dịu nhẹ của vầng trăng thiên nhiên. Trăng - một người bạn tri kỉ của Bác: “Trăng vào cửa sổ đòi thơ / Việc quân đang bận xin chờ hôm sau” (“Báo Tiệp”), trăng khi kháng chiến, trăng trong nhà lao, trăng ngoài chiến trận và giờ đây trăng đến bên Người để vỗ về giấc ngủ ngàn thu. Cùng với hình ảnh vầng trăng, nhà thơ Viễn Phương muốn tạo ra một hệ thống hình ảnh vũ trụ để ví với Bác. Vầng trăng dịu hiền hay chính là tâm hồn cao đẹp, trong sáng của Bác. Bác rực rỡ như mặt trời, Bác dịu hiền như ánh trăng. Bác đã hóa thân vào thiên nhiên đất trời dân tộc, sống mãi trong sự nghiệp và trong tâm trí của nhân dân như bầu trời xanh vĩnh viễn trên cao. 

“Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già.”

(“Bác ơi!” - Tố Hữu)

 

ĐĂNG KÝ NGAY:
- 2K8 - KHOÁ HỌC KỸ NĂNG + LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHÓA HỌC ĐỌC : TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHÓA HỌC CHẠY VĂN: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHOÁ HỌC CẤP TỐC: TẠI ĐÂY 

- 2K8 - BỘ VIDEO KHOÁ HỌC BỒI DƯỠNG: TẠI ĐÂY

- 2K8 - KHOÁ HỌC LUYỆN ĐỀ: TẠI ĐÂY

- KHÓA HỌC NGHỊ LUẬN XÃ HỘI CHUYÊN: TẠI ĐÂY

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

 

Tin liên quan