Đăng Ký Học
Ngày 25/01/2024 11:08:19, lượt xem: 7163
Đề bài: Từ quan niệm của Chế Lan Viên về "chất muối" trong mỗi vần thơ:
Cái kết tinh của một vần thơ và muối bề.
Muối lắng ở ô nề và thơ đọng ở bề sâu.
(Đối thoại mới - Chế Lan Viên)
Anh /chị hãy tìm chất muối trong bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải. (Ngữ văn 9 - tập 2)
BÀI LÀM
Phương Lựu đã từng viết “Nghệ thuật là lĩnh vực của sự độc đáo vì vậy nó đòi hỏi người viết sự sáng tạo phong cách mới lạ, thu hút người đọc". Quả thật, người nghệ sĩ không thể dễ dãi tự cho phép ướm bàn chân mình lên bàn chân của người khác trên con đường nghệ thuật. Trong văn học cũng không thể có những nông trang tập thể. Mỗi nhà văn như người nông phu, họ có cho mình những thửa ruộng riêng về thế giới và con người. Có thể nói, tiêu chuẩn cao nhất để đánh giá một người nghệ sĩ chính là hành trình sáng tạo nghệ thuật của họ. Điều này cũng được chính Chế Lan Viên khẳng định trong “Đối thoại mới”:
“Cái kết tinh của một vần thơ và muối bể
Muối lắng ở ô nề và thơ đọng ở bề sâu”
Ai đã từng lạc vào mùa thu của Tản Đà, ai lặng nhớ thân phận người nông dân bị cái đói cái nghèo đẩy tới bước đường cùng của Nam Cao… có lẽ sẽ vô cùng tâm đắc trước lời chiêm nghiệm của Chế Lan Viên. Qua những câu chữ ngắn gọn ấy, người nghệ sĩ đã nêu lên tầm quan trọng trong quá trình sáng tạo của mỗi nhà văn, nhà thơ. Tác giả dùng hình ảnh muối kết tinh để nói về hành trình sáng tạo nghệ thuật. Để có một hạt muối trắng trẻo, có giá trị phải trải qua biết bao công đoạn nhọc nhằn. Sáng tạo nghệ thuật cũng tương tự như vậy, người nghệ sĩ phải lao động nghiêm tục, không ngừng sáng tạo để có được những bài thơ kết tinh về nội dung và nghệ thuật. Chất thơ cũng chính là kết tinh tài năng, tư tưởng của người nghệ sĩ.
Không thể phủ nhận tài năng của người nghệ sĩ trước hết được thể hiện ở những phẩm chất thiên phú như sự nhạy cảm của tâm hồn, khả năng quan sát và cảm nhận tinh tế, khả năng sử dụng ngôn từ thần tình… Chẳng hạn như nỗi buồn, một cảm xúc bình thường, ai cũng từng có lúc mang nặng nỗi buồn trong tâm trạng, nhưng phải là nghệ sĩ thì mới giãi bày được nỗi buồn ấy qua những câu từ tuyệt diệu “Buồn sao muốn khóc cho ra máu/ Hiện ảnh trong hồn một đám tang” (Bích Khê), “Tay anh em hãy tựa đầu/ Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi” (Huy Cận). Bên cạnh tư chất trời cho, tài năng của nhà văn còn phải được tích lũy, trau dồi qua quá trình tự trải nghiệm, tự học, tự rèn luyện trong hành trình sống của mình. Nhà văn không thể viết được điều gì cho ra hồn nếu không có trải nghiệm, không có vốn sống phong phú, đa dạng. Để trở thành “mặt trời của thi ca Nga", Puskin đã phải trải qua biết bao nhiêu ngày tháng thăng trầm với cuộc đời, bị lưu đày đến biết bao nơi. Cho nên một nhà văn, nhà thơ đích thực phải là người biết