Tổng hợp các câu hỏi phụ trong phần Nghị luận văn học và hướng dẫn viết mẫu

Ngày 04/07/2022 01:06:55, lượt xem: 12066

1. Nhận diện
- Câu hỏi phụ là gì? 
Cấu trúc của đề: Phân tích/cảm nhận…… Từ đó, nhận xét về ….
- Có những câu hỏi phụ nào các bạn thường gặp (làm Padlet).
- Cấu trúc câu hỏi phụ: 2 phần.

2. Tổng hợp các yêu cầu phụ

Tác phẩm

Câu hỏi phụ thường gặp

Việt Bắc - Tố Hữu.

1. Phân tích đoạn trích:

“Những đường Việt Bắc của ta

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên”.

Từ đó làm nổi bật bức tranh “Việt Bắc ra quân” mà Tố Hữu thể hiện.

2. Phân tích đoạn trích:

“Ta về, mình có nhớ ta

Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”.

Từ đó nhận xét phong cách nghệ thuật của nhà thơ Tố Hữu. 

3. Phân tích đoạn trích:

 “Mình về mình có nhớ ta?

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng.

… 

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Từ đó làm sáng tỏ những biểu hiện của tính dân tộc trong nội dung và nghệ thuật biểu hiện của bài thơ.

Tây Tiến - Quang Dũng.

1. Phân tích 14 câu thơ đầu. 

Từ đó:

- Nhận xét cảm hứng lãng mạn của nhà thơ Quang Dũng.

- Nhận xét về sự hài hòa giữa chất thơ, chất nhạc và chất họa.

2. Phân tích 8 câu thơ sau:

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

 

…Sông Mã gầm lên khúc độc hành”

 

Từ đó:

- Nhận xét cách nhìn hiện thực của nhà thơ Quang Dũng.

- Nhận xét về tinh thần bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến.

- Nhận xét về vẻ đẹp lí tưởng của người lính Tây Tiến.

Sóng - Xuân Quỳnh.

1. Nói về sóng và em, trong bài thơ Sóng ở khổ đầu, Xuân Quỳnh cho thấy những sự phức tạp:

“Dữ dội và dịu êm

Sóng tìm ra tận bể”

 

Nhưng đến khổ 5, nhà thơ lại đề cập đến sự đồng nhất trong một nỗi niềm:

“Con sóng dưới lòng sâu

Cả trong mơ còn thức”

Hãy phân tích những sự phức tạp và đồng nhất trong các khổ thơ trên. Từ đó nhận xét về vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

2. 

Trong hai khổ thơ đầu của bài thơ Sóng, nhân vật trữ tình soi vào sóng để tự nhận thức về tình yêu:

“Dữ dội và dịu êm

Bồi hồi trong ngực trẻ”

 

Đến hai khổ thơ cuối, tình yêu tan vào sóng để dâng hiến và bất tử:

 

“Cuộc đời tuy dài thế

Để ngàn năm còn vỗ”

Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp tình yêu trong các khổ thơ trên. Từ đó, rút ra nhận xét về sự vận động của hình tượng sóng và em.

3. Phân tích bài “Sóng”. Từ đó làm rõ vẻ đẹp tình yêu hiện đại (hoặc truyền thống) mà Xuân Quỳnh thể hiện.

4. Phân tích khổ 3,4,5,6. Từ đó, nhận xét phong cách nghệ thuật của Xuân Quỳnh.

Đất Nước - 

Nguyễn Khoa Điềm.

1. Phân tích đoạn trích: 

“Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng

Đi trả thù mà không sợ dài lâu”

Từ đó, làm rõ tư tưởng mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước.

2. Phân tích đoạn trích:

“Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

Đất Nước có từ ngày đó”.

Từ đó, bình luận ngắn gọn về việc vận dụng chất liệu văn học dân gian trong đoạn thơ.

3. 

Trong đoạn trích Đất nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng), Nguyễn Khoa Điềm có viết:

“Đất là nơi anh đến trường

Nước là nơi em tắm

Đất Nước là nơi ta hò hẹn

Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”.

 

và:

 Em ơi em 

Đất Nước là máu xương của mình

Phải biết gắn bó và san sẻ

Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở

Làm nên đất nước muôn đời…

Cảm nhận của anh/chị về hai đoạn thơ trên. Từ đó, làm rõ cách nhìn mới mẻ, sâu sắc về đất nước của tác giả.

Ai đã đặt tên cho dòng sông? - Hoàng Phủ Ngọc Tường.

1. Nhận xét về chất trữ tình/chất thơ trong hình ảnh sông Hương.

2. Nhận xét về phong cách Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện trong đoạn trích/tác phẩm.

3. Nhận xét về cách Hoàng Phủ Ngọc Tường khám phá sông Hương.

4. Nhận xét tình cảm Hoàng Phủ Ngọc Tường dành cho sông Hương/xứ Huế/đất nước.

5. Nhận xét về cái nhìn mang tính phát hiện về dòng sông.

6. Nhận xét về thiên tính nữ của sông Hương.

7. Nhận xét về vẻ đẹp khó cưỡng của sông Hương.

Người lái đò sông Đà - 

Nguyễn Tuân.

