SOẠN BÀI: CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

Ngày 31/08/2020 15:07:09, lượt xem: 2128

CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

(Nguyễn Dữ)

Câu 1: Bố cục của truyện: 

  • -  Phần 1 (từ đầu đến “lo liệu như đối với cha mẹ đẻ mình”): cuộc hôn nhân của Trương Sinh và Vũ Nương, tình cảnh xa cách và đức hạnh của Vũ Nương trong gia đình.
  • -  Phần 2 (tiếp đến “nhưng việc trót đã qua rồi”): nỗi oan khuất và cái chết oan nghiệt của Vũ Nương.
  • -  Phần 3 (còn lại): Cuộc gặp gỡ giữa Phan Lang và Vũ Nương trong động Linh Phi. Vũ Nương được giải oan.

Câu 2: Vũ Nương được miêu tả trong những hoàn cảnh khác nhau và qua đó bộc lộ những đức tính tốt đẹp:

  • -  Trước khi kết hôn: Vũ Nương là người con gái tính đã thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp.
  • -  Khi kết hôn với Trương Sinh:
  • -  Trước khi xảy ra chiến tranh: Vũ Nương luôn giữ gìn khuôn phép, không để lúc nào vợ chồng phải đến bất hòa dù Trương Sinh có tính đa nghi, phòng ngừa vợ quá sức.
  • -  Khi xảy ra chiến tranh: Trương Sinh phải đi lính, một mình Vũ Nương nuôi con nhỏ, hiếu thuận với mẹ chồng, chung thủy chờ chồng.
  • -  Sau chiến tranh: Vũ Nương bị nghi oan, dù đã hết lời thanh minh nhưng chồng không chuyển ý, nàng phải tìm đến cái chết bi thảm.
  • -  Sau khi gieo mình xuống sông: Vũ Nương được Linh Phi cứu giúp, Vũ Nương xin quay lại trần gian trong chốc lát rồi vĩnh biệt.

Câu 3: Nguyên nhân dẫn đến nỗi oan khuất của Vũ Nương:

  • -  Nguyên nhân trực tiếp: 
  • -  Do lời nói ngây thơ của bé Đản bởi đêm đêm, Vũ Nương ngồi dưới ngọn đèn khuya trỏ bóng mình trên vách bảo đó là cha Đản, bé Đản ngộ nhận và vô tình mang đến nỗi oan cho người mẹ.
  • -  Do Trương Sinh có tính đa nghi, hay ghen.
  • -  Nguyên nhân gián tiếp:
  • -  Do cách xử sự hồ đồ, thái độ vũ phu của Trương Sinh
  • -  Do cuộc hôn nhân không bình đẳng, Vũ Nương con nhà kẻ khó còn Trương Sinh con nhà hào phú
  • -  Do lễ giáo phong kiến hà khắc, nam quyền, độc đoán, người phụ nữ không có quyền tự bảo vệ mình, chữ trinh là quan trọng hàng đầu
  • -  Do chiến tranh phong kiến đã gây ra cảnh sinh li tử biệt khiến cho Vũ Nương phải chịu nỗi oan tày trời dẫn đến tự vẫn.

=> Thân phận người phụ nữ trong chế độ phong kiến phải chịu nhiều bất công, không thể tự minh oan cho mình, luôn phải chịu đựng, bất lực dưới chế độ nam quyền hà khắc.

Câu 4:

  • -  Cách dẫn dắt những tình tiết trong truyện hợp lí theo cách thắt nút và mở nút câu chuyện. Chi tiết chiếc bóng là đầu mối câu chuyện tạo sự bất ngờ, tăng kịch tính. Tác giả có sự sáng tạo so với cốt truyện cổ tích “Vợ chàng Trương” bằng cách thêm bớt những chi tiết độc đáo.
  • -  Những lời trần thuật và đối thoại sinh động, góp phần xây dựng thành công các nhân vật cùng đặc điểm tính cách và nội tâm sâu kín.

Câu 5: 

  • -  Yếu tố kì ảo trong tác phẩm:
  • -  Phan Lang nằm mộng thấy người con gái áo xanh rồi thả rùa mai xanh.
  • -  Phan Lang lạc vào động rùa của Linh Phi và gặp Vũ Nương.
  • -  Vũ Nương được các nàng tiên rẽ nước cứu mạng đưa về thủy cung.
  • -  Phan Lang được sứ giả xích hỗn đưa về dương thế.
  • -  Vũ Nương trở về lung linh huyền ảo trên bến Hoàng Giang rồi lại biến mất.
  • -  Ý nghĩa của yếu tố kì ảo:
  • -  Làm nên nét đặc trưng của thể loại truyền kì.
  • -  Làm hoàn chỉnh thêm nét đẹp vốn có của Vũ Nương: nặng nghĩa, nặng tình, quan tâm đến chồng con, khao khát được phục hồi danh dự.
  • -  Tạo nên 1 kết thúc phần nào có hậu cho câu chuyện, đồng thời thể hiện ước mơ về lẽ công bằng ở đời của nhân dân ta.
  • -  Là lời tố cáo xã hội phong kiến bất công, vô nhân đạo
  • -  Không làm mất đi tính bi kịch của câu chuyện: Vũ Nương trở về mà vẫn xa cách ở giữa dòng, âm dương vẫn chia lìa, hạnh phúc vĩnh viễn rời xa. Đây là giấc mơ nhưng cũng là lời cảnh tỉnh của tác giả. Nó để lại dư vị ngậm ngùi và bài học thấm thía về hạnh phúc gia đình. 

Tin liên quan