Các vấn đề liên hệ mở rộng trong "Vợ chồng A Phủ" (Tô Hoài)

Ngày 05/07/2022 20:47:25, lượt xem: 41470

Một bài NLVH có chiều sâu chắc chắn không thể bỏ qua phần liên hệ mở rộng rồi. Nhưng không phải bạn nào cũng biết cách viết phần này thật hay đâu nha. Cùng tham khảo bài viết này để biết cách khai thác các vấn đề liên hệ mở rộng trong "Vợ chồng A Phủ" em nhé!

 

 

1. Nhân vật Mị
a. Sự trỗi dậy mãnh liệt của lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc
- Liên hệ: 
+ Khát vọng hạnh phúc và lương thiện của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nam Cao.
+ Truyện ngắn “Một con người ra đời” của Maksim Gorki.
Vào năm 1892, ở miền Nam nước Nga, một đoàn người đói khổ kéo nhau đến Otsemtsiry kiếm việc làm, họ đến vùng ven biển. Trong đoàn người này, có một phụ nữ trẻ, khỏe mạnh, mang thai sắp đến ngày sinh nở. Chị chuyển dạ và lên cơn đau dữ dội. Nhờ sự giúp đỡ của một chàng trai, người phụ nữ đã vượt qua đau đớn, sinh được một bé trai đầu lòng khỏe mạnh kháu khỉnh.
=> Đứa bé đã đem đến cho người mẹ cùng đoàn người đói khổ kia một tia hi vọng để họ vượt qua những giao lam vất vả và vươn tới hạnh phúc. 
- Triển khai viết:
Phải chăng trong tâm hồn Mị đã hoàn toàn nguội lạnh? Cô Mị một thời trẻ đẹp, yêu đời nay đã hoàn toàn an phận trong cuộc sống nô lệ, sống mà như chết ấy? Không, ngòi bút của nhà văn không chỉ hướng vào cái ảm đạm, mặt đen tối của cuộc đời mà còn thiết tha hướng tới sự sống và ánh sáng. Tô Hoài đã tìm sâu vào tận cùng của ý thức và trong đáy sâu tiềm thức nhân vật, cho thấy những vẫn còn le lói chút ánh sáng và hơi ấm của niềm ham sống, của khao khát hạnh phúc. Như dưới lớp tro dày nguội lạnh kia vẫn ủ chút than hồng, chỉ chờ một ngọn gió thổi đến là bùng lên mãnh liệt. Trước đó không lâu, trong truyện ngắn “Chí Phèo” ngòi bút nhân đạo của nhà văn hiện thực xuất sắc Nam Cao từng khơi bùng lên những khát vọng hạnh phúc và lương thiện ở Chí, một kẻ đã tưởng như không còn đời sống tâm linh con người với một hình hài không ra con người nữa, kẻ mà người đời gọi là quỷ dữ. Nối tiếp và chảy dài, Tô Hoài đã góp thêm vào truyền thống nhân đạo của văn học ta một tiếng nói có sức mạnh khi khắc họa sự trỗi dậy của lòng ham sống và khát vọng hạnh phúc nơi Mị - một con rùa lùi lũi trong xó cửa. (Phân tích diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm đông cắt dây cởi trói cứu A Phủ).
b. Mị - nạn nhân của xã hội thực dân phong kiến miền núi
- Liên hệ: Em có thể tùy ý lựa chọn các hình tượng nhân vật chịu sự tác động của hoàn cảnh xã hội.
+ Người đàn bà hàng chài trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Nạn nhân của xã hội mới đầy nhọc nhằn, khốn khó.
+ Thị trong tác phẩm “Vợ nhặt” của Kim Lân. Nạn nhân của nạn đói khủng khiếp và dữ dội năm 1945.
- Triển khai viết:
Con người nhỏ bé cùng số kiếp nhọc nhằn, họ vẫn đang “vật lộn” với những lo toan riêng trong đời sống chung, họ lẩn khuất khắp mọi nơi không chỉ trên đất ta. Và rồi “nhà văn tồn tại trên đời trước hết là để làm công việc như kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường … để bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực” - Nguyễn Minh Châu. Với Tô Hoài, qua những tác phẩm của mình, ông đã làm tròn thiên chức ấy, đặc biệt là với truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”. Ở đó ta sẽ thấy một cô Mị - cái mảng sống im lìm, tối tăm, cực nhọc được phơi bày cạnh cái giàu sang, tấp nập của nhà quan thống lí: “nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng”. Năm tháng trôi đi, người con dâu gạt nợ sống trong nhà thống lí Pá Tra là một chuỗi dài cực nhọc, vất vả nối tiếp nhau, là sự bóc lột và hành hạ mà Mị phải chịu đựng: “Mị cúi mặt, không nghĩ ngợi nữa, mà lúc nào cũng chỉ nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau tiếp nhau vẽ ra trước mắt, mỗi năm, mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại… Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi đầu vào việc cả đêm cả ngày”. Thêm vào sự đọa đày về thể xác ấy, còn là ách áp chế về tinh thần. Mị bị ràng buộc trong ý nghĩ: bố con Pá Tra đã “trình ma” mình là người nhà nó rồi, thì chỉ còn biết ở cho đến lúc chết rũ xác ở đây thôi! Mê tín, thần quyền đã hỗ trợ đắc lực cho giai cấp thống trị, nó là thứ “thuốc phiện của tinh thần” đối với Mị, với những người dân bé mọn. Mãi về sau, khi dân mình đã giành được độc lập, chẳng còn thực dân hay chúa đất, một cuộc sống mới sẽ mở ra với đầy hứa hẹn và hi vọng. Nhưng trong chính cuộc sống ta hằng mơ ước đó, Nguyễn Minh Châu lại tìm thấy những số kiếp nhọc nhằn. Một người đàn bà hàng chài cùng cuộc sống bấp bênh; khốn khó; tệ nạn xã hội: rượu chè, bạo hành gia đình; thậm chí còn là sự bất lực của công lí… Chồng chất, ngợp thở, thắt lòng! Thời đại nào cũng vậy! Con người sẽ luôn chịu sự ảnh hưởng của xã hội, chỉ khác là họ ôm những nỗi đau riêng của thời đại đó mà thôi!