1. Nhận xét về vẻ đẹp ngôn ngữ/ cách sử dụng từ ngữ của Nguyễn Tuân.

2. Nhận xét về nghệ thuật xây dựng hình tượng sông Đà/sự đối lập nhưng hài hoà của hình tượng sông Đà.

3. Nhận xét về vẻ đẹp người lao động trong thời kỳ mới/thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội.

4. Nhận xét về góc nhìn con người lao động trong thời kỳ mới.

5. Nhận xét về những chuyển biến trong phong cách của Nguyễn Tuân sau cách mạng.

6. Nhận xét về tình cảm dành cho con người lao động/ dành cho đất nước. 

7. Nhận xét về sức tưởng tượng, sáng tạo của Nguyễn Tuân.

8. Nhận xét nét độc đáo của cái tôi Nguyễn Tuân.

9. Nhận xét về vẻ đẹp của con người lao động.

10. Nhận xét cách miêu tả thiên nhiên con người trong phong cách nghệ thuật của nguyễn tuân.

11. Nhận xét về chất ngông của nguyễn tuân

Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài.

1. Nhận xét về giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo.

2. Nhận xét về vẻ đẹp con người (lao động) vùng Tây Bắc.

3. Nhận xét về màu sắc Tây Bắc/ nhãn quan phong tục/ đặc điểm của con người và vùng đất Tây Bắc

4. Nhận xét về cách nhà văn xây dựng nhân vật.

5. Nhận xét tình cảm dành cho con người/con người lao động Tây Bắc.

6. Nhận xét về nghệ thuật miêu tả/ dựng cảnh của Tô Hoài.

7. Nhận xét chất thơ trong Vợ chồng A Phủ.

Vợ nhặt - Kim Lân.

1. Nhận xét về giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo.

2. Nhận xét về vẻ đẹp/ vẻ đẹp tiềm tàng/khuất lấp của người phụ nữ Việt Nam. (thị. bà cụ Tứ).

3. Nhận xét về khát vọng của con người trong nạn đói.

4. Nhận xét cách nhà văn xây dựng nhân vật.

5. Nhận xét cách nhìn về người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 của nhà văn Kim Lân.

6. Nhận xét cách nhà văn xây dựng tâm lý nhân vật.

7. Nhận xét tình cảm nhà văn dành cho người nông dân.

8. Nhận xét cách nhà văn xây dựng tình huống truyện.

Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu.

1. Nhận xét về quan niệm về đời sống (triết lí nhân sinh)/nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.

2. Nhận xét về vẻ đẹp/vẻ đẹp khuất lấp của người đàn bà hàng chài/ người phụ nữ.

3. Nhận xét về phong cách tự sự - triết lý trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu.

4. Nhận xét về góc nhìn cuộc sống/nghệ thuật mới mẻ của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

5. Nhận xét về phát hiện của nhân vật Phùng.

6. Nhận xét về tình huống nhận thức.

7. Nhận xét về nét mới trong cách nhìn con người.

8. Nhận xét về giá trị nhân đạo/ hiện thực.

3. Các phần viết mẫu

3.1. Phân tích đoạn trích…. Từ đó nhận xét cách nhìn về người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 của nhà văn Kim Lân.
Người nghệ sĩ chân chính là người ý thức được thiên chức của mình trong quá trình sáng tạo, nâng đỡ cái phần tốt đẹp ở đời đời như đi tìm “hạt ngọc” trần gian bằng cả tấm lòng và tình yêu thương. Thế nên mỗi tác phẩm mà họ sáng tác luôn hướng về con người, vì con người. Kim Lân từng chia sẻ: “Cái đói là nỗi lo lắng của con người ở tất cả mọi dân tộc và thời đại. Cho nên đó là một đề tài cũng thuộc về bản chất của đời sống. Các nhà văn viết về cái đói ở khía cạnh tối tăm và bất lực của con người trước đó. Con người phạm tội và làm đủ mọi chuyện dại dột khác chỉ vì đói. Khi tôi viết, ý tưởng thường trực trong tôi là những người đói dù thế nào đi nữa vẫn luôn khao khát cuộc sống tốt hơn, vẫn tin tưởng một cách mơ hồ vào cuộc sống tương lai”. Vì lẽ ấy mà ông luôn ưu ái dùng cả trái tim và đôi mắt để soi chiếu nhân vật của mình - những con người nhỏ bé, cùng đường và không có ai bênh vực. Dẫu cho họ có xấu xí, tuềnh toàng, thậm chí là ngờ nghệch nhưng phía sau vỏ bọc thô ráp đó lại ẩn chứa những hạt ngọc. Họ sẵn lòng cưu mang, giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn hoạn nạn. Để rồi trong đói khổ, ngặt nghèo thì những người nông dân ấy vẫn luôn hướng về ánh sáng, hạnh phúc ở đời. Giống như lời người mẹ nghèo đã nói: “Nhà ta thì nghèo con ạ! Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn, rồi may ra ông giời cho khá…Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời, có ra rồi thì con cháu chúng mày về sau…”. “Ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Hình ảnh người mẹ nghèo ấy dường như cũng thắp lên trong chúng ta niềm tin vào cuộc đời, giữa cái đói quay quắt của những năm tháng ấy, con người ta vẫn tin vào tương tai, tin vào hạnh phúc để mà vui sống. Cách nhìn nhận về người nông dân trong nạn đói giường như đã được Kim Lân khẳng định: “Những người đói, họ không nghĩ đến cái chết, mà nghĩ đến cái sống”.


