CHỊ HIÊN ĐÃ HỌC VĂN THẾ NÀO? (PHẦN 1) - NÊN TỰ HÀO, VÌ CHÚNG TA ĐÃ CHỌN HỌC VĂN!

Ngày 25/08/2020 17:04:52, lượt xem: 1409

CHỊ HIÊN ĐÃ HỌC VĂN THẾ NÀO? (PHẦN 1) - NÊN TỰ HÀO, VÌ CHÚNG TA ĐÃ CHỌN HỌC VĂN!

"Chị ơi, chị chỉ cho em cách học Văn với, em thực sự không biết bắt đầu từ đâu?"
"Chị ơi, làm thế nào để em viết Văn hay hơn ạ?"
"Chị ơi, bây giờ chưa cần học Văn vội chị nhỉ?"
"Chị ơi, chị có tài liệu không gửi cho em với ạ?"
Những năm tháng này, tuổi trẻ của tôi gắn liền với những câu hỏi như vậy. Hộp inbox luôn đầy, thông báo thì hôm có hôm không cũng không nhiều quá, đủ để tôi biết bây giờ mình làm gì, nghĩ gì đều ảnh hưởng tới một cơ số bạn nhỏ.

Thỉnh thoảng cũng thấy mất riêng tư. Nhưng không vì vậy mà đánh mất cuộc sống hiện thực của mình, tin vào những điều mình đang làm thì nhất định kết quả sẽ được đền đáp xứng đáng!

Hôm nay, rất muốn được chia sẻ với các bạn nhỏ về việc học Văn nên học như thế nào. Hy vọng bài viết này có thể giúp cho các bạn thay đổi một chút góc nhìn của mình về môn Văn học, về những người thích học Văn. Và nếu có thể, đừng tiếc 1 share cho cô gái nhỏ bé như tôi.

Ai cũng nói và luôn nghĩ, người học Văn có lẽ rất sâu sắc. Tôi thì không nghĩ mình thuộc tuýp người sâu sắc, có thể bởi sự vô tư quá đáng của mình, hoặc là bởi suy nghĩ của tôi thường đơn giản. Nhưng xin khẳng định với các bạn, không phải cứ người sâu sắc mới học được Văn, nhưng để học được môn học này, điều kiện cần trước tiên là cảm xúc.

Nếu buồn, bạn có thể khóc, nếu vui, bạn hãy cười thật xinh, khi lo lắng, khi giận hờn, oán trách,...tất cả những cảm xúc ấy đều dễ dàng bắt gặp trong Văn học. Đôi khi là thật thương cho Chí Phèo, đôi khi là thật tiếc cho chuyện tình Nở - Chí tan vỡ, đôi khi thật giận những con người trong "xã hội chó đểu" mà Vũ Trọng Phụng đã dựng lên, đôi khi lại là vui với niềm vui nhỏ nhoi của ông Hai khi ngôi làng chợ Dầu của mình được thanh minh hay thỉnh thoảng lại thoáng buồn với câu chuyện của chị em Liên và An với đoàn tàu... Tôi đã từng học Văn, với tất cả những cảm xúc chân thành nhất của mình, đã từng viết văn, giảng Văn mà rất muốn khóc, không phải bởi bản thân yếu đuối, mà thỉnh thoảng bắt gặp một chút gì đó của chính bản thân mình, của hiện tại trong đó. Bạn nói xem, cảm xúc là điều bạn rất thừa đúng không? Vậy có thể bắt đầu được rồi!

Tôi có một cuốn sổ nhỏ! Rất miệt mài chép thơ, là bởi những câu thơ hay của từng tác giả tôi hay ghi lại.Đôi khi là 2 dòng, 3 dòng, 4 dòng hay thậm chí cả bài, cứ thích là chép lại, rồi ngày ngày trong những câu chuyện nhỏ lại lẩm bẩm mấy câu thơ cho tới khi thuộc. Người ta vẫn bảo,học Văn là phải học thuộc lòng cả một cuốn sách dày thật dày, cũng đúng chứ. Ta không đủ năng lực sáng tạo, vậy ta dựa vào những cái đã có để phát huy.

