Phân tích tác phẩm "Việt Bắc" - Tố Hữu || Học văn chị Hiên

Ngày 13/09/2020 11:59:06, lượt xem: 5042

[Tác giả nói về tác phẩm] - Bài thơ "Việt Bắc" (Tố Hữu)

🌿Nhà thơ Tố Hữu đã từng tâm sự rằng: “Tôi yêu đất nước và nhân dân tôi, tôi viết về đất nước và nhân dân tôi như viết về người đàn bà tôi yêu”. Đúng vậy, thấm đẫm trong mỗi trang thơ của Tố Hữu là một bản tình ca về quê hương Tổ quốc và

người con đất Việt, là những khúc hát yêu thương thấm đượm về nghĩa tình. Và có một mảnh đất để thương để nhớ trong lòng người cán bộ về xuôi đó là mảnh đất giàu kỉ niệm Việt Bắc.

Để hiểu hơn về tác phẩm cũng như những dụng ý nghệ thuật của tác giả, các em có thể tham khảo bài viết dưới đây:

TỐ HỮU TÂM SỰ VỀ BÀI THƠ “VIỆT BẮC”

Bài thơ của một người sống trong thực tiễn cách mạng, không phải khách du lịch ngắm cảnh. Đó là tâm tình của người cách mạng, không phải tâm tình của cá nhân, là cái tôi cá nhân mà cái tôi cá nhân của tôi hòa vào cái tôi chung của cách mạng, nhân dân. Đất nước thành máu thịt của tôi và ngược lại. Tôi rất thích hai câu thơ của Chế Lan Viên:

“Khi ta ở chỉ là nơi ta ở

Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”

Tôi hoạt động ở Việt Bắc mười mấy năm, sống cùng đồng bào các dân tộc ít người, chia sẻ nhau từng cơn sốt rừng, từng sự thiếu thốn, hiểm nguy. Khi về Hà Nội, tôi cảm thấy đã để lại một phần đời ở Việt Bắc. Đó là lí do tôi viết “Việt Bắc”.

“Mình và ta”, thông thường cũng như trong ca dao, được dùng để chỉ hai người gắn bó với nhau bằng tình cảm tha thiết. Một số bài phê bình, phân tích bài thơ như một chuyến chia li giữa một chàng trai dưới xuôi và một cô gái dân tộc, hay khá hơn, là cái tôi thi sĩ chia tay với cảnh vật núi rừng, con người Việt Bắc. Đó là cách phân tích dựa vào ca dao,

tục ngữ hay của đời sống bình thường. Nhưng bài thơ này có cuộc sống độc lập riêng. "Mình, ta” không phải dùng cho ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai, không phải một từ chỉ chủ thể, một từ chỉ khách thể mà cả hai đều chỉ chủ thể. Tôi nhắc lại :“Mình và ta” ở đây đều chỉ chủ thể. “Nghĩa là mình ấy, ta ấy đều là một phần của đời sống thi sĩ đã trải qua ở Việt Bắc. Cái phần đời này trò chuyện, quyến luyến với phần đời kia. Cho nên cuộc chia tay không phải diễn ra bình thường trong thời gian,

không gian cụ thể mà diễn ra trong máu thịt, trong tâm hồn nhà thơ. Sự chia li bản thân mình là cuộc chia li khó khăn nhất, đắm đuối nhất, tha thiết nhất. Phải hiểu đúng cách dùng hai từ “mình”, “ta” này của tác giả mới hiểu đúng

bài thơ. Có cách hiểu bốn câu:

“Tiếng ai tha thiết bên cồn

Bâng khuâng trong dạ bồn bồn bước đi

Áo chàm đưa buổi phân li

Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”

Hay ở cảm giác tha thiết, bâng khuâng, bồn chồn mà lòng ai cũng có. Ba trạng thái tâm trạng: bâng khuâng hụt hẫng, niềm vui rời bỏ, bồn chồn không yên dạ. Khổ thơ vẽ lên cảnh chia li da diết như phải dứt đi khối tình đau đáu. Nhưng “áo chàm” có phải là hình ảnh hoán dụ để nói đến đồng bào Việt Bắc?

Hiểu như thế quá đơn giản và lệ thuộc. Cách đó không phải là cách để hiểu thơ ca. Tuy đồng bào Việt Bắc mặc áo chàm nhiều và có thể mặc khi đưa tiễn cán bộ nhưng áo chàm ở đây mang ý nghĩa hoàn toàn khác. Màu chàm nâu trong tâm

thức người Việt là màu đơn sơ, chân thực, không kiểu cách, lòe loẹt. Nó biểu hiện sự chân thành, giản dị. Hơn nữa, ở dây cả chủ thể và khách thể đều hòa chung làm một nên:

“Áo chàm là biểu tượng cho tấc lòng chung thủy của mọi người.” Cái tình tha thiết, bâng khuâng bồn chồn thì lời thơ nào tả cho hết được?

Tình cảm càng thắm đượm, càng nồng nàn thì ngôn từ càng bất lực. Những người thân yêu ruột thịt gặp nhau hay xa nhau lâu ngày còn có hành động nào hơn lời nói là nắm tay, là ôm chầm lấy nhau? Cái ngôn ngữ của bàn tay nóng ấm gắn liền với trái tim đầy xúc động, run rẩy hơn mọi lời nói khác, nhất là cuộc chia lí với chính mình này. Cho nên biết nói gì cho thỏa chứ không phải không biết nói gì, không có gì để nói.

Chú ý đến hai câu:

“Mình về rừng núi nhớ ai”

“Mình về có nhớ núi non”

Nỗi nhớ như tiếng gọi trong thung lũng. Có một lời vang lên là có tiếng vọng lại ấm áp hơn, tha thiết hơn. Không cảm thấy cuộc phân li nữa mà chỉ thấy nỗi nhớ lớn lên, bền bỉ và thắt chặt mọi người trong kí ức chung đẹp đẽ. “Hắt hiu lau xám” đối với “đậm đà lòng son” và làm nổi bật nhau hơn. Tấm lòng dân Việt Bắc bền vững như núi rừng Việt Bắc. Câu thơ:

“Mình đi mình có nhớ mình

Tân Trào Hồng Thái, mái đình cây đa”

điệp lại ở đoạn sau khẳng định sự không thể chia cắt của chủ thể. “Ta mình”, “mình ta” phân đôi này chỉ là phân đôi nỗi nhớ, một về Hà Nội, một ở Việt Bắc. Còn sự chung thủy sắt son thì không gì có thể lay chuyển. Có khi là sự tạo điểm nhấn, chẳng hạn câu:

“Nguồn bao nhiêu nước nghĩa tình bấy nhiêu”

Đó là so sánh giữa cái vô tận và cái vô cùng, như tấm lòng người mẹ, tình cha. Đó không phải là lời khẳng định hay chứng tỏ tình cảm vì lòng người này đã sống trong lòng người kia rồi cần gì phải phô bày nữa. Đó là lời buột thốt tự đáy lòng. Có sống cùng đồng bào dân tộc trong những ngày kháng chiến gian lao mới hiểu hết hai câu:

“Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó đắng cay ngọt bùi.”

Có những ngày lũ rừng về xối xả, cuồn cuộn, mưa rừng ào ào, gạo trôi, sắn bị cuốn, địch phục kích sau lưng, những đêm bị cơn sốt rét rừng hành hạ, được các mế, các chị cưu mang, đổ nước lá khế vào miệng cho uống... mới thấm thía tình

người, tình keo sơn gắn bó. Khi anh sống ở đó rồi anh ra đi anh có cảm giác nhớ từng rừng nứa bờ tre, nhớ cả những vật vô tri bình thường. Nỗi nhớ bắt nguồn từ tình người và lan tỏa vào cảnh vật. “Đây” và “đó” cũng chỉ là một địa điểm mà thôi. Hình ảnh “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng” cũng chưa phải là mộc mạc nhất. Hình ảnh “người mẹ nắng cháy lưng địu con lên rẫy bẻ từng bắp ngô” chẳng hạn. Cuộc sống hiện lên như nó vốn có. Nếu ta thờ ơ, bàng quan thì chẳng thấy có gì nên thơ nhưng nếu có một chút lưu luyến gắn bó, lặp tức thấy có ngọn lửa lung linh bền bỉ của sự sống.

“Phách” là một loại cây ở rừng Việt Bắc. Khi mùa thu đến thì lá ngả vàng làm cả rừng vàng rực lên. Câu thơ chỉ tả hình ảnh giản dị như thế chứ không có ý tả tiếng rừng, nhạc rừng gì cả! Còn “ngọn hoa chuối”, nhìn ở đồng bằng thì không

có cảm giác gì, nhưng nhìn ở vùng núi, giữa đám lau lách, cỏ hoa thì lại có giá trị đặc biệt. Nó cho cảm giác bông hoa thật chứ không mong manh, chóng tàn như những loài hoa khác. Không phải là cảnh đẹp, cảnh vật nở bừng hoa mà tác giả

muốn tả cảnh đẹp để làm nổi bật con người trong đó. Con người lao động bình dị và tiếng hát ân tình thủy chung. Cảnh vật và con người hòa quyện, tôn nhau lên. Con người Việt Bắc hiện lên như thế: đâu cũng có cảnh đẹp, đâu cũng có con người ân tình.

Trong chiến tranh du kích, Việt Bắc là căn cứ địa vững vàng. Rừng che giấu bộ đội, cán bộ, khiến giặc có mắt như mù: mặt khác rừng núi là thiên la địa võng mà hễ quân giặc lạc vào là lạc lối, là mắc cạm bẫy, là uổng mạng. “Rừng vây quân thù” Vì sao? Vì rừng núi là quê hương của ta, là sức mạnh của quê hương. Quê hương ân nghĩa chở che những người con đang anh dũng chiến đấu bảo vệ đất đai, núi sông. “Lũy sắt dày, bốn mặt sương mù” không nên hiểu theo nghĩa đen mà là trận

địa lòng dân, cả đất trời núi sông Việt Bắc. Thiên nhiên Việt Bắc cũng góp phần đánh giặc, làm nên chiến thắng.

Khó có thể tả hết khí thế hào hùng của quân và dân ta thuở ấy. Hàng ngàn vạn người ra trận, từng đoàn từng đoàn bộ đội, dân công đi như sóng cuộn, rung chuyển cả núi rừng, đêm đốt đuốc sáng rừng. Cho nên tả thế không có gì cường điệu.

Một loạt điệp từ, từ láy, gợi hình gợi thanh, ấn tượng, khiến người đọc cảm thấy sự hối hả, luân chuyển không ngừng của những đoàn quân ra trận. Nhịp 2/2 như nhịp bước hành quân mạnh mẽ, oai hùng. Anh hùng, kiêu hãnh, đạp bằng mọi gian nguy tiến lên phía trước. Khí phách ấy dồn nén và bật ra thành câu thơ:

“Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”

Sự xuất hiện điệp từ “vui” trong đoạn thơ thể hiện sự cộng hưởng của niềm

vui dạt dào, mạnh mẽ và lâu bền trong giai đoạn 1953 - 1954 lịch sử. Việt Bắc là trái tim cách mạng của cả nước, gắn liền với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những năm Bác sống và làm việc ở Việt BẮc, từ khắp mọi nơi trong cả nước, nhân dân một lòng một dạ hướng về Người. Người là linh hồn của Việt Bắc.

Khổ thơ cuối tổng kết tình cảm người ra đi với Việt Bắc và nhấn mạnh giá trị của quê hương cách mạng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Viết theo thể thơ lục bát uyển chuyển có khả năng lột tả được những tình cảm dịu dàng tha thiết. Nó hoàn toàn tương ứng với nội dung tình cảm của người ra đi. Bài thơ có hai nhân vật trữ tình: “Mình và ta”, nhưng cả “mình và ta” đều là biểu hiện của chủ thể tác giả.

Khi ấy, 1954, tác giả chia tay Việt Bắc như chia tay một phần đời sống của mình: một đời sống gian khổ nhưng vui tươi, ân nghĩa, sâu sắc, da diết, tràn đầy ấn tượng và hạnh phúc.

Chính vì thế mà lưu luyến, hồi nhớ lại tất cả. Việt Bắc đã trở thành quê hương tinh thần của chính tôi (Tố Hữu), của tôi và của mọi người. Cho nên nỗi niềm riêng của tôi trong bài thơ đã thành nỗi niềm, tình cảm chung của cán bộ,

chiến sĩ, của nhân dân. (Nguyễn Quang Thiều (chủ biên): “Tác giả nói về tác phẩm. Hỏi chuyện các tác giả có tác phẩm giảng dạy trong nhà trường.”)

Dù đã hơn 60 năm trôi qua nhưng nơi đây vẫn luôn là mảnh đất chứa đựng những cảm xúc dạt dào, tuôn trào trong lòng độc giả. Đúng như Xuân Diệu từng khẳng định: “Việt Bắc là đỉnh thơ cao nhất mà Tố Hữu đã bước lên”.

------------------

Học văn chị Hiên - Hơn cả một bài văn ❤

Tin liên quan