TÀI LIỆU HƯỚNG DẪN GIẢI THÍCH NHẬN ĐỊNH THƯỜNG GẶP TRONG BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

Ngày 18/01/2024 16:24:32, lượt xem: 5705

Các bạn học sinh lớp 9, đặc biệt là các bạn học sinh giỏi chắc hẳn không còn xa lạ với cụm từ "nhận định văn học" nữa không nhỉ? Tuy nhiên, để giúp các bạn hiểu rõ hơn về phần này, cũng như có thể áp dụng vào bài viết, Học Văn Chị Hiên gửi tặng em bộ tài liệu hướng dẫn giải thích nhận định thường gặp trong bài nghị luận văn học.

 

1. Nhận định số 1 

Bàn về sáng tác truyện ngắn, nhà văn Nguyễn Minh Châu khẳng định: 

“Chỉ cần một số ít trang văn xuôi mà họ (các bậc thầy về truyện ngắn) có thể làm nổ tung trong tình cảm và ý nghĩ người đọc những điều rất sâu xa và da diết của con người, khiến người đọc phải nhớ mãi, suy nghĩ mãi, đọc đi đọc lại vẫn không thấy chán”. 

  • Ý nghĩa 

- Truyện ngắn là hình thức ngắn của tự sự. Trong truyện ngắn thường ít nhân vật, ít sự kiện,…. Tuy vậy, vấn đề mà những cây bút truyện ngắn tài năng và giàu kinh nghiệm đặt ra trong tác phẩm của họ lại không hề nhỏ chút nào. 

- Để khái quát được những vấn đề có ý nghĩa xã hội lớn lao, thể hiện được những tư tưởng nhân sinh sâu sắc, những bậc thầy về truyện ngắn bao giờ cũng là những người cao tay trong kĩ thuật dựng truyện và tinh xảo trong ngôn ngữ diễn đạt. Mỗi chữ, mỗi câu, mỗi chi tiết được sử dụng đều phải dồn nén tư tưởng, thấm đượm chủ đề. Để rồi, người đọc khi tiếp xúc với tác phẩm, qua mỗi từ, mỗi câu, mỗi tình ý ấy có thể khám phá, nhận ra một điều gì của quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người khiến họ phải suy nghĩ, trăn trở, tìm hiểu. Càng tìm hiểu sẽ càng thấy thêm nhiều điều mới lạ. 

 

2. Nhận định số 2 

Trong diễn văn nhận giải Nobel văn học năm 2012, nhà văn người Trung Quốc- Mạc Ngôn, khẳng định: 

“Đương nhiên, trải nghiệm của cá nhân dù li kỳ tới đâu cũng không thể cứ thế bê nguyên xi vào tác phẩm. Văn chương cần phải hư cấu, phải có tưởng tượng” 

(Diễn từ Nobel của Mạc Ngôn, theo vanhoanghean.vn, ngày 10/1/2013) 

  • Ý nghĩa

- Trải nghiệm cá nhân: là những gì nhà văn quan sát và thu nhặt được từ đời sống xã hội và đời sống chính bản thân mình. 

- Không thể bê nguyên xi vào tác phẩm: không thể sao chép máy móc hay chỉ đơn thuần ghi chép lại. 

- Hư cấu, tưởng tượng: là tạo ra các yếu tố chưa từng trải nghiệm hoặc không có trong thực tế đời sống. 

--> Ý kiến của Mạc Ngôn bàn về một nét đặc trưng của văn học và sáng tạo nghệ thuật. Mạc Ngôn không phủ nhận vai trò của trải nghiệm thực tế đời sống nhưng phủ nhận sự sao chép và đề cao giá trị của hư cấu tưởng tượng trong văn học. 

 

3. Nhận định số 3 

Trong văn bản "Tiếng nói của văn nghệ", Nguyễn Đình Thi viết: 

"Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ. Anh gửi vào tác phẩm một lá thư, một lời nhắn nhủ, anh muốn đem một phần của mình góp vào đời sống chung quanh". 

