TUYỂN TẬP MỞ BÀI VÀ KẾT BÀI "TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP" HAY NHẤT

Ngày 26/07/2023 17:54:57, lượt xem: 2967

Tuyển tập 5 mở bài Tuyên ngôn độc lập hay nhất cho các bạn học sinh lớp 12. Đây là những mở bài được chị Hiên chọn lọc kỹ càng để các em có thể tham khảo.

 

 

Mở bài

Mở bài 1: Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, dân tộc ta phải đương đầu với đủ loại ngoại xâm: Từ Bắc xuống, từ Nam lên, từ Tây sang, từ Đông vào cho nên cùng với những chiến công hiển hách: phá Tống, bình Nguyên, diệt Minh, đuổi Thanh; nền văn học chúng ta cũng đã có những áng văn kiệt tác khẳng định đanh thép chủ quyền độc lập của dân tộc. Nếu như “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt mở đầu bằng một lời tuyên ngôn đanh thép :“Nam quốc sơn hà Nam đế cư”,“Đại cáo bình Ngô” của Nguyễn Trãi với lời khẳng định một chân lí lịch sử: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, thì “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh kế thừa tinh thần yêu nước và cảm hứng nhân văn của hai bản tuyên ngôn trên. Đồng thời mở ra một kỉ nguyên mới là kỉ nguyên độc lập dân tộc của một dân tộc thuộc địa như Việt Nam lần đầu tiên vùng dậy chặt đứt mọi xiềng xích của thực dân giành quyền giải phóng cho mình. Nói như Nguyễn Đình Thi trong bài thơ “Đất nước”

“Nước Việt Nam từ máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng loà”

Tuy nhiên, đứng từ góc độ văn chương nghệ thuật để thẩm thấu thì “Tuyên ngôn độc lập” là đỉnh cao của văn chương chính luận nước nhà đạt đến trình độ mẫu mực cả về nội dung và nghệ thuật.

Mở bài 2: Dòng máu lạc hồng qua bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước vẫn tuôn trào trong huyết quản của mỗi người dân Việt Nam. Một dân tộc mang trong mình dòng máu anh hùng quyết chiến sinh tử với bè lũ cướp nước, quyết diệt tận vong lũ bè bán nước. Hỡi ôi! Một dân tộc lừng lẫy chiến công vang dội mang tên Việt Nam. Mỗi một người dân đều là máu thịt của đất nước,họ xứng đáng được hưởng quyền tự do,bình đẳng và mưu cầu hạnh phúc. Bản “ Tuyên ngôn độc lập “ của Hồ Chí Minh không chỉ là bản cáo trạng về tội ác của kẻ thù xâm lược mà còn chính là một lời khẳng định chắc chắn về quyền tự do,tự chủ của dân tộc.

Mở bài 3: Vào những thời điểm chuyển mình của lịch sử một dân tộc thường xuất hiện những áng văn bất hủ, đánh dấu cho một thời đại. Không phải ngẫu nhiên người ta hay nhắc đến những tuyên ngôn nổi tiếng thế giới như Tuyên ngôn Độc lập của người Mĩ năm 1776, tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791. Lịch sử dân tộc ta cũng có những bản tuyên ngôn như vậy. Đó là “Bình ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi vào thế kỉ XV và “Tuyên ngôn độc lập” do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc ngày 2-9-1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh từ lâu vẫn được coi là “một văn kiện có giá trị lịch sử to lớn, một bài văn chính luận ngắn gọn, súc tích, lập luận chặt chẽ, đanh thép, lời lẽ hùng hồn, đầy sức thuyết phục”. Có thể nói bản Tuyên ngôn là kết tinh trí tuệ của thời đại, là kết quả cao của “bao nhiêu hy vọng, gắng sức và tin tưởng” của hơn hai mươi triệu nhân dân Việt Nam.

 

ĐỌC THÊM NHẬN ĐỊNH ĐẶC SẮC VỀ TÁC PHẨM “TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP”

 

Kết bài

Kết bài 1: Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc có tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” – đây là bản luận tội tội ác của kẻ thù. Vì vậy lời văn của “Bản án chế độ thực dân Pháp” giần giật lửa căm hờn. Hai mươi năm sau, Hồ Chí Minh viết “Tuyên ngôn độc lập”. Đây là một bản cáo chung nhằm kết thúc chế độ thực dân trên đất nước Việt Nam. Vì vậy, lời văn của bản Tuyên ngôn hào hùng, sảng khoái và vô cùng đanh thép. Với cảm hứng yêu nước, với cảm hứng nhân văn và tài năng nghệ thuật viên mãn, “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh xứng đáng là đỉnh cao của văn chương chính luận nước nhà và Hồ Chí Minh ngàn lần xứng đáng là “nhà văn của nhân loại”.

Kết bài 2: Tuyên ngôn Độc lập” xứng đáng là một áng “thiên cổ hùng văn”. Nó đã kế tục truyền thống vinh quang của “Nam quốc sơn hà” và “Bình Ngô đại cáo“. Nó là lời nước non cao cả và thiêng liêng, thể hiện sâu sắc tư tưởng vĩ đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập“, chúng ta càng thấm thía, tự hào về độc lập, tự do mà dân tộc ta đã giành được bằng xương máu của bao thế hệ, của bao anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho chúng ta được tự do như ngày hôm nay. Như Tố Hữu đã từng viết:

“Tự do đã nở hoa hồng

Trong dòng máu đỏ, trên đồng Việt Nam”.

Kết bài 3: Tuyên ngôn Độc lập còn thể hiện một tầm tư tưởng, tầm văn hóa lớn của Hồ Chí Minh, đã tổng kết được trong một văn bản Tuyên ngôn ngắn gọn, trong sáng, kinh nghiệm của nhiều thời kỳ đấu tranh vì độc lập tự do, vì nhân quyền và dân quyền của dân tộc và nhân loại. Chính Bác Hồ cũng tự đánh giá đây là thành công thứ ba khiến Người cảm thấy sung sướng trong cả cuộc đời hoạt động cách mạng, cầm bút viết văn làm báo đầy kinh nghiệm của mình. Cũng vì thế mà vào ngày Bác mất, một chính khách danh tiếng của châu Á đã phát biểu: Người là ánh sáng hy vọng trong thế kỷ bạo tàn, ánh sáng hy vọng đó phải chăng là tư tưởng không gì quý hơn độc lập tự do của Người.

 

Đồng hành cùng chị trong KHÓA HỌC VĂN VIP 2K6 để đạt 8+ Văn nhé!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan