TẶNG TÀI LIỆU MỞ RỘNG NÂNG CAO - HƯỚNG DẪN THAY THẾ NHẬN ĐỊNH VĂN HỌC

Ngày 22/09/2023 11:14:21, lượt xem: 3640

I. Nhận định: “Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội” 

=> Nhận định khẳng định chức năng của văn học: chức năng phản ánh đời  sống xã hội hiện thực.

 

❖ Thay thế bằng các nhận định khác: 

1. “Văn chương là hình dung của cuộc sống muôn hình vạn trạng. Chẳng những  thế, văn chương còn sáng tạo ra sự sống.” (Hoài Thanh) 

2. “Văn học thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc  đời mà có.” (Tố Hữu)  

3. “Văn học không chỉ là chuyện văn chương mà thực chất là chuyện đời.” (Tố Hữu) 

4. “Hương nhụy trong mát và ngọt lành của cuộc sống chính là văn học.” 

5. “Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng vật liệu vay mượn ở thực  tại.” (Nguyễn Đình Thi)

 

II. Nhận định: “Một nghệ sĩ chân chính phải là một nhà nhân đạo từ trong  cốt tủy” 

=> Nhận định khẳng định người nghệ sĩ chân chính phải có tấm lòng nhân ái,  yêu thương đối với con người. 

 

❖ Thay thế bằng các nhận định khác:  

1. “Nếu như cảm hứng nhân bản nghiêng về đồng cảm với những khát vọng rất  người của con người, cảm hứng nhân văn thiên về ngợi ca vẻ đẹp của con người  thì cảm hứng nhân đạo là cảm hứng bao trùm.” (Hoài Thanh) 

2. “Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái đẹp và lòng  nhân đạo của con người.” (Mikhail Sholokhov) 

3. “Xét đến cùng, ý nghĩa thực sự của văn học là nhân đạo hóa con người” (M.  Gorki) 

4. “Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó.  Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các cung bậc của tình cảm chứ không  phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của  người viết là khâu đầu tiên và khâu sau cùng trong quá trình xây dựng một tác  phẩm như thế nào.” (Nguyễn Khải) 

5. “Mỗi nhà văn chân chính bước lên văn đàn, về thực chất, là sự cất tiếng  bằng nghệ thuật của một giá trị nhân văn nào đó được chưng cất từ những  trải nghiệm sâu sắc trong trường đời.” 

 

III. Nhận định: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn.” 

=> Nhận định khẳng định vai trò quan trọng của chi tiết trong tác phẩm văn học.  

 

❖ Thay thế bằng các nhận định khác:  

1. “Chi tiết làm nên bụi vàng của tác phẩm” (Pauxtopxki) 

2. “Chi tiết nghệ thuật như một giọt nước mà qua đó ta thấy cả đại dương.”

3. “Nếu tình huống truyện tạo ra bước ngoặt của tác phẩm thì chi tiết nghệ thuật lại là cái bánh lái bẻ nên đường của tuyệt diệu ấy.” (Leonit Leonov) 

4. “Truyện có thể có cốt truyện, có thể không có cốt truyện nhưng không thể nghèo chi tiết. Nếu thế truyện sẽ như nước lã” (Nguyên Ngọc). 

5. “Sứ mệnh của thể loại truyện ngắn đặt lên vai các chi tiết nghệ thuật. Chi  tiết nghệ thuật trong truyện ngắn là những người tí hon mang nhiệm vụ khổng  lồ.” 

 

ĐỌC THÊM: 33 NHẬN ĐỊNH VĂN HỌC THEO CHỦ ĐỀ HAY NHẤT

 

IV. Nhận định:

Mỗi công dân có một dạng vân tay 

Mỗi nhà thơ có một dạng vân chữ 

Không trộn lẫn. 

=>Nhận định khẳng định mỗi nhà văn, nhà thơ đều có dấu ấn phong cách  nghệ thuật độc đáo, riêng biệt, là những sáng tạo của mỗi nhà thơ, nhà văn,  không thể trộn lẫn. 

 

❖ Thay thế bằng các nhận định khác: 

1. “Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả. Nếu anh không có giọng riêng, anh ta khó trở thành nhà văn thực thụ.” (Sê khốp) 

2. “Cái quan trọng trong tài năng văn học và tôi nghĩ rằng cũng có thể trong  bất kì tài năng nào, là cái mà tôi muốn gọi là tiếng nói của riêng mình.” (Ivan  Tuốc-ghê-nhép). 