(Ngữ Văn 9, Tập II, Tr 12,13- NXB GD 2005) 

  • Ý nghĩa

Nội dung của một tác phẩm nghệ thuật là hiện thực cuộc sống và những khám phá, phát hiện riêng của người nghệ sĩ. 

Những khám phá, phát hiện ấy chính là điều mới mẻ góp phần quan trọng tạo nên giá trị của một tác phẩm nghệ thuật và mang theo thông điệp của người nghệ sĩ. 

 

4. Nhận định số 4 

Nhà phê bình người Nga Belinxky viết: 

“Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả, nếu nó không phải là tiếng thét khổ đau hay lời ca tụng hân hoan, nếu nó không đặt ra những câu hỏi hoặc trả lời những câu hỏi đó” 

(Lí luận văn học, NXB Giáo dục, 1993, trang 62). 

  • Ý nghĩa

- “Miêu tả cuộc sống chỉ để miêu tả”: tác phẩm phản ánh cuộc sống một cách đơn thuần, máy móc, vô hồn, vụng về. 

- “Tiếng thét đau khổ, lời ca tụng hân hoan”: tác phẩm phải chứa đựng cảm xúc của người nghệ sĩ: tình yêu thương con người, nỗi đau trước bất hạnh của con người; ngợi ca những vẻ đẹp, những niềm vui của cuộc sống, của con người. 

- “Đặt ra câu hỏi, trả lời những câu hỏi đó”: qua tác phẩm, nhà văn thể hiện tư tưởng: những vấn đề mình trăn trở, băn khoăn, để lại day dứt, ám ảnh… về cuộc sống, về con người. Đồng thời, nhà văn cũng phải đề ra cách giải quyết, tìm lối thoát, đường đi cho số phận của con người, cuộc đời. 

- Ý kiến của nhà phê bình Nga Belinsky trên đây đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng, thậm chí, quyết định của tư tưởng, tình cảm, hay nói cách khác, cái tâm của người cầm bút quyết định sức sống của một tác phẩm nghệ thuật, ở đây được hiểu là tác phẩm văn học. Tác phẩm văn học chỉ sống được trong những tư tưởng, tình cảm mãnh liệt của ngưòi cầm bút mà thôi. 

 

ĐỌC THÊM: TÀI LIỆU MỞ RỘNG NÂNG CAO - HƯỚNG DẪN THAY THẾ NHẬN ĐỊNH VĂN HỌC

 

5. Nhận định số 5 

Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm. (Pauxtopxki)

  • Ý nghĩa

- Chi tiết là các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng. 

- Chi tiết là nên bụi vàng: 

+ Thể hiện vai trọng vô cũng quan trọng của chi tiết trong tác phẩm + Chi tiết là điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm. + Chi tiết đóng vai trò làm tiền đề cho sự phát triển của cốt truyện. 

=> Chi tiết Nghệ thuật mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng, nhà văn lớn là nhà văn có tài năng nổi bật, có phong cách riêng biệt và mỗi tác phẩm của mình là nhà văn đó đều mang lại sự ấn tượng trong lòng người đọc. Câu nói khẳng định, dù chỉ là những hạt bụi rất nhỏ nhưng những chi tiết lại có giá trị như vàng, rất quý giá đối với mỗi tác phẩm văn chương. 

 

6. Nhận định số 6 

Văn học là nhân học (M. Gorki) 

  • Ý nghĩa 

- Văn học là gì? 

Văn học là khoa học về cái đẹp (văn) trong cuộc sống, được biểu đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Phương thức sáng tạo của văn học được thông qua sự hư cấu hình tượng. 

- Nhân học là gì? 

Nhân học là một lĩnh vực nhận thức khoa học, trong đó nghiên cứu các vấn đề nền tảng của tồn tại con người trong môi trường tự nhiên và nghệ thuật. Theo nghĩa chung nhất “Nhân học” là khoa học về con người. 

- “Văn học là nhân học” có thể hiểu văn học đã phản ánh, đề cao tình yêu thương con người trong mỗi tác phẩm văn chương. Văn học lấy con người làm đối tượng phản ánh và hướng đến phục vụ đời sống con người. 