 

ĐỌC THÊM HƯỚNG DẪN VIẾT CÁC VẤN ĐỀ LIÊN HỆ MỞ RỘNG CHO "VỢ NHẶT" (KIM LÂN)


2. Cách kết thúc truyện
- Kết truyện “Vợ chồng A Phủ” với hình ảnh Mị cứu A Phủ rồi “Hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi”.
=> Tô Hoài mở ra “con đường sống” cho nhân vật.
- Liên hệ:
+ Kết truyện “Vợ nhặt” của Kim Lân với hình ảnh “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”.
+ Kết truyện “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố với hình ảnh “Chị vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy!”
+ Kết truyện “Người trong bao” của Chekhov được khép lại với sự kiện: Bê - li- cốp qua đời. Mọi người ai cũng cảm thấy nhẹ nhàng nhưng lâu sau họ lại cảm thấy nặng nề, mệt nhọc, vô vị. 
=> Kết thúc bế tắc, không tìm ra lối thoát cho nhân vật.
- Triển khai viết:
Trước cái ác, trước bóng tối, văn học là nơi để gửi gắm những nỗi niềm và niềm tin về một tương lai tươi sáng, hạnh phúc phía trước. Đó là lí do vì sao người xưa lại thích và tin những câu chuyện cổ tích như thế, tin rằng: “rồi cô Tấm cũng về làm hoàng hậu, chim ăn rồi sẽ trả trái ngọt cho ta” (Nguyễn Khoa Điềm). Văn học bao đời đã trở thành điểm tựa để con người vịn vào lúc “yếu lòng” để bước tiếp. Và Tô Hoài đã làm tròn sứ mệnh của mình khi thiên truyện khép lại với hình ảnh Mị cắt dây trói cứu A Phủ rồi “hai người lẳng lặng đỡ nhau lao chạy xuống dốc núi”. Phía trước còn đó những khó khăn nhưng chí ít những con người bé nhỏ ấy đã đứng dậy đấu tranh, giải thoát cho chính mình, cho mình một con đường sống nơi Phiềng Sa. Kim Lân cũng vậy! Vượt lên trên tất cả khốn khó, ông để cho “Trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới”. Bằng tấm lòng nhân đạo sâu sắc cùng ánh sáng của cách mạng đã giúp nhà văn hướng cho nhân vật của mình đến “con đường sống”. 

 

Xuất phát sớm cùng chị trong khóa Chất lượng cao 8+ nhé 2k5!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

 

Tin liên quan