SOẠN BÀI: CẢNH NGÀY XUÂN

Ngày 31/08/2020 15:09:48, lượt xem: 1265

CẢNH NGÀY XUÂN

Câu 1:

  • Khung cảnh mùa xuân được gợi tả qua các chi tiết, hình ảnh: 
  • Con én đưa thoi: hình ảnh vừa tả cảnh vừa ngụ ý thời gian trôi. 
  • Thiều quang: ánh sáng ngày xuân đẹp đẽ ấm áp
  • Cỏ non xanh tận chân trời: thảm cỏ xanh ngút ngàn trải rộng tới mênh mông 
  • Cành lê trắng điểm một vài bông hoa: hoa lê trắng tinh khôi, thơm ngát điểm xuyết trên nền cỏ xanh 
  • Bút pháp miêu tả thiên nhiên:
  • Kết hợp tượng trưng, ước lệ và tả thực: diễn tả thời gian, tác giả dùng hình tượng “con én đưa thoi”, vừa có ý nghĩa ẩn dụ vừa mang tính tượng trưng. Hoa lê và cỏ cũng là những hình ảnh quen thuộc của mùa xuân nhưng được miêu tả sống động, chân thực. 
  • Bút pháp chấm phá: phác họa bức tranh mùa xuân chỉ bằng một vài hình ảnh, không nhiều đường nét và rất ít màu sắc mà vẫn làm toát lên cái hồn của cảnh kích thích tưởng tượng của người đọc về vẻ đẹp tươi mới, rạng rỡ mà thuần khiết của thiên nhiên mùa xuân. 

Câu 2:

  • Các danh từ, động từ, tính từ được tác giả sử dụng để miêu tả hội thanh minh:
  • Danh từ: yến anh, chị em, tài tử, giai nhân, ngựa xe, áo quần, thoi vàng, tro tiền ⇒ đa phần là từ ghép, cặp danh từ sóng đôi gợi lên sự đông vui, tấp nập
  • Động từ: sắm sửa, bộ hành, chơi xuân, kéo lên, rắc, bay => miêu tả các hoạt động tất bật, náo nhiệt của ngày hội 
  • Tính từ: gần xa. nô nức, dập dìu, ngổn ngang => tâm trạng háo hức hân hoan  của người đi hội.
  • Cảm nhận về lễ hội: tiết thanh minh vào đầu tháng 3 khí trời mát mẻ, tác giả đã rất tài tình khi tách 2 từ lễ và hội ra làm đôi để gợi tả 2 hoạt động diễn ra cùng 1 lúc: “lễ tảo mộ” và “hội đạp thanh”. Không khí lễ hội tưng bừng nhộn nhịp, rộn rả âm thanh, náo nức tiếng cười, đậm không khí vui tươi hạnh phúc của ngày xuân, của tuổi trẻ. 

Câu 3:

  • Bức tranh thiên nhiên mùa xuân ở 6 câu thơ cuối khác với 4 câu thơ đầu:
  • Thời gian: buổi chiều.
  • Không gian: lúc tan hội vắng vẻ, tĩnh lặng.
  • Phong cảnh: dịu dàng, êm ả, màu sắc nhạt, chuyển động âm thầm. Con người xuất hiện cùng với cảnh vật.
  • Tâm trạng con người: bâng khuâng, xao xuyến, ngập ngừng, lưu luyến. 
  • Nguyễn Du sử dụng các từ láy: tà tà, thanh thanh, nao nao có ý nghĩa:
  • Tà tà: miêu tả chuyển động của mặt trời, đang từ từ ngả bóng về phía tây.
  • Thanh thanh: miêu tả khung cảnh với những đường nét, hình ảnh nhỏ nhắn, xinh xắn, hài hòa, gợi cảm giác dễ chịu. 
  • Nao nao: trạng thái tâm lý kết hợp các sắc thái buồn, lo âu, bồn chồn, tâm trạng hóa dòng nước, thiên nhiên cũng rung động, xao xuyến như tâm hồn con người.

=> đoạn thơ 6 câu nhưng có đến 5 từ láy, từ nào cũng được sử dụng đích đáng, góp phần gia tăng tính tạo hình, tạo nhạc cho câu thơ, khiến bức tranh thiên nhiên hiện lên sinh động với âm thanh, đường nét, chuyển động. Các từ láy có sự tượng ứng về sắc thái biểu đạt, diễn tả trạng thái tương đồng của cảnh vật, gợi tả tâm trạng con người. 

  • Khung cảnh thiên nhiên khi chị em Kiều du xuân trở về nhuốm màu tâm trạng của con người. Nguyễn Du không những vẽ cảnh mà còn vẽ lên được cả tâm cảnh. Không còn cái ồn ào, rộn rã bề bộn âm thanh và đường nét, cảnh được miêu tả bằng những nét thanh, mỏng, nhẹ. Những xao động của lòng người khiến cho cảnh vật thơ mộng cũng man mác sầu giăng. Đó là nỗi vương vấn của ngày vui sắp hết, đó dường như cũng là linh cảm về điều không lành sắp đến. 

Câu 4: Nghệ thuật miêu tả thiên nhiên của Nguyễn Du:

  • Bức tranh thiên nhiên được miêu theo trật tự hợp lý và linh hoạt
  • Thời gian: theo diễn biến của cuộc du xuân. 
  • Không gian theo logic từ rộng đến hẹp, từ cảnh thiên nhiên tới khung cảnh hội hè và kết lại là cảnh con người giữa thiên nhiên
  • Điểm nhìn: điểm nhìn của người đứng ngoài quan sát và điểm nhìn của người trong cuộc. 
  • Bút pháp miêu tả đa dạng, kết hợp tượng trưng, ước lệ và tả thực, gợi tả và đặc tả, chấm phá và miêu tả chi tiết. 
  • Sử dụng ngôn ngữ tinh tế, chính sách và biểu cảm
  • Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình sâu sắc và tinh tế. 

Tin liên quan