Tôi cũng hay viết! Ban đầu chỉ là những bài viết đơn giản. Nghĩ lại ngày xưa khi được cô giáo sửa bài cho từng câu từng chữ, thấy mình lúc đó thật tệ, có bài văn vậy mà cũng không viết nổi sao học giỏi Văn. Bây giờ lại trở thành người may mắn có cơ duyên đồng hành cùng các em, hiểu được ngày xưa cô giáo của mình đã vất vả thế nào. Học Văn mà không chịu tập viết, chẳng khác nào trồng cây mà chẳng thấy quả mọc ở đâu.

Học Văn có cần phương pháp và công thức không? Thật ra điều này rất tốt. Ít nhất chúng ta không để cho bản thân mình đi sai đường vì thực tế chúng ta đã biết cách làm. Phương pháp làm Văn cũng giúp tư duy của chúng ta phát triển khoa học hơn. Văn chương là một môn học bay bổng, sáng tạo nhưng lại vô cùng thực tế, đời thường. Chẳng phải người học Văn là xa rời cuộc sống. Tôi đây, vẫn đang ở đây, sống rất thực tế trong mỗi ngày trôi qua.

Tôi đọc thật ra không nhiều! Không muốn nói là ít. Mà đặc biệt rất ít khi chọn sách ngôn tình, trong tủ sách của tôi bây giờ chỉ có sách Văn học và sách về Truyền thông, kỹ năng,... cảm thấy công nghệ làm cho mình càng ngày càng lười đọc hơn thì phải. Học Văn mà không đọc sách, vốn từ sẽ bằng cách nào để tăng lên đây, Phải chỉnh đốn lại mình mới được.

Muốn học Văn tốt, phải có nguồn tài liệu tốt, tìm được người dẫn đường và người truyền cảm hứng tốt trước khi tìm được một người thầy tốt. Suy cho cùng, dành nhiều yêu thương của mình cho môn học này hơn một chút. Sau này lên Đại học mới thấy giỏi Văn sao mà có lợi thế không biết, học Văn tốt sao mà có nhiều cơ hội thế không biết. Nghĩ thế nào cũng được, chỉ cần điều chỉnh tư duy của mình hứng thú và yêu thương môn học này hơn là được.

Người học Văn thời bây giờ không mơ mộng, không bay bổng. Có thể bởi xã hội hiện đại khiến cho chúng tôi thực tế hơn. Hãy nhớ là thực tế, chứ không phải thực dụng. Nhưng dù có vật đổi sao dời, người học Văn bất cứ năm tháng nào cũng vậy, sống rất cảm xúc, cuồng nhiệt, sẵn sàng làm những thứ người khác không dám làm, bởi vì họ luôn có niềm tin vào những điều tốt đẹp nhất định sẽ tới. Chúng tôi luôn muốn chăm chút cho cuộc sống của mình, muốn được chia sẻ, muốn được quan tâm và hạnh phúc nhờ vào hạnh phúc của người khác.

Người học Văn chúng tôi đôi khi ủy mị, nhưng lại biết cách để mạnh mẽ đúng lúc và gạt bỏ đi những ủy mị thường thấy. Chúng tôi nhiều cảm xúc, nhưng không để cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng tới những người bên cạnh mình. Luôn muốn làm mọi thứ thật nghiêm túc, kể cả chuyện tình yêu.

Bạn này, hãy là một người học Văn thật nghiêm túc và đường hoàng được không, từ bây giờ, để không sợ thi Đại học, để có những lợi thế cho tương lai, để mạnh mẽ và quyết đoán, lạc quan và tích cực hơn! Tôi đã học Văn như vậy và bây giờ có tôi bây giờ như vậy! Còn bạn, bạn định học Văn thế nào?

#HocVanChiHien

Tin liên quan