3. “Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy, nó đòi hỏi phải có phong  cách, tức là phải có nét gì đó rất mới, rất riêng thể hiện trong tác phẩm của  mình.” (Nguyễn Tuân)

4. “Đối với nhà thơ thì cách viết, bút pháp của anh ta là một nửa việc làm. Dù  bài thơ thể hiện ý tứ độc đáo đến đâu, nó cũng nhất thiết phải đẹp. Không  chỉ đơn giản là đẹp mà còn đẹp một cách riêng. Đối với nhà thơ, tìm cho ra  bút pháp của mình - nghĩa là trở thành nhà thơ.” (Ra-xun Ga-da-top) 

5. “Nhà văn không có phép thần thông để vượt ra khỏi thế giới này, nhưng thế  giới này trong con mắt nhà văn phải có một hình sắc riêng.” (Hoài Thanh)

 

V. Nhận định: Tình huống truyện là lát cắt, là khúc của đời sống. Nhưng  qua đó ta hiểu được trăm năm của đời thảo mộc. 

=>Nhận định khẳng định vai trò của tình huống truyện. Tình huống truyện  là một phần quan trọng góp phần làm nên thành công cho tác phẩm, giúp  bộc lộ đời sống nhân vật, qua đó giúp người đọc hiểu sâu hơn về tác phẩm. 

 

❖ Thay thế bằng các nhận định khác:  

1. “Tình huống chính là thứ nước rửa ảnh làm nổi hình nổi sắc nhân vật, làm rõ  tư tưởng nhà văn, là khoảnh khắc chứa đựng cả một đời người.” (Nguyễn Minh  Châu) 

2. “Tình huống là một khoảnh khắc của dòng chảy đời sống mà qua khoảnh  khắc thấy được vĩnh viễn, qua giọt nước thấy được đại dương.” 

3. “Tình huống là một lát cắt của sự sống, là một sự kiện diễn ra có phần bất  ngờ nhưng cái quan trọng là sẽ chi phối nhiều điều trong cuộc sống con người.” (Nguyễn Minh Châu) 

4. “Quan trọng nhất của truyện ngắn là tạo ra một tình huống nào đấy, từ tình  huống ấy bật nổi một bản chất tính cách nhân vật hoặc bộc lộ một tâm trạng.” (Nguyễn Đăng Mạnh)

 

VI. Nhận định: Văn chương không cần những người thợ khéo tay làm theo những kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết  đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có. 

=>Nhận định khẳng định và đề cao giá trị sáng tạo của người nghệ sĩ. Người  nghệ sĩ chân chính phải là một người luôn làm mới mình, tìm ra những đề tài,  cách phản ánh hiện thực mới mẻ chứ không thể nào là sự dập khuôn, máy  móc, lặp lại chính mình được. 

 

❖ Thay thế bằng các nhận định khác: 

1. “Điều then chốt là phải luôn luôn sáng tạo cái mới, cái quý của nhà văn là  sáng tạo cái mới chứ không phải viết được nhiều.” (Trần Đình Sử) 

2. “Mỗi tác phẩm nghệ thuật phải là một phát minh về hình thức và khám phá  mới về nội dung.” (Lê-ô-nit Lê-ô-nốp) 

3. “Tác phẩm nghệ thuật luôn được xây dựng từ những vật liệu mượn ở thực tại,  nhưng nhà văn không chỉ muốn ghi lại những cái đã có rồi mà còn muốn nói một  điều gì mới mẻ.” (Nguyễn Đình Thi) 

4. “Làm thơ quý nhất là lật đổ cái án cũ mới hay.” (Điều Viên Mai) 

5. “Mỗi sáng tạo nghệ thuật chân chính tuyệt nhiên không phải là sự minh họa  đơn giản cho tư tưởng này hoặc tư tưởng khác, cho dù ấy là tư tưởng rất hay.”

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
Facebook Học Văn Chị Hiên THCS
Youtube Học Văn Chị Hiên

Instagram Học Văn Chị Hiên
Tiktok Học Văn Chị Hiên

Tin liên quan