mở cửa tâm hồn mình hướng về cuộc sống, phải không ngừng trải nghiệm, chọn lọc những hạt giống giá trị nhất, từ đó mới có thể gửi gắm được trong tác phẩm của mình những tư tưởng, thông điệp quan trọng về nhân sinh. Nghề văn không hề dễ dàng, để sáng tạo nên tác phẩm hay đó là cả một quá trình lao động đầy gian khó và cực nhọc. Trải mình với đời, người nghệ sĩ cần lắng lòng và chiêm nghiệm với những ngang trái trong bốn bể, chắt lọc được những điều quý giá và đẹp đẽ của cuộc đời và con người. Thần Ăngtê chỉ bất khả chiến bại khi chân chạm vào đất. Không một ai địch nổi người trừ khi người bị nhấc ra khỏi mặt đất. Lúc ấy chàng sẽ chết vì không còn nhận được sức mạnh từ Đất Mẹ. Văn học cũng vậy, những tác phẩm sẽ sống nếu được tắm mát và nuôi dưỡng trong mạch sữa tươi mát của cuộc đời. Một nhà văn, nếu cứ đi mãi trên những lối mòn, nếu cứ huyên thuyên mãi những điều người ta đã nói thì sẽ chẳng khác nào “con ốc mượn hồn” hay “con chim nhại giọng”. Cùng gieo mầm trên mảnh đất hiện thực gồm những đề tài quen thuộc thế nhưng mỗi tác phẩm là một loài hoa tỏa rạng ngời hương thơm, sắc màu riêng. Nét độc đáo ấy bắt nguồn từ góc độ khám phá hiện thực, phương tiện nghệ thuật của người nghệ sĩ. Như vậy, qua lời thơ của mình, Chế Lan Viên đã giúp người đọc thấm thía hơn về hành trình lao động, sáng tạo nghệ thuật.
Nói đến thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, chúng ta không thể không nhắc tới nhà thơ Thanh Hải với hành trình sáng tạo nghệ thuật đáng quý. Thanh Hải sáng tác bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” khi ông đang sống những khoảnh khắc cuối đời trên giường bệnh. Trong những khoảnh khắc ấy, ông vẫn có thể sáng tạo những dòng cảm xúc trữ tình trong sáng, một tinh thần lạc quan và một khát vọng hòa nhập, cống hiến đẹp đẽ cho đời. Bài thơ trước hết là sự kết tinh, chắt lọc của tâm hồn thơ Thanh Hải với cách nói nhỏ nhẹ, khiêm nhường nhưng có sức lay động, làm xao xuyến lòng người. Để rồi từ những cảm xúc trong sáng ấy của mình ông đã tạo nên những dư âm trong tâm hồn hàng triệu độc giả mọi thời đại. Mở đầu bài thơ, khi viết về cái đẹp của mùa xuân, nhà thơ không đi trên những lối mòn quen thuộc đã trở nên sáo rỗng với những chim én liệng, hoa mai, hoa đào chúm chím nở hay mưa bụi rơi rơi… Nhà thơ đã chăm chú quan sát, chăm chú lắng nghe để rồi phát hiện, nâng niu, trân trọng những cái đẹp thật đơn sơ, bình dị để đưa vào những vần thơ của mình. Đó dù chỉ là một bông hoa tím biếc mọc giữa dòng sông xanh hay chỉ là âm vang trong trẻo của một tiếng chim chiền chiện nhưng bức tranh mùa xuân mà nhà thơ mang lại vẫn đủ sức làm lay động lòng người. Cái đẹp đó rõ ràng là cái kết tinh từ một tâm hồn dung dị, luôn luôn gắn bó, tha thiết và khát khao hòa nhập với cuộc đời:
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.”
