MẪU KẾT BÀI CÁC TÁC PHẨM VĂN XUÔI VÀ KÍ HAY NHẤT

Ngày 18/01/2024 11:33:52, lượt xem: 3022

Một kết bài hay, súc tích là kết bài đúc tích được những nội dung cốt lõi của bài viết, đóng lại bài viết những để dư âm mãi cho người đọc. Trong bài viết này, Học Văn Chị Hiên sẽ chia sẻ với các bạn một số ví dụ về kết bài cho các tác phẩm văn xuôi và ký nhé.

 

 

1. Kết bài “Người lái đò sông Đà”

Một sông Đà, một Nguyễn Tuân - một thiên nhiên dữ dội, một người nghệ sĩ tài hoa. Tùy bút của Nguyễn Tuân chân thực mà hấp dẫn là vậy. Đọc từng dòng văn, ta như được tự mình trải nghiệm trong không gian Tây Bắc, được gặp và chiêm ngưỡng cái tài hoa của những con người nơi đây. “Người lái đò Sông Đà” là một áng văn đẹp được làm nên từ tình yêu đất nước thiết tha, say đắm của một người nghệ sĩ muốn dùng văn chương để khắc họa vẻ đẹp kì vĩ, hào hùng, vừa trữ tình, thơ mộng, và nhất là tài năng của những người lao động bình dị. Sự đầu tư nghiêm túc, công phu và tâm huyết cho nghệ thuật của Nguyễn Tuân thật khiến ta khâm phục. Phải chăng đó chính là cái độc đáo tài hoa của Nguyễn Tuân - cái điều mà ông vẫn quan niệm “đã viết văn thì phải viết cho hay, cho đúng cái tạng riêng của mình. Văn chương cần sự độc đáo hơn bất kì một lĩnh vực nào khác...”

 

2. Kết bài “Ai đã đặt tên cho dòng sông”

Con sông Hương thơ mộng của xứ Huế đã làm ngẩn ngơ không ít những tâm hồn nhạy cảm và cũng làm đắm say không ít bậc nghệ sĩ tài hoa. Tôi vẫn còn nhớ nhà thơ Thu Bồn viết về sông Hương: “Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu.” Và đến với Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương đã trở thành nàng thơ của xứ Huế. Từ thủy trình của dòng sông đến những nét đẹp văn hóa, lịch sử, thi ca hội tụ trong nó đều được nhà văn quan sát một cách tinh tế và chan chứa tình yêu với cái đẹp của thiên nhiên đất nước. “Ai đã đặt tên cho dòng sông” là đoạn văn xuôi súc tích và đầy chất thơ về con sông xứ Huế, chinh phục người đọc bằng những cảm xúc sâu lắng được tổng hợp từ một vốn kiến thức phong phú, uyên bác, văn phong tao nhã, tinh tế và tài hoa. Đây không chỉ là một trong những tác phẩm hay nhất viết về sông Hương mà còn là bút kí đặc sắc vào bậc nhất của văn học Việt Nam hiện đại. 

 

ĐỌC THÊM: CÔNG THỨC KẾT BÀI NHANH CHO BÀI NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

 

3. Kết bài “Vợ chồng A Phủ”

Với truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” cùng tập truyện Tây Bắc, nhà văn Tô Hoài đã hoàn thành điều mong mỏi của mình đó là quay lại và trả niềm thương, nỗi nhớ cho mảnh đất nơi đây. Những người lao động ham sống và khát sống đã vươn lên, tìm ra ánh sáng, tương lai cho chính bản thân mình. Lòng ham sống trong Mị hay trong A Phủ vượt qua tất cả cường quyền, bạo quyền và thần quyền đã giúp Tô Hoài thể hiện trọn vẹn giá trị nhân đạo và thông điệp hướng tới tương lai của mình. Con người lao động trong bất cứ thời điểm nào, họ luôn hướng về sự sống, ánh sáng và luôn sẵn sàng đấu tranh cho chính hạnh phúc của bản thân mình.

 

4. Kết bài “Vợ nhặt”

Một nhà văn “nguyện một lòng đi về với đất, với người, với thuần hậu nguyên thủy của cuộc sống nông thôn" như Kim Lân đã thực sự thành công với “Vợ nhặt”. Bởi nó không chỉ dựng lại bức tranh hiện thực về nạn đói năm 1945 mà cao cả hơn hết là sự yêu thương, trân trọng vẻ đẹp, khát vọng của con người. Đúng với lời tâm sự mà Kim Lân từng chia sẻ: “Cái đói hành hạ tất cả mọi người, nhưng không át được sức sống đơn sơ của tâm hồn họ. Đói. Nó vừa cay đắng vừa đớn đau, đồng thời một mặt nào đó lại lóe lên những tia sáng về đạo đức, danh dự”. Có điều gì quý giá và đáng trân quý hơn thế. Tình người, tình đời thêm một lần nữa thấm đẫm trong những trang sách Kim Lân.

 

5. Kết bài “Chiếc thuyền ngoài xa”

Truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu đã trở thành một viên ngọc quý của văn học Việt Nam trong những năm 80 - giai đoạn chứng kiến những đổi mới trong xã hội và cả trong lĩnh vực văn học. Nguyễn Minh Châu đi sâu vào khai thác những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại đem tới bài học thấm thía, giúp người đọc nhận ra được những góc khuất khác nhau về con người, bản chất của cuộc đời. Cuộc sống vốn phức tạp, chúng ta không thể đơn giản, sơ lược khi nhìn nhận con người và cuộc sống mà cần có cái nhìn tỉnh táo, sâu sắc cùng với sự tìm tòi, phát hiện để hiểu đúng bản chất của nó. 

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
Khóa học luyện đề chuyên sâu - Lớp 12

Tin liên quan