 

7. Nhận định số 7 

Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở cái đẹp. (Pautopxki) 

  • Ý nghĩa 

- Nhà văn chân chính: Nhà văn có thái độ nghiêm túc trong lao động và sáng tạo nghệ thuật; có lương tâm, có trách nhiệm với nghề; tạo ra tác phẩm văn chương có giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc. 

- Người dẫn đường: Là người định hướng tư tưởng, cảm xúc cho bạn đọc. - Xứ sở cái đẹp: Là vẻ đẹp của một tác phẩm văn học được thể hiện ở hai phương diện nội dung và hình thức. 

-> Ý kiến nhấn mạnh vai trò của nhà văn trong việc dẫn dắt, định hướng và bồi đắp tư tưởng, cảm xúc thẩm mĩ cho bạn đọc khi tiếp cận một tác phẩm văn chương. 

 

8. Nhận định số 8 

Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác, cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những điều tốt đẹp. (Ai – ma – tốp) 

  • Ý nghĩa 

- Ý kiến của nhà văn Ai-ma-tốp khẳng định sứ mệnh của nhà văn là thông qua tác phẩm của mình phải khơi gợi được những tình cảm nhân văn tốt đẹp ở người đọc như: sự đồng cảm với cảnh ngộ của con người, lay thức những tình cảm yêu thương, sự thấu hiểu chia sẻ hay sự bất bình, lên án, phê phán, đấu tranh với cái xấu, cái ác để bênh vực cái tốt, cái đẹp, cái lương thiện… 

- Đề cao sứ mệnh cao cả của văn chương là cảm hoá, nhân đạo hoá con người. Đó cũng là những giá trị nhân đạo, nhân văn sâu sắc, cao đẹp làm nên sức sống trường tồn cho tác phẩm mà người nghệ sĩ chân chính nào cũng muốn hướng tới. 

 

9. Nhận định số 9 

Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối cùng, không bao giờ hết khả năng kể chuyện khi câu chuyện về các nhân vật đã kết thúc. Tác phẩm nhập vào tâm hồn và ý thức của bạn đọc, tiếp tục sống và hành động như một lực lượng sống nội tâm, như sự dằn vặt và ánh sáng của lương tâm, không bao giờ tàn tạ như thi ca của sự thật. (Aimatop) 

  • Ý nghĩa 

Ý kiến đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của phần kết thúc trong truyện ngắn: Kết thúc nào cũng nhằm tái hiện dòng chảy nghệ thuật phức tạp của đời sống. 

Sau mỗi một kết thúc, người đọc có thể thấu hiểu được chân lý đời sống, nhận thức được những quy luật đời sống, những dự cảm về tương lai và khẳng định sự tất thắng của cái đẹp. 

 

10. Nhận định số 10 

Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc bài học trông nhìn và thưởng thức. (Thạch Lam) 

  • Ý nghĩa 

- Nhà văn phải phát hiện được cái Đẹp – cái Đẹp với ý nghĩa toàn vẹn cao quí, cái Đẹp viết hoa. Không đơn giản là cái vẻ hào nhoáng ,dễ thấy bề ngoài, mà căn bản là cái Đẹp khuất lấp, tiềm ẩn trong đời sống nội tâm con người, trong sự bằng lặng của cuộc sống. 

- Cao hơn, Thạch Lam còn muốn nói tới sự phát hiện cái Đẹp ở địa hạt tưởng chừng cái Đẹp không thể xuất hiện, không thể tồn tại. 

⇒ Đây là một yêu cầu nghiêm nhặt, khắt khe nhưng xác đáng về nghề văn, một nghề đòi hỏi sự khám phá và sáng tạo. 

- Tác phẩm văn học chứa đựng cái Đẹp ấy phải (và tất yếu) đem lại cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức. 

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học kĩ năng - Lớp 9
Khóa học luyện đề chuyên sâu - Lớp 12

Tin liên quan