Từ cái đẹp của mùa xuân, đất trời tạo vật đến cái đẹp của mùa xuân cuộc đời cũng mới mẻ và đầy khát khao. Với không khí mùa xuân của thời đại như thế nhà thơ đã cảm thấy trỗi dậy trong lòng mình biết bao thôi thúc, giục giã. Ông chân thành, tha thiết bày tỏ ước nguyện được đóng góp một chút nhỏ bé của mình trước cái chung đang bừng bừng khí thế ấy. Đó là niềm khao khát đẹp đẽ được nhà thơ bộc lộ ra từ tận đáy lòng mình. Ông muốn làm một con chim hót để hòa vào muôn ngàn tiếng chim của cuộc đời, muốn làm một nhành hoa nở để hòa vào cái vườn hoa trăm hồng ngàn tía của đất nước và muốn làm một nốt trầm xao xuyến để góp mình vào trong bản hòa ca rộn ràng của thời đại. Những ước nguyện ấy của Thanh Hải đều hết sức khiêm nhường, bình dị nhưng đều giống những ngọn lửa của niềm say mê cháy sáng đến hết mình. Cái mùa xuân nho nhỏ đáng yêu trong sự sống của Thanh Hải được ông thành tâm dâng hiến cho cuộc đời bằng tất cả sự tin yêu và tự nguyện. Dù đó là lúc tuổi hai mươi trẻ trung tràn đầy nhiệt huyết hay đó là khi tóc bạc tuổi già xế bóng. Trái tim nhỏ bé trong lồng ngực của nhà thơ còn đập thì vẫn còn đó cái khát vọng lớn lao được cống hiến những gì tinh túy nhất của bản thân cho cuộc đời:
“Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hoà ca
Một nốt trầm xao xuyến.”
Từ hình ảnh mùa xuân của đất nước, mùa xuân thời đại với những chồi non tơ, lộc biếc trên vành lá ngụy trang của người ra trận cũng như trên nương mạ của người ra đồng được Thanh Hải nói tới trong bài thơ đã đốt lửa trong lòng chúng ta tình yêu và niềm tin vào con đường đi tươi sáng trong sự nghiệp cách mạng lớn lao của dân tộc. Nó khiến chúng ta càng thêm gắn bó hơn với chính cuộc đời này. Nhưng có lẽ bức thông điệp đáng chú ý nhất trong bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải chính là quan điểm sống cống hiến vô cùng cao đẹp của nhà thơ. Điều này đã tạo nên những tác động hết sức tích cực trong suy nghĩ cũng như trong hành động của chúng ta. Sẽ không quá khi nói rằng những lời thơ mở lòng kia của một nhà thơ trước lúc đi xa đã gợi ra cho chúng ta một cách nhập thế khi đang băn khoăn tìm kiếm lẽ đời.
ĐỌC THÊM: PHÂN TÍCH BÀI THƠ "MÙA XUÂN NHO NHỎ" || BÀI VIẾT HỌC SINH GIỎI
Ông đã tạo nên tác phẩm nghệ thuật bằng một hiện thực rất cảm động của chính cuộc đời mình. Đó là những ngày tháng vật lộn với tử sinh trên giường bệnh nhưng ông đã không hề buông xuôi, bỏ cuộc mà trái lại, ông đã tận dụng chút ít thời gian còn lại của cuộc đời để làm nên khúc ca “Mùa xuân nho nhỏ”. Đó thực sự là một quá trình sáng tạo nghệ thuật đầy ý nghĩa. Bài thơ giản dị như tiếng lòng của Thanh Hải và cũng chính là món quà đẹp đẽ mà ông gửi lại cho đời trước lúc đi xa. Nỗ lực phi thường ấy của nhà thơ càng cho thấy rằng nếu không để cho tâm hồn của mình gắn bó thiết tha với cuộc đời thì làm sao ông có thể làm nên một khúc ca đầy những vẻ đẹp trong sáng tin yêu như thế, trong một hoàn cảnh đặc biệt của mình. Từ mùa xuân nho nhỏ của mình, Thanh Hải đã truyền vào trái tim độc giả một nhiệt huyết thật sự say mê của cuộc sống. Không phải là những bài học luân lí khô cứng mang tính giáo điều sách vở mà nhà thơ mang đến cho chúng ta một tiếng nói của tâm hồn. Chỗ giao nhau giữa tác phẩm với độc giả chính là tri âm, tri kỉ, những đồng điệu của cảm xúc. Chính vì lẽ đó mà nó có sức mạnh hơn bất kì một bài thuyết giảng nào.