3.2. Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân. Từ đó nhận xét tình cảm của nhà văn Tô Hoài dành cho người dân lao động vùng cao Tây Bắc.
    Tô Hoài sinh ra tưởng chừng như để cắm sâu vào vùng đất ven đô. Có ai ngờ sau Cách mạng tháng Tám, lại gắn bó và dành tình cảm cho người dân lao động vùng cao Tây Bắc sâu nặng đến thế! Ông đã phác hoạ hết thảy những khổ đau, những áp bức nhưng hơn hết là những vẻ đẹp phẩm chất sáng ngời của người lao động vùng cao. Mị tuy cam chịu áp bức nhưng vẫn mang trong mình sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, vẫn thương người hơn cả thương thân. Tình cảm mà tác giả dành cho nhân vật đã làm cho đôi cánh nhân văn, nhân đạo được cất cao. “Vợ chồng A Phủ” là đứa con tinh thần Tô Hoài dành để gửi đáp lại những gì “mảnh đất và người miền Tây đã để thương để nhớ” cho ông trong chuyến đi thực tế vùng cao kéo dài nhiều tháng. Quả thật: “Bản chất của văn chương Tô Hoài là phong cách, bút pháp đậm đà bản sắc dân tộc. Phẩm chất ấy là sự tích tụ của cả một đời gắn bó với đất nước và nhiều miền quê hương, trân trọng và yêu thương những con người lao động mang tâm hồn và tính cách của người Việt Nam” (Hà Minh Đức).


3.3. Trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, nhà văn đã tô đậm hai phát hiện nghệ thuật của nghệ sĩ Phùng. Hãy phân tích hai phát hiện trên, từ đó nhận xét về quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu. 
Viết mẫu yêu cầu phụ: 
Nguyễn Minh Châu đã xây dựng lên sự đối lập giữa vẻ đẹp của thiên nhiên cảnh biển sương sớm với tấn bi kịch cuộc sống của người dân làng chài nghèo khổ. Chính ở đó, Nguyễn Minh Châu đã tô đậm quan điểm nghệ thuật của mình. “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học” (Tố Hữu). Quả thực, bức tranh cảnh biển sương sớm đẹp thật đấy, nhưng nó không thật sự trọn vẹn, con người hiện lên trong đó quá mờ nhạt. Nghệ thuật chỉ là nghệ thuật khi nó hướng đến con người, phải thể hiện được bản chất sâu xa, sự thật ẩn sâu trong cuộc sống. Nguyễn Minh Châu đã từng khẳng định: “Nhà văn không có quyền nhìn sự thật một cách đơn giản, nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng sâu lịch sử.” Nó đã trở thành thiên chức, thành sứ mệnh của người nghệ sĩ. Nghệ thuật chỉ thực sự là nghệ thuật khi nó khai thác ở cuộc sống với cái nhìn đa chiều, nhìn nhận cuộc đời ở bình diện đạo đức, thế sự để thực sự hiểu bản chất bên trong của hiện thực. Nghệ thuật ở đây không chỉ là nghệ thuật vị nghệ thuật mà đó phải là nghệ thuật vị nhân sinh.  Không chỉ vậy, nhà văn cần viết về “những vùng tối của hiện thực đời sống để góp phần hoàn thiện nhân cách làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn”. Hiện thực cuộc sống thực sự rất nhiều trái ngang, nhưng không phải người nghệ sĩ nào cũng dám cầm bút về vẽ nó lên trong những trang văn của mình. Chính vì vậy, người nghệ sĩ cần có lòng dũng cảm, chân thực, một trái tim nhân hậu để “nâng niu những cái đẹp ở đời”, để “bênh vực cho những người không có ai để bênh vực”. Nhà văn phải tự ý thức cho chính mình hoàn thiện hơn, cho văn chương sâu sắc hơn để phục vụ con người, hướng đến con người. Có lẽ, trong thời kì ấy, chúng ta chưa từng bắt gặp bất cứ người nghệ sĩ nào mang màu sắc quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu. Chính những điều mới mẻ ấy, những đóng góp ấy trong công cuộc đổi mới văn học mà trước hết là về quan niệm nghệ thuật, Nguyễn Minh Châu được đánh giá là “người mở đường tinh anh và tài năng” của nền văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. 

 

Xuất phát sớm cùng chị trong khóa Chất lượng cao 8+ nhé 2k5!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan