MẪU TỔNG KẾT, ĐÁNH GIÁ NỘI DUNG VÀ NGHỆ THUẬT CÁC TÁC PHẨM VĂN XUÔI

Ngày 11/01/2024 17:41:53, lượt xem: 3321

Phần tiểu kết (trước kết bài) là phần chúng ta tổng kết, đánh giá các nội dung, nghệ thuật, cũng như liên hệ mở rộng hoặc khái quát vấn đề nghị luận. Dù đây không phải là phần chiếm số điểm quá lớn nhưng góp phần giúp bài viết của em trọn vẹn hơn.

 

 

1. Vợ chồng A Phủ

“Đối với tôi văn chương không phải là cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối, tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn…” (Thạch Lam). Thấm nhuần tư tưởng ấy, nhà văn Tô Hoài đã dùng tài hoa văn chương của mình như một thứ khí giới thanh cao để đấu tranh đòi quyền sống và khát khao tự do cho những con người nơi miền núi sơn cước, những con người đang bị trói buộc, chà đạp bởi hệ thống cường hào xấu xa tàn ác. Tất cả đã được gửi gắm qua nhân vật Mị và cụ thể là qua hai lần Mị hồi sinh làm thức tỉnh và trỗi dậy sức mạnh tiềm tàng đang bị vùi lấp sâu trong lòng cô ấy, thể hiện một khát khao sống, khát khao tự do cháy bỏng của người dân lao động Tây Bắc. Bên cạnh đó, các chi tiết trong truyện cũng đều thể hiện tư tưởng của nhà văn Tô Hoài - cái thiện sẽ luôn chiến thắng cái ác, chỉ có bản thân mình mới tìm được tự do cho mình và ánh sáng của Đảng chính là thứ ánh sáng soi đường con người đến với thế giới tươi sáng hơn. Đó cũng chính là mong ước của nhà văn, mong ước về một tương lai tốt đẹp, tràn ngập hạnh phúc.

 

2. Vợ Nhặt

“Nhà văn dùng vợ nhặt để làm cái đòn bẩy để nâng con người lên trong tình nhân ái. Câu chuyện Vợ nhặt đầy bóng tối nhưng từ trong đó đã lóe lên những tia sáng ấm lòng”- Nhà giáo Đặng Đồng Minh. Có lẽ đây chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên thành công của tác phẩm, dù viết trong bối cảnh nạn đói năm 1945 nhưng trong tác phẩm không có quá nhiều sự bi thảm, tăm tối đến cùng đường mà ẩn chứa trong đó là thứ ánh sáng ấm áp của tình người. Đó cũng chính là tinh thần của những người nông dân trong thời kỳ kháng chiến, dù sống trong hoàn cảnh đói khổ, đứng giữa ranh giới mong manh của sự sống và cái chết nhưng họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời và tin vào ngày mai tươi sáng. Đây cũng chính là vẻ đẹp tâm hồn của những người nông dân nghèo, họ chính là ánh sáng của xóm ngụ cư, họ sưởi ấm nhau bằng lòng chân thành và tình yêu thương trong nạn đói. Qua đó thể hiện niềm tin và niềm hy vọng của nhà văn Kim Lân, ông tin rằng tình yêu chính là phép màu nuôi dưỡng những hy vọng, dù sống trong hoàn cảnh nào cũng phải hướng tới những điều tốt đẹp, tin tưởng vào tương lai.

 

ĐỌC THÊM: THAY THẾ NHỮNG TỪ NGỮ ĐÃ CŨ TRONG BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

 

3. Chiếc thuyền ngoài xa

Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng quan niệm: “Nghệ thuật là màn sương hồng và nghệ thuật là cuộc sống lầm than, là những đau khổ của con người trong thời đại mới, đó là sự lựa chọn quyết liệt giữa nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật tô hồng”. Đã là nghệ thuật chân chính, tác phẩm buộc phải bén rễ từ hiện thực. Giác ngộ chân lý ấy, nhà văn Nguyễn Minh Châu luôn lấy hiện thực là nền móng để đặt những viên gạch đầu tiên cho tác phẩm của mình, điều đó thể hiện rất rõ trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa”. Không thể ngờ rằng, đằng sau vẻ đẹp tuyệt diệu của bức tranh thiên nhiên lại là một bức tranh đời vô cùng tàn khốc, đó là nạn bạo lực gia đình, là sự đói nghèo, là nỗi vất vả của người dân nơi miền biển. Từ bức tranh ấy, Nguyễn Minh Châu đã khám phá ra vẻ đẹp khuất lấp của những mảnh đời bị cuộc sống chôn vùi, vẻ đẹp ấy là hạt ngọc tâm hồn bị ẩn giấu sâu bên trong mà người nghệ sĩ phải đào sâu mới thấy được. Từ đó, ta thấy được tư tưởng của nhà văn: Nghệ thuật phải bắt nguồn từ hiện thực đời sống, xa rời hiện thực nó sẽ chỉ là thứ nghệ thuật phù phiếm, thứ nghệ thuật chết, là những tác phẩm không sâu sắc, hời hợt của anh Hộ trong “Đời thừa”, hoặc cũng có thể giống như tòa “Cửu trùng đài” trong đoạn trích “Vĩnh biệt cửu trùng đài”. Ngoài ra, nhà văn còn gửi gắm một bài học đó là một người nghệ sĩ phải nhìn cuộc sống với lăng kính đa chiều, không nhìn một chiều phiến diện, đó mới chính là trách nhiệm của những người nghệ sĩ chân chính.

 

4. Rừng xà nu

“Văn Nguyên Ngọc là thứ văn trong, sánh như mật ong, lại đượm ướp một làn hương rất đặc biệt. Đọc cứ bàng hoàng vảng vất mãi. Nguyên Ngọc hơn người ở tài văn. Không có thực tài, không thể viết được thế.” - Trần Đăng Khoa. Mỗi áng văn Nguyên Ngọc viết ra đều chứa đựng một tinh thần yêu nước sâu sắc, nó như cô đọng lại trong tâm trí của bạn đọc bởi tính hàm súc, tính triết lý. Với biệt tài của mình, Nguyên Ngọc đã mượn hình ảnh cây xà nu để thể hiện tinh thần yêu nước bất diệt của người dân Tây Nguyên, cây xà nu là biểu tượng của người dân làng Xô Man, che chắn cho dân làng khỏi mưa bom bão đạn. Không chỉ là biểu tượng của sức sống kiên cường bất khuất, rừng xà nu còn là biểu tượng của đau thương trong chiến tranh, mỗi cây xà nu gục xuống là một ẩn dụ cho một lớp người cũng hy sinh vì bảo vệ xóm làng, vì quê hương Tổ quốc. Không những vậy, nhà văn Nguyên Ngọc đã khéo léo sử dụng lối kể chuyện để tái hiện lại một đời người của nhân vật Tnú, dọc theo cuộc đời của anh, ta có thể thấy được hành trình chiến đấu vất vả của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Pháp và sức mạnh kiên cường không bỏ cuộc của người dân làng Xô Man. Đây cũng chính là tinh thần yêu nước nồng nàn của tác giả, là nhiệt huyết tuổi trẻ của người thanh niên hết mình vì Tổ quốc.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học luyện đề chuyên sâu - Lớp 12

Tin liên quan