Một trong những lí do khiến thơ Thanh Hải có được những nội dung sâu sắc, có giá trị truyền cảm đến với người đọc phải kể đến là nghệ thuật. Thế giới nghệ thuật trong thơ độc đáo tạo nên bằng nhiều yếu tố, nhiều giọng điệu, hình ảnh, ngôn ngữ…, đóng vai trò làm nền tảng chủ yếu để nhận diện phong cách sáng tạo của nhà thơ. Trước hết, đó là thể thơ 5 chữ gần với các điệu dân ca, đặc biệt là dân ca miền Trung, có âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết tạo nên chất giọng riêng cho bài thơ. Không những vậy, đọc thơ Thanh Hải, chúng ta dễ dàng thấy Thanh Hải đã sử dụng một hệ thống từ vựng khá phong phú, đa số là các từ thuần Việt kết hợp một cách nhuần nhuyễn với các động từ, tính từ chỉ tình thái. Bên cạnh đó, các biện pháp nghệ thuật cũng được Thanh Hải sử dụng cũng độc đáo và sáng tạo với một loạt các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, liệt kê… Hình ảnh thơ phong phú, nhưng giản dị, gần gũi, vừa cụ thể vừa mang tính biểu tượng. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Huế yêu thương với bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, Thanh Hải đã sớm được học hỏi, tiếp thu những giá trị văn hóa quý báu. Một trong những nét văn hóa mà ông được tiếp xúc một cách trực tiếp, gần gũi nhất đó là ngôn ngữ thơ mang đậm màu sắc địa phương của quê hương ông. Bên cạnh đó, với “Mùa xuân nho nhỏ", ông đã sử dụng đa dạng giọng điệu, nhiều cung bậc, phù hợp với tâm trạng, vui, say sưa ở những khổ đầu, trầm lắng, trang nghiêm mà tha thiết ở những đoạn bộc bạch tâm niệm, sôi nổi, nhiệt tình ở những khổ cuối. Có thể khẳng định, nhà thơ Thanh Hải đã rất linh hoạt, sáng tạo khi kế thừa và kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn chương truyền thống và hiện đại để làm phong phú thêm bản lĩnh, cốt cách của riêng mình.
Hành trình sáng tạo là yếu tố then chốt quyết định sự sống còn của nhà văn trong quy luật phát triển chung của văn học. Không có sáng tạo, văn học sẽ lâm nguy và sa vào cạm bẫy mang tên "thoái trào". Tuy nhiên, Mác-xen Pruxt từng chiêm nghiệm: "Một cuộc thám hiểm thực sự không phải ở chỗ cần một vùng đất mới mà cần một đôi mắt mới". Vì thế, các nhà văn, nhà thơ không cần tự buộc mình trong giới hạn chật hẹp là đề tài mới. Đôi khi, việc khám phá, tìm kiếm ra bề sâu, bề xa, bề rộng của cuộc đời bằng con mắt mới lạ ngay trong đề tài mà người ta coi là cũ rích cũng tạo nên sự khác biệt giữa nhà văn này với nhà văn khác. Suy cho cùng, cách cảm nhận của nhà văn về thế giới là quan trọng hơn cả. Đôi mắt trông thấu sáu cõi cần được khai phá và phát huy. Có như vậy, văn học mới sáng tạo theo cách riêng của nó.
Hành trình sáng tạo nghệ thuật không bao giờ là cuộc hành trình dễ dàng. Nhưng khi làm được điều đó, người nghệ sĩ sẽ tạo nên một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Để thơ trở thành thơ, để nghệ thuật trở thành nghệ thuật, người làm thơ phải luôn ý thức sáng tạo cái độc đáo như Nam Cao đã chia sẻ “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những ai biết đào sâu, tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”.
Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:
- Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học kĩ năng - Lớp 9
Tin liên quan