CÔNG THỨC VIẾT CÂU CHỦ ĐỀ PHẦN MỞ BÀI, MỞ ĐOẠN CHO BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

Ngày 19/01/2024 17:19:52, lượt xem: 16217

Câu chủ đề ở phần mở bài, mở đoạn yêu cầu các bạn không chỉ đáp ứng đầy đủ nội dung vấn đề cần nghị luận, mà còn phải hay và đặc sắc. Dưới đây là gợi ý của Học Văn Chị Hiên về công thức viết câu chủ đề hay và chính xác.

 

 

1. Cách 1 
Trong / Qua + dẫn chứng A, tác giả B đã khắc họa / thể hiện thành công + vấn đề  C. 
VD: Qua hai khổ thơ đầu trong thi phẩm “Đoàn thuyền đánh cá”, nhà thơ Huy Cận  đã khắc họa thành công khung cảnh đoàn thuyền ra khơi lúc hoàng hôn.


2. Cách 2 
Thật sâu sắc / xúc động / ấn tượng, vấn đề C đã được tác giả B khắc họa trong +  dẫn chứng A. 
VD: Thật giản dị mà sâu sắc, diễn biến tâm lí của nhân vật ông Hai đã được nhà  văn Kim Lân khắc họa trong đoạn trích khi ông về đến nhà (trích truyện ngắn  “Làng”).


3. Cách 3 
Trên bầu trời văn học Việt Nam hiện đại / trung đại, người ta vẫn luôn nhắc nhớ  mãi về những vần thơ / trang văn lấp lánh chiều sâu cảm xúc / giá trị tư tưởng  của tác giả B khi diễn tả vấn đề C trong dẫn chứng A. 
VD: Trên bầu trời văn học Việt Nam hiện đại, người ta vẫn luôn nhắc nhớ mãi về  những vần thơ lấp lánh chiều sâu cảm xúc của tác giả Bằng Việt khi diễn tả hình  ảnh người bà trong khổ thơ thứ sáu của bài thơ “Bếp lửa”.

 

ĐỌC THÊM: MỞ BÀI NÂNG CAO CÁC TÁC PHẨM LỚP 9 - HỌC KÌ 2


4. Cách 4
Trong tác phẩm A - nhận định ngắn / đặc điểm tiêu biểu của tác phẩm - tác giả B  đã thể hiện thật sâu sắc vấn đề C qua dẫn chứng… 
VD: Trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” - trang thơ bất diệt băng qua lửa đạn  Trường Sơn thời chống Mĩ - tác giả Phạm Tiến Duật đã thể hiện thật oai hùng và  rất đỗi trẻ trung về người lính lái xe qua ba khổ thơ cuối.


5. Cách 5  
“Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật” và mật ngọt đời thơ + tên  tác giả + kết đọng đủ đầy trong những dòng thơ viết về vấn đề C + trích dẫn chứng.
VD: “Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật” và mật ngọt đời thơ Hữu  Thỉnh đã kết đọng đủ đầy trong những dòng thơ viết về thiên nhiên mùa thu cùng  bao suy ngẫm sâu xa về đời người: “Vẫn còn bao nhiêu nắng / đã vơi dần cơn mưa  / Sấm cũng bớt bất ngờ / Trên hàng cây đứng tuổi” (trích “Sang thu”).


6. Cách 6  
“Nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại” và trong tác phẩm A mang đậm  hơi thở thời đại mà nó ra đời, nhà văn B đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình  qua việc khắc họa vấn đề C + trích dẫn chứng. 
VD: “Nhà văn là người thư kí trung thành của thời đại” và trong tác phẩm “Những  ngôi sao xa xôi” mang đậm hơi thở thời đại mà nó ra đời, nhà văn Lê Minh Khuê đã  hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình qua việc khắc họa tinh thần dũng cảm, can  trường của Phương Định giữa lúc phá bom đầy cam go, căng thẳng: “Tôi, một quả  bom trên đồi …. lao và rít vô hình trên đầu”.

 

Đăng ký khóa học và đọc thêm nhiều bài viết hấp dẫn khác của Học Văn Chị Hiên tại đây:

Fanpage Học Văn Chị Hiên
- Fanpage Học Văn Chị Hiên - THCS Lớp 6,7,8,9
- Khóa học kĩ năng - Lớp 9

Tin liên quan